Chúng ta
Thứ hai, 1/7/2019 | 00:00 GMT+7

Thầy Jet hiếu học

Trước thời điểm sang New Zealand để hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, Jet Tonogbanua “thả mình” trong dòng hoài niệm về hành trình 9 năm gắn bó với FPT. Đôi mắt sáng của thầy giáo trẻ ánh lên niềm khát khao mãnh liệt cho ngày “đi thật xa để trở về”.

Thầy Jet hiếu học

Trước thời điểm sang New Zealand để hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, Jet Tonogbanua “thả mình” trong dòng hoài niệm về hành trình 9 năm gắn bó với FPT. Đôi mắt sáng của thầy giáo trẻ ánh lên niềm khát khao mãnh liệt cho ngày “đi thật xa để trở về”.

Jet Tonogbanua đến với FPT xuất phát từ niềm yêu thích công nghệ. Năm 2010, khi đang giảng dạy tại một trung tâm tiếng Anh ở Philippines, thầy giáo trẻ nhận được lời giới thiệu từ thân nhân của học trò người Việt về việc ĐH FPT tuyển dụng giáo viên tiếng Anh. Chàng thanh niên sinh năm 1987 quyết định ứng tuyển. Đây là bước ngoặt thay đổi cuộc đời Jet.

Jet Tonogbanua là ứng viên thứ 13 và cũng là người cuối cùng được chọn. Động lực để anh quyết gia nhập nhà F được gói gọn trong hai từ khóa: Công nghệ và thử thách. Jet đam mê công nghệ và ở FPT có điều đó. Thử thách là việc sẽ làm việc tại Việt Nam, nơi mà anh chưa biết đến nhiều và chưa từng đặt chân tới, cách quê nhà gần 2.000 km.

Cuộc sống của Jet Tonogbanua những ngày đầu đến Việt Nam là chuỗi khó khăn nối tiếp nhau. Đà Nẵng là điểm đặt chân đầu tiên của Jet trên dải đất hình chữ S. Vừa đến nơi, Jet Tonogbanua đã phải trải qua “cuộc sống nơi bệnh viện” do ruột thừa bị viêm phải mổ. Nhờ bạn bè, đồng nghiệp động viên, chàng thanh niên 23 tuổi đã nhanh chóng bình phục. Khoảng thời gian ở viện là những ngày giúp Jet Tonogbanua yêu cuộc sống hơn và tiếp thêm nỗ lực để vươn lên.

Jet Tonogbanua tham quan dã ngoại cùng CBNV ĐH FPT. Ảnh: NVCC 

Giảng dạy tại Đại học FPT, sau 3 năm đứng lớp với nền tảng sinh viên có trình độ sau trung cấp (High Intermediate), Jet Tonogbanua được tiếp quản thêm những lớp tiếng Anh cơ bản - sơ cấp (Beginner). Thời gian đầu, thầy giáo trẻ đã không khỏi ngỡ ngàng khi phần lớn sinh viên chưa giao tiếp thành thạo tiếng Anh. Quyết tâm cải thiện tình hình, Jet đã thay đổi phương pháp giảng dạy. Bằng vốn tiếng Việt nỗ lực tự học trước đó, anh áp dụng thêm giải nghĩa tiếng Việt trong quá trình giảng bài. Nhờ vậy, sinh viên dễ “thấm” tiếng Anh, nhanh chóng vượt qua giai đoạn “vịt nghe sấm” để tiếp thu bài giảng tốt hơn.

Thời điểm Jet Tonogbanua gia nhập FPT, anh chưa có bằng đại học, mà mới có bằng Cao đẳng đại cương (Associate degree). Nghị lực, khả năng sáng tạo và kỹ năng sư phạm là cơ sở để anh tiếp tục đồng hành cùng thử thách và giấc mơ. Thầy giáo trẻ quyết tâm vừa dạy vừa học. Từng bước một, Jet đạt được những mục tiêu đặt ra. Đầu tiên là phải có bằng đại học. Jet tham gia học ngay lớp CNTT tại ĐH FPT. Anh choáng váng khi thầy cô và các bạn trong lớp đều giao tiếp bằng tiếng Việt.

Nỗ lực vượt qua rào cản này, anh đã nỗ lực tự học, “năng nhặt chặt bị” bằng cách tận dụng mọi cơ hội để trau dồi vốn từ. Trên lớp, thầy Jet dạy tiếng Anh cho sinh viên. Hết giờ học, học trò “giảng” lại tiếng Việt cho thầy. “Tôi thích nhất là học thực tế qua mỗi lần đi chợ. Nhớ nhất là lúc hỏi mua rau họ cải. Ngày hôm đó, tôi đã phân biệt được nhiều loại rau cải, như cải bắp, cải bẹ, cải ngồng, cải ngọt,…”, Jet nhớ lại.

