Chúng ta

'Người tình' của Văn hóa FPT

Thứ ba, 15/9/2015 | 16:25 GMT+7

“Cán bộ văn hóa hầu hết là những bạn trẻ đã có thành công nhất định trong nghệ thuật nhưng khi bước vào FPT sẵn sàng bỏ cái “tôi” nghệ sĩ, âm thầm lui về hậu phương, dồn tâm sức để làm những chương trình ý nghĩa nhất cho người FPT”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, chia sẻ.

Từ lâu, lễ hội 13/9 trở thành sự kiện được người FPT mong chờ nhất năm. Mỗi dịp này, Ban Văn hóa - Đoàn thể  FPT(FUN) thường chuẩn bị trước vài tháng với rất nhiều việc, từ lên ý tưởng, xây dựng chương trình, nội dung - chủ đề, hình thức thể hiện, rồi tìm địa điểm, nhà cung ứng... “Những việc hậu trường dù nhiều nhưng chúng tôi cũng đã quen rồi. Sợ nhất là những tình huống thay đổi vào phút chót khiến anh em trở tay không kịp”, chị Nhung cho biết.

IMG-0075-top-8593-1442305204.jpg

“Để có 3-5 phút tỏa sáng trên sân khấu, ê-kip FUN đã bỏ nhiều tâm huyết, thời gian, sức lực và đam mê”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (áo kẻ) tâm sự.

Tình thế cấp bách “nước ngập đến cổ, không bơi là chết đuối” khi ấy khiến ai cũng lo lắng vì không biết có kịp làm lại mọi thứ chỉ trong một ngày không. Cả nhóm tập trung cao độ, sửa lại từ đầu, tập luyện từ sáng đến tận khuya. Hôm sau dậy từ 4h sáng để chuẩn bị phục trang, đạo cụ, sân khấu… Dù thời gian chuẩn bị quá gấp nhưng cuối cùng tiết mục đã thành công, được khán giả đón nhận nhiệt tình. Chị vẫn nhớ tình huống khẩn cấp dịp Đại lễ Niềm tin FPT - ¼ thế kỷ vào năm 2013. Năm đó có tiết mục tri ân của lãnh đạo tập đoàn với ca khúc “Đại đoàn FPT”. Cả ê-kip cùng lên kịch bản, biên đạo, dàn dựng, tập luyện suốt hai tuần lễ. Tuy nhiên, đến ngày cuối cùng trước khi chương trình diễn ra, các lãnh đạo yêu cầu đổi sang ca khúc “FPT - Dòng sông lời thề”. 

“Để có 3-5 phút tỏa sáng trên sân khấu, ê-kip đã bỏ nhiều tâm huyết, thời gian, sức lực và đam mê. Những cán bộ văn hóa hầu hết đều là những bạn trẻ đã có thành công nhất định trong nghệ thuật, nhưng khi bước vào FPT sẵn sàng bỏ cái “tôi” nghệ sĩ, âm thầm lui về hậu phương. Họ không còn là những chàng trai cô gái chỉ biết hát hay, múa dẻo mà trở thành những chuyên gia trong công việc của mình, luôn khát khao cống hiến hết mình bởi ai cũng xem văn hóa FPT giống như “người tình” của mình vậy”, chị Nhung tâm sự.

Không chỉ đội ngũ FUN mà các cán bộ văn hóa đơn vị cũng bước vào giai đoạn “chiến đấu” gian khổ nhất năm. “Trước 13/9 khoảng một tháng, công tác chuẩn bị được xúc tiến. Quan trọng nhất là ý tưởng và nhân lực, giải quyết được hai khâu này thì việc tập luyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, chị Nguyễn Thị Thanh Trang, cán bộ văn hóa FPT IS HCM, chia sẻ.

TrangNTT35-FIS-HCM-JPG-5480-1442305205.j

 “Chuyện chăm sóc mọi người tập luyện văn nghệ đến 22h, sau đó ở lại đến khuya thậm chí ngủ lại công ty để giải quyết công việc là không hiếm trong mùa 13/9”, chị Nguyễn Thị  Thanh Trang (người đeo túi Canon), chia sẻ.

Nói thì đơn giản nhưng việc tìm diễn viên năm nào cũng khiến những người tổ chức đau đầu. Nhiều CBNV lớn tuổi bị “bắt cóc” vào đội văn nghệ cứ than thở: “Em ơi, anh/chị già quá rồi, em thay người khác nhảy đi chứ mấy cái mặt này mà xuất hiện hoài khán giả cũng chán” . Tuy nói vậy, nhưng khi cần, họ vẫn sẵn sàng góp mặt. Nhiều gương mặt trẻ cũng rất “máu”, vừa chạy dự án với khách hàng vừa tập luyện cùng anh em.

