Chiều 11/7, nhà Giáo dục FPT đã có dịp “ôn cố tri tân” hay theo cách nói của Hiệu trưởng Đại học FPT Nguyễn Khắc Thành là “ôn nghèo kể khổ” trong buổi Talkshow “Khát vọng đổi thay”. Những nhân chứng lịch sử, những người cũ, những người mới, những người ra đi, những người ở lại đã kể những câu chuyện của mình trong suốt những năm tháng gắn bó cùng FPT Education.
“Ôn cố” đương nhiên là nói về lịch sử. Nhiều người vẫn nghĩ sự ra đời của Tổ chức giáo dục FPT bắt đầu từ khi thành lập hai trung tâm FPT Aptech đầu tiên tại Hà Nội và TP HCM năm 1999. Nhưng anh Nguyễn Khắc Thành lại cho rằng chiến lược xuất khẩu phần mềm mới là khởi thủy của nhà Giáo dục. Những cái đầu đầy mơ mộng của lãnh đạo Tập đoàn luôn lo lắng FPT sẽ thiếu hụt nhân lực vì “được khách hàng yêu quý ký nhiều hợp đồng”. Vì vậy, việc tự chủ nguồn lực kỹ sư CNTT là việc phải làm song song với xuất khẩu phần mềm.
Anh Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Đh FPT giới thiệu chương trình. |
Mặc dù ban đầu Tổ chức giáo dục NIIT mới là đối tượng được nhà F lựa chọn để kết duyên. Tuy nhiên Aptech, một tổ chức giáo dục lớn không kém NIIT, là người thứ ba đã chen ngang và giành được cái gật đầu của hãng công nghệ Việt. Chủ tịch Trương Gia Bình đến giờ vẫn băn khoăn liệu rằng Aptech có phải sự lựa chọn tốt nhất cho FPT hay không. Trong khi anh Nguyễn Khắc Thành khẳng định: “Chọn NIIT hay Aptech điều đó không quan trọng. Quan trọng là ai chọn FPT cũng đều trở thành số 1 ở Việt Nam”.
Sau Aptech, năm 2004 FPT mang về Việt Nam thương hiệu giáo dục Arena. Nếu như FPT Aptech được Chủ tịch FPT Education Lê Trường Tùng đặt tên là “Trung tâm đào tạo lập trình viê quốc tế” thì FPT Arena có tên gọi vô cùng mới lạ “Trung tâm đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện”. Mặc dù gặp phải nhiều thắc mắc về cái tên lạ lùng này nhưng anh Tùng tỏ ra không hề quan tâm bởi bản chất “cái gì mới nghe mãi cũng thành quen”. Tự hào về những đứa con đầu lòng, anh Tùng nhấn mạnh FPT Aptech đã đón đầu ngành công nghiệp phần mềm trong khi FPT Arena đã đón đầu ngành nội dung số ở Việt Nam.
Anh Lê Trường Tùng chia sẻ về "Mỹ thuật đa phương tiện". |
Cái tên “Mỹ thuật đa phương tiện” thực sự rất thu hút nhưng cũng gây khó khăn nhất cho đội ngũ vận hành FPT Arena bấy giờ. Chương trình giảng dạy ban đầu hầu hết là về phần mềm, không hề có kiến thức về mỹ thuật. Điều này dẫn đến sự thắc mắc và khiếu nại không ngớt từ phía sinh viên. Anh Mai Thanh Long khi đó là Giám đốc đầu tiên của FPT Arena phải mời các giảng viên mỹ thuật đến dạy bổ sung để cho đúng với tên gọi. Cũng nhờ đó mà FPT Arena có được nét riêng trong sản phẩm giáo dục của mình. Theo anh Long, chất lượng đào tạo của FPT Arena đã vượt cơ sở gốc Arena tại Ấn Độ.
