Chúng ta

‘FPT sẽ có bằng sáng chế đầu tiên’

Thứ năm, 27/9/2012 | 11:34 GMT+7

“Nếu hồ sơ Viện nộp Cục Sở hữu Trí tuệ được xử lý đúng lộ trình và chấp thuận, trong vòng 1-2 năm nữa, FPT sẽ có các bằng sáng chế đầu tiên”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung cho biết.
> FPT bắt nhịp xu thế công nghệ thế giới

- IP (Intellectual Property - Tài sản trí tuệ) quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp, nhất là công ty công nghệ như FPT?

- IP là sự sống còn của một công ty công nghệ. Mối quan hệ giữa tỷ lệ sống của các công ty niêm yết trên sàn Nasdaq trong thời bong bóng Internet những năm 90 và số lượng bằng sáng chế cho thấy, tỷ lệ sống sót của công ty có bằng sáng chế cao hơn 34% so với các công ty khác.

Bên cạnh đó, IP còn là đòn bẩy phát triển. Tại Đức, các công ty có bằng sáng chế có tỷ suất lợi nhuận cao hơn 0,7% so với các doanh nghiệp khác. Giá trị của một công ty trên thị trường được thống kê liên quan trực tiếp đến chất lượng của các bằng sáng chế của hãng.

IP góp phần xây dựng hình ảnh công ty và khai thác ưu đãi của chính phủ. Hiện Chính phủ đang khuyến khích đầu tư cho R&D và bằng sáng chế, như: thuế 0% đối với thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu; 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho các thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu; 10% thu nhập trước thuế có thể được bảo lưu (miễn thuế) để nghiên cứu…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ, thành viên Hội đồng Công nghệ FPT Trần Thế Trung cho biết trong 1-2 năm tới FPT sẽ có các bằng sáng chế đầu tiên. Ảnh: Thu Nga.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ, thành viên Hội đồng Công nghệ FPT Trần Thế Trung cho biết trong 1-2 năm tới FPT sẽ có các bằng sáng chế đầu tiên. Ảnh: Thu Nga.

Chiến lược OneFPT đặt ra kế hoạch tăng trưởng 30% mỗi năm và phát triển công nghệ, sản phẩm mới. Một trong những cách thức quan trọng để có sản phẩm mới, theo tôi, là tập hợp sức mạnh công nghệ của tất cả người FPT.

 -  Tình hình nghiên cứu IP ở FPT hiện nay ra sao?

-Tôi nghĩ FPT đang làm rất ổn về phần nhãn hiệu. Các đơn vị sản xuất phần mềm trong FPT đã có ý thức đăng ký bảo hộ bản quyền các phần mềm. Nhưng bảo hộ bản quyền phần mềm chỉ dừng ở độc quyền trong sao chép nguyên văn code và vận hành code đã sao chép, không ngăn được đối thủ đọc hiểu, viết lại (ở hình thức khác) và chạy thuật toán đó.

Tập đoàn chưa có và cần có hoạt động phân tích phương pháp, thuật toán mới của các phần mềm, sản phẩm do FPT làm ra để bảo hộ ở dạng sáng chế hoặc dạng giải pháp hữu ích. Do có độ bảo hộ mạnh hơn, nên đối thủ không thể sử dụng lại phương pháp này.

IP (Intellectual Property) là tài sản trí tuệ. Nó mang nghĩa rộng, có thể gồm tài sản tự bảo vệ (ví dụ như phương thức sản xuất giữ bí mật trong đầu một người) hoặc được chính quyền của một bang/quốc gia bảo vệ, ở dạng nhãn hiệu độc quyền, bản quyền tác giả, bằng độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích, độc quyền kiểu dáng công nghiệp...

Nhiều người trong ngành cho rằng thuật toán không bảo hộ ở dạng bằng sáng chế được. Tuy nhiên, chúng ta luôn tìm được cách diễn đạt trong hồ sơ đăng ký sáng chế để bảo hộ ở dạng bằng sáng chế cho thuật toán.

Ở FPT hiện tại, chỉ có Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT có quy trình ISO để thực hiện đăng ký sáng chế cho các sản phẩm công nghệ của FPT. Chúng tôi đã nộp 7 hồ sơ đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam từ 2011 đến nay. 

So với công ty cùng lĩnh vực ở nước ngoài, chúng ta đang chậm chân hơn. Đây cũng là điểm yếu của hầu hết các đơn vị kinh doanh ở Việt Nam, ngoại trừ các đơn vị có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, các đơn vị có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, các công ty 100% Việt Nam khác làm cùng lĩnh vực hầu như chưa có nhiều hoạt động bảo hộ sở hữu sáng chế và FPT là một trong các đơn vị tiên phong quan tâm và hành động cụ thể.

