Chúng ta

‘Màn trời chiếu đất’ trắng đêm giữ tín hiệu viễn thông FPT trong mưa lũ

Thứ bảy, 2/11/2024 | 20:27 GMT+7

Trải tấm chiếu mỏng trước mái hiên của một cửa hàng ven đường, những chiến sĩ áo cam FPT Telecom Quảng Bình quả cảm, xung phong trực chiến giữ đài/trạm trong mưa lũ. Các anh lót dạ bằng bát mì tôm, được đồng đội tiếp sức bằng quả trứng luộc rồi thay nhau giữ “trận địa” khi Quảng Bình ngập lũ nhiều ngày liền.

Những trái tim quả cảm

Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Trà Mi tại Quảng Bình gây mưa lớn khiến nhiều vùng ngập lụt, đỉnh lũ gần chạm mức kỷ lục năm 2020. Trong mưa bão với muôn vàn gian khó, tinh thần FPT một lần nữa rực sáng, khi những chiến sĩ áo cam không ngại hiểm nguy, sẵn sàng lên đường ứng cứu đài/trạm, đảm bảo vận hành mạng viễn thông FPT.

Mỗi lần mưa bão, đội kỹ thuật chi nhánh Quảng Bình lại căng mình, ngày đêm trực chiến. Không khí ở phòng điều khiển phản ánh rõ tình hình, khi ai cũng chăm chú nhìn vào màn hình, không rời đi nửa bước.

Ngay khi kiểm tra hệ thống, nhận thấy đài/trạm ở huyện Quảng Ninh mất tín hiệu, anh Đào Xuân Tùng, nhân viên kỹ thuật, đã không ngại mưa lớn để sẵn sàng ứng cứu. Anh mặc vội chiếc áo mưa, gài chặt lại quai dép, mang theo 2 cái đèn pin rồi cứ thế lao ra đường. “Mưa đến rát cả mặt”, anh Tùng nhớ lại khoảnh khắc đó.

-7004-1730538501.jpg

Mưa lớn khiến phòng giao dịch FPT Telecom Quảng Bình bị ngập trong đêm. Ảnh: ĐVCC

Tuy huyện Quảng Ninh đã bị cắt điện nhưng qua kiểm tra, vẫn còn hàng trăm khách hàng FPT Telecom hoạt động, kết nối. Lượng pin dự trữ có sẵn ở đài/trạm chỉ có thể đảm bảo tạm thời. Để khách hàng không bị gián đoạn kết nối, yêu cầu đặt ra phải khẩn trương ứng cứu, nhanh chóng cấp điện bằng máy phát.

Giữa mưa, gió, rét và biển nước, anh Tùng và anh Trần Quốc Đạt nhận nhiệm vụ đưa máy phát vào ứng cứu. Đi cùng có anh Trần Công Thế, vượt lũ từ nhà ra đường quốc lộ đợi sẵn để tham gia hỗ trợ. Đoạn nào chưa ngập thì đi bằng xe máy, đến lúc xe chết máy, ngập cao thì lội bộ, đến đoạn nước chảy xiết thì thuê xe bán tải để di chuyển. Từ 18h cho đến 21h, cả đội mới thoát được vùng ngập, đi thẳng vào đài/trạm.

Mưa khiến quần áo cả đội ướt nhẹp, cái lạnh ngấm vào người, run bần bật nhưng nhiệm vụ quan trọng còn ở phía trước, khiến cả đội không chút chậm trễ. Sau khoảng 30 phút, điện áp từ máy phát được cấp cho đài/trạm, tin báo phòng kỹ thuật, khách hàng vẫn kết nối ổn định. Cuộc ứng cứu thần tốc, kịp thời đã giúp mạng FPT “sáng đèn” kể cả trong mưa lũ, mất điện. Cả đội thở phào, ngồi nép mưa ở một mái hiên, giờ mới nhớ đến là tối giờ chưa có gì vào bụng.

Nhưng nhiệm vụ vẫn chưa hết, để đảm bảo hoạt động, vẫn cần nhân sự ở lại trực chiến, nhằm tiếp nhiên liệu cho máy phát điện, đảm bảo kỹ thuật, vận hành hệ thống. Trước yêu cầu đặt ra, anh Trần Quốc Đạt đã xung phong ở lại.

-3374-1730538501.jpg

Anh Trần Quốc Đạt qua đêm trên tấm chiếu mỏng trước mái hiên của một cửa hàng để ứng trực đài/trạm. Ảnh do một đồng nghiệp chụp lại

Giữa biển nước mênh mông, anh lót dạ cho bữa tối bằng bát mì tôm của một gia đình người quen ở gần đó, rồi ngủ nhờ ở mái hiên của một cửa hàng đã đóng cửa tránh bão. Tối nay, anh Đạt chỉ có tấm chiếu nhỏ, tấm màn che “chỗ ướt, chỗ khô” và chiếc chăn mỏng. Đêm tối mịt, chìm dần trong tiếng mưa, nhưng với anh, “sống ở vùng lũ rồi cũng quen với cảnh này. Vì nhiệm vụ, vì công việc nên mình luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành”.

