Chúng ta

'Cuộc đua số cho tôi cơ hội khám phá nhiều điều mới'

Thứ bảy, 18/5/2019 | 08:41 GMT+7

Tham gia Cuộc đua số 2 lần, thí sinh Dương Minh Công (Đội Dateh IT) nhận được nhiều nhất là bạn bè mới, kiến thức mới không được dạy ở trường lớp, cũng như cơ hội khám phá những vùng đất mới.

Kết thúc Bán kết Cuộc đua số khu vực miền Trung và Nam, trong khi các đội khác sửa soạn ra về, Dương Minh Công cùng các đồng đội Dateh IT cần mẫn ngồi gỡ bộ sa hình của Ban tổ chức đã xin về để luyện tập cho vòng Chung kết, hì hụi viết số vào từng mảnh ghép màu trắng đánh dấu làn đường xe chạy để về ghép lại.

Công kể, lâu nay đội toàn xé giấy vệ sinh để làm làn đường, dùng vải để làm thảm, khi gió thổi thì bị bay, nên khá khó khăn cho việc tập luyện. Nhưng Công vẫn cười. Em hồ hởi kể trước khi đi thi bán kết, em nhận được nhiều lời chúc từ các cô chú, cũng như các bạn đồng hương, đặc biệt là từ mẹ, nên rất vui.

Dương Minh Công là ‘thủ lĩnh’ của đội thi lấy tên quê hương chinh phục Cuộc đua số- những người con của huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Hai năm trước, lần đầu tiên Dương Minh Công tham gia Cuộc đua số sau khi được anh trai giới thiệu về chương trình. Chưa từng tham gia cuộc thi lập trình nào trước đó, Công đăng ký tham gia với tâm lý “thi thử cho vui”. Học một chuyên ngành không liên quan nhiều đến kiến thức để tham gia thi - công nghệ phần mềm, Công phải tự trang bị kiến thức về xe tự hành qua mạng, các anh chị đi trước, thầy cô và bạn bè.

Không đặt ra mục tiêu lớn, ấy thế mà đội Fast and Furious của cậu nhất vòng loại, và cứ thế đi tới tận vòng Bán kết mùa thi 2017-2018. Công chia sẻ, mùa thi trước với em là những trải nghiệm thú vị, dù bao tiếc nuối khi ra về ở vị trí thứ 5 (chỉ lấy 4 đội vào Chung kết) với những trục trặc về dây nguồn pin xe và việc nâng camera.

Mùa giải năm nay, Công quay lại cuộc thi với một mục tiêu rõ ràng hơn: đi xa hơn năm trước. Sau khi tư vấn, rủ rê các em cùng huyện Đạ Tẻh lên cùng học Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM - một trong những trường đại học mạnh nhất về công nghệ, Công lôi kéo luôn các em đi thi Cuộc đua số. Bởi thế, tên đội mới được đặt theo tên quê hương: “Dateh IT”.

56910212-2283474691919642-1096-1158-7979

Dương Minh Công (thứ 2 phải qua) cùng các em đồng hương - đồng đội tại Bán kết Cuộc đua số 2018-2019.

Những chàng trai mới năm nhất, năm hai, không ngại đặt luôn mục tiêu tiến vào vào vòng cuối cùng người anh cả. Các thành viên mới trong nhóm chưa có kinh nghiệm, ngay khi bắt đầu phải học lại từ đầu như Công của năm trước. Công bảo không ngại chọn các em nhỏ hơn do muốn thúc đẩy niềm đam mê ngành công nghệ thông tin cho các em đồng hương, tạo cơ hội cho các em trải nghiệm môi trường thi đấu khốc liệt.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, Dateh IT là một trong 2 đội thi giành điểm cao nhất Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM tại vòng thi Cuộc đua số vòng trường, và để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với Ban giám khảo. Anh Đỗ Trung Chánh - Chuyên gia Trí tuệ nhân tạo FPT Software, đánh giá dù các kiến thức được đánh giá là rất khó so với các bạn năm nhất đến năm 3, đội thi đã trả lời rất tốt những câu hỏi Ban giám khảo đưa ra.

Đến với vòng gần cuối, rút kinh nghiệm từ mùa thi trước, Công cùng đồng đội gia cố xe cẩn thận, dán cứng camera để khỏi bị rung lắc khi chạy. Mục tiêu ban đầu đạt được khi đội vượt qua Bán kết. Điều Công và đội nuối tiếc nhất là trong 2 đội cùng trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, chỉ có một đội vào Chung kết. Dù mới gặp sau khi vòng thi vòng loại kết thúc, 2 đội rất thân nhau, thường xuyên sửa lỗi giúp nhau, chia sẻ kinh nghiêm cùng nhau tốt hơn.

