Chúng ta

Lứa học sinh đầu tiên trưởng thành từ Hy vọng

Thứ hai, 17/6/2024 | 08:22 GMT+7

Những học trò đầu tiên của Trường Hy vọng vừa tốt nghiệp, trong một buổi lễ trưởng thành lắng đọng nhiều cảm xúc. Bằng tình yêu thương, sự chở che của người FPT và cộng đồng, các em đã vượt lên những mất mát, sải cánh vững chãi cho một hành trình mới.

Trực tiếp tham dự lễ trưởng thành của các em Hope School, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhắn nhủ: "Cuộc đời nhiều sóng gió, có thể quật ngã các con lúc nào đó, nhưng các con hãy nhớ các con có đôi cánh của sức mạnh, yêu thương và hy vọng. Dù các con có rời tổ, xa trường đi nữa thì sức mạnh ấy mãi mãi đi cùng các con".

-8781-1718573624.jpg

Anh Trương Gia Bình trao cho cô bé Bảo Trâm (đang chiến đấu với bệnh tật) chiếc khăn vinh danh những chiến binh FPT trong ngày em trưởng thành.

Tổ ấm của yêu thương

Sau 3 năm ở trường, nhìn những học sinh đầu tiên trưởng thành khiến ai cũng rưng rưng. Đau thương gác lại, các em đang bước tiếp trên một hành trình mới. Ngày 15/6, lứa học sinh lớp 12 tại Trường Hy vọng đã làm lễ trưởng thành khi hoàn tất chương trình phổ thông. Đây là mái nhà chung của gần 300 em nhỏ không may mất cha, mẹ trong đại dịch Covid - ngôi trường do anh Trương Gia Bình khởi xướng và được sự chung tay, sẻ chia của người FPT và cộng đồng.

Thiếu đi bố, mẹ bên cạnh, các em cần những đôi tay vỗ về, dìu đỡ vượt qua đau thương. Từ chỗ chới với vì mất người thân, gia đình tan tác do dịch bệnh, Hope School đã chào đón, nuôi dạy, ôm ấp các em vào lòng, cùng các em đi qua một hành trình dài đến khi khôn lớn.

-3585-1718573624.jpg

Lễ trưởng thành nhiều cảm xúc của lứa học sinh đầu tiên tại Trường Hy vọng.

Trước khi nhận bằng và khăn của lễ trưởng thành, học sinh Trường Hy vọng cùng nhau ôn lại những kỷ niệm. Ngoài nỗi nhớ người thân, những lá thư gửi cha, mẹ ở thế giới bên kia, các em cũng lần đầu chia sẻ về niềm vui, nỗi buồn mình đã trải qua với biết bao kỷ niệm cùng Hy vọng.

Là cô bé đầu tiên đến với trường, Mai Thị Thuý Anh như khởi nguồn của niềm tin xây dựng nên Hope School. “Con cứ tưởng lúc ba con mất là mọi thứ sụp đổ rồi. Nhưng con cám ơn trường, cám ơn thầy cô”, cô bé dừng lại, nấc nghẹn. Với Thuý Anh, ngôi trường như chỗ dựa vững chãi, để em dũng cảm bước ra khỏi cuộc sống khép kín. Thuý Anh đến với trường bằng niềm tin muốn thay đổi hoàn cảnh, không muốn mình suốt ngày ủ rũ, buồn bã vì nếu ở nhà thì suốt ngày sẽ nghĩ đến người bố đã mất.

-1118-1718573624.jpg

Anh Hoàng Nam Tiến mắt đỏ hoe, vỗ về cô bé Thuý Anh sau khi nghe em kể câu chuyện.

Nhớ lại ngày đầu vừa mất đi người thân, Huỳnh Tấn Quốc chia sẻ mình từng không muốn gặp ai, không muốn nói chuyện. Nhưng rồi, Quốc nghĩ, nếu mình cứ sống một cuộc sống như vậy thì chẳng bao giờ tiến xa hơn được. “Em chấp nhận bỏ lại tất cả để ra Đà Nẵng. Hai ngày đầu, em chịu không nổi và gọi điện cho mẹ rằng mẹ ơi con muốn về”. Cuộc sống lần đầu xa gia đình khiến em chới với. Nhưng rồi, vòng tay yêu thương của những thầy cô trường Hy Vọng, của chính bạn bè và cả những đứa em cùng phòng đã giúp Quốc lấy lại cân bằng. Nhìn những đứa em còn nhỏ tuổi hơn mình, cũng mất đi bố, mẹ nhưng các em vẫn mạnh mẽ, vẫn ăn, vẫn chơi khiến Quốc dần đồng cảm.

