Chúng ta

Chủ tịch Trương Gia Bình: 'Hãy tận lực cho những điều kỳ diệu'

Thứ hai, 11/2/2019 | 10:47 GMT+7

Câu chuyện đầu năm với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bắt đầu bằng hai chữ “Leng Keng”, mà gần đây đang gây... náo động cả FPT. Không chỉ tự nhận mình là người “Leng Keng”, anh Bình còn kêu gọi hơn 3 vạn nhân viên toàn Tập đoàn cũng “Leng Keng” như mình. Anh bảo, các doanh nhân trẻ Việt Nam cũng hãy tận lực, sáng tạo cho những điều kỳ diệu.

- Thưa ông, dường như có một điều mới mẻ đang diễn ra ở FPT. Bởi bước vào thang máy, sảnh văn phòng, hay thậm chí là nhà vệ sinh, đều nhìn thấy những tấm giấy in dòng chữ “leng keng”, với những dòng giải thích rất rõ ràng: “Leng keng là sự khác biệt, sáng tạo, tinh thần dám ôm bom dự án để thay đổi cả hành tinh”, “Leng keng là nghĩ khác biệt gấp 2, làm sáng tạo gấp 4, nỗ lực điên rồ gấp 5, tạo ra thành quả kỳ diệu”... Điều này có ý nghĩa gì vậy?

- Đó là thông điệp mới nhất mà tôi vừa gửi tới mỗi thành viên của FPT. Trong một cuộc trò chuyện gần đây với một người đặc biệt, một người đang theo đuổi những ước mơ hết sức điên rồ, tôi bỗng nhận ra rằng, thực ra thế giới đã và đang được kiến tạo bởi những người “leng keng” như Steve Jobs, Elon Musk, hay Mark Zuckerberg... Họ đã đưa ra những mục tiêu điên rồ, song với sự nỗ lực và sáng tạo còn điên rồ hơn nữa, họ đạt được những thành tựu đột phá.

chutichfpttruonggiabinhhaytanl-2188-5120

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Và ở FPT, chúng tôi cũng có những người có… chất “leng keng” như thế, khi dám đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu, sánh ngang các doanh nghiệp hàng đầu thế giới với mức lương chỉ chưa đến 5 USD/người. Vị thế đáng tự hào của FPT hôm nay cũng bởi chút “leng keng” trong quá khứ.

Nhưng gần đây, chúng tôi dường như bớt “leng keng” hơn, có lẽ do áp lực để hoàn thành các con số. Trong khi đó, chúng tôi đang có cơ hội rất lớn để trở thành doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số, để chinh phục đỉnh cao thế giới về công nghệ.

 Vì thế, tôi đang muốn lan tỏa tinh thần “leng keng” ấy không chỉ trong một vài người, mà là trong cả hơn 3 vạn nhân viên, để mỗi người làm việc hăng say hơn, liên tục đổi mới, sáng tạo và kỷ luật, cùng tham gia kiến tạo thế giới mới.

- Như vậy, là tưởng là đùa mà không phải đùa. “Leng keng” không chỉ là nghĩ một cách khác người, một cách điên rồ, mà còn là làm việc một cách phi thường. FPT đã làm điều đó như thế nào để trở thành một người tiên phong trong hơn 30 năm qua?

- Có rất nhiều câu chuyện tiên phong ở FPT mà chúng tôi có thể kể, chẳng hạn chuyện FPT đưa tin học đến với Việt Nam, rồi sau đó là mở rộng bờ cõi trí tuệ Việt Nam bằng cách xuất khẩu phần mềm, hay tiên phong đổi mới giáo dục, tạo đột phá khẩu cho phát triển Internet tại Việt Nam… Nhưng có lẽ, để chọn một, thì tôi sẽ chọn câu chuyện đưa trí tuệ Việt ra thế giới.

Ngay từ năm 1998, FPT đã quyết định lấy xuất khẩu phần mềm làm lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược toàn cầu hóa. Chúng tôi bắt đầu bằng Bangalore và Silicon Valley, nhưng sớm thất bại và chỉ thực sự thành công khi chinh phục được thị trường khó tính nhất là Nhật Bản từ năm 2005.

Các năm sau đó, chúng tôi liên tiếp mở văn phòng tại Singapore, châu Âu và quay trở lại Mỹ. Quy mô dự án cũng lớn dần lên từ vài triệu USD lên đến 10, 20, 30 triệu USD và 115 triệu USD. “Bộ sưu tập” khách hàng cũng đồ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu. Chúng tôi cũng đã được công nhận ở cấp đối tác hàng đầu của nhiều ông lớn như Microsoft, IBM, Amazon Web Services, General Electrics, Siemens, Dupont, Airbus…

Tôi nhớ hồi đó, khi chúng tôi nói về chuyện xuất khẩu phần mềm, không ai tin, thậm chí có định chế tài chính quốc tế còn nói rằng: “Hãy dừng nói chuyện xuất khẩu phần mềm đi, Việt Nam không thể làm được điều đó”. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm và FPT đã thành công, đã mở ra con đường xuất khẩu phần mềm cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng hàng đầu về xuất khẩu phần mềm trên toàn cầu.

Trong nhiều năm qua, xuất khẩu phần mềm của FPT liên tục tăng trưởng trung bình 30-40%/năm, là động lực tăng trưởng quan trọng và được kỳ vọng sẽ đạt quy mô 1 tỷ USD, đóng góp đến 50% vào tổng doanh thu của Tập đoàn.

