Công bố mới nhất về doanh thu quý II (năm tài chính 2021) cho thấy Infosys vươn lên mạnh mẽ dù lệnh phong tỏa hồi 8 tháng trước của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã khiến nhiều lĩnh vực suy giảm nặng. CEO Infosys Salil Parekh đánh giá: “Thay đổi sang chiến lược địa phương hóa với 99% nhân viên làm việc tại nhà là điểm nhấn lớn nhất trong cách vận hành thời gian qua”.
Trong đó, phương án này đã giúp Infosys ghi nhận mức doanh thu cán mốc 3,31 tỷ USD, tăng 3,2%. Lợi nhuận thu về đạt 840 triệu USD, tăng 20%, so với cùng kỳ năm ngoái. Sự linh hoạt trong việc duy trì và giải quyết dự án hiệu quả với khách hàng cũng giúp hãng này “săn” được nhiều “cá voi” với tổng giá trị hợp đồng thu về lên đến 3,2 tỷ USD.
Bối cảnh lĩnh vực công nghệ thông tin ở Ấn Độ cũng tương tự như Mỹ khi các “đại gia” vẫn bội thu kể từ đầu năm nay. Nhìn lại thời điểm đầu quý, Infosys ghi nhận doanh thu đã ở ngưỡng 1,74 tỷ USD nhờ chiến thắng các thương vụ lớn. Họ dự đoán mức tăng doanh thu từ 0-2%, biên lợi nhuận hoạt động từ 21-23% đến cuối năm 2021.
“Kết quả phát triển trong quý II là sự khẳng định cho chất lượng dịch vụ và sự thấu hiểu những ưu tiên của khách hàng, đồng thời là thành quả đáng khích lệ của tập thể lãnh đạo và nhân viên trong giai đoạn biến động này”, ông Salil Parekh phát biểu tại buổi tổng kết.
Để doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong khi thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, CEO Infosys cho rằng họ đã tập trung chiến lược về giá và tranh thủ tốt sự sụt giảm của đồng tiền Ấn Độ (Rupee). “Nhờ kết quả quý vừa rồi khả quan cộng hưởng với việc vừa thầu được các dự án lớn mà chúng tôi lạc quan hơn từ đây cho đến cuối năm”.
Người dân quốc gia Nam Á ra đường đi làm trở lại. Ảnh: AFP |
Tại Ấn Độ, theo thống kê từ Statista, mức đầu tư dành cho thị trường CNTT đã biểu hiện tỷ lệ sụt giảm khi đối chiếu với số liệu năm trước. Tính đến hiện tại, mảng thiết bị di động chiếm khoản chi tiêu cao nhất với 31,08 tỷ USD (36,6 tỷ USD năm 2019), liền kề là lĩnh vực viễn thông với 28,23 tỷ USD (28,74 năm 2019) và sau đó là các dịch vụ CNTT chiếm 14,92 tỷ USD (15,57 tỷ USD năm 2019). Dòng vốn cho trung tâm dữ liệu và phần mềm cũng ghi nhận tỷ lệ giảm.
Việc thị trường CNTT tại đất nước đạo Hồi giảm sức bật cũng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chi tiêu trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Ở đó, Gartner cho biết lượng tiền đổ vào hầu hết các mảng IT sẽ giảm trong năm nay, với mảng thiết bị và hệ thống trung tâm dữ liệu giảm nhiều nhất (-9,7%). Tổng mức chi dành cho ngành công nghệ thông tin tụt từ 3.700 tỷ đồng xuống 3.400 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Gartner - ông John David Lovelock nhận định, các giám đốc công nghệ đang chuyển qua chiến lược tối ưu hoá chi phí khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa các khoản đầu tư sẽ bị thu nhỏ hết mức có thể và ưu tiên cho các hoạt động giữ cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. “Đây sẽ là điều hầu hết doanh nghiệp nghĩ tới trong năm 2020”.
Tuy nhiên, việc báo lãi từ nhiều hãng công nghệ Ấn Độ ghi dấu sự tăng vọt của một số loại hình công nghệ phục vụ cho xu hướng làm việc từ xa như điện toán đám mây, thanh toán số và trí tuệ nhân tạo. Với Infosys - doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu phần mềm, họ nhìn thấy sự gia tăng về nhu cầu trong chuyển đổi số. Từ đó, các giải pháp đáp ứng được khả năng linh hoạt cho doanh nghiệp đều được họ đón nhận và triển khai ngay.
COO Infosys Pravin Rao thẳng thắn chia sẻ, chính sách vận hành với 99% người lao động tại nhà không chỉ giúp họ hoàn thành mục tiêu giảm 150 triệu đô trong khâu vận hành, mà còn giảm phụ thuộc vào visa H-1B. Đây là dạng visa được cấp cho lực lượng lao động tay nghề cao ở nước ngoài khi muốn làm việc tại Mỹ, mà Infosys là một trong những công ty Ấn Độ đi đầu về việc đưa người Ấn sang bờ Tây làm việc.
“Chúng tôi muốn tuyển dụng 25.000 người Mỹ vào Infosys trong 5 năm tới và điều đó vừa thỏa mong muốn của chính quyền nước sở tại, vừa duy trì được năng lực của chúng tôi trên thị trường này”, vị GĐ vận hành nêu rõ và cho biết họ sẽ duy trì chiến lược địa phương hóa nguồn lực như mục tiêu dài hạn.
Còn CEO Salil Parekh đánh giá họ cũng rất cảnh giác vào thời điểm này, dù hợp đồng chuyển đổi số với quỹ Vanguard đáng giá 1,5 tỷ USD đã tạo cú hích trên thị trường ngoại quốc.
“Nhiều đối tác cần có góc nhìn hiện đại và chuyển mình nhanh nhẹn hơn theo thời cuộc. Việc chứng minh tính hiệu quả của công nghệ sao cho phù hợp với đồng tiền mà họ bỏ ra cũng mất nhiều thời gian. Bởi lẽ, cơ hội để có lợi nhuận cũng rất mong manh trong tình cảnh chung nên việc cân nhắc từng bước đi là điều cần làm”, ông lý giải.
>> Xếp hạng di động toàn cầu thay đổi ngoạn mục
Đình An
Ý kiến
()