Chúng ta

Lộ diện 4 đội miền Trung và phía Nam tranh tài Chung kết Cuộc đua số

Thứ hai, 8/4/2019 | 12:34 GMT+7

Trải qua 2 lượt thi đấu của vòng Bán kết, 4 đội thi SQ26 (ĐH Thông tin liên lạc), CDSNTU2 (ĐH Nha Trang), Dateh IT (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM) và LHU The Walkers (ĐH Lạc Hồng) đã ghi tên vào Chung kết Cuộc đua số 2018-2019.

DSC9995.jpg

Chiều 7/4, vòng Bán kết Cuộc đua số phía Nam đã diễn ra tại nhà thi đấu Đại học Bách khoa, làng Đại học ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là năm thứ 3 ĐH Bách khoa tổ chức Bán kết Cuộc đua số.

Vòng này quy tụ 8 đội tuyển mạnh nhất khu vực gồm KOR, PPL Lover (đến từ ĐH Bách khoa TP HCM); LHU Speed, LHU The Walkers (ĐH Lạc Hồng); HCMUS Team 09, Dateh IT (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM); SQ26 (ĐH Thông tin liên lạc, Nha Trang) và CDSNTU2 (ĐH Nha Trang).

DSC-7138-FB-5281-1554701154.jpg

Phát biểu khai mạc chương trình, anh Nguyễn Tuấn Hùng, GĐ điều hành FPT HCM, chia sẻ, 3 năm trước, FPT đề ra chủ đề xe tự hành mong muốn tạo sân chơi để sinh viên Việt Mam trải nghiệm công nghệ mới nhất, góp phần cùng các trường đại học xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giải những bài toán thách thức nhất trong thế giới công nghệ hiện đại.

Ban đầu, Ban tổ chức cũng tự hỏi liệu các bài toán đặt ra có quá khó không với các bạn sinh viên. Tuy nhiên, 3 mùa thi vừa qua đã cho thấy sinh viên có khả năng vượt qua các thách thức này, anh Hùng cho biết. Ảnh: Anh Dũng.

DSC0062.jpg

Tại vòng bán kết, các đội phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để lập trình xử lý thuật toán nhận dạng đường đi, giúp xe có thể di chuyển với tốc độ cao nhất sao cho biên, đường đi của xe có thể được xác định ngay cả trong trường hợp có nhiễu và địa hình đường đi phức tạp (đường có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt, vạch cỏ, vỉa hè…). Xe cũng cần khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, nhận dạng được và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo (có thể rẽ trái và rẽ phải, thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy của xe); xử lý được các tín hiệu nhiễu như bóng cây. Tất cả các xe thi đấu đều gắn sensor cảm biến và camera ghi lại hành trình.

DSC0008-Copy.jpg

Trước khi bước vào vòng thi, các đội đã được cấp xe đua mô hình, bản vẽ sa hình thi đấu và bộ thư viện. Theo tiết lộ của Ban tổ chức, mỗi chiếc xe mô hình này có giá trị tương đương một chiếc xe Vespa (khoảng 70-80 triệu đồng). Xe đua mô hình được cung cấp có tỉ lệ 1/7 (tăng kích thước so với 1/10 của cuộc thi năm ngoái), một camera Astra Orbbec, một board Jetson TX2, một module I2C, một cảm biến khoảng cách, một board mở rộng, một cảm biến 9 trục. MPU9250 (Các thiết bị có thể thay đổi nhưng vẫn đảm bảo chức năng vận hành cho xe và đồng bộ giữa các xe).

Bộ Thư viện gồm các thuật toán cơ bản được xây dựng trên nền tảng ROS (mã nguồn thuật toán đọc dữ liệu từ cảm biến siêu âm; tính tốc độ động cơ; điều khiển động cơ PID cơ bản cho vòng tốc độ và vị trí, hiển thị màn hình LCD); một chương trình mã nguồn mở cho phép xe chạy được trên đường cong (địa hình đơn giản) và tránh được vật cản (thuật toán phát hiện biên của ảnh, từ đó làm cơ sở để xác định đường di chuyển của xe); và các chương trình mở về nhận dạng biển báo giao thông.

