Chúng ta

FPT Telecom sẽ nhận các tuyển thủ nữ Việt Nam vào làm việc sau giải nghệ

Thứ sáu, 11/2/2022 | 19:41 GMT+7

Chia sẻ trong talkshow ‘ Giấc mơ World Cup’ do FPT Play tổ chức chiều 11/2; TGĐ FPT Telecom Hoàng Việt Anh cho biết trong 10 năm tới công ty sẽ nhận các nữ tuyển thủ vào làm việc sau khi giải nghệ nhằm tri ân những đóng góp không ngừng nghỉ cũng như giúp các nữ tuyển thủ ổn định cuộc sống. 

Kì tích chấm dứt nỗi ám ảnh 7 năm

World Cup đã không còn là giấc mơ mà đã trở thành hiện thực khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên giành vé tham dự, sau khi đánh bại Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) ở vòng play-off. “Đây không chỉ là thành tích đặc biệt, mà là chiến công, là vinh quang của các cô gái vàng đã đem về cho Tổ quốc”, MC Hoàng Quân mở đầu buổi talkshow “Giấc mơ World Cup” của FPT Play bằng lời tri ân chiến tích của các nữ tuyển thủ.

Khách mời của chương trình là những “người hùng” ở giải Asian Cup vừa qua trên đất Ấn Độ, gồm: HLV Mai Đức Chung; các nữ tuyển thủ Thái Thị Thảo, Phạm Hải Yến, Nguyễn Tuyết Dung, Nguyễn Thị Thanh Nhã. Ngoài ra, chương trình cũng có sự góp mặt của quyền Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn, anh Hoàng Việt Anh – CEO FPT Telecom và nhà báo Minh Hải.

Khi được hỏi về cảm xúc lọt vào vòng chung kết World Cup, Thái Thị Thảo không giấu được sự bồi hồi: “Đó không phải là giấc mơ của riêng em, mà của tập thể cả đội. Cảm xúc ấy thật sự không thể nào diễn tả nổi bằng lời. Trong khoảnh khắc trọng tài cất còi kết thúc trận đấu, tất cả mọi người chỉ biết chạy về phía nhau, ôm nhau để cùng chia sẻ niềm hạnh phúc ấy”.

IMG-4195-4950-1644584925.jpg

Các nữ tuyển thủ Việt Nam và HLV Mai Đức Chung trong talkshow “Giấc mơ World Cup” phát sóng trực tiếp chiều 11/2 trên FPT Play. Ảnh: FPT Play.

Còn với tiền đạo Phạm Hải Yến, cô cho biết ngay sau khi lọt vào World Cup đã ngay lập tức gọi về cho bố mẹ để chia sẻ niềm vui lớn nhất của sự nghiệp cầu thủ. “Em chưa kịp nói gì, bố mẹ đã chúc mừng và cả nhà cùng xúc động”, tiền đạo CLB Hà Nội Watabe nhớ lại. Nữ tiền đạo cho biết cô ước mơ có thể ghi 1 bàn thắng ở World Cup, trong khi đó tiền vệ Tuyết Dung lại mong muốn có thể đối đầu với tuyển nữ Brasil.

Nhắc về “kỳ tích” của bóng đá nữ Việt Nam, nhà báo Minh Hải nhận định anh “không có đủ vốn từ” để miêu tả về chiến công này của thầy trò HLV Mai Đức Chung, vì “chưa bao giờ nghĩ về điều đó”. Anh nhớ lại tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung từng chia sẻ về khoảnh khắc thất bại nhất trong sự nghiệp, chính là trận thua cay đắng trước Thái Lan năm 2014, để rồi vuột mất tấm vé đến với World Cup 2015 mà sau đó đã ám ảnh cô suốt thời gian dài. “Chỉ khi nào bóng đá Việt Nam tham dự được World Cup, em mới có thể từ giã bóng đá”, nhà báo Minh Hải nhắc lại câu nói của Tuyết Dung 7 năm về trước.

Chia sẻ về câu chuyện này, tiền vệ của CLB Phong Phú Hà Nam nhớ về hình ảnh sân vận động Thống Nhất năm 2014: “Em chưa bao giờ thấy khán giả đến theo dõi một trận bóng đá nữ đông đến như vậy”. Tuy nhiên, dù được sự cổ vũ của hàng vạn khán giả nhà nhưng tuyển nữ Việt Nam vẫn nhận thất bại 1-2 trước Thái Lan. Phải đến khi vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) ở vòng play-off vừa qua, Tuyết Dung mới có thể nguôi ngoai phần nào cảm giác thất bại ấy. “Tất cả chị em chạy đến ôm nhau, có cả niềm vui và nước khóc sau bao nhiêu khó khăn mà toàn đội đã trải qua để đến được World Cup”, Tuyết Dung bồi hồi.

Trước giải đấu, do ảnh hưởng của các ca mắc COVID-19, tuyển nữ Việt Nam có thời điểm tưởng chừng phải bỏ giải. Đội tuyển rơi vào khủng hoảng lực lượng, khi đội chỉ còn 3 cầu thủ ra sân tập luyện. Ngày 19/1/2022, 14 cầu thủ khỏi bệnh và bay sang Ấn Độ từ Tây Ban Nha. Đội tuyển chỉ có một ngày tập luyện chung, trước khi đá trận ra quân thua Hàn Quốc 0-3.

Nhận định về hành trình đến với World Cup, nhà báo Minh Hải cho rằng tiền vệ Thanh Nhã có lẽ là “nàng công chúa” may mắn nhất vì sinh ra đúng thời điểm. Đáp lại nhận định này, tuyển thủ sinh năm 2001 cũng đồng ý và cho rằng mình may mắn, thuận lợi hơn rất rất nhiều trong cả tập luyện và thi đấu so với những thế hệ đàn cô, đàn chị trước đây. Thanh Nhã thậm chí bật khóc khi nhớ về lần đầu tiên xin HLV Mai Đức Chung để ra sân trong màu áo đội tuyển quốc gia và đã có pha kiến tạo thành bàn.

3E0A948F-E699-430E-9D73-7DB73C-1828-3615

HLV Mai Đức Chung mong muốn các học trò có nghề nuôi sống bản thân sau khi giải nghệ. Ảnh: FPT Play.

Cùng nhìn lại kỳ tích của tuyển nữ Việt Nam không thể không nhắc đến vai trò của HLV Mai Đức Chung, người mang biệt danh “bác Chung gái”. Vị HLV sinh năm 1951 nhớ lại thời điểm đội tuyển chỉ còn 3 nữ cầu thủ ra sân tập luyện, ông không thể nào ngủ được, cũng không thể đưa ra bài tập nào cho đội tuyển. Cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Ấn Độ, khó khăn về sân bãi tập luyện, tất cả khiến ông chán nản và từng có thời điểm nghĩ đến chuyện “xin thua” ở hai trận đấu đầu tiên trước Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mỗi buổi sáng thức dậy, ông đi gõ cửa từng phòng để hỏi thăm sức khỏe của các nữ tuyển thủ: “Tình hình các con thế nào?”. Ông cười trừ khi nhớ về hình ảnh người dân Ấn Độ và các đối thủ “ngơ ngác” nhìn 5-6 thành viên tuyển nữ Việt Nam ngồi lọt thỏm giữa chiếc xe bus 60 chỗ ngồi, để đến sân tập. Với việc thiếu thốn lực lượng nghiêm trọng, HLV Mai Đức Chung cho biết ông đã dùng chính hai trận đấu đầu tiên để làm buổi tập luyện cho các thành viên vừa khỏi bệnh. Ông cũng cho rằng đội tuyển đã may mắn khi tuyển nữ Trung Quốc tỏ ra “khinh địch”, tung vào sân đội hình dự bị để đấu với Việt Nam.

Nhớ đến các đối thủ trong bảng, tiền vệ Tuyết Dung cho biết cô và đồng đội tỏ ra “hụt hẫng” khi nhận được kết quả bốc thăm vòng bảng, phải đối đầu với hai “ông kẹ” Hàn Quốc và Nhật Bản cùng đối thủ truyền kiếp Myanmar. Tuy nhiên, toàn đội vẫn quyết tâm chơi hết mình, làm hết sức trong toàn bộ hành trình.

