Chúng ta

Xếp hạng di động toàn cầu thay đổi ngoạn mục

Thứ bảy, 31/10/2020 | 09:43 GMT+7

Samsung lấy lại ngôi đầu bảng, Xiaomi vượt mặt Apple, Huawei giữ nguyên thứ hạng. Đây là những chuyển biến mới nhất trên thị trường di động ở quý III, theo hãng nghiên cứu Counterpoint.

Với 336 triệu thiết bị được xuất xưởng - phần lớn đến từ hãng di động Hàn Quốc, thị trường smartphone toàn cầu đã khởi sắc hơn so với quý II, giữ mức tăng trưởng 32% ở quý liền sau. Sự phục hồi này đến từ nhu cầu tìm mua các dòng sản phẩm di động thông minh ở nhiều quốc gia trọng điểm như Mỹ, Ấn Độ và hàng loạt các sự kiện ra mắt smartphone phân khúc cận cao cấp và cao cấp cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng.

Ông Tarun Pathak - Phó GĐ Counterpoint, cho biết việc nới lỏng chính sách giãn cách xã hội ở các nước cũng đã mở lối cho dòng chảy xuất nhập khẩu được lưu thông trở lại. Sự tắc nghẽn về nguồn cung sản phẩm khi hàng hóa không kịp đến tay người dùng nay đã có thể giải quyết vì các công xưởng sản xuất linh kiện smartphone đã đi vào hoạt động bình thường.

“Tại Trung Quốc và Việt Nam, công nhân đã quay lại nhà máy. Ấn Độ cũng đã cho phép 80% các hoạt động sản xuất được tiếp diễn như thời điểm trước khi COVID-19 diễn ra”, ông nhấn mạnh và nhận định việc học sinh, sinh viên được quay lại trường học ở một số nơi tại châu Âu cũng là yếu tố giúp thị trường phục hồi trong quý vừa rồi.

38-Global-Smartphone-Market-1-8172-3071-

Samsung vẫn tăng trưởng dương, Apple thì ngược lại khi sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Counterpoint

Hoán đổi thứ hạng

Giành lại vị trí top 1 trên bảng xếp hạng, Samsung thắng lớn trong quý III khi xuất xưởng 79,8 triệu thiết bị di động, chiếm 47% mức tăng trưởng so với quý trước và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số trên ghi nhận sự phát triển cao nhất của hãng smartphone Hàn Quốc trong 3 năm trở lại đây với đà phục hồi thần tốc tại Ấn Độ, khu vực Tây Âu và Mỹ Latinh.

Giải thích về điều này, Counterpoint tiết lộ rằng sự đón nhận của người dùng dành cho Galaxy Note 20 và smartphone dòng A 5G của hãng đã tạo thế thượng phong cho Samsung trước các đối thủ khác ở Mỹ. Còn tại Ấn Độ, Samsung là thương hiệu top 1 về smartphone dòng M với một chiếc di động tích hợp đầy đủ tính năng có giá mua vừa túi tiền.

Cạnh các “ông lớn”, Realme được đánh giá là “Ngôi sao đang lên” khi tốc độ tăng trưởng vượt 130% so với quý II về số lượng thiết bị được phát hành. Riêng Xiaomi cũng vươn lên đầy ấn tượng. Họ nắm trong tay 13% thị phần, vượt qua Apple để giữ vị trí thứ 3 với mức tăng 75% so với quý trước.

“Xiaomi bán ra thuận lợi 46,2 triệu thiết bị sau hàng loạt chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi trên sân nhà. Những lùm xùm giữa Huawei và chính quyền Mỹ cũng mang lại cơ hội để Xiaomi mở rộng tập khách hàng trước đối thủ”, ông Abhilash Kumar - chuyên gia phân tích Counterpoint, đánh giá về hãng smartphone Trung Quốc.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, sự tụt hạng của “Táo khuyết” là có dự báo trước vì buổi trình làng iPhone 12 đã diễn ra trễ hơn so với dự kiến ban đầu là vào tháng 9. Cụ thể, Apple bán ra thành công 41,7 triệu thiết bị, chiếm 11% thị phần di động toàn cầu, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, doanh thu của hãng vẫn làm hài lòng các nhà đầu tư khi cán mốc 64,7 tỷ USD trong quý III, với iPhone 11 và SE vẫn là 2 dòng sản phẩm được số đông ưa chuộng. Lượt người mua iPad và các thiết bị phần cứng khác cũng tăng đáng kể do xu hướng làm việc tại nhà.

Ở Ấn Độ, việc ra mắt cửa hàng Apple trực tuyến đầu tiên vào tháng 9 vừa qua - sau hơn 20 năm hiện diện, cũng đã đánh dấu bước phát triển mới của “nhà Táo”. Apple hiện nắm giữ 3% thị phần smartphone tại quốc gia này, dẫn đầu phân khúc cao cấp với 48,8% thị phần (theo sau là Samsung và OnePlus). Những chỉ số này sẽ có nhiều thay đổi khi Apple Store đầu tiên tại Ấn Độ đi vào hoạt động trong năm sau.

Xu hướng smartphone màn hình gập

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường di động thời gian qua chính là sự ra mắt của các dòng smartphone màn hình gập với đại diện tiêu biểu từ Samsung Galaxy Fold 2 và Z Flip. Ngay cả  ý tưởng về một chiếc iPhone có thể gập lại cũng được hé lộ nhờ công nghệ màn hình dẻo.

Không chỉ mang lại cảm giác mới lạ, việc một chiếc smartphone có thể gập lại như điện thoại vỏ sò của thập niên 90 sẽ giúp gia tăng kích thước màn hình và mở rộng thêm nhiều tính năng mới. Dù vậy, các chuyên gia công nghệ vẫn khuyên người dùng cần chờ đợi thêm để các hãng hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Trong đó, phần bản lề là yếu tố quan trọng nhất cần được đảm bảo. 

OLED dẻo vốn dĩ mỏng hơn nhiều so với tấm nền của màn hình hiện nay nên việc xảy ra hư hỏng sẽ khiến việc thay mới mất nhiều chi phí - điều mà đa phần người dùng smartphone hay dè chừng. “Ấn mạnh một chiếc bút bi trên màn hình gập sẽ làm hỏng ngay thiết bị. Còn khi áp dụng với màn hình iPhone, nó sẽ không có hề hấn gì”, Kyle Wiens - GĐ iFixit - công ty chuyên sửa chữa thiết bị, cho hay.

Tuy nhiên, vẫn còn rất sớm để nhận định về tiềm năng của loại hình công nghệ di động này. “Người dùng mong muốn một thiết bị di động có màn hình lớn hơn, không bị vướng víu khi bỏ vào túi quần”, Wien chia sẻ, “và điện thoại có khả năng gập đôi sẽ đáp ứng được, nhưng với mức giá nhẹ nhàng hơn”.

Do đó, bên cạnh cuộc đua về hiệu năng của smartphone, mạng 5G, cải tiến chip, nâng cấp hệ điều hành, hình ảnh của một chiếc điện thoại cảm ứng gập đã tạo ra một làn sóng mới cho thị trường di động. Bất cứ hãng nào đáp ứng được các tiêu chí như trên đều có cơ hội dẫn đầu xu hướng trong thời gian tới.

>> Điện toán biên là bệ phóng cho 5G

Đình An

Ý kiến

()