Chung khảo iKhiến số 7 diễn ra chiều 28/9 theo hình thức trực tuyến, với sự góp mặt của 2 sáng tạo từ FPT Education và FPT Japan tranh tài cùng các đơn vị FPT Telecom, FPT Software. Trong 6 sản phẩm dự thi, 3 sản phẩm được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid.
Mở đầu vòng thi, anh Lâm Khánh Phương - Giám đốc FPT Telecom Sài Gòn 4 - đại diện nhóm tác giả giới thiệu về Chương trình "Bếp yêu thương" - một chương trình hỗ trợ đồng nghiệp bị ảnh hưởng do Covid 19 ở Vùng 5 (Các Trung tâm Kinh doanh thuộc FPT Telecom Sài Gòn). Với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau", chương trình Bếp yêu thương được tổ chức để hỗ trợ các đồng nghiệp F0, F1 ở trong khu cách ly, phong tỏa với các phần ăn do chính tay các đồng nghiệp thực hiện.
Chương trình "Bếp yêu thương" là một chương trình hỗ trợ đồng nghiệp bị ảnh hưởng do Covid 19 |
Sau 3 lần tổ chức vào ngày 7, 14 và 21/8, chương trình thu hút 61 lượt đăng ký làm chủ bếp, 63 lượt đăng ký vận chuyển và 365 phần ăn đã được trao đi. "Bếp yêu thương" đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đợt giãn cách vì dịch kéo dài tại TP HCM.
Hội đồng giám khảo đồng tình đây là ý tưởng rất thú vị, một chương trình xúc động trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều khó khăn. "Hay quá, ý nghĩa quá!", chị Nguyễn Thị Thanh Hương (GĐ Trung tâm Kinh doanh FPT Online) bày tỏ.
Anh Phan Trường Lâm, Trưởng ban Đào tạo Đại học FPT Hà Nội, đại diện giám khảo Nguyễn Xuân Phong, tâm sự cũng từng ở hoàn cảnh cách ly cùng các vấn đề khó khăn chuyện ăn uống nhưng "không ai nghĩ ra chương trình tương tự". Giám khảo Đào Duy Cường (GĐ Chuyển đổi số và Công nghệ FPT Software) cho rằng chương trình này hoàn toàn có thể được mở rộng.
Theo anh Lâm Khánh Phương, sắp tới chương trình sẽ hướng tới tính cá nhân hóa nhiều hơn và đặt ra độ thách thức cao hơn cho các "bếp" - nấu món ăn theo yêu cầu người nhận thay vì theo sở trường của người nấu.
Đội thi thứ 2 góp mặt chung khảo số 7 là "BOT nhập liệu số" từ FPT Software. Đây là một công cụ số hóa dữ liệu từ tài liệu giấy viết tay. Theo đó, BOT thực hiện nhận dạng các ký tự số và chữ (chủ yếu là tiếng Nhật) theo công nghệ OCR (nhận dạng ký tự quang học), sau đó sử dụng trí tuệ nhân tạo, RPA (tự động hóa quá trình robot) để tự động đưa lên công cụ, giúp chủ động đối ứng trong những ngày nhiều số liệu. Hiện mỗi tháng sáng tạo giúp tiết kiệm 5% chi phí nhân sự.
Hội đồng giám khảo tỏ ra ấn tượng với độ chính xác được công bố là hơn 99,3%, vì một công cụ tương tự nhận diện chữ tiếng Việt có độ chính xác khoảng 80% đã là cao. Nhóm tác giả cho biết độ chính xác này đã được đo lường trong quá trình nhân sự kiểm tra lại dữ liệu nhập (bắt buộc) và khách hàng kiểm tra ngẫu nhiên, được tính trên 55.000 tài liệu đã thực hiện (dữ liệu vận hành).
FPT Education mang đến chung khảo số 7 sản phẩm "Ứng dụng mobile myFAP". Đây là ứng dụng di động kết nối cổng thông tin đào tạo dành cho sinh viên và phụ huynh của Đại học FPT, nhằm mục đích tạo sự thuận tiện, tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng từ các thiết bị di động, hỗ trợ đa nền tảng iOS, Android.
Ứng dụng còn tích hợp các chức năng về dịch vụ sinh viên và cá thể hóa việc học, nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Với gần 25.000 người dùng thường xuyên cập nhật và tra cứu thông tin, myFAP giúp tiết kiệm được nguồn nhân lực trong hoạt động dịch vụ sinh viên và phụ huynh, đồng thời giảm thiểu chi phí dùng để gửi thông tin trực tiếp đến phụ huynh.
Giám khảo Đào Gia Hạnh (Phó Giám đốc Công nghệ FPT IS) bình luận đây là một dạng chuyển đổi số trong giáo dục, gần giống myFPT - cùng có mục tiêu tăng trải nghiệm nhân viên. Giám khảo Đào Duy Cường gợi ý ứng dụng nên tăng độ hấp dẫn để giữ người dùng ở lại lâu hơn, tăng tương tác.
Sản phẩm thứ 4 tranh tài iKhiến số 7 là "Hệ thống Cloud Call Center" của FPT Telecom. Đây là giải pháp thay thế toàn bộ nhân viên dịch vụ khách hàng tại các chi nhánh sử dụng tổng đài cũ (hardphone) sang tổng đài mới (softphone) trong bối cảnh nhân viên phải làm ở nhà do Covid. Hệ thống đáp ứng cho 1.200 nhân viên chăm sóc khách hàng trên toàn quốc. Giải pháp giúp số hóa công cụ chăm sóc khách hàng, kiểm soát được chất lượng cuộc gọi, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, trải nghiệm khách hàng.
Hội đồng giám khảo cho rằng, tuy việc chuyển đổi từ hardphone sang softphone là không mới, việc đưa hết phần mềm của một call center (trung tâm chăm sóc khách hàng) về nhà đòi hỏi việc xử lý một loạt các vấn đề không đơn giản.
Hệ thống Cloud Call Center là giải pháp thực hiện trong bối cảnh nhân viên phải làm ở nhà do Covid. |
Tiếp theo chương trình, đại diện đội thi từ FPT Japan - nhân tố mới của iKhiến 2021 trình bày bài dự thi "Format chương trình FJP Olympics 2021". Đây là sản phẩm có yếu tố "phi công nghệ" thứ 2 tranh tài iKhiến số 7 sau "Bếp yêu thương". FJP Olympics 2021 là một chương trình thi kiến thức, thể thao nhằm gia tăng sức khoẻ, gắn kết cán bộ nhân viên tại FPT Japan trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hạn chế đi lại và tương tác. Sau khi triển khai, sự kiện thể thao lớn nhất trong năm này của FPT Japan đã thu hút được 11 đội chơi và gần 400 vận động viên tham gia, hai đầu cầu Nhật Bản - Việt Nam.
Các đội chơi đã trải qua thử thách tại 4 nội dung thi đấu gồm Push-up (chống đẩy), Kick-up (tâng), Running (chạy), Who knows Olympics (thi hiểu biết về Olympics), và một nội dung không tính điểm là Cheering (cổ vũ). Tính chung trong các nội dung thi đấu, Ban tổ chức đã thu về 651 video. Tổng số các bước đi/chạy mà vận động viên đã thực hiện là hơn 54 triệu bước, tương đương 41.485 km. Tổng số lượt tâng trong Kick-up là 116.628 lần. Tổng số lượt push-up là 66.162 lần. Tổng số trận đấu Who knows Olympics là 12 với 6 buổi livestream. Cạnh đó là hơn 300 câu hỏi với gần 1.000 lượt tương tác và gần 100 bài viết truyền thông trên các kênh.
Đội thi từ FPT Japan trình bày sáng tạo "Format chương trình FJP Olympics 2021. |
Sáng kiến áp dụng công nghệ livestream, phát triển AI đếm kết quả thi đấu… giúp tiết kiệm chi phí khoảng 470 triệu đồng so với tổ chức ngoại tuyến các chi nhánh trên toàn nước Nhật. Đến nay, FPT IS đã nhân rộng format của FPT Japan cho công ty.
Các giám khảo đã đặt các câu hỏi liên quan số người tham gia chương trình online so với offline, công cụ dùng để chấm điểm các phần thi, số người thân CBNV tham gia chương trình… và cho rằng format chương trình có thể được ứng dụng tại các công ty thành viên nhà F.
Sản phẩm dự thi cuối cùng là "Hệ thống thiết bị giám sát ngoài trời thông minh" của nhóm tác giả FPT Telecom. Đây là sản phẩm kinh doanh mới cho giải pháp camera nhằm xây dựng hệ thống giám sát tại những nơi vùng sâu vùng xa, khu vực không thuận lợi cho hạ tầng điện và Internet hoặc các điểm giám sát cần thay đổi liên tục bằng việc sử dụng đường truyền 4G. Sản phẩm giúp khắc phục hạn chế địa hình trong triển khai dịch vụ camera mà các sản phẩm hiện có chưa đáp ứng được.
Trước lo ngại về chi phí 3G-4G của giám khảo và nguy cơ báo động giả, đại diện đội thi cho biết đã thương lượng gói cước riêng với nhà mạng, và hệ thống ứng dụng AI cùng việc cài đặt phát hiện di chuyển cụ thể theo tình huống.
Các sản phẩm dự thi chung khảo số này được Hội đồng giám khảo đánh giá là ngang sức ngang tài, mỗi sản phẩm có điểm thú vị riêng. "Tưởng dễ mà khó, sản phẩm nào cũng hay", Chánh chủ khảo Vũ Anh Tú nói. Kết quả chung khảo iKhiến số 7 sẽ được công bố ngày 4/10 tới.
>> Giám khảo iKhiến: khuyến khích các sáng tạo phi công nghệ tranh tài
Hà An
Ý kiến
()