Buổi thảo luận nhằm mở rộng thêm những quan niệm về tư duy dữ liệu và cách tiếp cận nguồn lực để đón nhận cơ hội từ các công nghệ chìa khóa tương lai. Tham gia cùng CTO nhà F còn có các diễn giả: ông Denis Brunetti - CEO Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào; ông Đào Đức Minh - Giám đốc điều hành viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI; ông Nguyễn Bá Quỳnh - Phó Chủ tịch cấp cao Hitachi Vantara và ông Đặng Tùng Sơn - Phó Tổng giám đốc CMC Telecom.
Các diễn giả của phiên thảo luận 'Những cánh cửa tương lai' tại Tech Summit 2020. |
Mở đầu phiên thảo luận, CEO Ericsson Vietnam, Myanmar, Cambodia & Laos Denis Brunetti khẳng định các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tiếp cận và sử dụng những ứng dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp khi công nghệ số đang hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới.
"Chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi lớn khi các nhà mạng viễn thông Việt Nam như Mobifone, VNPT... từ vị trí một nhà vận hành đã trở thành đơn vị cung ứng dịch vụ Internet. Khách hàng của họ cũng từ những người dùng cá nhân trở thành những doanh nghiệp", ông Denis nói.
Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara, nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có đủ tài năng và kỹ năng để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp khi làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra. Ông Quỳnh ví dụ về những dự án bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống tàu hoả tại Tokyo được xây dựng và vận hành bởi những kỹ sư Việt Nam ngồi tại công viên phần mềm Quang Trung dựa trên dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy nhiên, Phó chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara khuyến nghị phải có những tổ chức nền tảng, xây dựng hệ thống quản lý thống nhất từ trên xuống để "đảm bảo tính xác thực của dữ liệu thì mới có thể tạo ra được ảnh hưởng tới công cuộc chuyển đổi số".
"Chúng tôi đã có những hợp tác bước đầu với nhiều đơn vị khác nhau như trường đại học, viện nghiên cứu để trao đổi thông tin và kết nối tốt hơn, nhằm đưa ra lời giải cho nhiều bài toán Việt Nam đang đối mặt", ông Minh chia sẻ trong phiên thảo luận.
Ông Denis Brunetti khẳng định công nghệ thông tin, viễn thông góp phần lớn trong việc thay đổi nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Từ người dân đô thị đến nhiều người ở nông thôn đều được kết nối với thiết bị di động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và giúp cuộc sống người dân tốt hơn, thúc đẩy nền kinh tế. Để đạt các mục tiêu kinh tế vượt bậc, Việt Nam cần tiếp tục con đường chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, 5G là một tác nhân quan trọng giúp việc chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Với câu hỏi của anh Lê Hồng Việt về khó khăn và cách thức vượt qua khi áp dụng công nghệ mới, ông Đặng Tùng Sơn - Phó Tổng giám đốc CMC Telecom nhận định có bốn yếu tố quan trọng, gồm: Tầm nhìn và định hướng của nhà nước về chuyển đổi số; nền tảng hạ tầng số; Hạ tầng điện toán đám mây; Đưa các chương trình/môn học như: Big Data, Data Science vào trường học.
Khi bàn đến câu chuyện liệu máy có lấy bớt công việc của con người không, CTO FPT nhận định: “Đó là câu hỏi có từ thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Tôi nghĩ trong tương lai, con người sẽ phải vất vả hơn do phải đảm nhận những công việc khó, còn việc dễ sẽ do máy móc thực hiện”.
Phần cuối cùng của phiên thảo luận, các diễn giả nói về những lợi thế và bất lợi của doanh nghiệp Việt khi đứng trước nhiều cánh cửa của tương lai. Một lợi thế lớn nhất của Việt Nam được các diễn giả đồng tình là sự liên kết đồng bộ từ cao tới thấp trong nguồn lực, mạng lưới các điểm công nghệ thông tin có mặt trên toàn quốc.
