Chúng ta

Mềm mãi không cứng

Thứ sáu, 25/5/2018 | 13:34 GMT+7

Chỉ là câu nói cho vui, nhưng nghĩ lại giai đoạn gần 20 năm làm phần mềm, thấy bản thân nói riêng và dân phần mềm nói chung đúng là “mềm mãi không cứng” thật.

FPT bây giờ đã to lớn, FPT IS cũng to lớn. Đi gặp khách hàng, đối tác, trao đổi danh thiếp, khách hàng toàn thấy Tổng giám đốc, Phó tổng công ty này, công ty nọ thuộc FPT, thuộc FPT IS, hay nhỏ nhỏ cũng cỡ giám đốc Trung tâm và Trưởng phòng. Khách hàng nhìn cũng rối và hoảng. Chả bù ngày xưa, to nhất ở TP HCM là anh ChâuHM, Giám đốc Chi nhánh. Cỡ trưởng phòng ban như anh TùngLT, Chị PhươngNT, anh HùngNQ, anh SơnNM, anh HùngNT, anh DuyênNQH đã là to lắm rồi.

Nhiều khi dùng câu giới thiệu rất hiệu quả: FPT/FPT IS nhiều lĩnh vực, cứng-mềm-viễn thông-dịch vụ… Các anh chị nhớ cũng phức tạp, em giới thiệu, em phụ trách đội phát triển phần mềm, làm nghề này được 18 năm, nếu tính ngày coding những dòng lệnh đầu tiên trong đời thì cũng 20 năm.

Đồng nghiệp, bạn bè gọi em là dân “mềm mãi không cứng”, phân biệt giữa dân phần mềm và dân phần cứng ở công ty. Vậy mà nhiều khách hàng nhớ, lâu lâu hỏi các đồng nghiệp khác: “Ông mềm mãi không cứng đâu rồi?”.

Chỉ là câu nói cho vui, nhưng nghĩ lại giai đoạn gần 20 năm làm phần mềm, thấy bản thân nói riêng và dân phần mềm nói chung đúng là “mềm mãi không cứng” thật. Bản thân cái chữ phần mềm nó lậm vào tính cách của người làm phần mềm, có bạn viết một bài về “Thái âm” của dân phần mềm.

Nhìn lại cũng có vẻ đúng, phần mềm rất nhiều năm trước, những năm 90-95 của thể kỷ trước đã luôn luôn Micro lại còn Soft theo đúng nghĩa đen của nó. Từ đó những người làm phần mềm lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé, cảm thấy lép vế trong một tập thể FPT hừng hực tăng trưởng của những cái khác ngoài phần mềm.

Vì lép vế, nhỏ bé nên dân phần mềm lại chơi với nhau rất chân thành, nhiều trò hay ho, hình thành tổ chức không chính thức và khép kín trong nội bộ. Nhìn thì rất hòa đồng, đoàn kết nhưng lại khó gần và ít chịu gia nhập hội khác.

Nhớ giai đoạn phần mềm của FPT HCM cách đây 15-18 năm, thời mà doanh số một năm vài trăm triệu đồng, quân số 5-10 người, làm không đủ ăn, phần mềm thường được ‘bán ké” theo các hợp đồng phần cứng. Khi có hợp đồng thì giao cho một hoặc hai “cán bộ” khảo sát, phân tích, thiết kế, lập trình, test và triển khai từ đầu đến cuối. Bản thiết kế là mấy tờ A4 được vẽ bằng tay hoặc Word. Thậm chí, ông nào ký hợp đồng xong thì làm luôn dự án đó, tự định giá, tự định công nghệ. Khi nào hết việc dự án lại đi kinh doanh mà không có tài liệu chuẩn, không có phần mềm Demo, toàn bán giải pháp bằng Word và nói miệng.

Thời đó đi triển khai, do không có quy trình nên khảo sát đến đâu, thiết kế, lập trình sửa luôn tại khách hàng. Triển khai đến đâu sửa đến đó, yêu cầu phát sinh liên tục, lỗi nhiều không thể kể, cái gì cũng tự làm, tự giải quyết, tự viết hết, vì gặp vấn đề cũng không biết hỏi ai. Đến cái Menu của chương trình cũng phải Code chứ Tool không có. Được cái làm công nghệ cao nên đa số khách hàng quý trọng, phần mềm đã chạy được thì rất ít khi lỗi và có thể rất lâu không phải sửa. Thời mà biết Word, Excel đã là cao thủ, thiết lập cái screen saver trên Windows 3 có dòng chữ chạy chạy, mấy câu sến sến thì mấy bạn khách hàng sướng mê tơi. Đi triển khai luôn được các bạn nam rủ ăn uống, các bạn nữ chăm sóc, hỏi han. Đa số khách hàng ở giai đoạn này đều trở thành bạn bè thân thiết với nhau sau đó.

Đến giai đoạn sau 1998-2002 thì FPT bắt đầu làm quy trình, phân chia rõ Kinh doanh, Kỹ thuật, QA… Phần mềm miền Nam cũng bắt đầu từng bước đi vào chuyên nghiệp. Lúc này, từ các dự án đã tích lũy thành các sản phẩm, các sản phẩm FPT.iHRP, FPT.eHospital, FPT.eGov, FPT.eAccount… bắt đầu hình thành. Đây là giai đoạn FPT đầu tư khá nhiều cho phần mềm, xuất khẩu phần mềm cả về đào tạo quản lý, kỹ thuật, bán hàng, quy trình chuyên nghiệp. Có thể coi đây là giai đoạn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phần mềm của FPT. Phần mềm miền Nam có sự hỗ trợ của Miền Bắc cũng đã học hỏi và trưởng thành rất nhiều. Tính chuyên nghiệp tăng lên đáng kể nhưng cũng phải mất 5 năm sau thì mới hình thành được các thói quen tuân thủ chuẩn mực đẳng cấp như ngày nay.

Giai đoạn hợp nhất FSS-ERP-FPT IS cũng đã làm cho dân phần mềm tự tin hơn về định giá phần mềm, bớt “thái âm” hơn, học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm đánh trận của đội tích hợp.

Ngày nay, phần mềm của FPT IS, của FIS IS Soft đã có những sản phẩm số một Việt Nam, cạnh tranh quốc tế như FPT.eHospital, FPT.eGOV. FPT.

iHRP… Chúng ta tự tin khi xây dựng các dự án tầm cỡ 20 tỷ đồng, 50 tỷ đồng, 100 tỷ đồng và có dự án 200-300 tỷ đồng. Nhưng có phải khi phần mềm có chỗ đứng trong FPT IS, trong FPT, có chỗ đứng trong thị trường Việt Nam và quốc tế thì “dân phần mềm” sẽ bớt bị “âm” đi chăng?

Khoảng 2-3 năm nay, phần mềm thực sự đã bắt đầu có những bước tiến khá xa. Nhưng trong tiềm thức, tính cách “Micro và soft” của dân phần mềm dường như vẫn “mềm mãi không cứng”. Phải cần bao lâu nữa, 3 năm, 5 năm hay 10 năm để “dân phần mềm” thay đổi? Để nghĩ và làm những thứ đao to, búa lớn và tầm cỡ hơn?

Phạm Anh Chiến - FPT IS

Ý kiến

()