Chiều ngày 27/10, 9 sáng kiến nhà F chính thức tranh tài tại vòng Chung khảo số 3. Sau 2 số, số Chung khảo số 3 đón nhận nhiều khán giả tới xem từ đầu tới cuối chương trình, ngoài các nhóm tác giả. Sản phẩm nhận được sự chú ý và đánh giá cao từ Ban giám khảo là Cổng thông tin hợp nhất FSOFT Unigate (FPT Software), điểm truy cập tập trung và duy nhất tích hợp các kênh thông tin, dịch vụ, ứng dụng nội bộ của công ty.
Sản phẩm giải quyết được khó khăn cho người FPT Software, đặc biệt là nhân viên mới, bắt nguồn từ đặc điểm phân tán của hệ thống ứng dụng trong công ty. CBNV phải nhớ rất nhiều địa chỉ web, đăng nhập nhiều lần; hệ thống lại chưa đủ linh hoạt và dễ sử dụng, giao diện cũng chưa thân thiện dẫn đến việc chậm trễ thông tin. Vận hành từ đầu năm 2020, Unigate hiện tích hợp hơn 50 tools cả của FPT Software và FPT, có trên 5.000 người truy cập, hơn 22.000 yêu cầu được Bot xử lý. Nhóm dự án mong muốn đến năm 2021 có thể tích hợp forum, mở rộng sản phẩm ra các đơn vị khác và khách hàng.
Đội dự án Unigate dành được nhiều lời khen ngợi từ Ban giám khảo Sáng kiến. Ảnh: Trần Huấn. |
Đây cũng là sản phẩm nhận được nhiều câu hỏi nhất từ BGK chương trình. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh các vấn đề: khách hàng tiềm năng, chi phí thực hiện… Anh Vũ Anh Tú - GĐ Công nghệ FPT kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo - nhận định sản phẩm Unigate phù hợp để phát triển trong toàn tập đoàn, bao gồm CTTV. Theo anh, FPT và CTTV đang gặp vấn đề tương tự FPT Software, có quá nhiều ứng dụng, phần mềm được sử dụng mà chưa có hệ thống quản lý. Nếu xây dựng cổng thông tin hợp nhất sẽ thuận tiện cho CBNV, thậm chí bộ phận IT cũng dễ dàng tiếp nhận các yêu cầu sửa chữa, nâng cấp mà tránh sự trùng lặp.
Với lần đầu ra quân tại Chung khảo Sáng kiến 2020, cả 2 sản phẩm nhà Trực tuyến và Giáo dục đều nhận được sự đánh giá, kỳ vọng cao của BGK. Dễ hiểu, thiết thực là 2 từ khoá để diễn tả về sản phẩm “QR Code check-in bằng App tại giải chạy” của tác giả Nguyễn Trung Hiếu và đội nhóm FPT Online. Đến thi từ khá sớm, nhưng anh Hiếu hồi hộp, thậm chí không thể tiếp tục ngồi tại phòng chấm mà phải ra ngoài lấy lại bình tĩnh trước khi vào phần trình bày của nhóm.
Theo anh Hiếu, hệ thống check-in bằng app với hình thức QR Code được xây dựng thông qua 2 bước: Đưa giải pháp quy trình mới; Số hoá dữ liệu runner ra mã QR code. Theo BGK, mặc dù QR code không còn là thuật ngữ, phần mềm xa lạ nhưng được FPT Online vận dụng khéo léo vào các giải chạy. Theo đó, người tham gia giải chạy của VnExpress không cần làm thủ tục viết tay tại quầy check-in như trước, thay vào đó quá trình đăng ký, kê khai thông tin, cập nhật giấy tờ uỷ quyền hoàn toàn được số hoá nhanh - gọn - dễ dàng.
Trưởng ban giám khảo Vũ Anh Tú cho biết, Unigate có thể triển khai cấp tập đoàn. Ảnh: Trần Huấn. |
Sáng kiến tối ưu 70% nhân sự (từ 20 nhân sự cứng chỉ còn 6 người); tiết kiệm 80% tổng thời gian check-in (từ trung bình 3 phút/1 runner xuống còn tối đa 30 giây). Đặc biệt, ứng dụng đánh dấu bước tiên phong trong việc số hoá toàn bộ quy trình check-in giải chạy tại Việt Nam, nâng cao trải nghiệm của runner, tạo sự uy tín trong việc tổ chức giải cho đơn vị. Tỏ ra hứng thứ với giải pháp này, BGK liên tục đưa ra các lời khuyên cho nhóm dự án về tương lai phát triển. Theo thành viên BGK Đỗ Văn Khắc, với QR code, đơn vị có thể cung cấp thêm nhiều các sản phẩm đi kèm: đồng hồ, giày chạy… có gắn logo giải chạy. Bên cạnh đó, nhiều gói dịch vụ bao gồm: chỗ ăn/nghỉ, di chuyển… cho runner.