“Em biết ơn thầy cô và tất cả mọi người ở đây, tuy không cùng máu mủ nhưng những gì thầy cô làm cho em rất to lớn. Có những khi em khóc, em ốm, nửa đêm nhưng thầy cô vẫn đến tận phòng chăm sóc, những việc đó trước đây chỉ có mẹ em làm”, Quốc không kìm được nước mắt.

Câu chuyện của Quốc khiến cả hội trường lắng đọng, nghẹn ngào lau nước mắt. Cậu cũng rưng rưng không nói nên lời. Nhiều em cũng giống Quốc khi mới đến đây thì nhất quyết đòi về, nhưng sau chừng 1 tuần thì dần quen, dần hiểu, rồi giờ khóc nức nở khi phải xa ngôi trường Hy vọng. Nhìn thế hệ đầu tiên của trường trên sân khấu, anh Hoàng Quốc Quyền an ủi các con: “Cứ khóc hết hôm nay nhưng ngày mai nhất định phải mạnh mẽ và sống tốt hơn nữa”.

-2662-1718573624.jpg

Những câu chuyện lắng đọng, lấy đi nhiều nước mắt tại Lễ trưởng thành.

Là cô bé được đánh giá “cứng đầu”, Lan Anh những ngày đầu ở trường khiến thầy cô không khỏi lo lắng. “Nếu nói ai cứng đầu nhất ở trường thì thầy chắc chắn là Lan Anh”, anh Quyền mở lời. Tuy nhiên, Lan Anh cũng là cô bé trưởng thành và tiến bộ từng ngày. Từ một người nghịch ngợm và chuyên “gây chuyện”, Lan Anh giờ là người chị cả làm chỗ dựa tinh thần của đàn em nhỏ trong trung đội. Cô bé trải lòng, khi vào đây, mọi người chia sẻ, vui chơi làm em tìm lại được tiếng cười. “Ở đây con có Hy vọng. Con rất biết ơn vì đã cho con thêm cơ hội để trưởng thành, bước tiếp”, Lan Anh nói. Cô bé còn một khao khát lớn hơn là được đi học và Hope School đã tiếp thêm động lực cho con đường học tập đứng trước nguy cơ dang dở.

Nhắc đến mẹ, Nhã Trân mếu máo rằng khó có thể chấp nhận được sự thật mẹ mất. Đêm nào Trân cũng khóc, ba vào thì giả vờ ngủ. “Thế giới của em như sụp đổ khi mẹ không còn. Em không bao giờ nghĩ em sẽ được như ngày hôm nay, em chỉ muốn nói với mẹ rằng em đã thay đổi, cứng rắn lên rất nhiều và muốn mẹ biết được điều đó”.

-8436-1718573624.jpg

Cô bé Nhã Trân không kìm được cảm xúc khi nhắc về những kỷ niệm ở trường.

Cũng như những bạn khác ở Hope, Lê Thị Thu Thảo chia sẻ chính ngôi trường Hy vọng đã giúp em mạnh mẽ để vượt qua nghịch cảnh. Thảo từng không muốn đi học. Nhưng khi đến Hope School, niềm tin lần nữa được thắp sáng. Tại đây, em được học thêm nhiều môn ngoài giờ như: học đàn, học vẽ, học vovinam, được học làm bánh…

Cũng từ những trải nghiệm ở trường, cô bé đã tìm được đam mê và xác định cho tương lai. Năm nay Thảo đăng ký thi tuyển ngành Sư phạm âm nhạc Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đúng với mong muốn trở thành cô giáo và năng khiếu của em. Tương tự, cô bé Nhã Trân đang muốn theo học ngành xét nghiệm của Đại học Phan Châu Trinh. “Con sẽ làm được, khi bên con luôn có thầy cô, bạn bè và cả những đứa em của con ở Hy vọng”, Nhã Trân bày tỏ quyết tâm cho kỳ thi đại học sắp tới.