Năm 2011 là dấu mốc đầu tiên của Jet Tonogbanua khi anh được nhận tấm bằng đại học với ngành học mới - Công nghệ thông tin. “Jet rất thích học hỏi, sáng tạo trong công việc, tính tự lập, tự chủ cao”, anh Đào Trọng Duy, giảng viên bộ môn CF (Máy tính căn bản) ĐH FPT, chia sẻ ấn tượng về cậu học trò đặc biệt và sau này trở thành người bạn thân thiết của anh.

Jet Tonogbanua chụp ảnh lưu niệm cùng lớp Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh (Master of TESOL) của Đại học Hà Nội liên kết với Đại học Victoria (Australia).  Ảnh: NVCC

Năm 2014, sau những nỗ lực hoàn thành các chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn, Jet Tonogbanua đã đủ điều kiện để được cấp thị thực làm việc. Tiếp đó là những ngày tháng tự học và tự trang trải học phí. Sau nhiều lần gián đoạn, đến năm 2018, Jet Tonogbanua đã hoàn thành bằng Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh (Master of TESOL) của Đại học Hà Nội liên kết với Đại học Victoria (Australia), với thành tích học tập đứng đầu lớp. Anh mỉm cười thật tươi khi anh đón nhận thành quả của “tận lực cho những điều kỳ diệu”.

Là người đồng hành cùng Jet Tonogbanua ngay từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ Anh của ĐH FPT, cho biết: “Jet Tonogbanua là một giảng viên rất tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo và ứng dụng phương pháp dạy và học mới; thích thử thách bản thân và có mục tiêu cụ thể trong lộ trình phát triển nghề nghiệp”.

Mỗi lần đứng trên bục giảng, nhìn thấy những gương mặt sinh viên với những khát khao và hoài bão lớn lao, Jet luôn tự nhủ: “Giảng viên đại học cần thực sự nghiêm túc với sinh viên, tạo ra môi trường để người học được rèn luyện các kỹ năng cần thiết, được trải nghiệm một phần thực tế cuộc sống khắc nghiệt sẽ phải trải qua sau khi rời khỏi ghế nhà trường”.

Với anh, công nghệ là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện tại và tương lai. Quá trình dạy và học cũng cần áp dụng công nghệ để giúp đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, cả thầy và trò đều có thể khả thích ứng và không bị ‘lạc hậu’ so với thời đại.

Nhận thấy FPT Education có sẵn nền tảng công nghệ cho ngành giáo dục, thầy giáo trẻ đã chủ động tìm hiểu các ứng dụng sẵn có, áp dụng vào việc giảng dạy của mình. Tuy nhiên, con đường để anh đạt chứng chỉ cao nhất của Google cũng trải qua nhiều khó khăn nhất định.Thời gian đầu, Jet cảm thấy cô đơn khi đồng nghiệp không nhiệt tình ủng hộ và đồng hành. Có thể mỗi người có một mục tiêu khác nhau và không khớp với mục tiêu của mình nhưng anh vẫn quyết theo kế hoạch đặt ra. Dù thất bại trong lần thi đầu tiên nhưng Jet vẫn kiên trì đến cùng. Trong vòng 3 tháng, Jet đã đạt được chứng chỉ cấp độ cao nhất của Google cho ngành giáo dục - Google Certified Educator Level 2 (chứng chỉ toàn cầu duy nhất được Google chứng nhận khả năng của tích hợp thành thạo các công cụ và công nghệ của Google vào việc quản trị, quản lý hành chính, đào tạo).

Jet Tonogbanua đã áp dụng bộ công cụ của Google ứng dụng cho giáo dục (GAFE) trong quá trình giảng dạy. Các ứng dụng như: Google Classroom, Gmail, Drive, Sites... đã hỗ trợ anh thiết kế nội dung bài giảng theo các dự án. Giảng viên sẽ theo dõi và đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học và thực hành trên lớp. Hình thức học chủ yếu theo nhóm, người học sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất cùng với giáo viên.