Khác với anh Khắc, anh Trần Thanh Hà - GĐ Công nghệ thông tin FPT Retail ấn tượng với giải pháp Cổng thu học phí DNG của FPT Education. Sản phẩm kết nối giữa các kênh thanh toán và hệ thống quản lý tài chính đào tạo. Từ đó, giúp hạn chế sai sót, rút ngắn thời gian đối chiếu, quản lý công nợ, hóa đơn khi thu học phí và các khoản phí khác của học sinh, sinh viên. Áp dụng 1 năm, sản phẩm đã hỗ trợ đơn vị thực hiện hơn 25.000 giao dịch. Với 600-700 điểm giao dịch trên toàn quốc, anh Hà mong muốn, FPT Education mong muốn hợp tác cùng FPT Shop (thuộc FPT Retail) để mở rộng kênh giao dịch với phụ huynh, học sinh.
Sản phẩm check-in online qua QR code của FPT Online là sản phẩm tiên phong số hoá quy trình check-in giải chạy tại Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn. |
Sáng kiến số 3 là cuộc tranh tài của các ứng dụng phục vụ đào tạo nội bộ. Anh Lê Doãn Quang - Trưởng phòng đào tạo FPT Telecom, tác giả ứng dụng đào tạo nội bộ - eFOX khá chỉn chu trong phần trình bày. Bên cạnh việc trình bày hoàn cảnh, hiệu quả, quá trình thực hiện sản phẩm, anh đưa ra cho BGK phần demo sản phẩm. Theo đó, ứng dụng giúp CBNV FPT Telecom học tập mọi lúc, mọi nơi, xem lại tài liệu bất cứ thời điểm nào, không cần phải sử dụng máy tính và nối mạng công ty. Nhờ có sáng kiến, năm 2020, đơn vị đào tạo đã tổ chức được 82 khoá học với 133.000 lượt học viên, tăng 14% so với năm 2019; tiết kiệm chi phí 40 triệu đồng thuê laptop cho CBNV tham gia đợt thi nâng bậc lương hàng năm. Sản phẩm nổi bật với hơn 700 bài giảng.
Tại đây, anh Khắc chia sẻ tiềm năng phát triển của sáng kiến nằm ở phần nội dung để xây dựng thư viện - FTEL Wiki. FPT IS cũng tham gia với giải pháp liên quan đào tạo - Made by FIS Từ trực tuyến đến thực chiến của tác giả Phạm Thị Sánh. Đây là format mới đào tạo kiến thức cho sale giúp nâng cao kỹ năng nhằm tăng cơ hội bán sản phẩm cho nhà Hệ thống.
FPT Telecom cũng mang sáng kiến 'vừa ra lò' TV Shopping đi thi. Đây là sản phẩm mới nhà ‘Cáo’ được tích hợp trên FPT Play Box, ra mắt hồi tháng 5/2020. Sáng kiến nâng cao trải nghiệm sử dụng Smart TV để mua sắm. Đặc biệt, khi tích hợp qua Box, người dùng dễ dàng đi mua sắm thông qua giọng nói. Tại Việt Nam, FPT Telecom đã và đang đi đầu trong công nghệ mua sắm thông qua giọng nói. Sản phẩm dự báo là đối thủ mạnh với nhiều sản phẩm khác trong vòng Chung khảo lần này.
Chị Phạm Thị Sánh đưa ra giải pháp Made by FIS 'Từ trực tuyến đến thực chiến'. Ảnh: Trần Huấn. |
Thêm đối thủ “nặng kí” tới từ FPT Software - akaFace của nhóm tác giả Nguyễn Đức Hiển và Kiều Văn Xuân. Giải pháp ứng dụng nhận diện khuôn mặt, video analytics vào bài toán quản lý an ninh, an toàn trong văn phòng, khu vực sản xuất, từ đó giảm thiểu quy trình đăng ký ra vào cổng (không cần giữ giấy tờ tùy thân, đăng ký giấy).
Sản phẩm tiếp theo là giải pháp tối ưu Hệ thống Quản lý vận chuyển hàng hóa của Trần Minh Thiện và Lê Khánh Huyền (FPT Retail) tham dự sáng kiến lần này với hy vọng đổi màu cho đơn vị, từ Bạc lên Vàng. Sáng kiến giúp tối ưu nhân sự xử lý, quản lý vận chuyển hàng hóa, giảm lỗi phát sinh trong quy trình vận chuyển hàng hóa nhờ áp dụng QRCode, OneApp.
Khá hồi hộp khi lần đầu tiên tham gia Sáng kiến, tác giả Nguyễn Thị Huyền Trang - Synnex FPT cho biết, Synnex RPA là công cụ giúp tự động hóa các công việc của nhân viên mua hàng để tiết kiệm được thời gian và công sức. Với tốc độ cao nhất, Synnex RPA có thể gom đến 200 invoice/ngày, nhanh gấp 4 lần so với một nhân sự. Từ khi áp dụng, chỉ riêng tháng 7, Synnex RPA đã giải quyết được 1.471 invoice, chiếm 62% số invoice cần xử lý; gom được 90 lô hàng; đẩy được 1.000 hợp đồng chỉ trong 128 giờ, tương đương với 16 ngày làm việc liên tục, giúp đơn vị tiệt kiệm được khoảng 170 triệu/năm.
Hà Trần
Ý kiến
()