Nhà báo Minh Hải cũng tỏ ra khâm phục tiền vệ Thái Thị Thảo khi cô một mình đi từ Tây Ban Nha sang Ấn Độ mà không có phiên dịch đi cùng. Tiền vệ quê Nghệ An cho biết dù lo lắng về chuyến bay phải quá cảnh hai lần ở Pháp và Dubai nhưng “chỉ cần góp mặt với đội tuyển là được”. Với vốn tiếng Anh gần như bằng không, Thảo gần như lạc lõng ở sân bay khi làm thủ tục check-in và phải gọi về cho ban huấn luyện để báo cáo tình hình. Cô cho biết dù rất buồn ngủ nhưng Thảo vẫn quyết tâm ra sân tập lúc 1h chiều, dưới cái nắng gay gắt ở Ấn Độ, thậm chí phải giấu HLV Mai Đức Chung về sự mệt mỏi của mình.

Chia sẻ về cảm giác đón Tết xa nhà, tiền đạo Phạm Hải Yến cho biết tất cả thành viên xem nhau như những thành viên trong gia đình và may mắn có được sự giúp đỡ, động viên của đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trước cái Tết đặc biệt nhất trong đời. Xen kẽ với những chia sẻ của khách mời, buổi talkshow cũng kết nối với gia đình của Tuyết Dung và Thái Thị Thảo để gia đình gửi gắm cảm xúc và những lời chúc đến các nữ tuyển thủ.

0A1EF167-7104-418A-97AA-906D0C-9934-5506

Anh Hoàng Việt Anh – CEO FPT Telecom cho biết cam kết thiết kế một chương trình để bố trí việc làm cho các nữ tuyển thủ sau khi giã từ sân cỏ. Ảnh: FPT Play.

Trăn trở về tương lai sau bóng đá của các nữ cầu thủ

Nhớ lại hành trình gắn bó với bóng đá nữ, HLV Chung “gái” kể về tấm huy chương đồng Seagames 1997 – thành tích đầu tiên của tuyển nữ Việt Nam, cho đến những lớp cầu thủ nữ sinh sau năm 2000 hiện nay. Sau khoảng 25 năm, điều kiện tập luyện và thi đấu đã thay đổi rất nhiều. Nhắc về cái Tết xa nhà lần này, vị HLV 71 tuổi bông đùa “tôi phải gọi về nhà bảo bà xã nấu ngay một nồi măng chân giò để tôi về ăn Tết muộn”. Ông cũng hy vọng liên đoàn bóng đá sẽ phát triển bóng đá nữ, mở rộng giải vô địch quốc gia để có thêm nhiều gương mặt mới góp mặt ở đội tuyển. Đồng thời, mong mỏi các nữ cầu thủ có được công việc ổn định và lập gia đình sau khi rời xa sân cỏ. “Tôi chỉ mong càng ngày có nhiều cầu thủ gửi thiệp mời đám cưới”, HLV Mai Đức Chung chia sẻ.

Nhân câu chuyện này, anh Hoàng Việt Anh – CEO FPT Telecom cho biết đơn vị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến bóng đá nữ và cam kết phối hợp cùng liên đoàn bóng đá thiết kế một chương trình để bố trí việc làm cho các nữ tuyển thủ sau khi giã từ sân cỏ. FPT Telecom có mặt ở 63 tỉnh/thành và có rất nhiều công việc phù hợp với các nữ cầu thủ. “Đây không phải là cảm xúc nhất thời mà là trăn trở lâu dài và sẽ có kế hoạch chi tiết, sớm nhất cho các nữ cầu thủ. Tôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp khác đồng hành cùng bóng đá nữ”, anh Việt Anh tâm sự.

IMG-4253-1730-1644584926.jpg

Quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn tặng áo đấu tuyển nữ Việt Nam cho ông Hoàng Việt Anh - TGĐ FPT Telecom. Ảnh: FPT Play.

Trước khi khép lại talkshow, Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định đội tuyển sẽ ngay lập tức “quay trở lại mặt đất” và tập trung chinh phục các mục tiêu Seagames 31, AFF Cup,... Liên đoàn sẽ làm việc với các đối tác Nhật Bản, Đức để đưa đội tuyển đi tập huấn, thi đấu giao hữu và bổ sung thêm các chuyên gia. Đồng thời, tổ chức thêm giải U16 nữ, Cúp Quốc gia nữ nhằm tạo thêm sân chơi cho các nữ cầu thủ. Tất cả nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đội tuyển chuẩn bị cho hành trình bước ra biển lớn World Cup 2023.                                                                                                                       

Sơn Thạnh

Video: Trần Huấn

Ý kiến

()