Cuộc hẹn vào đầu buổi sáng tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước buộc chúng tôi phải xuất phát sớm. Đúng 23h50 đêm hôm trước, tôi có mặt ở khách sạn tại Sài Gòn sau chuyến bay từ Đà Nẵng, chỉ kịp làm một vài thủ tục trước khi lăn ra ngủ, không quên đặt báo thức trên điện thoại 4h50 để kịp cho chuyến xe sớm nhất.
5h sáng, tôi và mấy người bạn trẻ có mặt tại sảnh khách sạn chờ xe, chờ đến 20 phút không thấy xe đâu, gọi cũng không được, nhắn cũng không được và cuối cùng nhận được tin nhắn từ bạn lái xe: "Em ngủ quên mất, nên muộn rồi em không đi được cùng anh nữa, anh đi xa và đi toàn những vùng khó đi của Bình Phước nên em sợ không đảm bảo được chất lượng phục vụ, anh thông cảm cho em".
Người lái xe đã nói thế rồi mình còn biết làm gì? Mà lái xe đi không thoải mái, không vui sẽ nguy hiểm cho bạn ấy và cả mình. Tôi ngồi thừ một lúc nghĩ cách. Sau 20 phút kiếm tìm trên Internet đã có kết nối ra bến xe miền đông để tiếp tục hành trình như đã hẹn với các em.
Anh Hoàng Quốc Quyền (bên trái), Giám đốc Dự án Trường Hy vọng, trong một lần đến trò chuyện với các em nhỏ không may mất cha,mẹ trong đại dịch Covid. Ảnh: NVCC |
Hôm nay tôi chỉ đến để hoàn thiện thủ tục và các giấy tờ cần thiết để đưa hai em nhỏ về nhập trường Hy vọng đầu tháng 8 này. Trước đó, anh Nguyễn Văn Khoa (Tổng giám đốc FPT) đã có buổi trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về việc sẽ đón và nuôi 1.000 em nhỏ mồ côi cha mẹ vì Covid-19. Sau buổi làm việc, chúng tôi nhận được ngay một danh sách những em nhỏ cần được giúp đỡ. Cầm danh sách dài mấy trang A4 trên tay mà lòng ngổn ngang bao ý nghĩ, suy tư, tôi nghĩ cho nhiều điều, cho nhiều chuyện và việc phải hành động ngay là mệnh lệnh duy nhất lúc này.
Những người bạn cùng tôi trên hành trình mang yêu thương, hy vọng đến với những em nhỏ thiệt thòi trên khắp vùng đất phương Nam này chỉ ở độ tuổi 25, 26 tuổi, họ có quá nhiều dự định, nhiều ước mong, nhiều thời cơ cho sự nghiệp đang phát triển thuận lợi. Nhưng họ gác lại hết, sẵn sàng đi cùng tôi đến những vùng đất xa xôi, khó khăn, lạc hậu nhất...
Trải suốt hành trình là những cơn mưa bất chợt mà các bạn ấy chưa có đủ kinh nghiệm để ứng phó, những hôm sổ mũi, nhức đầu, những hôm cảm sốt, những lần tắc đường không đến được nhà học sinh như đã hẹn, những lần đổi xe cho kịp cuộc hẹn. Mỗi chuyến đi có một phương án khác nhau, không bao giờ được “lập trình”sẵn, chuyến đi xác minh, gặp gỡ để đón học sinh lần này đã vô cùng linh động để không ảnh hưởng đến công việc của người thân các em. Có những cuộc hẹn lúc 5 rưỡi, 6h sáng để kịp cho các mẹ, bố, dì, chú vào ca, ra chợ bán đồ, phục vụ quán ăn, chạy xe… Rồi có những cuộc hẹn tranh thủ lúc nghỉ ăn trưa để kịp quay lại công việc. Hay có những cuộc hẹn lúc 22h, khi tan ca, hết giờ làm thì người thân của học sinh mới có thể dành thời gian cho những câu chuyện yêu thương.
Gần 10 ngày, những người bạn của trường Hy vọng thuộc đến từng con hẻm, quen đến từng khúc cua và cũng có những con đường ám ảnh họ khi hình dung ra số lượng học sinh trên cung đường đó vào lúc cao điểm của dịch Covid thật là khủng khiếp. Mấy cô gái của trường Hy vọng đã quần quật đi – về bao chuyến dài ngắn khác nhau với niềm tin và tình yêu thương mà chẳng đủ thời gian chăm chút cho làn da, cho kem phấn, cho chút gì đó xinh xinh, điệu đà con gái luôn cần có.
Hành trang trở về sau chuyến đi này là những cái gật đầu đầy tin tưởng nhưng cũng rất nhiều nỗi ngậm ngùi của người thân đồng ý cho các em nhỏ đến trường; là những câu chuyện buồn đau hằn vết trong tâm trí mỗi người khi Covid đi qua; là sự chứng kiến những hoàn cảnh khánh kiệt vì Covid... Tất cả những điều đó, tôi không dám nghĩ đến liệu có quá dày nặng đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay đang sống trong điều kiện đủ đầy, suôn sẻ giữa một thế giới phẳng hay không?
Tôi hỏi mấy đứa: chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn hơn thế, còn nhiều khó khăn bất chợt hơn nắng, mưa, tắc đường, đổi xe đấy. Các em có sợ không? Có nản không? Tất cả cùng nhìn tôi và nói: “Không, anh “sếp”! Em đi qua mọi điều đó bằng yêu thương, bằng hy vọng và khi em đã hiểu yêu thương, hy vọng rồi tụi em chẳng sợ gì, chẳng có gì có thể cản được em đâu. Nên anh “sếp” đừng lo. Chiều rảnh cho chúng em được đến quán cafe nào “chiu chiu” (chill chill), có bánh, có cảnh đẹp nhiều cho em “seo - phi” cái nhé sếp”.
Tôi nói đùa với mấy đứa: “Thôi các em có yêu thương là có đủ tất cả rồi đừng lo. Ví như lần đầu đón học sinh về trường tưởng như không thể vượt qua được những trở ngại, giờ chúng ríu rít với các em, chơi đùa và chia sẻ với các em, chúng luôn trông vào các em như những người mẹ, người cô, người chị của chúng. Các em buồn khổ gì có chúng là vui rồi, hờn giận người yêu thì đã có chúng để kể, để nghe, để những yêu thương đong đầy mãi từng ngày.”
Từng ngày, tôi được hòa chung với niềm lạc quan, yêu cuộc sống, sẵn sàng đối diện và băng qua những gập ghềnh của mọi hành trình của tuổi trẻ. Vui cho những điều họ tin, họ yêu và họ hành động.
Hoàng Quốc Quyền
Ý kiến
()