Chúng ta

Ấn Độ tham vọng thị phần Internet vệ tinh

Thứ hai, 31/8/2020 | 08:57 GMT+7

OneWeb - công ty phát triển Internet vệ tinh của Anh - vừa nhận rót vốn hơn 1,2 tỷ USD từ Bharti Enterprises và chính quyền Boris Johnson để mua thêm 550 vệ tinh vào cuối năm nay.

Sau thương vụ đầu tư vào OneWeb, tập đoàn đa ngành Ấn Độ Bharti Enterprises kỳ vọng sẽ triển khai thành công dịch vụ Internet vệ tinh tốc độ cao vào năm 2022 cho người dùng tại quốc gia Nam Á và đồng thời mong muốn Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ sẽ cùng hợp tác trong kế hoạch xây dựng các trạm truy cập mặt đất sớm nhất có thể.

“OneWeb sẽ là mạng lưới vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit - LEO) đầu tiên trên thế giới”, ông Sunil Bharti Mittal - Chủ tịch tập đoàn Bharti Enterprises - khẳng định tầm nhìn trước hàng trăm chuyên gia tham dự buổi hội thảo trực tuyến vào tháng trước. “Chúng tôi sẽ đưa 648 vệ tinh bay quanh địa cầu ở độ cao 1.200km so với mặt đất để cung ứng dịch vụ Internet thời thượng nhất đến người dùng”.

23-Sunil-Bharti-Mittal-JPG-5722-15987922

Sunil Bharti Mittal - 1 trong 10 người giàu nhất Ấn Độ, theo Forbes. Ảnh: Getty

Tuyên bố đầy tham vọng của ngài Sunil Mittal cũng giống với mục tiêu mà tỷ phú SpaceX Elon Musk hay đại gia Amazon Jeff Bezos đang theo đuổi. Toàn bộ quy trình kích hoạt Internet vệ tinh đều đang được xúc tiến mạnh mẽ khi cả 3 “tay chơi” đang mạnh tay rót vốn vào những “đứa con tinh thần” để sớm chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực còn non trẻ với thế giới. 

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) ghi nhận, SpaceX đã phóng thành công 422 vệ tinh và dự kiến đưa tiếp 12.000 vệ tinh lên vùng LEO, chia thành hai chòm với số lượng 4.409 vệ tinh và 7.518 vệ tinh. Trong khi đó, Kuiper của Amazon sẽ sớm đưa 3.236 vệ tinh nhỏ ra ngoài vũ trụ.

Rajiv Sharma - Trưởng ban nghiên cứu thuộc công ty chứng khoán SBICap Securities cho biết: “Động thái từ Bharti Group sẽ đưa họ trở thành một trong những ‘ông lớn’ của ngành viễn thông vũ trụ, đối đầu với Starlink (dự án thuộc SpaceX) của Elon Musk và Kuiper của Jeff Bezos”.

Phát biểu trước báo chí, ngài tỷ phú giàu nhất Ấn Độ cho hay, dự án Internet phát từ vũ trụ sẽ mang giá trị đa ngành và đồng thời giúp người dân đang sinh sống ở sa mạc Rajasthan hay cánh rừng Madhya Pradesh hay những vùng hẻo lánh có cơ hội tiếp cận đến Internet - nơi mà hạ tầng băng rộng hiện tại chưa thể phủ tới.

Cạnh đó, khi OneWeb hoàn thiện mạng lưới vệ tinh và đi vào hoạt động, tập đoàn Bharti sẽ có lợi thế rất lớn trên sân nhà khi họ đã có sẵn Bharti Airtel - doanh nghiệp viễn thông xếp thứ 2 tại Ấn Độ. Do đó, Bharti Airtel sẽ đóng vai trò vững chắc để Bharti Enterprises lan rộng dịch vụ Internet vệ tinh với tốc độ nhanh như cách họ phủ rộng mạng lưới viễn thông tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.

Theo The Economic Times, OneWeb được thành lập vào năm 2012 với số vốn 3,3 tỷ USD từ SoftBank, Airbus SE, Qualcomm và các nhà đầu tư khác. Họ từng tuyên bố phá sản vào tháng 3 năm nay khi lúng túng trong việc xoay sở tài chính giữa đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Bharti Enterprises và chính phủ của ngài Boris Johnson vẫn nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp này khi OneWeb đã có sẵn 74 vệ tinh liên lạc ngoài vũ trụ cùng đội ngũ nghiên cứu tài giỏi. Vì vậy, sau khi rót vốn, họ cùng nắm giữ 45% cổ phần với tỷ lệ sở hữu cụ thể cho mỗi bên vẫn chưa được tiết lộ. Ngoài ra, khoản đầu tư hơn 1,2 tỷ USD sẽ giúp OneWeb hoàn thiện hạ tầng vệ tinh và thỏa mãn mọi điều kiện pháp lý từ Tòa án của chính phủ Mỹ để vận hành ổn định hơn.

Bloomberg cho biết, Internet vệ tinh là lĩnh vực rất mới và được công chúng đón nhận kể từ khi hàng loạt vụ phóng tên lửa của SpaceX thu hút giới truyền thông toàn cầu. Về cơ bản, vệ tinh liên lạc hoạt động ở vùng LEO cần quay hết tốc lực ở độ cao từ 180 đến 2.000km so với mặt đất và hoàn thành quỹ đạo trong vòng ít nhất 90 phút. Giống như một vòng tròn khép kín, vệ tinh sẽ có nhiệm vụ bay về phía trước để truyền tín hiệu cho vệ tinh tiếp theo và tiếp diễn luân phiên. Những thiết bị bay ngoài vũ trụ này sẽ có “nhiệm kỳ” không quá 5 năm và sau đó phải về trái đất để được cập nhật phần cứng.

>> Apple mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ

Đình An

Ý kiến

()