Trong khó khăn, tinh thần đồng đội FPT đã tiếp thêm cho anh động lực. Lãnh đạo chi nhánh, đồng nghiệp vẫn luôn bên cạnh, những tin nhắn hỏi thăm liên tục gửi đến. “Qua nhóm chat, nhiều anh em khác cũng chia sẻ hình ảnh đang dầm mưa ứng cứu hạ tầng. Mình lấy đó để có thêm động lực, có thêm niềm tin mong trời nhanh sáng”. anh nói.

Không chỉ có anh Tùng, anh Đạt, nhiều chiến sĩ khác của chi nhánh Quảng Bình cũng lên đường, tất cả vì nhiệm vụ đảm bảo hạ tầng, đảm bảo tín hiệu cho khách hàng kể cả trong mưa lũ. Theo anh Lưu Quý Phương, Giám đốc FPT Telecom Quảng Bình, đây cũng là mục tiêu lớn nhất mà chi nhánh luôn nỗ lực, hướng tới việc mang đến cho khách hàng sự hài lòng. Với anh, việc đảm bảo kết nối internet còn là nhiệm vụ quan trọng khi có bão, giúp khách hàng giữ liên lạc, cập nhật thông tin, diễn biến khi mưa, lũ.

Chủ động kịch bản ứng phó

Đánh giá những ảnh hưởng sau bão, Giám đốc chi nhánh Quảng Bình thông tin nhanh, may mắn không có nhiều thiệt hại khi kịch bản ứng phó đã được đơn vị chủ động từ trước. Theo anh, từ nhiều năm trước, đơn vị đã cho nâng cao toàn bộ đài/trạm.

Những đài/trạm ở khu vực thấp trũng đều được nâng cao hơn mức đỉnh lũ từ 1,5m-2m. Toàn bộ đường dây cáp đều được quy hoạch, bó gọn để hạn chế tình trạng đứt, vướng cây… gây mất kết nối. Không chỉ có chi nhánh Quảng Bình, việc nâng cao đài/trạm cũng được thực hiện ở những chi nhánh thường xuyên ngập lũ khác như: Quảng Trị, Huế, Quảng Nam…

Anh Nguyễn Hải Nam, nhân viên kỹ thuật FPT Telecom Quảng Bình, cũng cho hay tất cả đài/trạm đều được khảo sát kỹ trước khi lắp đặt, tránh những nơi trũng, thấp. Nhờ việc chủ động kịch bản nên trận lũ vừa qua không gây nhiều thiệt hại, các đài/trạm đều được ứng cứu kịp thời.

-1801-1730538501.jpg

Cùng việc tiếp điện cho đài/trạm bằng máy phát, FPT Telecom cũng sẵn sàng chia sẻ giúp người dân trong vùng lũ sạc điện thoại, đèn pin... Ảnh: ĐVCC

Ngay khi nước rút, chi nhánh cũng tận dụng toàn lực để bắt tay vào việc khắc phục. Không chỉ khối Kỹ thuật tiên phong, khối Dịch vụ khách hàng và khối Kinh doanh cũng hỗ trợ để giải quyết, phản hồi.

Chị Trương Khánh Hậu, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, cho hay việc chủ động là điều rất quan trọng mỗi khi ứng phó với bão lũ. Trong bão, khối Dịch vụ khách hàng sẽ phối hợp, lấy danh sách những khách hàng ngưng tín hiệu để chủ động liên hệ hỗ trợ, hỏi thăm và hướng dẫn xử lí. Theo chị, nhờ sự chủ động của nhân viên FPT Telecom, khách hàng đều cảm thấy an tâm, phản hồi trên tinh thần cảm thông và phối hợp khắc phục.

Hiện tại, nước lũ ở các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã rút, người FPT vừa tranh thủ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vừa bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả. Đánh giá nhanh, chi nhánh Quảng Bình không thiệt hại nhiều, tiến độ xử lí được đẩy nhanh nhờ việc tăng cường nhân sự khối kỹ thuật ở khu vực.

Đợt mưa lớn gây ngập lụt vừa qua, thiệt hại nặng cho vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới, đã làm 05 người chết; 34.488 nhà bị ngập, trong đó 14.000 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1m; 58 thôn, bản bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Khoảng 791 ha rau màu, 895 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cuốn trôi; 70.538 gia cầm, 488 gia súc bị chết và cuốn trôi; 5 tàu cá bị chìm; 84 điểm đường giao thông bị ngập, 10 điểm sạt lở mái taluy đường với trên 3.000 m3 đất, đá; 93 điểm trường với 832 phòng học và 20 trạm y tế bị ngập từ 0,5-3m; khoảng 9,65km đê bao bị sạt lở, hư hỏng và 19,6km kênh mương bị sập, hư hỏng.

Thiệt hại do thiên tai mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước tính ban đầu khoảng 500 tỷ đồng, trong đó huyện Lệ Thủy 245 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 125 tỷ đồng.

Ngọc Huy
 

Ý kiến

()