-  Tại sao đến giai đoạn này FPT mới chú trọng IP?

- Việc chú ý đến IP là hệ quả của sức ép tăng trưởng và lựa chọn dứt khoát định hướng công nghệ cho công ty. Chúng tôi tin rằng, yếu tố quan trọng quyết định sự ra đời của sản phẩm mới chính là tổng hợp sức mạnh và bản chất đam mê sự đổi mới công nghệ của người FPT.

-  Hội đồng Công nghệ FPT có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy IP ở tập đoàn?

- Chúng tôi đề xuất và hỗ trợ thực thi các giải pháp để FPT tạo ra được nhiều IP hơn. Chiến dịch sắp tới của chúng tôi là đi đến từng công ty thành viên trình bày với các chuyên gia công nghệ về khái niệm, vai trò và thảo luận cách thức tốt nhất để tạo một guồng máy sinh ra IP hiệu quả đối với đơn vị đó.

Cơ chế sinh ra nhiều IP có thể học hỏi từ nhiều công ty công nghệ. Trong đó, có cơ chế thưởng ở nhiều giai đoạn của quá trình sáng tạo IP cho các nhà công nghệ của FPT, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký, tư vấn pháp luật phục vụ cho hoạt động này. 

-  Làm thế nào để nghĩ ra IP và phát hiện đó là IP, thưa anh?

- Nghĩ ra IP là bản năng của người làm công nghệ chuyên sâu và đam mê. Việc nghĩ ra IP có thể khó với người không chuyên, nhưng là nghề của chuyên gia công nghệ. Còn phát hiện ra IP là công việc của chuyên gia bảo hộ sở hữu trí tuệ và luật sư.

Để gắn kết hai bên thành chuỗi sinh ra IP, chúng ta có thể thực hành theo quy trình. Khi chuyên gia công nghệ gặp một vấn đề và có thể giải quyết được trong khả năng sáng tạo công nghệ, cần đọc các kho tài liệu, bao gồm kho các bằng sáng chế trên thế giới, về các cách mà người khác đã giải quyết vấn đề của mình như thế nào.

Sau đó, tìm ra điểm mà các cách giải quyết đã có chưa được thực hiện triệt để, có thể cải tiến được; Thông báo cách giải quyết của mình cho điểm cần cải tiến nêu trên tới các bộ phận chịu trách nhiệm bảo hộ IP, nơi có chuyên môn về luật pháp để xác định hình thức bảo hộ phù hợp nhất.

Người FPT có ý tưởng mới xin gửi về Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, e-mail research@fpt.edu.vn, điện thoại: 04 3795 8177, địa chỉ số 8 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội, hoặc liên hệ với một thành viên Hội đồng Công nghệ là người của công ty cán bộ nhân viên đó.

 - Vậy dự kiến khi nào FPT sẽ có IP?

- FPT đã có IP nếu xét các bản quyền phần mềm, các nhãn hiệu đã được bảo hộ. 

Về bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, nếu một vài trong số 7 hồ sơ mà Viện nộp được xử lý theo đúng lộ trình và được chấp thuận, thì trong vòng 1 đến 2 năm nữa, FPT sẽ có các bằng sáng chế đầu tiên.

-  Anh kỳ vọng kết quả sẽ ra sao khi FPT đẩy mạnh việc nghiên cứu IP?

- Tôi kỳ vọng văn hóa sáng tạo công nghệ sẽ lan rộng trong FPT và số bằng sáng chế mà người FPT là tác giả và làm giàu trên nó sẽ tăng nhanh.

Hội đồng gồm 9 thành viên gồm các anh:
- Nguyễn Lâm Phương (CTO) làm Chủ tịch 
- Lê Anh Tuấn (PTGĐ FPT IS TES)
- Nguyễn Đắc Việt Dũng (TGĐ FPT Online)
- Đinh Lê Đạt (Phó Giám đốc khối Nội dung và Quảng cáo, FPT Online)
- Vũ Anh Tú (Trưởng Ban FIM - CTO FPT Telecom)
- Trần Hữu Đức (PTGĐ FMA - FPT Trading)
- Bùi Hải Thanh (PTGĐ FPT IS Bank)
- Phạm Minh Tuấn (TGĐ FPT Technology Solution)
- Trần Thế Trung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, ĐH FPT).

Lâm Thao (thực hiện)

Ý kiến

()