Chúng ta

FPT đồng hành ngân hàng Việt Nam trong chuyển đổi số

Thứ sáu, 22/11/2019 | 14:02 GMT+7

Chủ tịch FPT IS - anh Dương Dũng Triều khẳng định với nhiều năm kinh nghiệm triển khai số hoá trong và ngoài nước, tập đoàn cam kết sẽ đồng hành cùng ngân hàng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

FPT là công ty công nghệ có kinh nghiệm 5 năm triển khai chuyển đổi số cho ngành ngân hàng tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và Singapore. Ở Việt Nam, FPT cũng triển khai hệ thống Big Data cho TP Bank, thí điểm cho BIDV và 6 ngân hàng số khác.

Theo anh Dương Dũng Triều, ngân hàng là đơn vị đi đầu trong việc tin học hoá từ trước đến nay, và cũng tiên phong trong xu hướng chuyển đổi số. Những đơn vị này phải đối mặt với 3 thách thức chính: rào cản pháp lý, cải tiến quy trình và hoàn thiện công nghệ. Do đó, việc FPT cung cấp các giải pháp số hoá trong lĩnh vực này là cơ hội rất lớn nâng cao khả năng và xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghệ của tập đoàn.

techday-anh-trieu-1-2-JPG-8343-157439860

Anh Dương Dũng Triều khẳng định FPT chú trọng cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho ngân hàng Việt Nam

“Chúng tôi đưa ra các giải pháp công nghệ, để số hoá thành công, cần phải có sự gắn kết, hợp tác giữa yếu tố công nghệ và kinh doanh để đưa những ứng dụng giải pháp của chúng tôi vào thực tiễn”, anh Triều chia sẻ và khẳng định, FPT cam kết đồng hành cùng ngân hàng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

Tại buổi hội thảo chuyên đề “Ngân hàng thông minh” nằm trong khuôn khổ diễn đàn TechDay 2019, các diễn giả trong và ngoài FPT đều chung nhận định: ngành ngân hàng ở Việt Nam và trên toàn cầu đều đang dịch chuyển sang mô hình ngân hàng số.

Hoạt động của ngành ngân hàng đang đi từ mô hình truyền thống với các giao dịch vật lý sang mô hình ngân hàng số với những hoạt động chủ yếu trên nền tảng điện thoại và máy tính. Thực tế trên thế giới hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều đã có sự chuyển dịch sang môi trường số hoá bằng việc ứng dụng các công công nghệ tiên tiến như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn)... Họ phải tìm cách giải quyết những vấn đề trong giao dịch trên môi trường trực tuyến.

Cạnh đó, một mục tiêu mới được đặt ra của ngành ngân hàng là mô hình ảo. Ngân hàng ảo tạo ra các chuỗi giá trị cung ứng. Kênh hoạt động của mô hình này là các kênh ảo, sử dụng nền tảng trực tuyến AI để điều hành hoạt động,qua đó giải quyết các yêu cầu dịch vụ của người dùng. Những ngân hàng này có thể cung cấp dịch vụ cho bất cứ ai, và trở thành ứng dụng để các nhà cung cấp thông qua đó đưa ra các dịch vụ của mình.

Thay vì tung ra gói dịch vụ chung cho tất cả đối tượng, ngân hàng ảo sẽ tập trung vào người dùng tiềm năng của họ, xác định các nhóm khách quan tâm, mong đợi gì từ ngân hàng. Dựa trên đó chia thành các phân khúc khách hàng khác nhau. Tuỳ từng phân khúc sẽ đáp ứng nhu cầu cụ thể của nhóm khách hàng; đồng thời phân tích thói quen tiêu dùng để mở rộng ra các gói sản phẩm khác.

Tại Anh, mô hình này đang được ứng dụng rộng rãi nhất trên thế giới, nhằm hỗ trợ các tổ chức với lượng khách hàng ngày càng tăng. Tài sản quý giá nhất họ thu thập được là thông tin nền tảng của khách hàng. Cạnh đó, trong khi mô hình truyền thống yêu cầu bộ máy hành chính đảm bảo hoạt động chuyên môn, ngân hàng ảo lại sở hữu khả năng tối ưu quản lý và giao dịch nhanh chóng. Mô hình này không cần chi nhánh vật lý, điều hành dựa trên công nghệ điện toán đám mây theo thời gian thực. Từ đó tiết kiệm tối đa chi phí điều hành.

Các mô hình này đều đang được một số ngân hàng Việt Nam ứng dụng trong thực tế. Ngân hàng TP Bank đang ghi dấu ấn với việc triển khai các sản phẩm công nghệ chú trọng trải nghiệm của người dùng. Mọi hoạt động của ngân hàng này đều có sự hỗ trợ của những công nghệ là trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0: AI, Big Data, IoT (Internet kết nối vạn vật), Machine Learning (học máy).

techday-anh-trieu-2-2-JPG-8196-157439860

Ông Nguyễn Hưng - TGĐ Ngân hàng TP Bank chia sẻ tại hội thảo "Ngân hàng thông minh"

Theo đó, TP Bank hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích trải nghiệm và hành vi khách hàng. Từ đó tiến tới phê duyệt cho vay trên nền tảng công nghệ này, đặc biệt là với các khoản vay thế chấp và dịch vụ mở thẻ tín dụng.

