Hội thảo TGB Seminar do Chủ tịch Trương Gia Bình dẫn dắt với chủ đề “Tuân thủ kỷ luật diễn ra ngày 12/9 tại TP HCM. Thành phần tham dự chương trình là ban điều hành và quản lý cấp cao công ty thành viên, người đứng đầu các bộ phận, đơn vị trong Tập đoàn.
Trong chương trình, Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ về khái niệm “nấu cá nhỏ”, các nội dung của quy định tuân thủ kỷ luật và kinh nghiệm truyền đạt lại cho đơn vị theo phương pháp "kiến tạo". Ban lãnh đạo và quản lý cấp cao cùng tham gia đánh giá thực trạng, thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo quy định mới.
"Người đi bằng một chân mà có thể đi được 31 năm thì quá vĩ đại. Nhưng tôi hy vọng, chúng ta sẽ 'thả' chân kia xuống để có thể vươn lên những tầm cao hơn", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
'Chân thứ 2' chính là cặp "Kiểm tra – Hành động" trong chu trình PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động), đang được cụ thể hóa ở FPT bằng dự thảo quy định về giao nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và tuân thủ kỷ luật.
Anh Trương Gia Bình nói về tầm quan trọng của kỷ luật và khái niệm 'nấu cá nhỏ'. |
Theo người đứng đầu nhà F, cả tập đoàn cần thay đổi thái độ khi quy mô đã trở nên quá lớn, để phát triển bền vững và đạt đẳng cấp cao hơn. Không có kỷ luật tuân thủ sẽ không thể tối đa hóa năng suất, vuột cơ hội chinh phục khách hàng, giảm ý chí khát vọng vươn lên để làm những việc lớn, điên rồ hơn. Chính vì thế, việc thực hiện tuân thủ kỷ luật trở nên cấp thiết, không thể không làm. “Nếu nghiêm túc với chính mình và đơn vị, năng suất sẽ tăng lên. Điều FPT muốn hướng đến là văn hóa kỷ luật theo hướng tự giác”.
31 năm qua, FPT đã xây dựng được nền tảng rất lớn và vô cùng quý giá: thị trường, thương hiệu, khách hàng, công nghệ, truyền thông, triết lý, trường đào tạo… Hiện tại, người FPT cần thay sự hài lòng bằng cách vận hành nghiêm túc. Đơn giản nhất là nghiêm túc cấp trên - cấp dưới trong công việc.
Phương pháp thực hiện tuân thủ kỷ luật được lãnh đạo FPT học tập từ lịch sử, từ Bác Hồ và Quân đội Nhân dân Việt Nam: nấu cá nhỏ. "Bác có dặn dò kỷ luật là sức mạnh của quân đội, trong đó cần chú ý 3 vấn đề: giáo dục khéo, chính sách đúng, kỷ luật nghiêm. Bác nói thêm: trị nước lớn như nấu cá nhỏ", anh Bình dẫn chứng.
Khi FPT đã có hàng vạn người, muốn phát triển bền vững hơn, vươn lên những đỉnh cao thế giới về chuyển đổi số, phải “nấu cá nhỏ”. "Nấu cá lớn phải móc mang, cắt vây, rửa ruột… Nấu cá nhỏ chỉ cần cho vào nồi và nấu: quy định phải thật đơn giản và dễ hiểu, sao cho mỗi người có thể tuân thủ tốt nhất", anh giải thích.
Hơn nữa, kỷ luật là vô nghĩa khi không có mục tiêu. FPT cũng cần nói với nhau chúng ta vì điều gì mà chiến đấu. 15 năm nữa, nếu chúng ta không làm gì đó đáng kể, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng ảm đạm bởi lúc đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ rủ nhau kéo cờ ra đi. Doanh nghiệp Việt sẽ biết làm gì để cạnh tranh? FPT phải đi đầu trong việc đào tạo những nhà chuyển đổi số, lãnh đạo số. "Tiền không phải là thứ để chúng ta quên mình. Phải có những giá trị lớn để sống và làm việc, để có tinh thần chiến đấu mới".
Trong buổi học, Ban lãnh đạo và quản lý cấp cao sẽ cùng tham gia đánh giá thực trạng, thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo quy định mới. |
Dự thảo Quy định về giao nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và tuân thủ kỷ luật xây dựng nhằm nâng cao tính tuân thủ kỷ luật của CBNV FPT; bao gồm hai phần chính: quy định về giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo; các điều khoản và khung chế tài kỷ luật tuân thủ.