Điểm thuận lợi thứ hai được Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT Lê Hồng Việt, đồng thời cũng là người điều phối phiên thảo luận đưa ra là môi trường kinh doanh tại Việt Nam đa dạng và năng động, chưa có nhiều " ông lớn" mang tính chất biểu tượng, vì vậy cơ hội để các doanh nghiệp " break the rules" - có những đột phá, thoát khỏi vùng an toàn là rất lớn.
Ông Đào Đức Minh - Giám đốc điều hành viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI (tập đoàn Vingroup) chỉ ra bất lợi của Việt Nam là thiếu sự kết nối và giao tiếp giữa các bên khi áp dụng những công nghệ mới, ví dụ là giao tiếp giữa doanh nghiệp công nghệ - viện nghiên cứu - trường đại học - doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.
CTO FPT nhận định máy móc sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người. |
Trước khi phiên thảo luận kết thúc, người điều phối Lê Hồng Việt khẳng định để thúc đẩy phát triển công nghệ ở Việt Nam cần phải có trao đổi giữa nhiều bên, nhiều chiều để đảm bảo doanh nghiệp được cung cấp đủ thông tin có tính xác thực và đưa ra quyết định đầu tư đúng nhất.
Theo anh Việt, một doanh nghiệp được điều hành dựa trên dữ liệu sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho khách hàng: trải nghiệm tốt hơn, được phục vụ tốt hơn. Ngoài ra, điều đó còn đem đến hiệu quả vận hành cho tổ chức. Các doanh nghiệp có thể tự động hóa rất nhiều quy trình, tối ưu tất cả hoạt động của mình dựa trên những số liệu. Big Data giúp dự đoán những thuận lợi, khó khăn trong quá trình vận hành. Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo còn mang đến những cách làm mới, khác biệt hoàn toàn với hiện tại và tối ưu gấp nhiều lần.
“Thách thức lớn nhất trong việc sử dụng dữ liệu là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Tư duy và quyết tâm của chủ doanh nghiệp phải đưa được dữ liệu và công nghệ vào cách thức vận hành. Điểm yếu về nhân lực cũng là điều cần khắc phục. Người thay đổi sớm sẽ chiếm được lợi thế nhất định. Việc thay đổi có thể nhờ đến những đối tác hợp lý, hiệu quả ở từng mảng, không nhất thiết doanh nghiệp phải tự lực cánh sinh”, CTO FPT nói thêm về thách thức của doanh nghiệp khi điều hành bằng dữ liệu. Anh Lê Hồng Việt cũng dự đoán tốc độ phát triển và đi vào đời sống của AI đang rất lớn, lên đến hàng trăm lần và sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Là lần thứ hai Forbes Việt Nam tổ chức, Tech Summit không chỉ là bữa tiệc dành cho những người đang hoạt động trong ngành công nghệ thông tin mà còn dành cho tất cả những ai quan tâm, yêu thích trải nghiệm công nghệ.
Góp mặt tại sự kiện, người tham dự có cơ hội trải nghiệm những hoạt động tương tác công nghệ đỉnh cao. Lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bảo mật.... Đây cũng là dịp để kết nối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam và nắm bắt cơ hội đầu tư vào các dự án công nghệ.
Với chủ đề Khám phá kho báu Midas, Tech Summit 2020 đang muốn hướng đến tầm quan trọng của dữ liệu trong thời đại số. Dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên giá trị nhất trên thế giới mà những doanh nghiệp, tổ chức khám phá được sẽ có lợi thế trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Nếu ví dữ liệu như một kho báu quý giá, doanh nghiệp hay tổ chức nào có được khả năng khai thác, xử lý dữ liệu sẽ là các “vị vua Midas” huyền thoại có bàn tay chạm vào bất kỳ thứ gì cũng biến thành vàng. Các phiên thảo luận với sự tham dự của các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bảo mật… sẽ bàn về phương thức phát triển của các công nghệ mới, tương lai phát triển của các ngành, dịch vụ có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và thế giới. |
>> CTO FPT mang trí tuệ nhân tạo đến Tech Summit 2020
Sơn Thạnh
Ý kiến
()