Chúng ta

Người F 'làm giàu' từ cổ phiếu FPT

Thứ tư, 6/4/2022 | 17:00 GMT+7

Tin tưởng vào sự phát triển công ty, không ít người FPT quyết định đầu tư vào cổ phiếu nhà F, trở thành cổ đông nội bộ, xem đây là kênh đầu tư lâu dài, bền vững.

Quyết định đầu tư vào cổ phiếu khi đại dịch Covid bắt đầu manh nha, Trương Minh Dân Quốc (FPT Telecom) nghĩ ngay đến cổ phiếu nhà F với tinh thần “chính mình hiểu mình”. Hơn ai hết, Quốc hiểu khá rõ về cơ hội phát triển của công ty.

quoc-fpt-1649239044-8418-1649239049.jpg

Anh Trương Minh Dân Quốc (FPT Telecom, phải).

Hàng tháng, Quốc dành khoảng 30-40% thu nhập để đầu tư vào cổ phiếu. Ngoài nhóm cổ phiếu họ F, anh cũng mua thêm các mã ở nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, mã FPT vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng là mã cổ phiếu mà anh an tâm nhất.

Quốc chia sẻ kinh nghiệm, bản thân thường tham khảo báo cáo tài chính, xem tin tức và quan trọng nhất là nhìn vào chiến lược, uy tín của lãnh đạo. Anh tự nhận mình là nhà đầu tư dài hạn, không phải kiểu “lướt sóng” nên mọi quyết định đều dựa trên thực tế kinh doanh.

Tương tự, tuy đang công tác tại Nhật Bản nhưng Hà Thanh Tùng (FPT Japan) vẫn muốn đặt niềm tin trọn vẹn vào chính cổ phiếu công ty. Theo anh, những người mới đặt chân vào thị trường chứng khoán thường có tâm lí e ngại, dè dặt. Bản thân anh cũng đứng trước nhiều lựa chọn phân vân, cuối cùng, anh quyết định mua cổ phiếu FPT để “không phải nghĩ ngợi nhiều”.

Tùng cho hay, bản thân anh xác định đầu tư cổ phiếu sẽ rất rủi ro và có thể “ra đảo vĩnh viễn” (tức mất trắng). Anh đánh giá, so với các cổ phiếu khác thì họ FPT là tin cậy nhất. Phần vì anh hiểu rõ chiến lược công ty, phần vì nhìn thấy được những giá trị thực tế mà FPT tạo ra, nên việc đầu tư sẽ không có nhiều mạo hiểm. Ngoài ra, Tùng cũng muốn thể hiện chút tình yêu với công ty, vừa là người FPT, vừa là cổ đông nội bộ.

Niềm tin đặt đúng chỗ

3 năm trở thành cổ đông FPT, Phan Hoàng Tuấn Trung (Trưởng phòng Tuyển sinh trực tuyến –Đại học FPT Cần Thơ) lấy làm phấn khởi khi bản thân đã “đặt niềm tin đúng chỗ”. Cũng như nhiều đồng nghiệp, Trung manh nha đến với cổ phiếu bằng mã FPT vì sự tin tưởng vào công ty. Đặc biệt, năm 2021 với nhiều lần tăng trần, số tiền mà anh bỏ ra đã sinh lời không nhỏ.

Anh còn vui hơn nữa vì đã thuyết phục nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng mua mã FPT và hiện tất cả đều đem lại lợi nhuận “khủng”.

trung-fpt-1649239032-3458-1649239049.jpg

Anh Phan Hoàng Tuấn Trung (Trưởng phòng Tuyển sinh trực tuyến, Đại học FPT Cần Thơ).

Sau thời gian đầu tư, Trương Minh Dân Quốc cũng rất hài lòng về mức sinh lời, gồm cả mức tăng giá và chia cổ tức. Theo anh, cổ phiếu FPT là mã trong nhóm vốn hoá lớn, nên việc tăng đột biến sẽ rất khó nhưng đổi lại độ an toàn, ổn định và bền vững rất cao. Nhẩm tính, Quốc thu lợi nhuận trên 20% – 30% mỗi năm từ số tiền đầu tư ban đầu. Với anh, mã FPT như một kênh đầu tư bền vững, giải quyết được số tiền nhàn rỗi, cũng là cách để tiết kiệm mà vẫn có lãi lớn.

