Đi qua nỗi mất mát…
Dịch Covid-19 qua đi để lại nỗi đau khó nguôi ngoai cho người ở lại. Đã qua nửa năm nhưng Nguyễn Kim Trung vẫn đau đáu khi nhớ về cha mẹ của anh - những người đã mạnh mẽ chiến đấu để vượt dịch bệnh nhưng không thể chiến thắng tử thần.
Cuối tháng 7/2021, bố mẹ và Trung đều ghi nhận dương tính với Covid-19. Đó là thời điểm căng thẳng nhất khi toàn thành phố phong tỏa, bệnh viện dã chiến vừa lập ra đã đầy giường bệnh. Ba người được đưa đi cách ly tập trung ở 3 nơi khác nhau. Mẹ anh vì có tuổi nên nhanh chóng triển tiến nặng. Tin buồn báo qua điện thoại, anh chỉ nghĩ là nhầm lẫn và không muốn tin là sự thật.
“Vừa vào khu cách ly thì 2 ngày sau, mẹ trở nặng và được nhập viện để cấp cứu. Tôi vẫn đang ở khu cách ly gần đó nhưng không thể qua chăm sóc bà. Được vài hôm, bác sĩ báo tin mừng là mẹ đã tỉnh, nói tôi mua sữa gửi vào nhưng vừa sáng hôm sau, mẹ mất rồi”, Trung nhớ lại.
Anh giấu nhẹm chuyện mẹ mất vì muốn bố nhanh hồi phục nhưng tình trạng không mấy khả quan. Khu cách ly không đủ trang thiết bị để hỗ trợ điều trị nhưng được nhập viện không dễ dàng. Trung chới với giữa những suy nghĩ tiêu cực nhất thì đúng lúc, phía công ty đã nhanh chóng tìm được bệnh viện để đưa bố anh vào điều trị.
“Những cuộc gọi của anh chị quản lý, đồng nghiệp hỏi thăm sức khỏe, họ sốt sắng tìm bệnh viện, hỏi người quen cách điều trị, bỏ tiền túi mua thuốc men, vật dụng cá nhân gửi vào cho chúng tôi… Đó là món nợ ân tình mà tôi khó lòng trả hết”, Trung chia sẻ.
Được điều trị tích cực ở bệnh viện nhưng bố anh cũng mất vào cuối tháng 8/2021. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Đến hôm nay, Trung vẫn nghẹn lời khi kể lại chuyện buồn của gia đình.
“Một ngày lương” hóa “kho báu” khi cần
Lặng nhìn đồng nghiệp trải qua nỗi mất mát quá lớn, công ty và đồng nghiệp khối bán hàng ngoài động viên tinh thần để Trung mạnh mẽ bước tiếp đã trích quỹ, góp tiền giúp anh trang trải những chi phí khác.
“Tôi không nghĩ có ngày chính số tiền mình góp vào quỹ lại hỗ trợ mình nhiều như vậy. Đó là sự chu đáo và thiết thực mà công ty đã nhìn thấy từ lâu nhưng đến khi gia đình tôi xảy ra biến cố, tôi mới biết sự quan trọng và cần thiết của nó”, Trung nói.
Quỹ một ngày lương mà Tập đoàn phát động hằng năm, cán bộ nhân viên ít nhiều tùy tâm góp của. Trung cũng tham gia nhưng chỉ biết là công ty phát động thì chung tay, ai cũng đóng góp làm sao anh đứng ngoài cuộc. Lúc này, Trung vẫn chưa ngẫm ra được ý nghĩa đằng sau của nó.
Nhận hỗ trợ từ quỹ người F, anh lặng đi vài giây, trong thâm tâm tự trách đã có những suy nghĩ sai lầm về quỹ. “Một ngày lương” không còn là vài trăm nghìn, vài triệu đồng… mà nó là gia tài quý giá mà ở đó, có tình đồng đội - những người sống với nhau bằng sự yêu thương và nâng đỡ lâu dài.
“Năm nay và những năm sau này, tôi sẽ tham gia vào ngày cộng đồng và quỹ một ngày lương với tâm thế tích cực nhất. Không một ai muốn nhận lại những chia sẻ từ quỹ nhưng chuyện tương lai khó biết được, rơi vào tình huống khó khăn thì nó là sự trợ giúp thiết thực và đáng quý”, Trung trải lòng.
Là người kết nối Trung cũng như hàng trăm đồng nghiệp gặp tình huống khó khăn, Chủ tịch Công đoàn FPT Retail Vũ Thị Thu Huyền cho rằng Quỹ một ngày lương chính là nguồn lực quý giá hỗ trợ nhân viên lúc khó khăn nhất. Với tinh thần đồng đội cùng tích lũy phòng hờ khi gặp rủi ro, lúc này dù chỉ là một ngày lương của nhân viên thì gộp vào chung với tập thể sẽ lớn hơn và giúp sức được nhiều hơn.
“FPT Retail là đơn vị đông nhân viên, làm việc lưu động, đứng trên “đầu sóng ngọn gió” để mang doanh thu về cho công ty thì việc nhiễm bệnh, gặp tai nạn bất ngờ… rất dễ xảy ra. Công ty có định mức cụ thể và rõ ràng cho nguồn Quỹ này, do đó CBNV đều tự nguyện tham gia”, chị Huyền nói thêm.
Thanh Dung
Ý kiến
()