Ngoài việc truyền tải các nội dung xoay quanh dự thảo, anh Bình còn đề cập những kinh nghiệm giảng dạy theo chủ nghĩa kiến tạo để lãnh đạo cấp cao có thể truyền đạt lại cho đơn vị mình: mọi nội dung phải viết được thành những từ khóa, không dạy mà để các thành viên tự học vì nhận thức là của cá nhân, phân nhóm để thử thách nhau, thầy giáo chỉ được làm một việc là truyền cảm hứng.
Theo phương pháp này, các thành viên tham dự TGB Seminar được chia thành 8 đội để trao đổi và thảo luận về dự thảo tuân thủ kỷ luật, bàn luận về lời thề FPT... Nội dung chấm điểm thi giữa các đội gồm số lượng ý kiến thảo luận, khả năng phối hợp đồng đội khi trình bày, sự đa dạng của các ý kiến, vấn đề… Sau hội thảo, các lãnh đạo nhà F phía Nam sẽ gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo và kế hoạch triển khai tại đơn vị mình.
Các học viên tập trung trước khái niệm mới. |
"Quy định về tuân thủ kỷ luật là một con dao rất sắc. Mọi thành công thất bại ở người dùng dao, cần nâng lên đặt xuống kỹ có nên dùng hay không và dùng vào việc gì tương lai FPT trong tay các lãnh đạo ngồi đây", Chủ tịch Trương Gia Bình kết luận.
Tham dự hội thảo, anh Hoàng Minh Châu - thành viên Hội đồng Sáng lập FPT - đồng tình với những chia sẻ của nhà sáng lập. "Khi chúng ta cùng làm việc lớn cần tuân thủ kỷ luật để hoạt động thống nhất, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả”, anh Châu chia sẻ và khẳng định kỷ luật không có nghĩa là không dân chủ.
Điều cao nhất mà FPT hướng tới là văn hóa kỷ luật như người Nhật: thực hiện không phải vì chế tài mà nó đã trở thành một văn hóa. Kỷ luật tự giác không đến ngay lập tức mà cần thời gian để thành thói quen. Khi FPT có văn hóa kỷ luật, FPT sẽ hướng đến đẳng cấp cao hơn nữa, anh Châu nhấn mạnh.
Khi nói về kỷ luật của một tổ chức có quy mô doanh nghiệp lên đến hàng vạn người như FPT, theo anh Bình, để phát triển bền vững hơn, vươn lên những đỉnh cao thế giới về chuyển đổi số, “chúng ta phải nấu cá nhỏ”. "Nấu cá lớn phải móc mang, cắt vây, rửa ruột… Nấu cá nhỏ chỉ cần cho vào nồi và nấu: quy định phải thật đơn giản và dễ hiểu, sao cho mỗi người có thể tuân thủ tốt nhất", anh giải thích.
Khi một số học viên cho rằng “nấu cá nhỏ” là làm việc vụn vặt, bỏ “miếng cá to” làm sao có thể lớn mạnh, anh Bình đã nhanh chóng lấy ví dụ thực tế về con cá voi xanh. “Thức ăn của cá voi xanh chỉ là tôm tép, cá và chủ yếu là sinh vật phù du. Chúng chỉ cần ăn sinh vật phù du vẫn có thể to lớn và không bao giờ sợ chết đói thì một tâp đoàn như FPT cũng có thể sống bằng nấu cá nhỏ, từ việc thực hiện tuân thủ những kỷ luật, kế hoạch nhỏ”.
Là người tâm đắc với khái niệm mới cùng ví dụ sinh động trên, anh Trần Vân Nam - Phó Giám đốc khối Cao đẳng của Tổ chức Giáo dục FPT hào hứng: "Đó là cốt hồn của việc tuân thủ kỷ luật. Việc tuân thủ kỷ luật để hướng đến sứ mệnh gì sẽ làm mỗi người thêm động lực trong công việc. Bài học trị nước lớn phải làm như nấu cá nhỏ rất thú vị. Việc triển khai tuân thủ kỷ luật phải đơn giản, quy định phải dễ hiểu để mỗi cá nhân tuân thủ tốt nhất. Tôi sẽ tổ chức thực hiện ở đơn vị để làm cho công việc tốt nhất".