Những hoạt động cho lớp học tiếng Anh này không chỉ trang bị cho sinh viên khả năng về ngoại ngữ mà còn giúp các bạn phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…
Sinh viên Tô Thu Huyền – lớp PC1227 cho biết: “Em thấy phương pháp học qua dự án như vậy rất vui vẻ, dễ tiếp thu và tăng cường khả năng nghe và nói. Chúng em rất hứng thú với tiết học. Các sản phẩm và cách trình bày còn thể hiện sự sáng tạo của các bạn.”

Trên giảng đường, ngoài nội dung bài giảng theo giáo trình, Jet thường chia sẻ với sinh viên các kiến thức về cuộc sống, kỹ năng sử dụng công nghệ và những thực trạng nghề nghiệp, việc làm mà tương lai sẽ phải trải qua. Đó là những điều cần thiết mà sinh viên cần được biết và chuẩn bị cho hành trình sau này.

Anh luôn đau đáu về một số sinh viên bướng bỉnh, lơ là trong việc học và rèn luyện ngay trên lớp, lười làm bài tập về nhà, dửng dưng với công nghệ, chẳng thèm đoái hoài gì đến tương lai sau này. “Nhiều khi nghĩ đến tôi buồn phát khóc. Có lẽ các em có dự định riêng và những câu chuyện xương máu của tôi chia sẻ chưa đủ để các em ‘thẩm thấu’ hết được”, anh tâm sự.

“Một bữa tối tuyệt vời và không thể nào quên được trong cuộc đời” là cảm nhận của Jet Tonogbanua về tiệc chiêu đãi các cá nhân xuất sắc OKR quý I của tập đoàn tại tư gia của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Để có được vinh dự này, Jet Tonogbanua đã hoàn thành được 3 mục tiêu OKR cho quý I, gồm: Đạt chứng nhận cấp 2 của Google; Khám phá tiềm năng của Google Apps cho giáo dục (GAFE) và Thu thập dữ liệu cho dự án nghiên cứu Google Apps để áp dụng trong việc dạy và học. Trong đó, việc đạt chứng nhận cấp 2 của Google dành cho nhà giáo dục là thành tích tiêu biểu nhất của anh.

“Lựa chọn Jet Tonogbanua là gương mặt đại diện cho FPT Education là phù hợp. Khác so với các bộ phận khác là chọn các lãnh đạo cấp trung và cao, Jet là một giáo viên bình thường và hầu như hiếm có cơ hội được trò chuyện thân mật và gần gũi như trong buổi tiệc tối cùng Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và ngay tại tư gia của anh. Đây sẽ là động lực rất lớn và nguồn cảm hứng cho nhiều cán bộ giáo viên, có thể được ví như những khe suối nhỏ trong tổ chức giáo dục FPT, phấn đấu và sáng tạo trong công việc hơn nữa để đạt được những thành tích xuất sắc trong công việc để được ăn tối và trò chuyện với người anh cả - lãnh đạo cao nhất của tập đoàn”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh ĐH FPT, cho biết.

“Sẽ chẳng có giấc mơ nào nếu bạn không ước mơ thật lớn”, Jet Tonogbanua chia sẻ về việc tiếp tục theo đuổi con đường học tập ở bậc cao hơn, bằng Tiến sĩ. Dù anh đã bị lỡ nhiều trường ở Canada, Australia nhưng may mắn đã mỉm cười khi cuối cùng anh được tiếp nhận làm nghiên cứu sinh tại trường đại học hàng đầu của New Zealand. Dự kiến trong tháng 8 này, Jet Tonogbanua sẽ sang học tập và hoàn thành chương trình học tại xứ kiwi.

Bốn năm tiếp theo, Jet sẽ chuyên tâm cho việc học tiến sĩ. Anh sẽ có thêm một hành trình với những thử thách và trải nghiệm mới. Nhưng Việt Nam vẫn là nơi anh muốn tìm về để hoàn thành luận án của mình.

“FPT đã cho tôi cơ hội được trải nghiệm, thử thách bản thân và vượt lên chính mình. Từng khoảng thời gian trôi qua, mỗi kỷ niệm gắn bó sẽ theo tôi mãi. Tôi luôn muốn và ước đến ngày sẽ được trở lại giảng đường ĐH FPT sau khi có bằng tiến sĩ để tôi tiếp tục sống với đam mê công nghệ và áp dụng chúng vào giảng dạy, viết tiếp thanh xuân trong màu áo cam tôi yêu cùng những người nhà F tôi nhớ, biết ơn”, Th.S Jet Robredillo Tonogbanua, cựu giảng viên Tiếng Anh trường ĐH FPT (Trưởng môn Writing), chia sẻ.

Tiến Rinh

Tiến Rinh

Ý kiến

()
 
Tags: