Chúng ta

Bật mí bí quyết dẫn đầu bán kết Cuộc đua số phía Bắc

Thứ ba, 16/4/2019 | 15:38 GMT+7

Chỉ tinh chỉnh nhỏ về camera, đội UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) đã bất ngờ vượt các đối thủ sừng sỏ để về nhất vòng bán kết.

Ngày 11/4, tại bán kết Cuộc đua số miền Bắc, trận đấu được mong đợi nhất diễn ra giữa 2 đối thủ đầy duyên nợ UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) và MTA_R4F (Học viện Kỹ thuật Quân sự). Năm ngoái, trong trận đấu Chung kết mùa giải 2017-2018, các chàng trai đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự đã thiếu một chút may mắn để tuột mất chức vô địch vào tay đội tuyển của Đại học Quốc gia Hà Nội.

CHT-2018-1555041372-5679-1555403728.jpg

Xe đội UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) vượt đối thủ MTA_R4F (Học viện kỹ thuật quân sự). Ảnh: Nguyễn Thắng

Sau một năm, thật tình cờ, hai đại diện ĐH Công nghệ và Học viện Kỹ thuật Quân sự lại so tài trong lượt chạy thứ 3. Không nằm ngoài dự đoán, khi tín hiệu bắt đầu được bật, xe của MTA_F4F chạy băng băng trên đường đua với những khúc cua mượt mà. Trong khi đó, xe của UET Fastest khởi động chậm hơn với 3 lần xuất phát lại.

Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh lại các thông số, xe đua của nhà đương kim vô địch khiến khán giả phải ồ lên với tốc độ "kinh hoàng". Chiếc xe tự hành lao đi như một xe đua thực thụ. Bình luật viên Mạnh Quân nhận xét mọi người sẽ thấy chóng mặt nếu theo dõi phần trình diễn của chiếc xe qua camera hành trình.

Những thử thách khó nhất của bài thi được cả hai đội vượt qua một cách dễ dàng. Bằng tốc độ vượt trội của mình, đội UET Fastest đã vươn lên dẫn đầu với thành tích đi hết một vòng đua trong 21 giây. Xếp ngay sau là kỳ phùng địch thủ MTA_R4F với 5 giây kém hơn.

Với chiến thuật chỉnh góc quay của camera để nhìn làn đường rõ hơn, đội UET Fastest đã dẫn đầu về tốc độ xe chạy trong top 4 đội xuất sắc khu vực miền Bắc. Chia sẻ sau vòng đấu, Nguyễn Văn Tùng, thành viên của Đội UET Fastest, cho biết: “Khó khăn lớn nhất của vòng thi bán kết lần này chính là làn đường rộng hơn nhưng góc nhìn của camera không thay đổi và hàng cây che mất làn đường. Đội UET Fastest đã ứng biên chiến thuật hay là chỉnh góc quay của camera”.

Sau 2 vòng bán kết Cuộc đua số ở cả 2 miền, 16 đội thi đến từ 10 trường đại học trên cả nước, Cuộc đua số 2018 - 2019 với chủ đề “Lập trình xe tự hành” đã chính thức gọi tên 8 đại diện xuất sắc lọt vào chung kết sẽ diễn ra tháng 5.

8 đội xuất sắc nhất gồm UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN); MTA_R4F (Học viện Kỹ thuật Quân sự), Fast and Fiery và PTIT Word.Exe (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), SQ26 (Đại học Thông tin liên lạc), CDS-NTU2 (Đại học Nha Trang), Dateh IT (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM) và LHU The Walkers (Đại học Lạc Hồng).

Ban tổ chức cũng đã công bố thách thức công nghệ dành cho các đội lọt vào vòng chung kết. Theo đó, các đội thi sẽ phải lập trình để xe có thể di chuyển trên cung đường không được biết trước, với tốc độ cao nhất trong điều kiện ánh sáng thay đổi; phải di chuyển qua hầm, khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản; tự định vị để tìm kiếm đường đi ngắn nhất.

Trải qua ba mùa triển khai, độ khó của đề thi Cuộc đua số lại được nâng lên. Theo anh Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, mục đích của cuộc thi là sau khoảng 5 năm, sinh viên Việt Nam sẽ đủ kiến thức và năng lực để tự lập trình xe tự hành chạy được trong các nhà máy hay khuôn viên các khu du lịch.

Video toàn cảnh bán kết Cuộc đua số phía Bắc:

>> Ứng dụng gọi xe tự lái của FPT lên sóng tháng 10

Cuộc đua số mùa 2018-2019 được chính thức khởi động ngày 11/10 với sự đồng tổ chức của VTV. Trong lần thứ 3 tổ chức, đề thi cũng được nâng cao hơn so với năm trước. Tại vòng chung kết, các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Để đáp ứng các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc. Điều này khiến chiếc xe đua có thể đạt tốc độ tối đa cao hơn nhưng cũng đặt ra các bài toán phức tạp hơn để điều khiển xe hoạt động chính xác. Bảng mạch chủ được nâng cấp chuyên để xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo, camera có khả năng chuyển động và góc nhìn mở rộng…

Thắng Văn

Ý kiến

()