Chúng ta

‘Mini MBA không phải đào tạo chuyên ngành’

Thứ sáu, 26/10/2012 | 09:02 GMT+7

“Học để giải quyết công việc cho mọi người là đào tạo môn chuyên ngành, chứ không phải đào tạo chung cho Quản trị Kinh doanh, chính là MBA. Mini MBA không được thiết kế với mục đích như vậy. Ai đó lầm tưởng là do họ ngộ nhận”, Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc khẳng định về bản chất chương trình Mini MBA.
> ‘Mini MBA được đào tạo theo kiểu cào bằng’

Sau bài viết “Mini MBA được đào tạo kiểu cào bằng” trên Chúng ta số 41 (ra ngày 18/10), một số học viên bị kỷ luật đều đưa ra lý do của việc nghỉ học nhiều hoặc không thể tham gia đầy đủ chương trình học là vì công việc quá bận. Ngoài ra, một trong những điểm khiến học viên tỏ ra không hào hứng với Mini MBA còn nằm ở nội dung của chương trình.

Mini MBA được đánh giá là mô hình tiên tiến của FPT. Ảnh: Diễm Hương.

Mini MBA được đánh giá là mô hình tiên tiến của FPT. Ảnh: Diễm Hương.

Theo anh Bùi Quang Ngọc, người ký quyết định lỷ luật 40 học viên Mini MBA, việc dùng thuật ngữ “cào bằng” là không đúng. “Có thể nói thu nhập cào bằng, nhưng không ai nói đào tạo cào bằng cả. Những môn học dạy cho số đông như chương trình phổ thông, đại học, cao học (trong đó có MBA), không thể gán cho từ ‘cào bằng’”, anh nói.

Chương trình Mini MBA được thiết kế với sự tham gia của FPT như một doanh nghiệp, trong đó, nhiều phần lý thuyết đã được lược bỏ bớt và buổi cuối cùng của mỗi môn học đều do giảng viên FPT trình bày. Hơn nữa, trong MBA không có môn truyền thông, nhưng Mini MBA đã bổ sung môn Truyền thông trong doanh nghiệp và môn Quản trị công ty.

Đồng thời, Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) cũng đã tổ chức 3-4 khóa đào tạo chuyên sâu cho những đối tượng đã tốt nghiệp MiniMBA như: Quản trị Dự án chuyên sâu (Thủ thuật nghề PMs), Kỹ năng Quản trị Điều hành (Ứng dụng trí tuệ cảm xúc trong quản lý), Lãnh đạo tạo đột phá… có định hướng cho những nhóm nhỏ học viên.

Anh Ngọc nhận định: “Việc chê thì dễ và đấy cũng là cách để lấp liếm việc học viên không chịu thu xếp thời gian đi học, hoàn thành một nhiệm vụ trong đào tạo của tập đoàn đề ra, trong đó học viên đương nhiên được hưởng nhiều lợi ích”.

Giám đốc FPT Telecom Quảng Ninh Đỗ Thành Nam, học viên tốt nghiệp Mini MBA khóa đầu tiên năm 2011, nhận định, đây là một chương trình hay, bổ ích và thiết thực cho các lãnh đạo quản lý cấp trung.

Sau hai năm theo học, anh Nam cho rằng, chương trình Mini MBA có nhiều môn học đem lại giá trị thiết thực trong công việc và cuộc sống như Quản trị tài chính, Quản trị sự thay đổi… “Đây là những kỹ năng cần phải sử dụng hằng ngày trong công việc. Những kỹ năng này không phải chúng tôi không biết, chưa trải qua mà là thiếu những kiến thức nền tảng. Qua chương trình đào tạo, chúng tôi được hệ thống hóa những kiến thức đó”.

Việc đánh giá môn học hay, dở là do quan điểm của từng người. Cá nhân anh thấy, làm quản lý cần phải có kiến thức rộng về các lĩnh vực, do đó, môn học nào cũng đều cần thiết. Song, cũng có một số môn đã được học hoặc học đi học lại nhiều lần nhưng do đây là chương trình triển khai cho nhiều người nên khó có thể xây dựng một chương trình làm hài lòng tất cả mọi người. “Quá 50% hài lòng đã là thành công”, anh Nam nói.

“Ngoài ra, để sự nghiệp học hành của học viên không dang dở, FLI cũng nên cố gắng triển khai sớm khoá đào tạo Full MBA tiếp nối chương trình này”, Giám đốc FPT Telecom Quảng Ninh đề xuất.

Bùi Xuân Dương, Trưởng phòng Kỹ thuật tích hợp FPT IS Test, thuộc FPT IS, cho rằng, hiệu quả lớn nhất của chương trình là giúp học viên nắm bắt thêm kiến thức mới, được giao lưu với lãnh đạo và đồng nghiệp khác trong tập đoàn.