DSC0010-Copy.jpg

Theo anh Trịnh Văn Trọng, Chuyên gia công nghệ, Phó Giám đốc FPT Global Automotive (FGA, thuộc FPT Software), bình luận viên của vòng thi, khâu nhận diện biển báo là khó nhất với các đội thi do biển báo được đặt khá gần vạch xuất phát, lúc này xe còn gia tốc cao và khó nhận ra và rẽ theo biển báo. Ngoài ra, nhiều xe cũng gặp khó khăn khi tránh vật cản hay đi xe giữa hàng cây. 

DSC0065.jpg

Tại cuộc thi, khán giả đã được chiêm ngưỡng thành tựu xe tự hành, dù chỉ là mô hình, của các bạn trẻ có tài năng và niềm đam mê với công nghệ. Xe tự hành là vấn đề các hãng công nghệ lớn, xe hơi truyền thống đang nghiên cứu và tìm lời giải hằng ngày. Tiếp nối thành công của hai mùa giải đầu tiên, Cuộc đua số 2018-2019 giữ nguyên tinh thần chung và bổ sung nhiều điểm thay đổi nổi bật nhằm khuyến khích sinh viên công nghệ tham dự. 

DSC-7124-FB-4820-1554701154.jpg

Khác với vòng loại trường, các thí sinh cần quan tâm nhiều đến phần cứng của xe, thay vì chỉ chú trọng vào lập trình như vòng loại trường. Ảnh: Anh Dũng.

DSC0016-Copy.jpg

Khán giả hồi hộp theo dõi các lượt thi đấu trên sân. Trong khi Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Hồng Lạc có đội cổ vũ hùng hậu và náo nhiệt, sinh viên trường Thông tin liên lạc (Nha Trang), trong trang phục áo lính, âm thầm theo dõi trận đấu và cổ vũ cho đội nhà. Đội SQ26 bật mí, môi trường quy củ theo phong cách quân đội khiến sinh viên trường có tính cách điềm tĩnh đặc biệt.

DSC0056.jpg

Trong lượt chạy, nếu xe không tuân theo chỉ dẫn của biển báo giao thông, lượt chạy đó không được tính, đội thi phải đưa xe quay về vạch xuất phát. Kết quả được tính theo thời gian ngắn nhất hoàn thành một vòng đua hoàn chỉnh. Một vòng hoàn chỉnh được tính từ điểm xuất phát, đi qua các mốc địa điểm do Ban tổ chức đặt sẵn, quay về điểm ban đầu. Nếu đội thi không hoàn thành được trọn vẹn một vòng đua, kết quả được tính theo quãng đường xa nhất đội đó đi được (tính đến mốc đã định sẵn xa nhất mà xe đã vượt qua).

DSC-7127-FB-6281-1554701154.jpg

Tổ trọng tài là những người luôn theo sát các đội tuyển, đưa ra các quyết định sáng suốt trong trận bán kết. Anh Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT Tập đoàn FPT, là trưởng ban trọng tài. Anh đánh giá rất cao tinh thần của các đội thi, trong đó có các đội mới như Trường Thông tin liên lạc. Theo anh, kết quả thi đã phản ánh đúng thời gian, công sức các đội đã bỏ ra. Hi vọng ở vòng cuối, các đội sẽ đầu tư thời gian nhiều hơn nữa cho chiếc xe. Ảnh: Anh Dũng.

DSC-7148-FB-1538-1554701154.jpg

Thử thách năm nay được đánh giá là khó hơn. Tuy nhiên, các đội đã tiếp cận đề thi khá nhanh. Nhiều đội đã ứng dụng deep learning (học sâu), machine learning (máy học), AI (Trí tuệ nhân tạo)... và đạt kết quả ấn tượng. Các phần thi đấu đã cho thấy tinh thần nhiệt huyết và ham học hỏi của tuổi trẻ. Ảnh: Anh Dũng.

DSC-7207-FB-3625-1554701154.jpg

Ca sĩ Trúc Nhân góp vui cùng các bạn sinh viên với 3 ca khúc nổi tiếng "Thật bất ngờ", "4 chữ lắm" và "Ngồi hát đỡ buồn". Anh cho biết mình đã rất bất ngờ khi nhìn thấy sa hình và các mô hình xe xuất hiện tại chương trình. Ảnh: Anh Dũng.

