Chúng ta

Google ‘đổ’ 45 triệu USD vào ứng dụng học ngoại ngữ người FPT dùng

Thứ năm, 18/6/2015 | 14:41 GMT+7

Duolingo, khởi nghiệp nổi tiếng với các ứng dụng học ngoại ngữ, trong đó có hàng nghìn người FPT đang tham gia, vừa nhận khoản đầu tư lên tới 45 triệu USD từ quỹ đầu tư  Google Capital của hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới, theo Business Insider.

Duolingo hiện sở hữu ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục cùng tên. Ứng dụng này hiện được tải nhiều nhất trong mục ứng dụng Giáo dục (Education category) trên cả hai gian hàng Google Play cho nền tảng Android và iTunes của tín đồ iOS với hơn 100 triệu người dùng. Các số liệu cho thấy, Duolingo thu hút nhiều người Mỹ theo học ngoại ngữ hơn các khóa học tương tự trong hệ thống trường học công. Có khoảng 100.000 giáo viên đăng ký dịch vụ nền tảng miễn phí để dạy học.

b4a554b1-301e-4076-ad68-ed0251-8783-7180

Năm 2013, Duolingo được người dùng bình chọn là ứng dụng di động xuất sắc nhất tại hai chợ ứng dụng Google Play và Apple App Store, có mức đánh giá 4,5/5. Ảnh: The Guardian.

Dự án giáo dục ngôn ngữ Duolingo ra đời tháng 6/2012 bởi hai giáo sư khoa học máy tính Luis von Ahn và Severin Hacker tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), mang tới các khóa học ngoại ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức... cho người bản địa, bất kỳ ai cần học thêm một ngôn ngữ và miễn phí. "Mục tiêu ban đầu của Duolingo là cung cấp các khóa học ngôn ngữ miễn phí cho người học trên toàn thế giới", Luis von Ahn, đồng sáng lập và CEO của Duolingo, nói với Business Insider.

Chỉ sau hai năm, Duolingo có đến 15 triệu người dùng thường xuyên trong tổng số 38 triệu người đăng ký và nhận được 38,3 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Tuy vậy, khía cạnh hấp dẫn nhất của Duolingo với Google không phải là những con số ấn tượng hoặc các giải thưởng mà là cách tiếp cận giáo dục mới lạ mà ứng dụng này tạo ra “và đó có thể là tương lai của giáo dục trực tuyến”, trang Business Insider nhận định. "Phiên bản thân thiện với mobile, nền tảng giống như game của Doulingo đang thay đổi cách mọi người học ngoại ngữ trên toàn cầu", Laela Sturdy, một đại diện của Google Capital nói.

Công nghệ giáo dục hiện nay phần lớn tập trung vào các nền tảng dựa trên video. Việc xem thụ động các video dạy học hiện không mang lại hiệu quả cao trong đào tạo, thậm chí còn hạn chế tối ưu hóa kết quả học tập của người học. Giao diện kỹ thuật số do Duolingo phát triển trên các ứng dụng của công ty này được cho là đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực giáo dục, khi tạo ra sự chú ý và tham gia liên tục của người sử dụng, cùng với đó thiết kế ứng dụng theo hướng trò chơi hóa thúc đẩy người học không ngừng thu thập và sử dụng lại liên tục các kiến thức thu lượm được.

Với những ưu thế vượt trội, mới lạ về công nghệ cùng những con số ấn tượng về lượng người dùng, Duolingo đã trở thành mục tiêu hấp dẫn của các quỹ đầu tư.

duolingo-7508-1434604057.jpg

Hai đồng sáng lập Duolingo. CEO Luis von Ahn là người bên trái. Ảnh: Mashable.

Trước khi đến với khoản đầu tư lớn của Google, Duolingo đã nhận được các khoản đầu tư lớn như khoản đầu tư giai đoạn A 3,3 triệu USD của quỹ Union Square Ventures vào năm 2011, một khoản đầu tư giai đoạn B trị giá 15 triệu USD của quỹ NEA vào năm 2012 và khoản đầu tư giai đoạn C trị giá 20 triệu USD từ Kleiner Perkins Caufield & Byers vào năm 2014. Ngoài ra cón có các nhà đầu tư cá nhân khác như nam diễn viên Ashton Kutcher và tác giả Tim Ferriss. Theo đánh giá của chính Duolingo, giá trị thị trường của công ty hiện ở mức 470 triệu USD.

Không chỉ là ứng dụng học ngoại ngữ miễn phí, Doulingo đang tìm cách kiếm tiền từ kho người dùng khổng lồ của mình. Công ty có kế hoạch đào tạo người dùng lên những cấp độ mới, đủ để dịch được những câu phức tạp. Sau đó, Doulingo có thể tính phí với các công ty khi sử dụng dịch thuật đó. Hiện CNN là một trong những khách hàng của Doulingo. Ngoài ra, hiện nay công ty này thu 20 USD mỗi lần người dùng sử dụng dịch vụ kiểm tra trình độ. Theo đó, Duolingo Test Center được hỗ trợ bởi Google, cung cấp chứng chỉ cho người dùng đạt đến các cấp độ ngoại ngữ thông qua những khóa học của Duolingo, giúp họ chứng minh trình độ và tìm kiếm việc làm.

Giữa tháng 7, Duolingo bắt đầu hỗ trợ tiếng Việt, giúp người Việt có thể tự học nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Và ngược lại, người nước ngoài cũng có thể tự học tiếng Việt với sự góp sức của cộng đồng người dùng Việt Nam. Hiện khóa học tiếng Anh bằng tiếng Việt do năm tình nguyện viên người Việt đảm nhận bên cạnh đội ngũ Duolingo.

Duolingo như một trò chơi, người dùng không gặp cảm giác “đang phải học”, thay vào đó, họ liên tục trải qua các bài tập tương tác từ cơ bản đến nâng cao, với những nội dung luyện ngữ pháp, từ vựng, nói và nghe xen kẽ liên tục trong mỗi học phần.

Sinh trưởng ở Guatemala, một quốc gia rất nghèo ở Trung Mỹ, Luis von Ahn luôn muốn tìm một cách có ý nghĩa để cải thiện cuộc sống của những người không được tiếp cận nền giáo dục tốt. Tuy nhiên, việc học tiếng Anh thường rất tốn kém và đòi hỏi học thêm các khóa dạy tư, trường tư, hay với phần mềm đắt tiền. Và đó là lý do để Duolingo ra đời và được đón nhận nồng nhiệt trên toàn thế giới. “Tôi tạo ra Duolingo để mọi người tiếp cận giáo dục ngôn ngữ chất lượng cao miễn phí. Nó miễn phí, sẽ luôn luôn và mãi mãi như vậy”, giáo sư Luis von Ahn khẳng định.

Ngày 15/5 vừa qua, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đã ký quyết định ban hành quy định Đào tạo nội bộ2015 cho FPT và các công ty thành viên. Theo đó, trong năm nay, các CBNV từ level 3 trở lên phải hoàn thành một trong các khóa học Coursera, Duolingo hoặc khóa học chuyên môn của đơn vị.

Để vào học tiếng Anh bằng tiếng Việt, CBNV FPT chỉ cần thiết lập tài khoản và hồ sơ cấu hình, chọn ngôn ngữ sử dụng, chọn ngôn ngữ định học, thiết lập mục tiêu hằng ngày là có thể bắt đầu học.

Nguyên Văn

Ý kiến

()