Ngoài kiến thức sơ bộ mà chương trình đem đến, những bài giảng của giảng viên mang tính định hướng cũng giúp anh Dương hiểu sâu hơn về bài học và tích lũy được một số kinh nghiệm mới để áp dụng vào công việc. Chẳng hạn, với kiến thức từ môn Kỹ năng lãnh đạo và Kỹ năng đàm phán, học viên có thể vận dụng vào hoàn cảnh thực tế để thành công.

Theo anh Dương, FLI cần có sự khảo sát cụ thể với từng học viên về các môn học và thời gian, như họ muốn học gì, thời gian học nào là phù hợp… sau đó đánh giá và phân tích chi tiết, nghiêm túc để thiết kế phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

‘Hiện tại, đa số môn học đều bị rút ngắn nên các học viên chỉ được tiếp xúc với môn học rất tổng quan, không đầy đủ các module, dẫn đến việc tiếp thu của người học không hiệu quả. Hơn nữa, công ty cũng nên tạo điều kiện, bố trí công việc hợp lý để cán bộ đơn vị có thể tham gia đầy đủ các môn học. Trong quá trình giảng dạy cần lồng ghép các công cụ, phương pháp, kỹ năng, quy trình mà FPT đang sử dụng. Qua đó, cán bộ đi học có thể nắm rõ được sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược”, anh chia sẻ.

Là giảng viên được mời dạy chương trình Mini MBA tại nhiều doanh nghiệp, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Minh, Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhận xét, Mini MBA tại FPT là chương trình tiên tiến. Trong đó, hai điểm mạnh của chương trình là tạo môi trường cho các cán bộ quản lý giao lưu qua con đường học thuật; học viên và giảng viên được giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Tiến sĩ nhìn nhận, giá trị của chương trình là học viên được cập nhật thông tin liên tục, những phương pháp, công cụ hiện đại nhất để áp dụng vào công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, anh cho rằng, FLI nên tăng cường mời thêm các lãnh đạo FPT tham gia giảng dạy.

Trong vai trò đơn vị tổ chức đào tạo, Phó Giám đốc FLI Nguyễn Lệ Hằng chia sẻ, lợi ích của chương trình ngoài mục tiêu bổ sung kiến thức đơn thuần còn được xem là kênh kết nối đội ngũ cán bộ quản lý: “Phương pháp đào tạo của Mini MBA là chia sẻ về cách tư duy, tiếp cận vấn đề và cập nhật xu hướng mới. Thêm nữa, việc tham gia đào tạo của các lãnh đạo cấp cao FPT là nét bổ sung hài hòa cho việc kết hợp lý thuyết và thực tiễn quản trị FPT cho chương trình”.

Theo chị Hằng, Mini MBA có vai trò quan trọng đối với cán bộ quản lý FPT: “Việc tham gia Mini MBA được chú trọng theo sự đề cử các cán bộ quản lý dạng quy hoạch từ đơn vị. Khóa học được thiết kế theo chuẩn chương trình quốc tế kết hợp với trải nghiệm thực tiễn quản trị FPT, vì lẽ đó, chương trình ra đời thể hiện mong muốn và quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ lãnh đạo tập đoàn”.

Hiện tại, chi phí cho một khóa đào tạo Mini MBA là 32 triệu đồng cho hai năm. Học phí được đóng theo từng năm, tương đương 16 triệu đồng mỗi năm. Trong đó, tập đoàn hỗ trợ 50%, đơn vị thành viên hỗ trợ 40% và học viên chỉ phải đóng 10%.

Từng được đào tạo chương trình Mini MBA tại Tập đoàn Schneider-Electric, Giám đốc Chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa hiện cũng là giảng viên nội bộ của chương trình này ở FPT. Anh đánh giá cao khóa học với “những kết quả đáng kinh ngạc so với sự đầu tư ít ỏi của tập đoàn vào đào tạo mà FLI và Viện Quản trị kinh doanh FPT (FSB) đã làm được trong hai năm qua”.

“FPT đã rất cố gắng để xây dựng một chương trình như Mini MBA. Có đôi lúc sự phối hợp giáo trình và giảng viên trong và ngoài tập đoàn chưa ăn ý, có một số môn giảng viên chưa thật sự giỏi là điều rất bình thường do tình trạng khan hiếm thầy giỏi ở tất cả các mô hình giáo dục MBA tại Việt Nam và khu vực hiện nay. Song, tôi cho rằng, chất lượng của FLI đã trên mức mong đợi của tập đoàn và học viên so với những gì chúng ta đầu tư”, anh Hòa nhận xét.

MiniMBA là chương trình đào tạo trọng điểm của FLI nhằm cung cấp kiến thức quản trị chuẩn MBA quốc tế, kết hợp với thực tiễn FPT cho các cán bộ quản lý L4-5-6 trong toàn tập đoàn.

Thanh Nga

Ý kiến

()