Niềm tin vào Hy vọng

Rưng rưng trong lễ trưởng thành, chị Trương Thị Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT kiêm Chủ tịch Quỹ Hy vọng, cho hay có được buổi lễ ngày hôm nay đối với FPT là một chặng đường, tuy còn rất dài trong hành trình mà FPT đã cam kết nhưng 3 năm cũng là một nấc thang để nhìn lại. Với một dự án xuất phát từ tình yêu thương, từ cảm xúc và thực sự hành trình ấy có rất nhiều chông gai, với chị câu chuyện của Trường Hope là một câu chuyện tử tế. Chị Thanh nhìn nhận, sự trưởng thành của các bạn nhỏ hôm nay là minh chứng cho lòng tử tế, không chỉ của FPT mà của cả động đồng.

-5388-1718573624.jpg

Chị Trương Thị Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT kiêm Chủ tịch Quỹ Hy vọng.

Vỗ về cô bé Bảo Trâm đang ngồi trên xe lăn, chị Thanh không kìm được xúc động. Chị nhẹ nhàng quàng cho cô bé chiếc khăn rằn Nam bộ, dành tặng cho các bạn nhỏ mỗi người một chiếc khăn như sự nhắc nhở về tổ quốc, nguồn cội. Là người đầu tiên đi cùng dự án và quyết liệt “phải làm cho bằng được”, chị Thanh rất phấn khởi khi thấy những đứa “cháu ngoại” nay đã trưởng thành. Chị biết ơn vì chính các con đã chứng minh con đường mà chị và FPT đang đi là đúng đắn, là ý nghĩa và thực sự mang lại giá trị. Chị cũng bày tỏ sự biết ơn khi con đường ấy chị không một mình, có nhiều tấm lòng chung tay, để chị thêm tin vào sự đúng đắn của dự án Trường Hy vọng.

Dành cái ôm thật chặt cho cô bé Thuý Anh sau câu chuyện mà cô bé kể lại, anh Hoàng Nam Tiến, thành viên Hội đồng sáng lập FPT, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, trải lòng, thực sự khi anh Trương Gia Bình khởi xướng, không phải ai cũng ủng hộ. Vì một dự án cộng đồng được cam kết đồng hành trong 20 năm thì rất khó, và đó là cả một chặng đường. “Những em vào trường mới có 6 tuổi, 12 năm sau mới tốt nghiệp ra trường, 12 năm khó nói lắm!”, anh Tiến bùi ngùi.

Nhưng nhìn vào lứa đầu tiên trưởng thành, nhìn vào những đổi thay từ chính câu chuyện của các em nhỏ, anh có một niềm tin rất lớn rằng dự án Hope School sẽ làm được. “Cam kết của anh Bình, tôi tin sẽ thành hiện thực”, anh Tiến nói.

-8339-1718573624.jpg

Lễ trưởng thành "chạm" cảm xúc khiến cả hội trường lắng đọng.

Là người theo dõi sát sao chuyện học tập của các bạn nhỏ, chị Phùng Thị Loan, Giám đốc điều hành THPT FPT Đà Nẵng, cho hay chính các con cũng truyền cho chị những cảm hứng. Thời điểm chị mất mẹ đột ngột, các bạn nhỏ đã đông đủ có mặt ở trước cửa phòng làm việc. Chỉ đợi chị dang đôi tay, cả đám sà vào lòng và dành những lời an ủi. “Mình thấy sự đồng cảm, từ những đứa trẻ mất mát thậm chí còn nhiều hơn mình. Chính mình cũng là người biết ơn các em, những bạn nhỏ dũng cảm, kiên cường”. Với chị Loan, sự trưởng thành của các con là niềm tin cho những điều tử tế mà FPT đang làm. “Tôi tin là ai ở FPT cũng sẽ vui khi thấy các con trưởng thành. Vì các con là một phần của FPT”.

“Mong các con dũng cảm như chiến binh FPT”

Sau 3 năm kể từ ngày thành lập, Hope School đón lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp khiến ai cũng xúc động, xen lẫn là niềm tin và phấn khởi. Dõi theo từng câu chuyện của các em, anh Trương Gia Bình dành những cái ôm thật chặt, vỗ về mỗi khi các em nức nở khóc.

“Hôm nay là ngày đặc biệt”, anh Bình mở lời trong buổi lễ trưởng thành của các em Trường Hy vọng. Nắm chặt tay của cô bé Hoper đang chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, anh chia sẻ suy nghĩ khi mường tượng các em như những chú đại bàng non, đang ở trên tổ và cái tổ đó là trường Hope. Đây là thời điểm các em sẽ rời tổ để bắt đầu con đường của mình. Giờ phút này, con chim đại bàng sẽ thả mình từ trên vách đá. Và sẽ giang rộng đôi cánh để bay, những vỗ cánh đầu tiên trong đời.

-8841-1718573624.jpg

Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nắm tay cô bé Bảo Trâm (đang chiến đấu với bệnh tật) nhắn gửi đến các bạn nhỏ Trường Hy vọng.

“Các con bay vào cuộc đời, sẽ thấy cuộc đời mênh mông lắm. Các con sẽ thấy núi cao, thung lũng và cả đại dương dưới đôi cánh của mình. Và cuộc đời cũng nhiều sóng gió, có thể quật ngã các con bất cứ lúc nào đó, nhưng thầy muốn các con luôn dũng cảm. Các con hãy nhớ mình rất khác, vì các con có đôi cánh của sức mạnh từ Hy vọng, từ yêu thương. Dù các con có rời tổ, xa trường đi nữa thì sức mạnh ấy mãi mãi cùng các con”, anh Bình dành những lời chúc tốt đẹp đến các bạn nhỏ, với mong muốn Hoper lúc nào cũng dũng cảm, giương đôi cánh bay thật cao, thật xa.

Đi cùng dự án Hope School những ngày đầu, những học trò tốt nghiệp ngày hôm nay như: Nhã Trân, Thu Thảo, Tấn Quốc… đều được đón về trường trong vòng tay của chị Trịnh Thu Hồng, Giám đốc Học viện FPT. Ở trường Hope, chị Hồng như “người mẹ thứ 2” của đám nhỏ. Chị cùng trồng rau, cùng tụi trẻ làm bánh và thăm trường đều đặn với rất nhiều quà. Bởi vậy, trong ngày trưởng thành của “đàn con”, chị Hồng không khỏi xúc động. Đám nhỏ cũng hiểu chuyện, vây lấy chị nức nở khóc. Chị bày tỏ, không gì hạnh phúc hơn khi thấy các con trưởng thành, kiên cường và dũng cảm.

-4216-1718573624.jpg

Chị Trịnh Thu Hồng, Giám đốc Học viện FPT, dắt tay các bạn nhỏ bước vào lễ nhận bằng tốt nghiệp.

“Các con hãy luôn mang trong mình tinh thần chiến binh quả cảm của người FPT và tình yêu thương của mọi người. Đó sẽ là hành trang, là sức mạnh để các con vượt qua thử thách, chinh phục thành công”, chị Hồng nhắn gửi.

Cùng đứng trên sân khấu trong ngày đám trẻ tốt nghiệp, chị Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn FPT, dành những cái ôm thật chặt. Chị cẩn thận dặn dò từng đứa. Chị Hà là người đồng hành với dự án từ khi anh Trương Gia Bình khởi xướng, thân thuộc với các bạn nhỏ Hope School.

-7669-1718573625.jpg

Chị Trương Thị Thanh Thanh trao tặng chiếc khăn rằn cho các em học sinh tốt nghiệp.

Tại đây, anh Trương Gia Bình đã trao tặng các bạn nhỏ dải băng của những chiến binh FPT - dải băng vinh danh Top 100 cá nhân xuất sắc của Tập đoàn. “Dải băng mà các con đang được nhận, với sự kỳ vọng rằng, các con hãy chiến đấu như những chiến binh của FPT trong cuộc chiến công nghệ. Một chiếc khăn nữa mà các con đang mang đấy là chiếc khăn rằn của tổ quốc, biểu tượng cho lòng nhân ái của FPT. Cô tin tưởng, chiếc khăn Top 100 FPT sẽ cho các con sức mạnh của đôi cánh đại bàng, chiếc khăn rằn sẽ trao cho các con lòng yêu thương, như các con đã được yêu thương”, chị Trương Thị Thanh Thanh nhắn gửi, khép lại một buổi lễ trưởng thành nhiều cảm xúc, lắng đọng và cả sự tự hào.

Năm 2021, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19 với mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.

Kể từ thời điểm đó, dự án gấp rút được triển khai với mong muốn sớm được đón các em đến trường, đến với môi trường tràn ngập tình nhân ái, cái nôi cho một thế hệ trưởng thành từ đau thương nhưng vẫn luôn mạnh mẽ và tiến lên phía trước. Hiện nay, Hope School đã đón hơn 300 em nhỏ và sẽ tiếp tục đón nhiều em nhập học vào các năm tới.

Ngọc Huy

Ý kiến

()