Đúng tinh thần “ôn nghèo kể khổ”, những người đầu tiên của FPT Aptech như anh Nguyễn Nhật Tân, chị Nguyễn Quỳnh Chi, chị Lê Thị Loan và anh Trần Minh Trung được dịp bày những câu chuyện đến bây giờ mới. Anh Trần Minh Trung bày tỏ, dạy kiểu Aptech hoàn toàn thay đổi tâm thế người thầy. Khác với phương thức truyền thống, ở Aptech, thầy nói ở trên, dưới trò thực hành ngay. Trò hàng tháng chấm điểm thầy từ đó quyết định lương của thầy. Giờ dạy đầu tiên trong không gian hẹp nhưng vẫn có nhiều kiến thức mới nên phải cập nhật kiến thức liên tục. "Lúc đó, nhiều thầy bên Bách khoa đã phát khóc vì sinh viên phản ứng rất gay gắt", anh Trung nhớ lại.
Anh Trần Minh Trung nói về câu chuyện phong cách dạy tại Aptech. |
“Điều gì mới bắt đầu đều khó khăn, nhiều chông gai. Khi Aptech được thành lập, tất cả nhân viên, kể cả anh bảo vệ cũng được tận dụng làm hành chính. Mỗi vị trí được kiêm rất nhiều việc như chị Loan vừa làm thủ thư, xuất nhập khẩu, kế toán…”, chị Nguyễn Quỳnh Chi cho hay.
Khó khăn chồng chất, một vài năm sau thành lập, tốc độ tăng trưởng của FPT Aptech và FPT Arena chững lại. Trong Hội nghị chiến lược FPT năm 2003 tại Hạ Long, anh Lê Trường Tùng đã táo bạo đưa ra ý tưởng: “FPT cần phải bước chân vào lĩnh vực đại học” giúp đưa doanh thu tập đoàn lên 1 tỷ USD. Đầu năm 2004, dự án thành lập ĐH FPT manh nha. Hai năm rưỡi sau đó anh Tùng và cộng sự như chị Lại Hương Huyền, Bùi Nguyễn Phương Châu, Đàm Thị Ngọc Huyền phải chạy đôn chạy đáo để lo giấy tờ thủ tục, vận động hành lang, tận dụng mọi mối quan hệ để xin giấy phép thành lập trường.
Chị Lại Hương Huyền, Chánh văn phòng HĐQT FPT chia sẻ về việc xin giấy phép mở ĐH. |
Việc lập được trường Đại học làm xúc động bao con người tham gia dự án, kể cả Chủ tịch Trương Gia Bình. Anh cho biết: “Sự nghiệp trồng người là cả trăm năm. Đến lúc được quyền lập ĐH, tôi quyết định bàn bạc để đưa ra một tuyên ngôn riêng của ĐH FPT. Mình nghĩ đến việc lấy học sinh làm gốc và sau này các em sẽ làm gì?” Qua bao nhiêu ngày cãi nhau “om củ tỏi” với bao câu khẩu ngữ cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, với kết quả bỏ phiếu mong manh, Chủ tịch Trương Gia Bình đã quyết lấy tên “Khát vọng đổi thay”.
Chủ tịch Trương Gia Bình xúc động khi ĐH FPT được thành lập. |
Năm 2009, chiến lược của nhà Giáo dục đưa ra định hướng: song song với đào tạo tinh hoa triển khai thêm nội dung đào tạo go mass cho số đông - với tham vọng trở thành tổ chức giáo dục Mega với số sinh viên 100.000 trở lên, tức là sẽ thào bỏ rào cản về học phí, về thi tuyển đầu vào và về năng khiếu.
Năm 2010, FPT Polytechnic được ra đời trong danh sách các sản phẩm đào tạo của nhà giáo dục FPT, gắn với tên của Đàm Quang Minh, Quách Ngọc Xuân, Vũ Chí Thành, Lê Thị Hồng Hạnh, Lê Văn Duẫn, Trần Thị Hoàng Phương, Huỳnh Ngọc Khoan. Chị Lê Hồng Hạnh chia sẻ thành công bước đầu của FPT Polytechnic, với thương hiệu của FPT, năm đầu tiên cơ sở tại TP HCM đã tuyển được 709 sinh viên. Tuy nhiên, do chưa rõ triết lý của Poly nên các thành viên chủ chốt quyết định qua Singapore để tham khảo Polytechnic. Ấn tượng với với quy mô, số lượng học viên cực kỳ lớn, về Việt Nam nhà Giáo dục quyết định lấy slogan “Thực nghiệm, thực hành” làm tiêu chí của trường.