Tương tự, cũng mới quyết định xuống tay đầu tư cổ phiếu từ đầu năm 2021, Hà Thanh Tùng đã lãi khoảng 15% tổng vốn đầu tư vào các mã nhà F. Trong đó, mã FRT (FPT Retail) mang lại nguồn lợi lớn nhất.

Vững tin với mã FPT, Tùng nêu quan điểm: “Thông thường khi đăng ký dịch vụ chứng khoán sẽ có các diễn đàn hoặc hội nhóm tư vấn và thảo luận hàng ngày. Tuy nhiên, mình không quan tâm lý đến sự chèo lái, định hướng cho lắm. Với mình, điều quan trọng nhất là chọn thời gian bắt đáy và năng lực của doanh nghiệp. Nếu cổ phiếu một công ty tốt thì giá nào cũng mua, dù mua lẻ 1 cổ cũng nên mua”.

Vừa đầu tư, vừa tiết kiệm

Tính tới thời điểm hiện tại, Trương Minh Dân Quốc vẫn chưa bán bán một cổ nào của FPT, chỉ mới bán mã FRT. Anh quyết định giữ lại toàn bộ vì tin tưởng mã FPT sẽ còn tăng mạnh.

Trước thềm đại hội cổ đông, Quốc đánh giá năm 2021 là một năm FPT có những mảng kinh doanh thành công vượt mong đợi so với những kì vọng đặt ra. Anh cũng mong muốn FPT phát hành thêm cổ phiếu ESOP cho người nội bộ có nhu cầu mua và nắm giữ. Quốc quyết định sẽ đầu tư lâu dài, chỉ khi cần dùng đến tiền mới bán, còn không, đây như một kênh gửi tiết kiệm cho cả gia đình.

tung-fpt-1649239022-5351-1649239049.jpg

Anh Hà Thanh Tùng, FPT Japan.

Nhìn lại 1 năm tập tành chơi cổ phiếu, Hà Thanh Tùng cho hay, cổ phiếu FPT 1 năm trở lại đây duy trì và có mức tăng đột biến vào đầu tháng 4/2022. Điều này cho thấy kết quả kinh doanh tốt, cổ đông đang hướng đến mua các cổ phiếu trụ của thị trường, xét theo năng lực doanh nghiệp chứ không theo “tổ lái”.

Anh cũng bày tỏ tiếc nuối khi cổ phiếu FPT “giá mềm” lại nhất quyết không mua. Chỉ khi đồng nghiệp FPT Japan “giục” mới chịu xuống tiền. Nếu mua sớm, Tùng nhẩm tính đã lãi lớn. “Tuy nhiên đó là trải nghiệm, ai chơi chứng khoán cần có nhiều cú ngã nhớ đời mới khôn ra được”, anh nói.

Tùng tin tưởng vào một năm 2022 khởi sắc, Tùng dự định sẽ mua thêm mã FPT, xem như trích quỹ lương hàng tháng làm tiền tiết kiệm và đầu tư dài hạn.

Nữ cổ đông nội bộ "hiếm"

Cũng là cổ đông nội bộ nhưng chị Phạm Thị Mai, FPT IS, là trường hợp khá đặc biệt. Là nhân viên kỳ cựu, chị cũng được hưởng cổ phiếu ưu đãi giống phần lớn đồng nghiệp thời đó.

mai-fpt-2471-1649239873.jpg

Chị Phạm Thị Mai, FPT IS.

Trong 10 năm đầu khi FPT lên sàn, chị Mai giống như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ở điểm không bán một cổ phiếu nào. “Số cổ phiếu của tôi vẫn còn nguyên và giờ số lượng gấp đôi lúc đầu”, chị Mai nói thời điểm năm 2017. “Tôi nhớ mãi câu nói của anh Hoàng Minh Châu: ‘Em có niềm tin với FPT thì giữ cổ phiếu’ nên giữ hoài đến bây giờ luôn”.

Vài năm gần đây, chị chọn cách “ra - vào hợp lý”, như một kênh đầu tư. “Tôi chỉ có thể nói là đầu tư cổ phiếu FPT ổn định. Hai năm trở lại đây mã FPT tăng giá tốt. Tôi tin tưởng bởi đội ngũ lãnh đạo FPT đáng tin”, chị Mai chia sẻ.

Chungta

Ý kiến

()