Nếu các bạn để ý, chúng tôi có những poster thú vị về những câu chuyện tiên phong của mình. Với chúng tôi, xuất khẩu phần mềm là đem trí tuệ Việt ra thế giới chứ không chỉ là tiếp thu kiến thức nước ngoài; những  dự án lớn với chúng tôi là những dự án có ảnh hưởng đến triệu người.

Suốt thời gian qua, chúng tôi đã… “leng keng”, đã nghĩ khác, làm khác và tiên phong như thế. Giờ đây, FPT đang tiếp tục muốn tiên phong và trở thành doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số.

- Ông là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam nói về cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và gần đây, chúng ta cũng đã nói quá nhiều về điều đó. Nhưng thực sự, cách mạng 4.0 là gì và FPT sẽ làm gì trong cuộc cách mạng này?

- Đúng là mọi người nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực sự vẫn còn mơ hồ, thậm chí là hoang mang. Nhưng đây là sự hoang mang mang tính toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam. Ngay cả ở nước Đức, đất nước đã đưa ra thuật ngữ cách mạng công nghiệp 4.0, thì người ta cũng hoang mang lắm, không biết bắt đầu từ đâu, phải thay đổi ra sao, đến như thế nào thì là 4.0…

Thực chất, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về năng suất lao động, đây chính là một vấn đề lớn của Việt Nam.

FPT sẽ tiếp tục tiên phong trong hành trình này. Chúng tôi đang tiên phong trong xây dựng chính phủ điện tử - hướng tới chính phủ số, tham gia xây dựng giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và các giải pháp thông minh khác để làm nền tảng cho sự phát triển…

Năm 2019, chúng tôi sẽ chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn để trở thành một công ty số, vận hành bằng dữ liệu gần với thời gian thực, nhằm nâng cao đột biến năng suất lao động, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Khi FPT làm được, các vấn đề sẽ trở nên dễ hiểu hơn.

Chúng tôi cũng tới các nhà máy, xí nghiệp bàn về việc xây dựng nhà máy thông minh. Chúng tôi có 700 khách hàng trên thế giới, trong đó có 100 khách hàng thuộc top 500 thế giới, đã và sẽ tiếp tục tham gia chuyển đổi số cho họ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đã đặt chúng ta cùng vạch xuất phát với các tập đoàn lớn trên toàn cầu, do vậy không quan trọng là họ lớn bao nhiêu mà là chúng ta chạy có nhanh không. FPT muốn trở thành nhà vô địch trong cuộc đua này.

- Một mục tiêu đầy thách thức, thưa ông?

- Đúng là đầy thách thức, nhưng nếu mình… “leng keng”, cả vạn người “leng keng” thì sẽ làm được.

- Và cả không sợ hãi nữa chứ… Tôi vẫn thường nghe ông nói với các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam là, người kiến tạo thế giới thì không sợ hãi. Hai chục năm trước, ông đã không sợ hãi khi đưa trí tuệ Việt ra thế giới?

- Tương lai của FPT như thế nào phụ thuộc vào việc mình có can dự được vào tương lai chuyển đổi số của thế giới hay không. Đứng trước những công ty vĩ đại của thế giới, phải có đủ dũng khí để thuyết phục họ. Nếu mình không tự tin, thì sẽ không ai bắt tay với mình.

Chúng tôi đã dũng cảm làm điều đó. Các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng phải dũng cảm làm điều đó. Không sợ hãi thì nhiều người không sợ, nhưng tôi cho rằng, đi kèm với không sợ hãi thì phải có ước mơ thật lớn, phải làm thật lớn. Hãy nghĩ khác biệt gấp 2, làm sáng tạo gấp 4, nỗ lực điên rồ gấp 5, bạn sẽ tạo ra những thành quả kỳ diệu.

Hãy tận lực cho những điều kỳ diệu. Đây là phẩm chất rất cần có trong các doanh nghiệp Việt Nam. Thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, những công việc lặp đi lặp lại sẽ biến mất, nhường chỗ cho robot. Cái còn lại sẽ là đổi mới, sáng tạo. Đấy chính là điều cốt lõi của tương lai và vì thế FPT mới phát động “leng keng”, để nghĩ khác đi, làm khác đi, tập trung cho đổi mới, sáng tạo.

- Điều đó có quá khó không, thưa ông, bởi nhiều doanh nghiệp Việt chỉ thích ăn xổi, thích “đánh quả”, mà ít nghĩ tới tương lai xa hơn?

- Thực ra, bản chất của kinh doanh là cạnh tranh, nghĩa là bạn có thể làm nhanh hơn không, làm tốt hơn không, làm rẻ hơn không… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt chúng ta vào bối cảnh tồn tại hay không tồn tại, chứ không có sự lựa chọn giữa chừng. Vì thế, chúng ta buộc phải tiến về phía trước.

Người Việt Nam nói chung có tinh thần kinh doanh rất lớn, đấy là phẩm chất rất hiếm mà không phải đất nước nào cũng có, kể cả ở các quốc gia phát triển.

Chỉ những con người có ước mơ lớn, có suy nghĩ khác, có sự ám ảnh khách hàng thì mới có thể đi tiếp, có thể có những thành công ban đầu. Nhưng kể cả có thành công ban đầu rồi, cũng phải đi tới tận cùng vấn đề, hãy làm việc cật lực, cật lực, cật lực…, bởi chỉ cần dừng lại, bạn sẽ chết.

Tôi và FPT, chúng tôi lúc nào cũng nỗ lực và muốn vươn lên đỉnh cao của thế giới.

>> Chủ tịch FPT Software: 'Chúng tôi làm những việc cả thế giới còn đang lúng túng'

Đầu tư

Ý kiến

()