Đội thi được các thầy cô Đại học KHTN - ĐHQG TP HCM ưu ái giao cho phòng lab để nghiên cứu, luyện tập cho vòng thi quan trọng sắp tới. Hôm nào không có lớp, các em tập ở phòng cả ngày. Còn không thì tranh thủ buổi tối, có khi qua đêm ngay ở phòng tập. Giảng viên hướng dẫn Cao Xuân Nam (khoa Công nghệ thông tin) luôn hỗ trợ tối đa cho đội, “bất cứ lúc nào có câu hỏi chỉ cần gọi, thầy sẽ bắt máy”. Ngoài ra, các vấn đề về kinh phí, vật chất, thầy và nhà trường cũng hỗ trợ đội hết mình.

Hiện ngoài việc chuẩn bị cho Chung kết Cuộc đua số, Công còn đang phải làm đồ án tốt nghiệp, ở một chuyên ngành không liên quan tới kiến thức dùng trong Cuộc đua số: công nghệ phần mềm web. Ba mẹ cũng thỉnh thoảng nhắc nhở cố gắng dành thời gian cho bài vở trên lớp và đồ án quan trọng. Biết có thể xin phép các thầy cô “chiếu cố” về bài tập hay kiểm tra ở trường như đội thi trường bạn, Công và đồng đội vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo tốt lịch học thi ở trường vừa chuẩn bị cho Cuộc đua số.

Qua Cuộc đua số, điều Công nhận được nhiều nhất là quen biết thêm nhiều bạn bè mới, và học hỏi được nhiều kiến thức mới, đặc biệt là về học sâu (deep learning) và công nghệ AI mới để khai thác tối đa xe.

Chỉ còn một tuần nữa, Công cùng các anh em đồng hương học cùng trường sẽ ra thủ đô, bước vào vòng thi quan trọng nhất của Cuộc đua số diễn ra ngày 25/5, đối đầu với 7 đội thi trong nước và 2 đội thi quốc tế khác. “Đề thi vòng Chung kết khá khó. Việc cần nhất lúc này với em là tập trung để phát triển xong thuật toán, đảm bảo độ ổn định của xe, do xe đang vẫn còn vài lỗi cài đặt”. Ban đầu, đội khá lo lắng khi không chỉ đối đầu với các đội bạn trong nước mà còn 2 đội thi đến từ Nga và Anh. Tuy nhiên, khi được các anh chị FPT trấn an, cổ vũ, các em đã bớt đi phần nhiều lo lắng và sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.

56821298-2076782299023817-8950-3970-5299

Những chàng trai từ năm nhất đến năm cuối không ngừng nỗ lực tìm tòi kiến thức để chinh phục Cuộc đua số.

Với Dương Minh Công, phần thưởng hấp dẫn nhất của giải vô địch với Công là chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong vòng một tuần. “Ra Hà Nội dự Chung kết với bọn em đều là lần đầu tiên đi máy bay. Em rất mong có thể được đi nước này nước khác để khám phá những điều mới mẻ bên ngoài đất nước”.

10 đội tuyển thi đấu trong đêm Chung kết gồm 8 đội mạnh nhất trong nước gồm: UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN); MTA_R4F (Học viện Kỹ thuật Quân sự), Fast and Fiery và PTIT Word.Exe (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), SQ26 (Đại học Thông tin liên lạc), CDS-NTU2 (Đại học Nha Trang), Dateh IT (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM) và LHU The Walkers (Đại học Lạc Hồng). Đặc biệt 2 đội khách mời đến từ Anh và Nga là một điểm mới trong cuộc thi năm nay.

So với vòng Bán kết, đề thi vòng cuối cùng có thêm nhiều thử thách như leo dốc, bang qua đường hầm với các khúc cua lớn hơn, nhiều chướng ngại vật hơn. Đội vô địch Cuộc đua số 2018 – 2019 sẽ được nhận phần thưởng có giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có một tuần trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản, 15 triệu đồng tiền mặt và một suất học bổng Tiến sĩ về ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc.

Vòng đấu cuối cùng của cuộc thi lập trình xe tự hành - Cuộc đua số 2018-2019 sẽ diễn ra lúc 20h30 ngày 25/5 tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin & Thể thao Tây Hồ (99 Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ngoài tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia VTV2, vòng đấu cuối cùng của cuộc thi lập trình xe tự hành - Cuộc đua số 2018-2019 còn được livestream trên Fanpage Cuộc đua số.

Cuộc đua số là cuộc thi thường niên về lập trình xe tự hành dành cho các bạn sinh viên yêu công nghệ do Tập đoàn FPT và VTV đồng tổ chức. Cuộc đua số mùa 2018-2019 được chính thức khởi động ngày 11/10/2018. Để đáp ứng các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc. Điều này khiến chiếc xe đua có thể đạt tốc độ tối đa cao hơn nhưng cũng đặt ra các bài toán phức tạp hơn để điều khiển xe hoạt động chính xác. Bảng mạch chủ được nâng cấp chuyên để xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo, camera có khả năng chuyển động và góc nhìn mở rộng…

>> Đội thi lấy tên quê hương chinh phục Cuộc đua số

Hà An

Ý kiến

()