Chúng ta

Mạng xã hội định hướng nghề nghiệp giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Đại học FPT

Thứ ba, 21/2/2023 | 09:43 GMT+7

Vượt qua 24 đội đến từ nhiều trường đại học, sản phẩm FMentor - một nền tảng mạng xã hội do nhóm sinh viên Đại học FPT sáng lập đã giành giải cao nhất tại chung kết cuộc thi khởi nghiệp Entrepreneurial Hackathon Spring 2023 (Lập trình tạo ra các sản phẩm dành cho mục đích khởi nghiệp).

Nền tảng xã hội FMentor hướng tới mục tiêu giúp sinh viên, nhân viên trẻ đang hoang mang trong quá trình học tập, việc làm, tương lai có thể được hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp, các kỹ năng làm việc tốt hơn khi gia nhập thị trường lao động nhờ việc kết với nối với cựu sinh viên và các chuyên gia.

Theo nhóm tác giả, kế hoạch tiếp thị cho năm đầu tiên khi sản phẩm vào thị trường là hướng đến nhóm khách hàng là sinh viên năm 3, 4 và người đi làm với 1 - 2 năm kinh nghiệm. Nền tảng này dự tính thu hút 14.000 mentee (người được hướng dẫn) và 1.400 mentor (người hướng dẫn), với mức doanh thu ước tính 42,6 tỷ đồng trong 2 năm.

Nói về tinh thần khởi nghiệp tại chung kết cuộc thi, anh Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, nhấn mạnh yếu tố mới, tạo ra được sự thay đổi lớn, đáp ứng được nhu cầu xã hội trên cơ sở cách thức tiếp cận mới với mỗi ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Cuộc thi FPT Entrepreneurial Hackathon Spring 2023 (Lập trình tạo ra các sản phẩm dành cho mục đích khởi nghiệp) là sự kiện thường niên kể từ năm 2022, nhằm khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp mới. Hoạt động nhằm giúp sinh viên phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới hoặc cải tiến sản phẩm và dịch vụ đã có dựa trên nền tảng công nghệ mới.

-8909-1676945563.jpg

Nền tảng xã hội FMentor giành giải nhất tại cuộc thi khởi nghiệp Đại học FPT. Ảnh: BTC

Ngày 19/2, chung kết cuộc thi FPT Entrepreneurial Hackathon Spring 2023 (Lập trình tạo sản phẩm khởi nghiệp) của Đại học FPT (TP HCM) đã diễn ra sôi nổi. Vượt qua các vòng loại, 24 đội gồm các thí sinh tài năng đã tranh tài trong đêm chung kết với các phần thi ở 4 lĩnh vực chính là: E-commerce (lĩnh vực bán hàng trực tuyến), Shared mobility (lĩnh vực chia sẻ phương tiện di chuyển), Lifestyle (lĩnh vực các sản phẩm phục vụ cho phong cách sống của con người) và SAAS (lĩnh vực các sản phẩm cung cấp mô hình dịch vụ, giúp các doanh nghiệp dễ dàng quản lý và phát triển công việc).

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm MVP (sản phẩm khả dụng tối thiểu) nhằm mục đích thương mại hóa, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của gần 1.200 sinh viên trong và ngoài trường.

Trong suốt quá trình tranh tài, các đội thi đã đưa ra những ý tưởng đột phá và triển khai thành công các sản phẩm mới nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực.

Thạc sĩ Đồng Quin, Phó trưởng ban tổ chức, cho biết các đội thi đã đạt được kết quả tích cực trong suốt thời gian thi đấu, trong đó, yếu tố đổi mới, sáng tạo và sự chuyên nghiệp trong các sản phẩm được các đội thể hiện rất rõ.

Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp khởi nghiệp và các quỹ đầu tư, cuộc thi Hackathon đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ. Sinh viên Huỳnh Nữ Cẩm Tú, CEO dự án FMentor, chia sẻ: "Chúng tôi nghĩ đến ý tưởng này bắt đầu từ nhu cầu gần gũi nhất với cuộc sống của mình và tiếp theo là tìm được những đồng đội tuyệt vời cùng lắng nghe, tin tưởng và cống hiến hết mình cho dự án".

Tiến sĩ Phan Gia Hoàng, Chủ nhiệm bộ môn Phát triển Khởi nghiệp, Trưởng ban tổ chức, cho hay cuộc thi Hackathon dành cho sinh viên startup đã chứng kiến sự phát triển sáng tạo của các sinh viên và khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ trong khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Cuộc thi không chỉ đánh giá sản phẩm của các đội thi mà còn đánh giá khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, và khả năng thích ứng dưới áp lực thời gian. Chúng tôi mong muốn rằng các sản phẩm MVP tại cuộc thi sẽ tiếp tục được phát triển và mang lại giá trị thực cho cộng đồng và thị trường.

Sơn Trà

Ý kiến

()