Đây cũng là một trong số ít ngân hàng đầu tiên sử dụng sinh trắc học với những cây ATM Live Bank theo đúng xu hướng eKYC (định danh khách hàng điện tử). Với việc nhận diện khuôn mặt và vân tay, mống mắt, khách hàng không cần tới các quầy hoặc thẻ vật lý để thực hiện giao dịch. Từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường bảo mật. Sắp tới, TP Bank sẽ thử nghiệm ứng dụng nhận dạng giọng nói (Voice) khách hàng để xác nhận OTP.

Cạnh đó, ngân hàng này cũng lên kế hoạch triển khai theo mô hình mở OPEN AI dành cho các doanh nghiệp và đối tác liên kết. Mô hình này giúp phong toả khu riêng để các đối tác có thể thử nghiệm dịch vụ tài chính, liên kết với ngân hàng và lấy thông tin: tỉ giá, lãi suất, thông tin tài khoản khi khách hàng cho phép. TP Bank cũng đảm ảo yếu tố pháp lý và tính tiện dụng cho các đối tác đăng ký sử dụng dịch vụ này.

“Chuyển đổi số trong ngân hàng rất quan trọng, khởi động thông minh cũng rất quan trọng. Chúng tôi may mắn đã có khởi động từ trước và hiện đang nhận lại hiệu quả của nó”, TGĐ Ngân hàng Tiên Phong - ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng vừa ra mắt diện mạo và tính năng mới của sản phẩm digital banking trong tháng 11 này. Bên cạnh các hoạt động dịch vụ giao dịch thông thường, Vietinbank cũng cung cấp các chức năng phục vụ đời sống hàng ngày cho khách hàng như mua vé máy bay, mua sắm, đặt xe, đặt vé tàu… Người dùng cũng có thể thanh toán hoá đơn qua thẻ tín dụng và không mất phí trong vòng 45 ngày. Cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến khích người dùng chi tiêu bằng cách triển khai cơ chế tích điểm đổi quà.

techday-anh-trieu-3-3-JPG-5169-157439860

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó TGĐ Vietinbank chia sẻ về bước đi chuyển đổi số của ngân hàng

Ông Trần Công Quỳnh Lân, PTGĐ Vietinbank khẳng định: “Chúng tôi suy nghĩ từng chi tiết để sản phẩm có giao diện thân thiện nhất. Đồng thời chú trọng mang đến cho khách hàng hệ sinh thái xoay quanh trọng tâm là các dịch vụ tài chính ngân hàng và dịch vụ xung quanh đời sống”.

Đa số các ngân hàng trong nước hiện nay vẫn đang thực hiện mô hình kinh doanh cho vay truyền thống, chậm dịch chuyển về số hoá ngân hàng. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, TP Bank là 2 trong số ít các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số tại Việt Nam. Một trong những yếu tố để triển khai ngân hàng số thành công là gia tăng trải nghiệm khách hàng cũng như hiệu quả hoạt động điều hành sản phẩm, mô hình mới.

Lần đầu tiên tham dự ngày hội TechDay của FPT, anh Phan Việt Hải (Ngân hàng Bản Việt) chia sẻ: “Tôi thấy tại FPT TechDay có một số thông tin khá thú vị. Có một số giải pháp có khả năng áp dụng được vào ngân hàng của tôi. Đặc biệt trong bài phát biểu của anh Hưng - TGĐ TPBank có nhiều điều tôi cần học tập. Đây là lần đầu tiên tôi đi TechDay. Tôi ấn tượng với quy mô hoành tráng của chương trình và sản phẩm tổng đài AI của tập đoàn”.

Là sự kiện công nghệ thường niên do FPT tổ chức từ năm 2013, mỗi kỳ TechDay đều có sự khác biệt và phát triển dần về quy mô. Năm 2019, nhà F triển khai diễn đàn mở đối với các diễn giả, cộng đồng công nghệ và doanh nghiệp bên ngoài.

TechDay 2019 có 46 khu vực triển lãm, cuộc thi Đấu trường công nghệ với tổng giá trị giải thưởng là 150 triệu đồng tiền mặt dành cho hơn 300 thí sinh tham dự. Cạnh đó, diễn đàn cũng gây ấn tượng với các điểm nhấn công nghệ: Xe tự hành trở thành “người vận chuyển” chính thức trong sự kiện; trợ lý tổng đài ảo đảm nhận ghi danh và xác nhận khách mời.

Trâm Nguyễn - Hoàng Hương

Ý kiến

()