Ngoài tổ chức chương trình 13/9, chị Trang còn phải đảm bảo những công việc khác ở công ty, vì thế, chuyện chăm sóc mọi người tập luyện văn nghệ đến 22h, sau đó ở lại đến khuya, thậm chí ngủ ở công ty để giải quyết công việc không hiếm trong mùa 13/9. 

Tham gia làm chương trình 13/9 từ  năm 2008 - dấu mốc 20 tuổi của tập đoàn - cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Đặng Hùng Tuấn, cán bộ văn hóa FPT Trading. Năm đó, lần đầu tiên người FPT Đà Nẵng phải thi kịch nói - một thể loại thực sự “khó nhằn” với dân miền Trung.

Tiếp cận với thể loại mới và khó, anh gặp nhiều khó khăn trong việc viết kịch bản. Dù đã tập hợp các đồng nghiệp, tổ chức họp và lên ý tưởng nhưng bàn mãi cũng không ra được kịch bản nào khả thi. Đến khi chọn diễn viên càng khó hơn, cứ ai thấy mặt anh là chạy hết vì sợ bị “lôi” lên sân khấu, đơn giản vì ai cũng “lần đầu làm chuyện ấy” nên rất ngại.

Tuan-5220-1442305205.jpg

 Anh Đặng Hùng Tuấn kể lại kỷ niệm khó quên khi lần đầu diễn kịch.

Tuyển mãi không chọn được ai, các anh em tham gia viết kịch bản đành “ngậm đắng nuốt cay” nhận luôn công việc của diễn viên, trong đó anh Tuấn thủ vai chính. Kịch bản không hấp dẫn, viết mãi không xong, anh quyết định cứ diễn thử, đến đâu sửa đến đó, thậm chí thay đổi cả ý tưởng ban đầu. 

Lúc đầu cả nhóm thống nhất giữ bí mật phần tập luyện vì sợ người khác xem sẽ ngại ngùng và không diễn được đúng vai trò của nhân vật. Thế nhưng cuối cùng vẫn bị các chị em Phòng kế toán phát hiện và cười ồ lên. Anh Tuấn bèn hỏi cảm nhận mọi người thế nào, chị em luôn miệng nói: "Vui đấy anh". Cả đội phấn khởi và mạnh dạn mở cửa phòng tập để mọi người xem và cũng giúp cho các "diễn viên bắt đắc dĩ" bỏ đi sự ngại ngùng khi lên sân khấu. “Rồi cái đêm định mệnh ấy cũng tới, thực sự cả đội chưa bao giờ thấy run như vậy, thậm chí còn ước buổi Hội diễn bị hủy”, anh Tuấn kể. 

Trước giờ G, anh mời các đồng nghiệp diễn viên ra quán nhậu uống chút rượu Vokka để lấy can đảm. Giải pháp ấy cũng phần nào thành công, anh em không còn sợ chính mình hay sợ sân khấu, diễn còn hay hơn lúc tập, thật hơn và vui hơn. “Vở kịch đạt giải Nhất và tôi cũng may mắn ẵm giải Diễn viên xuất sắc. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi vượt qua nỗi sợ như vậy”, anh nói.

top-660-9906-1442305205.jpg

Chị Tăng Minh Nguyệt (đứng cạnh anh Bình) được đánh giá là "bà bầu mát tay" khi những năm gần đây, FPT Telecom "ẵm" khá nhiều giải thưởng.

Với chị Tăng Minh Nguyệt, cán bộ văn hóa FPT Telecom, mỗi mùa Hội diễn đi qua là những chặng đường không thể quên với nhiều kỷ niệm đẹp, buồn vui hòa quyện. Có nhiều lúc mỏi mệt muốn buông xuôi nhưng cái tình của người FPT đã giữ chị ở lại. Làm tổng hội là bao đêm thức trắng vì trăn trở cho kịch bản, khản tiếng hô hào anh em tập luyện, tỉ mỉ lo từng việc hậu cần nhỏ nhất, "chạy sốt vó" với hóa đơn thanh toán... "Nhớ năm 2006, vì chưa tạm ứng được tiền tổ chức đêm nhạc Giai điệu phím nên tôi phải đi cắm xe máy lấy tiền chạy việc nhưng lại để quên 15 triệu đồng ở bãi xe, may mắn khi quay lại vẫn còn vì người ta tưởng cặp sách nên không ai lấy. Nhiều khi nghề gắn với nghiệp và duyên nợ là thế", chị bày tỏ.

