Chúng ta

200 phát kiến khoa học làm thế giới tốt đẹp hơn tại ICISN 2022

Thứ hai, 21/3/2022 | 14:09 GMT+7

Hội thảo khoa học quốc tế về Mạng và các Hệ thống thông minh (The International Conference on Intelligent System and Networks - ICISN) do Swinburne Việt Nam (thành viên liên kết Đại học FPT) đăng cai tổ chức vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Năm 2022, hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 công trình nghiên cứu của các tác giả đến từ hơn 10 quốc gia trên thế giới như: Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Uzbekistan, Việt Nam, Nga, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…

ICISN 2022 là diễn đàn thường niên dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ.

Tại ICISN 2022, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT, Giám đốc Khoa học FPT Smart Cloud Trần Thế Trung cũng đã tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến. Là tập đoàn hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, sự tham gia của các lãnh đạo FPT đã đóng góp cho hội thảo những góc nhìn từ doanh nghiệp và thị trường đối với lĩnh vực mạng và các hệ thống thông minh.

a-nh-thumb-2849-1647828413.jpg

TS. Hoàng Việt Hà - Giám đốc Swinburne Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị ICISN 2022.

Các nội dung được trao đổi và thảo luận trong hội thảo là kết quả nghiên cứu của các tác giả về những thách thức mới đang phải đối mặt trong các lĩnh vực: Kỹ thuật phần mềm và Phương pháp phát triển phần mềm, Mạng di động và không dây, Xử lý tín hiệu, Ứng dụng điện tử và IoT, Trí tuệ điện toán…

Trong gần 200 bản thảo gửi về, 75 công trình được Ban tổ chức chấp thuận trình bày là những nghiên cứu đạt tiêu chuẩn tính mới, tính khoa học, độ trùng lặp với các công trình khác không quá 15% và khuôn dạng trình bày theo định dạng của Nhà xuất bản Springer.

Các chủ đề nghiên cứu đa dạng, nhằm hướng đến giải quyết những bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội như: Thiết kế điều khiển của hệ thống máy phát điện âm nhiệt sử dụng thuật toán học tăng cường; Phát triển các giải pháp và thiết bị chiếu xạ tia cực tím (UVC) tiết kiệm và hiệu quả để khử khuẩn nhanh SARS-CoV-2 trên mặt nạ phòng độc N95; Một hệ thống mới để nhận dạng biển số xe trong các tình huống vi phạm giao thông ở Việt Nam; Dự đoán bệnh tim bằng phương pháp tính toán mềm; Thực hiện SMOTE và VGG-16 cho Chụp X quang COVID-19…

Năm nay, ICISN chào đón các nhà khoa học có bề dày nghiên cứu đến từ quốc tế. Các diễn giả và nhà khoa học đáng chú ý gồm PGS. TS Chutiporn Anutariya, PGS.TS Rafidah Md Noor và GS.TS Lam Kwok Yan.

Bên cạnh đó là sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước như: PGS. TS Nguyễn Cảnh Minh (Trường Đại học Giao thông Vận tải), PGS.TS. Trần Đức Tân (Đại học Phenikaa), TS. Lê Anh Ngọc (Swinburne Việt Nam), TS. Lâm Sinh Công (Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội), TS. Đào Nam Anh (Đại học Điện lực), TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), TS. Nguyễn Thị Diệu Linh (Đại học Công nghiệp Hà Nội)…

Là cầu nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp nhằm ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tiễn của ngành, hội thảo ICISN 2022 cũng thu hút sự đóng góp trình bày góc nhìn từ đại diện các tập đoàn công nghệ lớn.

Thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến các nhà nghiên cứu và cả doanh nghiệp cần có những giải pháp kịp thời để thích ứng với những áp lực thay đổi công nghệ ngày càng phổ biến trên thế giới.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp trong thời đại Internet vạn vật (IoT). Chủ đề “Sức khỏe kỹ thuật số với sức mạnh của AI và dân chủ hóa AI trong thế giới hiện đại” được trao đổi và trình bày bởi ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc VinBrain tại hội thảo đã cho thấy ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào doanh nghiệp là xu hướng tất yếu khi các doanh nghiệp đang cố gắng để phát huy tiềm năng của AI và Big Data.

Việc chuyển đổi kỹ thuật số đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lưu lượng thông tin khi việc áp dụng đám mây phát triển, dữ liệu truyền trực tuyến đang nhanh chóng trở nên phổ biến.

Theo đó, Data Lake là một nền tảng công nghệ và kiến ​​trúc hỗ trợ nhằm thu thập dữ liệu nhanh với mô hình lưu trữ tự nhiên cho dữ liệu đa cấu trúc phức tạp; cung cấp khả năng lưu trữ hiệu quả về chi phí đối với các tập dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu hỗ trợ AI.

Sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam tại ICISN 2022 đã góp phần xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh với sự đóng góp trực tiếp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học và mạng lưới doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp sẽ tham gia trực tiếp và trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, từ đó hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ý kiến

()