Nhóm học viên thảo luận đề tài. |
“Đây là buổi học hữu ích. Qua những chia sẻ của anh Bình và anh Châu, tôi đã bắt đầu có những ý tưởng đầu tiên và kế hoạch để áp dụng tại bộ phận của mình. Quan trọng nhất ở đây là tính kỷ luật, làm sao cho tất cả các thành viên trong team làm việc với nhau có thể tạo ra sự cộng hưởng, khả năng teamwork cao để hoàn thành công việc trong kế hoạch đặt ra”, anh Nguyễn Đức Hiển (đơn vị FGA thuộc FPT Software).
Cũng đồng quan điểm với anh Hiển, anh Phạm Như Hoài Bảo - Giám đốc Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam (FPT Telecom) cho rằng: “Anh Bình đã chia sẻ rất rõ về ý nghĩa của tuân thủ kỷ luật - điều theo tôi rất quan trọng với cho FPT nói chung và từng đơn vị nói riêng.
Bản thân tôi phụ trách một bộ phận rất đông anh em, nên từ đầu đã rất đề cao ý thức kỷ luật, nhưng để triển khai tốt và thành công hơn nữa tôi cần đến những thông tin và cách thức mà anh Bình và anh Châu chia sẻ. Sau buổi này tôi dự định rất nhiều thứ triển khai tại đơn vị. Tôi hy vọng sẽ thiết lập được không chỉ là kỷ luật mà văn hóa kỷ luật - điều sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho FPT Telecom và khách hàng.”
Hiểu rộng hơn về khái niệm kỷ luật không phải là ép buộc mà cần có sự dân chủ, tự giác, chị Nguyễn Bích Hạnh - Trưởng phòng Truyền thông FPT Retail chia sẻ: "Kỷ luật và tự do hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Tôi tâm đắc nhất là ý tưởng tự do, tự giác tuân thủ thay vì phải dùng những hình phạt. Điều này rất hay nhưng không dễ dàng. Theo tôi, FPT Retail đã kỷ luật rồi, chỉ cần thêm linh động và truyền cảm hứng. Khi lãnh đạo truyền cảm hứng, nhân viên sẽ làm việc vì mình thích chứ không phải vì được giao. Thay vì chỉ giao việc, lãnh đạo cũng sẽ nói thêm tại sao làm như vậy và lắng nghe nhiều hơn".
Chủ tịch Trương Gia Bình, anh Hoàng Minh Châu chụp ảnh lưu niệm củng quản lý nhà F phía Nam. |
“Khi được anh Bình trực tiếp đứng lớp để truyền cảm hứng, tôi thấy nó phù hợp với tình hình phát triển trong thời gian tới của tập đoàn. Việc tuân thủ mệnh lệnh và phục tùng là điều cần được siết chặt hơn nữa. Đó chính là keyword theo tôi là quan trọng nhất từ buổi seminar hôm nay”, anh Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Văn phòng FPT Education HCM đánh giá việc tuân thủ kỷ luật sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho tập đoàn.
Anh Sơn cũng cho rằng FPT cần có những thay đổi mang tính quyết định, những điều chưa từng có nếu muốn phát triển hơn nữa trong tương lai.
Trước đó, TGB seminar với chủ đề “Tuân thủ kỷ luật” diễn ra chiều ngày 3/9, tại tầng 13 toà nhà FPT (17 Duy Tân, Cầu Giấy). TGB - Seminar on Leadership là chuỗi seminar do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khởi xướng từ năm 2014. Chương trình có mục tiêu cung cấp, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo và mong muốn xây dựng FPT trở thành một tổ chức học tập thực sự. Trong gần 3 năm (kể từ 2014), TGB seminar đã triển khai nhiều nội dung liên quan đến chính sách, định hướng của tập đoàn như: Lean Start-up, Chính sách Thành Cát Tư Hãn, Xây dựng lực lượng công nghệ, Tái cấu trúc, Xu hướng Robot trợ lý gia đình, Giải pháp Bank 4.0, Tư duy chiến lược và phương pháp luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghệ thuật đàm phán, Quản trị Metropole. |
>> ‘Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, người đứng đầu phải là lãnh đạo số’
An Vũ
Ảnh: Trần Vũ
Ý kiến
()