Năm 2012 là kỷ niệm khó quên với chị khi vở diễn "Đế chế thang tre" thành công vang dội. Sau khi có được kịch bản và vận động được hơn 30 người cho vở diễn, chị lại phải đối diện nhiều khó khăn vì quá trình luyện tập khá vất vả. Địa điểm tập cách xa nơi làm việc, hơn nữa, diễn viên “cây nhà lá vườn” chỉ quen kéo cáp, bán Internet, không mấy người có năng khiếu nghệ thuật. “Tuy nhiên, người FPT Telecom đều còn rất trẻ, nhiệt huyết, máu lửa và có sự gắn kết cao nên khi có người dìu dắt sẽ phát huy được những điểm mạnh không ngờ. Đó cũng là nhân tố làm nên thành công của “Đế chế thang tre” ở Hội diễn 2012”, chị Nguyệt tâm sự.

Nhut-7559-1442305205.jpg

Năm 2014, FPT Telecom phía Nam cũng đã thắng lớn ở Hội thao và Hội diễn. Đó là niềm vui lớn nhất của anh Phan Phước Nhật.

"Lễ hội 13/9 gồm Hội diễn và Hội thao nên những cán bộ văn hóa luôn phải chạy cuống quýt nhiều thứ cùng một lúc để chuẩn bị cho các nội dung chương trình", Phan Phước Nhật, cán bộ văn hóa FPT Telecom phía Nam, chia sẻ.

Năm 2014 Hội diễn có chủ đề Toàn cầu hóa, anh Nhật đảm nhiệm viết kịch bản của cả hai tiết mục chính. Ở Hội diễn, anh chọn bài Dòng máu lạc hồng và viết lời STCo để nói về con người, sản phẩm và sự nỗ lực của FPT Telecom vươn ra biển lớn, rồi tiếp tục "vò đầu bứt tóc" để viết tiếp kịch bản cho tiết mục đồng diễn mang nét văn hóa Mỹ.

Viết xong kịch bản nhưng khó khăn vẫn còn đó, nhất là việc tập hợp 100 diễn viên tham gia tập luyện. Sau nhiều ngày thuyết phục, hô hào tìm được đủ người, anh lại phải nỗ lực dung hòa cá tính của tất cả mọi người để có thể tập luyện suôn sẻ. Thêm nữa, do thời gian khá gấp gáp nên đến ngày chạy sân khấu, cả đội cũng chỉ mới được nửa bài. Vì vậy, sau khi chạy sân khấu xong, nhóm xuống luôn bãi xe của nhà hát để tập tiếp đến tận tối mịt, không còn nhìn thấy mặt nhau nhưng tất cả vẫn hăng say và nhiệt tình tập trong bóng tối.

"Cuối cùng thì những ngày tháng tập luyện đã qua đi khi tất cả bước lên sân khấu. Lúc đó, tôi chỉ dặn mọi người hãy thỏa mái biểu diễn vì tất cả đã chiến thắng chính bản thân mình trong những ngày tập luyện vừa qua. May mắn đội được giải Nhì Hội diễn và giải Nhất Hội thao. Niềm vui đó không thể nào quên được", anh Nhật tâm sự.

 “Mỗi mùa 13/9 với tôi đều có rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc buồn vui lẫn lộn, nhưng chắc những gì lần đầu tiên bao giờ cũng sâu đậm nhất”, anh Bùi Đăng Quỳnh, cán bộ tổng hội FPT Software, bộc bạch.

Quynh-JPG-7643-1442305205.jpg

Anh Bùi Đăng Quỳnh nhiều lần lo toát mồ hôi, mất ngủ khi đến mùa Lễ hội 13/9.

Công tác ở vị trí tổng hội từ năm 2007 và đến năm 2012, anh Quỳnh chính thức đảm nhiệm chức Tổng thư ký Tổng hội FPT Software và đây cũng là mùa đầu tiên anh làm “bầu xô” 13/9 cho đội quân phần mềm. “Lúc đầu, tôi hoang mang lắm vì trước đó chỉ quen làm sự kiện cấp công ty, nay dẫn quân đi thi thố với các đơn vị khác trong FPT nên lo toát mồ hôi, mất nửa đêm không ngủ được”, anh bày tỏ.

Năm đó, chủ đề “Lên giời” khá khoai, anh “vò đầu bứt tóc” mấy hôm vì đi kêu gọi viết kịch bản mà chẳng có ai hỗ trợ. Sau đó, anh đành đi nhặt nhạnh ý tưởng từ giáo sư “Xoay” Đinh Tiến Dũng, anh Đinh Công Sáng – Ban Văn hóa Đoàn thể, anh Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software… đem về “xào nấu”, cuối cùng cũng ra được kịch bản “Máy bay FSOFT”.

