Chúng ta

Infosys tuyển hơn 25.000 người Mỹ trong 5 năm tới

Thứ bảy, 5/9/2020 | 16:29 GMT+7

Hãng gia công phần mềm Ấn Độ muốn bổ sung 25.000 nhân sự tại Mỹ đến năm 2025, trong bối cảnh chính quyền Trump đang siết chặt thị thực H-1B.

Năm 2017, Infosys đặt mục tiêu tạo ra 10.000 việc làm cho công dân Mỹ và đến nay họ đã hoàn thành chỉ tiêu vượt kỳ vọng với hơn 13.000 nhân sự mới. Đồng thời, hãng phần mềm này cũng đã hoàn thiện 6 Trung tâm Cải tiến và Công nghệ trải dài khắp nước Mỹ với kỳ vọng thu hút thêm nhiều nhân tài trong khu vực.

“Infosys đã bám sát lộ trình tận dụng nhân sự địa phương tại Mỹ trong 3 năm qua nên chúng tôi hoàn toàn lạc quan khi công bố hoạch định khai thác nguồn nhân lực trong giai đoạn tiếp theo”, CEO Infosys Salil Parekh nhận định và cho rằng họ sẽ tiếp tục cung ứng cho thị trường lao động xứ cờ hoa thêm 12.000 công việc đến năm 2022 và sẽ mạnh dạn gia tăng hình ảnh thương hiệu.

27-Infosys-1-6141-1599220643.jpg

Infosys vừa thầu 5 hợp đồng lớn và thu về 1,74 tỷ USD doanh thu trong quý II. Ảnh: Quartz.

Lời cam kết bổ sung hàng nghìn con người vào đội ngũ nhân sự của “gã khổng lồ” CNTT Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ phải ra đi vĩnh viễn. “Chúng tôi sẵn sàng chào đón những ai đang loay hoay do nền kinh tế suy giảm và cả những ai chưa có bằng tốt nghiệp 4 năm”, ông Ravi Kumar - Chủ tịch Infosys, khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh mở ra cơ hội làm việc tại doanh nghiệp phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ, Infosys còn có thể giảm áp lực về mảng nhân sự từ sau khi sắc lệnh siết chặt visa H-1B có hiệu lực vào ngày 24/6.

Trong đó quy định, chính quyền Trump tạm thời ngừng cấp thị thực cho lao động nước ngoài ít nhất đến cuối năm 2020, bao gồm visa L-1 và H-1B. Điều đó đồng nghĩa Infosys sẽ không thể đưa nhân viên từ Ấn Độ sang Mỹ như trước đây mà cần có nhiều giải pháp mới để duy trì hoạt động kinh doanh tại trụ sở ở xứ cờ hoa.

Dựa vào ghi nhận từ Văn phòng chứng nhận lao động nước ngoài Mỹ, Infosys là một trong 10 doanh nghiệp có số lượng hồ sơ visa H-1B nhiều nhất với hơn 185.000 đơn xin cấp mới và gia hạn thị thực H-1B trong 3 quý đầu tài khóa 2020. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Quỹ quốc gia về Chính sách Mỹ (NFAP), nhân viên của họ cũng có xác suất “rớt” visa cao nhất với tỷ lệ thất bại lên đến 59%.

Do đó, nhằm tránh phụ thuộc vào lượng nhân viên cần chuyển dịch từ quốc gia Nam Á sang bờ Tây làm việc, Infosys tập trung vào hoạt động tuyển dụng và đào tạo lao động Mỹ trong suốt nhiều năm như một giải pháp để thỏa mãn mục tiêu của chính quyền Trump trong việc mang lại cơ hội nghề nghiệp cho người dân xứ cờ hoa.

Ông Richard Lobo, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Trưởng bộ phận tuyển dụng Infosys, tiết lộ rằng công ty đang nhắm đến đối tượng người trẻ ở đa lĩnh vực và xuất thân từ bất kỳ trường nào. Không còn là nơi chỉ dành riêng cho những bạn trẻ trong lĩnh vực công nghệ mà sẽ còn cho cả những ai đam mê mỹ thuật, sáng tạo, ứng dụng đa phương tiện. Infosys vẫn muốn tuyển dụng những cá nhân sở hữu tư duy công nghệ xuất sắc, nhưng với những ai không có thì vẫn có thể đào tạo được. “Rất nhiều người thành công tại Infosys với xuất thân không phải từ các trường top đầu”, ông khẳng định.

Với Infosys, một ứng viên tiềm năng cần trang bị 3 nhóm kỹ năng quan trọng. Đầu tiên là khả năng nâng cao trải nghiệm dùng, trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm số. Tiếp theo là có đủ năng lực giải quyết vấn đề về bảo mật cho khách hàng và cuối cùng là có hiểu biết về trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning). “Ứng viên chỉ cần đáp ứng 2 trong 3 nhóm kỹ năng trên là đạt tiêu chuẩn”, nhà quản lý nhân sự Infosys cho hay.

Có thể thấy, kế hoạch đẩy mạnh nhân sự người Mỹ của Infosys cũng sẽ giống như chiến thuật “nhất tiễn song điêu” khi doanh nghiệp này vừa có thể đáp ứng dịch vụ đến nhóm khách hàng phương Tây và vừa né tránh được “mũi dùi” của nhà cầm quyền Mỹ hướng về phía lao động Ấn Độ tại xứ cờ hoa.

Đến năm 2025, Infosys kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch tuyển dụng 25.000 nhân sự người Mỹ và đạt được nhiều thành quả mới trong quá trình chuyển đổi số.

Chương trình visa H-1B tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại Mỹ được phép tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao từ các quốc gia khác đến làm việc. Trong đó, các ngành nghề dành cho H-1B bao gồm khoa học, kỹ thuật và CNTT. Thời gian hiệu lực của thị thực là 3 năm và được phép gia hạn thêm từ một đến 3 năm.

Hằng năm, hơn 100.000 visa H-1B được cấp cho lao động từ các nước và chủ sở hữu thị thực H-1B đến từ Ấn Độ chiếm hơn 50% so với các nước khác.

Dù người phát ngôn Google cũng từng lên tiếng phản đối về sắc lệnh nhưng hiện tại vẫn chưa có sự thay đổi nào từ chính phủ Mỹ. Cả những doanh nghiệp CNTT của Mỹ cũng sở hữu lượng lớn nhân sự từ lao động nước ngoài.

>> Ấn Độ 'phong tỏa' hoạt động 118 ứng dụng Trung Quốc

Đình An

Ý kiến

()