Chúng ta

Forbes: 'FPT là công ty công nghệ niêm yết tốt nhất Việt Nam'

Thứ ba, 2/6/2020 | 10:27 GMT+7

Mặc sự tác động của Covid, FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2020 theo nghiên cứu của Forbes Việt Nam.

Forbes Việt Nam ngày 1/6 công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2020. Đây là lần thứ 8 Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. 

Danh sách 50 công ty tốt nhất lần thứ 8 của Forbes Việt Nam ghi nhận những kỷ lục mới. Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty vào danh sách đạt 138.705 tỷ đồng, tăng 8,7% so với danh sách công bố năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Các công ty trong danh sách 2020 có nền tảng vững vàng, không chỉ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2019 mà còn kỳ vọng có sức bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách nhất 10 năm qua. Trong đó, FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 50.

CHT-0236-1536743199-860x0-8568-159106155

Mặc sự tác động của Covid, FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam.

Kết thúc quý I, FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 17% và 18,9% so với cùng kỳ 2019. Con số này tương đương 6.631 tỷ đồng và 1.142 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch so với đầu năm. 

Năm 2020, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 17% và lợi nhuận 18% so với 2019 như đã đưa ra đầu tháng 1, và uỷ quyền cho HĐQT thực hiện các kịch bản kinh doanh khác nhau tùy theo diễn biến thực tế.

Trước đó, năm 2019, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 4.665 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2018. Doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, đạt tương ứng 11.452 tỷ đồng, tăng 25,7% và 1.896 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Về cổ tức, ĐHĐCĐ chốt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phiếu), bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức cho năm 2019 cả bằng tiền và cổ phiếu là 35%.

Danh sách lần thứ 8 được Forbes Việt Nam thực hiện ở thời điểm không phải lý tưởng khi kinh tế thế giới và Việt Nam đối diện với các bất ổn khó đoán định dưới tác động của đại dịch Covid-19. Forbes tin tưởng rằng các doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa tuy không miễn nhiễm với các khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng có sức bật ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.

Ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường chứng khoán có diễn biến thất thường trong bốn tháng đầu năm. Lần đầu tiên trong 8 năm qua, vốn hóa thị trường của 50 công ty trong danh sách suy giảm so với danh sách năm trước đó. Theo thống kê của Forbes Việt Nam, vào trung tuần tháng 5, tổng vốn hóa các công ty trong danh sách đạt 81,3 tỷ USD, giảm 13,5% so với danh sách năm 2019.

Kết quả Top 50 dựa trên xem xét tất cả cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại những công ty đang thua lỗ hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 500 tỷ đồng, các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã được xem xét) không lọt vào vòng sau.

Ở vòng tính toán định lượng, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2015-2019. Phần tính toán định lượng theo phương pháp của Forbes được sự hỗ trợ của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Tiếp theo, vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán, có nghi vấn thao túng giá cổ phiếu, kém minh bạch sẽ bị loại.

>> FPT tiên phong tổ chức đại hội cổ đông trong mùa dịch

Thủy Minh

Ý kiến

()