Kịch bản đã hòm hòm, anh lại phải đối diện với nhiều vấn đề lần đầu tiên gặp phải. Việc kêu gọi người đi tập không hề dễ, đã thế lại phải tìm đủ 80 người vì truyền thống FPT Software phải đông mới oách. Rồi thì đạo diễn “cây nhà lá vườn” trình độ chưa cao, diễn viên nay tập mai overtime, đạo cụ thì không được như ý… “Vì thế mà khi lên diễn, vở kịch không được như kỳ vọng. May mà năm đó có FPT IS  “lãnh đạn” không thì bị “ê” quá trời luôn”, anh cười và cho biết.

Chỉ gắn bó với công việc tổng hội từ 2011 nhưng chị Trần Thị Huyền Trang, Cán bộ tổng hội FPT Trading, đã ghi dấu ấn với thành công của đơn vị trong các kỳ Hội diễn, đặc biệt là vở “Cây khế” bất hủ năm 2013.

trang-1932-1442305205.jpg

Chị Trang mong muốn nội dung chương trình 13/9 nên phù hợp thị hiếu của khán giả.

Đơn vị thường tập hợp mọi người trước một tháng và luôn có một team chuẩn bị riêng cho Hội diễn. Team này tập trung rất nhiều các “cây đa cây đề” về văn hóa của FPT Trading như anh Nguyễn Thanh Bình - FTP (Bình “Béo”), anh Phạm Mạnh Hưng – FDC, anh Nguyễn Quang Minh - FTG HO, anh Nguyễn Đức Long – FDC, Anh Nguyễn Duy Hưng – F9 (Hưng “Đỉnh”), anh Phạm Quang Thọ (Thọ “Vẩu”)... Họ là những người thổi hồn cho kịch bản STCo tinh tế, sâu sắc và thâm thúy.

Tuy có thế mạnh về kịch bản, nhưng FPT Trading lại gặp khó khăn về việc tập trung nguồn lực. Chị Trang chia sẻ, do quân số của đơn vị tương đối già, phần lớn CBNV đã có gia đình nên mọi người không có nhiều thời gian để tập luyện. Vì vậy mỗi kỳ Hội diễn, bài toán tìm người diễn bao giờ cũng “hại não” nhất.

“Ở Hội diễn 13/9/2009, tuy tiết mục của ĐH FPT chỉ được giải Ba nhưng lại làm tôi nhớ mãi vì đây là lần đầu tiên tôi lên diễn tại sân khấu STCo trước hàng nghìn khán giả FPT”, chị Nông Hương Ly, cựu cán bộ văn hóa FPT Education, nhớ lại.

Nong-Huong-Ly-2-2-2755-1442305205.jpg

Hội diễn 13/9/2009 tuy tiết mục của ĐH FPT chỉ được giải Ba nhưng lại làm chị Nông Hương Ly nhớ mãi.

Ngày đó, cả nhóm diễn viên đều rất trẻ, toàn những sinh viên, giảng viên mới ra trường, ai cũng thừa năng lượng nên mỗi giờ tập đều vui, “cười không nhặt được miệng”. Trong thời gian tập luyện, kịch bản được thay đổi liên tục, cứ ai nghĩ ra ý gì hay là lại “nhồi nhét” vào thành món lẩu thập cẩm.

Với chị Ly, để chuẩn bị cho vai diễn tóc bị điện giật, chị đã cất công đến một tiệm làm tóc nổi tiếng. Bốn nhân viên của tiệm đã phải hì hục làm suốt 6 giờ khiến đầu chị đau ê ẩm. Để “bảo quản” kiểu tóc đó, chị phải đi taxi về. Cầu kỳ là vậy mà càng gần đến giờ diễn, mái tóc ngày càng xẹp xuống khiến bao công sức “đổ sông đổ biển”.

“Sau vở diễn, tôi không lên sâu khấu 13/9 nữa mà tham gia với vai trò tổ chức, ngẫm lại cũng thấy may cho khán giả. Bao nhiêu mùa Hội diễn cũng là từng ấy trăn trở về kịch bản, ý tưởng, nhân lực và những kỷ niệm cứ ngày một nhiều lên. Chắc chắn rằng dù sau này tôi đi đâu, làm gì cũng sẽ không bao giờ quên những mùa Hội diễn chỉ có ở FPT”, chị tâm sự.

Tây Hạ

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()