Chị Lê Hồng Hạnh nói về tuyển sinh tại FPT Poly. |
Đến giai đoạn quyết định thành lập mô hình nội trú THPT FPT, nỗi ám ảnh mang tên “phụ huynh” bắt đầu xuất hiện. Nhận thấy được nhiều bức xúc từ thị trường như: bố mẹ không biết dạy gì cho con về tự học và phát triển cá nhân, dạy kỹ năng mềm kết hợp với việc tham khảo mô hình từ trường nội trú trong TP HCM để mang về mô hình F-School “chuyên phong cách sống”. Tuy nhiên, thời kỳ khó khăn xuất hiện khi nhà trường nghiêm khắc hơn với học sinh cộng thêm số ít giáo viên chưa chuẩn nên gây ra nhiều bức xúc cho phụ huynh. Thậm chí, phụ huynh đã gửi một tập hồ sơ lên đến 30 trang đến Chủ tịch Trương Gia Bình để khiếu nại về nhiều vấn đề của nhà trường. “Càng làm càng thấy, THPT thực sự quá nhiều vấn đề”, anh Trần Vũ Quang cho hay.
Anh Trần Vũ Quang nhớ về nỗi ám ảnh mang tên "phụ huynh". |
Sau gần 2 thập kỷ kiên nhẫn, bền bỉ, mò mẫm mọi ngóc ngách trong lĩnh vực giáo dục nhiều ẩn số, thử qua gần hết các “ngón nghề”, từ lên cao với Đại học, Go mass với Cao đẳng, phủ rộng với Phổ thông, mới mẻ với Đào tạo trực tuyến, hay bôn ba quốc tế để mở trường, hợp tác đào tạo với Âu, Mỹ, Phi, Á; nay những người FPT làm giáo dục dường như đã biết mình muốn làm gì, là ai, đi đâu và phát triển theo hướng nào.
Câu chuyện về Tổ chức Giáo dục FPT. |
Dành gần 20 năm để hiểu con đường mình muốn đi, gần 20 năm bung nở khắp các lĩnh vực, cuối cùng, đơn vị ấy mới tự hỏi: Thế mình chọn tên gì nhỉ?
“Gọi là Tổ chức Giáo dục FPT đi”, anh Lê Trường Tùng quyết định sau nhiều buổi suy nghĩ và bàn bạc với các “cao niên, nòng cốt” của tổ chức. Cuối năm 2016, nhà giáo dục quyết định xưng danh chính thức cho toàn bộ các đơn vị đào tạo hiện có - Tổ chức Giáo dục FPT. Anh Nguyễn Khắc Thành bày tỏ, ước mơ đến năm 2025 FPT Education không còn bó hẹp trong phạm vi Việt Nam và có nhiều sinh viên nước ngoài, nhiều màu da hơn.
“FPT Education - Khát vọng đổi thay” nằm trong chuỗi Talk show nhìn lại dấu ấn tiên phong của FPT 30 năm qua. Trước đó, nhà Cáo cũng đã nhìn lại lịch sử của đơn vị trong buổi Talk show “Chuyện nhà Cáo” (7/12); FPT Software với "Tiến lên toàn cầu hóa - Đếch biết gì cũng tiến" (10/1), VnExpress với "Hành trình tới lòng tin" (3/4); "FPT IS - Khát vọng Việt" ngày 10/5. Dự kiến, sau FPT Edu là Talk show của FPT Trading và FPT Retail. |
Ngọc Thắng - Hà Trần
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thắng
Ý kiến
()