Nắm tay đứa cháu nội 3 tuổi, bà Lương Thị Tuyến (ấp Nhơn Phú A, Nhơn Nghĩa, Phong Điền, Cần Thơ) không cầm được nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình mình: "Con trai tôi chạy xe ôm công nghệ ở Sài Gòn. Hồi dịch bùng phát, nó bị kẹt lại mấy tháng rồi mất ở đó luôn vào tháng 9 âm lịch. Nhà có hai cháu gái , 12 tuổi và 3 tuổi. Gia đình ở quê khó khăn, con dâu làm công nhân may gia công, cũng không dư dả…"
Sáng 27/3, ông bà chở đứa cháu 3 tuổi lên thành phố từ sáng sớm, dự lễ ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện chương trình "Chung tay cùng bạn đến trường Hy Vọng" giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ và trường Hy Vọng (Hope School), chăm chú lắng nghe chia sẻ của các đại diện FPT và đại diện thành phố.
Rời sự kiện, bà đã có quyết định của mình: "Tôi sẽ thuyết phục con dâu cho gửi cháu lớn vào trường Hy Vọng. Hiện bé lớn học và ở TP HCM với mẹ, chỉ còn hơn một tháng sẽ kết thúc năm học. Tôi tin tưởng nhiều ở trường Hy Vọng. Tin là thầy cô sẽ đồng hành, lo lắng cho việc học và việc làm của cháu sau này, giúp cháu có tương lai rộng mở và giúp gia đình chúng tôi an tâm gửi gắm cháu".
Bà tâm sự, con dâu thương con nên không nỡ để cháu học xa nhưng nếu để ở quê nhà, không biết sẽ lo lắng đủ cho cháu học hành tử tế được không vì gia đình rất khó khăn. "Chúng tôi chỉ lo lắng cháu phải xa gia đình, sinh sống ra sao nên vẫn phân vân. Hôm nay đến đây, được nghe cô chú phát biểu, lại có sự cam kết đồng hành của chính quyền nên an tâm để cháu lớn đến trường Hy Vọng học tập vào năm tới".
Nhiều gia đình dẫn con em tới dự sự kiện. |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ ghi nhận 61 trường hợp trẻ mồ côi cha, mẹ và cả cha lẫn mẹ do dịch Covid-19. Để động viên và tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình và các em vượt qua khó khăn vươn lên, tiếp bước con đường học vấn, Sở đã kết nối nhiều nguồn lực để bảo trợ tinh thần và vật chất cho các em. Nghe thông tin về trường Hy Vọng, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở đã cùng 11 đại diện khác của thành phố đã đích thân ra Đà Nẵng, tới trường Hy Vọng tham quan cơ sở vật chất và gặp các thầy cô của trường.
"Trường Hy Vọng đã chọn đồng hành suốt quãng thời gian sau này cho các em. Đây là việc làm ý nghĩa và trách nhiệm cho xã hội và chính các em. Trường Hy Vọng sẽ là chỗ dựa tinh thần, để các em an tâm về tài chính trong thời gian dài sau này, mở ra tương lai tốt đẹp cho các em, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp" - bà Trần Thị Xuân Mai phát biểu tại lễ ký kết.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ đã quyết định tập trung tập hợp thông tin về các trường hợp học sinh đến tuổi đi học có hoàn cảnh khó khăn và mất mát để cung cấp thông tin cho trường Hy Vọng, đồng hành để tạo sự tin tưởng cho phụ huynh và các em khi đăng ký học tại trường. Cần Thơ sẽ là đầu mối liên lạc giữa phụ huynh học sinh và các em học tập tại trường trong những thời điểm nghỉ hè, ăn Tết… trong năm để đảm bảo sự an toàn, gắn kết mật thiết giữa các bên.
"Ngôi trường nội trú ra đời với phương châm là người trường của yêu thương, của sự kết nối" - anh Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án trường Hy Vọng chia sẻ trước các bậc phụ huynh và học sinh dự sự kiện. Anh là người đã lặn lội các tỉnh thành, gặp trực tiếp từng gia đình, trò chuyện, tháo gỡ những thắc mắc, nghi ngại của những người muốn gửi các bé mất cha mẹ vì Covid-19 vào trường Hy Vọng. Tại Cần Thơ, anh đã có thêm người đồng hành là bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ.
Anh Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án trường Hy Vọng chia sẻ tại buổi gặp. |
"Khi hiểu, khi biết, khi nhìn thấy những hình ảnh của trường Hy Vọng, các con rất háo hức, tò mò, muốn học, muốn trải nghiệm. Quan trọng là các phụ huynh có dám cho các con cơ hội không" - anh Quyền nhấn mạnh.
"Tại trường Hy Vọng, các con có đầy đủ cơ sở vật chất để ăn, học, ở. Các con còn có các chương trình ngoại khóa, tài tăng. Các con được kết nối với những tài năng trên thế giới, được học các chương trình, huấn luyện mà tất cả các trường phổ thông thông thường không có".
GĐ dự án Hope School cũng thông tin hệ thống Bệnh viện Tâm Trí đã kết nối với trường, quyết định sẽ chăm lo sức khỏe cho học sinh trường Hy Vọng trong suốt quá trình. Đại học Phan Chu Trinh cũng sẽ cấp 200 suất cho các học sinh trường đủ tiêu chuẩn học y, tài trợ ăn, học, ở trong 6 năm học.
Tham gia buổi gặp, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa cũng nhấn mạnh trường Hy Vọng không phải là trung tâm bảo trợ xã hội, một tổ chức thiện nguyện mà là môi trường giáo dục trải nghiệm, đồng hành nuôi dạy các em. "Đây là cách mà chúng tôi cảm ơn xã hội đã cho FPT có ngày hôm nay. Mong rằng tất cả mọi người sẽ đặt niềm tin ở trường Hy Vọng và tập đoàn FPT, tin chúng tôi sẽ quan tâm, đồng hành, nuôi dạy các con tốt nhất trong khả năng của mình".
Hiện, tổng số học sinh đăng ký được xét tuyển là khoảng 3.000 em. Sau khi gia đình đồng ý đăng ký, nhà trường phối hợp địa phương tiến hành các bước tiếp theo. Các em cần đạt các điều kiện, tiêu chuẩn về sức khỏe, thể lực… trước khi làm thủ tục nhập trường.
Hà An - Thanh Dung
Ý kiến
()