DSC0088.jpg

Với thành tích chung cuộc 43,3m trong thời gian 41 giây, đội CDSNTU2 (Đại học Nha Trang) là thành viên tiếp theo góp mặt vào Chung kết Cuộc đua số 2018-2019. Sau khi cuộc thi kết thúc, 4 chàng trai trở về Nha Trang ngay sáng hôm sau để tiếp tục việc học tập ở trường.

DSC9972.jpg

Đội SQ26 đến từ ĐH Thông tin liên lạc (Nha Trang) có kết quả chung cuộc là quãng đường 62,5m trong thời gian 35 giây. Với thành tích cao nhất này, SQ26 là đội đầu tiên được xướng tên tiến vào vòng Chung kết dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Đây là đội được đánh giá là có sự chỉn chu trong tập luyện. Các thành viên chia sẻ, dù chưa từng học giờ lập trình nào, đội quyết định tham gia cuộc thi nhờ vào hoạt động tìm hiểu nghiên cứu khoa học sôi nổi ở trường và sự tạo điều kiện của các giảng viên. Đến với Cuộc đua số, đội xác định mục đích giao lưu, học hỏi và không đặt nhiều kỳ vọng. Theo bạn Nguyễn Ngọc Phương (ngoài cùng bên phải), điểm mạnh của SQ26 là tốc độ và sự ổn định. Để chuẩn bị cho vòng Chung kết, đội sẽ tìm hiểu thêm các thuật toán để xe chạy ổn định hơn nữa.


DSC0097.jpg

Dateh IT - các bạn sinh viên cùng đến từ Đạ Tẻh, Lâm Đồng - cũng xuất sắc vượt qua các đối thủ để có mặt tại vòng Chung kết. Dương Minh Công (thứ 2, từ trái qua) đã thực hiện được nguyện vọng tiến sâu hơn so với năm ngoái, khi em cũng góp mặt ở vòng Bán kết cùng các đồng đội khác của team Fast and Furious.

DSC9941.jpg

LHU The Walkers cũng sẽ góp mặt cùng 3 đội còn lại tranh tài với các thí sinh miền Bắc và nước ngoài ở vòng Chung kết. "Cả đội đã xác định tinh thần... chuẩn bị khổ tiếp. Tuy nhiên, chúng em không hề hối hận khi tham gia cuộc thi. Trước mắt sẽ cho phép mình nghỉ ngơi 1-2 ngày và sau đó quyết tâm chuẩn bị cho vòng Chung kết". Đội The Walkers cho biết chưa hài lòng lắm về kết quả thi đấu hôm nay nên sẽ nỗ lực rút kinh nghiệm cho những trận đấu cuối, đặc biệt là tinh chỉnh phần cứng của xe.

DSC0076-1554684813-5852-1554701155.jpg

4 đội thi chiến thắng nhận hoa và giấy chứng nhận từ GĐ điều hành FPT HCM Nguyễn Tuấn Hùng và GĐ Công nghệ FPT - Trưởng ban tổ chức cuộc thi - anh Lê Hồng Việt. 

Vòng bán kết miền Bắc sẽ diễn ra vào 19h ngày 11/4 tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 đường Trần Quý Kiên, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đội Vô địch của cuộc thi năm nay sẽ được nhận phần thưởng có giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong vòng một tuần, 15 triệu đồng tiền mặt và một suất học bổng Tiến sĩ về ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất.

Ngoài ra, các đội thi còn có cơ hội nhận được nhiều giải thưởng hấp dẫn khác: 1 giải Nhì trị giá 15 triệu đồng tiền mặt; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng tiền mặt. Trường có đội đạt giải Nhất sẽ nhận được 50 triệu đồng; giáo viên hướng dẫn cho đội đạt giải Nhất sẽ nhận được một laptop trị giá 20 triệu đồng. Top 4 đội thi lọt vào chung kết chương trình được nhận thực tập vào đào tạo với mức lương tối thiểu 5 triệu VNĐ/tháng tại Ban công nghệ Tập đoàn FPT trong thời gian tối thiểu 3 tháng.

>> ĐH Thông tin liên lạc thống trị Cuộc đua số khu vực miền Trung

An

Ý kiến

()