Chúng ta

Một click tạo podcast với sáng kiến Vàng của FPT Online

Thứ năm, 31/10/2024 | 14:48 GMT+7

Thay vì mất hơn 150 phút để sản xuất một podcast như trước, với sáng kiến Podcast Generation ứng dụng AI, thời gian này giảm xuống chỉ còn 40 phút, tối ưu hiệu quả làm việc đến 70%, cùng chi phí sản xuất được giảm thiểu đáng kể

Trong khoảng thời gian ngắn trở lại đây, Podcast - thông tin dưới dạng âm thanh, đã nổi lên và đứng thứ ba trong số những “món ăn” thông tin mà độc giả ưa thích, xếp sau loại bài viết và video. Podcast không chỉ hướng tới những khán giả bận rộn, giúp tiết kiệm thời gian, không gian cho người nghe, mà còn đem lại cảm giác như được trò chuyện, tâm sự cùng tác giả. Nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng về podcast, các phóng viên, biên tập viên của FPT Online cũng đẩy mạnh sản xuất và áp dụng cho nhiều loại thông tin theo hình thức này. Tuy nhiên, mỗi bản tin âm thanh thường mất hơn 150 phút để sản xuất mỗi điểm tin, ngốn nhiều công sức của các phóng viên, biên tập viên. 

-7760-1730447061.jpg

Anh Lưu Xuân Việt – tác giả sáng kiến “Podcast Generation” vừa giành giải Vàng iKhiến 2024.

Không chỉ chọn lọc tin bài để đem đến những thông tin chất lượng nhất, người làm tin còn phải thành thục rất nhiều công cụ khác nhau để biên tập âm thanh, hoàn thành sản phẩm. Việc đó dẫn đến hai hệ quả: chi phí bản quyền phần mềm hơn 2 triệu đồng/tháng và công tác đào tạo nhân sự tốn thêm rất nhiều thời gian. Với mục tiêu giải quyết các vấn đề trên, anh Lưu Xuân Việt cùng cộng sự đã đưa ra giải pháp “Podcast Generation” - Công cụ tự động tạo điểm tin Podcast, một sáng kiến có tính ứng dụng cao, thay đổi hoàn toàn cách làm một tin podcast thông thường.

Theo tác giả sáng kiến, Podcast Generation đem đến hiệu quả đáng kể khi giảm 70% thời gian xử lý tin bài của phóng viên, từ 150 phút xuống 40 phút cho mỗi điểm tin. Sáng kiến “made by FPT” cũng giúp tiết kiệm 24 triệu đồng mỗi năm cho chi phí bản quyền. Cốt lõi của sáng kiến nằm ở việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong sáng kiến, biến mọi công đoạn trở nên tự động. Một số tác vụ có thể kể tới như: tự động đề xuất danh sách bài phù hợp và ưu tiên; tự thiết lập khung giờ sản xuất; tự động tóm tắt nội dung và chuyển đổi sang audio; tự hoàn thiện sản phẩm podcast và đăng tải sản phẩm… Không những thế, với giao diện thân thiện cùng các bước làm rõ ràng, mạch lạc, việc đào tạo sử dụng phần mềm cho nhân sự mới không còn mất nhiều thời gian, công sức như trước. 

-2436-1730447061.jpg

Sáng kiến giúp các phóng viên, biên tập viên VnExpress giảm thiểu 70% thời gian làm podcast so với trước.

“Giá trị lớn nhất chính là giúp người dùng hiểu được AI có thể hỗ trợ hiệu quả như thế nào vào công việc, vận hành thực tế. Đây là tiền đề cho việc đẩy mạnh các ứng dụng AI vào công việc sau này”  – anh Việt chia sẻ.

Sáng kiến có tính đột phá, thay đổi hoàn toàn cách làm việc của phóng viên, nhưng giai đoạn đầu phát triển lại tưởng chừng đầu xuôi, đuôi... không lọt. Theo tác giả sáng kiến, sáng kiến từ lúc còn là ý tưởng đến khi ra được công cụ chỉ mất 1 tháng, nhưng thời gian để tinh chỉnh, tối ưu theo nhu cầu thực tế sử dụng lại mất nhiều thời gian. Vấn đề nằm ở việc ứng dụng công nghệ AI để đáp ứng được yêu cầu cao về chọn lọc tin và tóm tắt nội dung bài của các phóng viên, biên tập viên. Đây cũng là thách thức với đội ngũ thời điểm đó. 

Để tối ưu được chất lượng đầu ra của AI, tác giả cùng các cộng sự đã phải thực hiện thủ công trong việc phân tích và đánh giá từng nội dung tóm tắt theo bài và theo ngày, từ đó đánh giá mức độ phù hợp theo tiêu chuẩn báo và độ chính xác của sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, người làm còn cần đưa dữ liệu đạt chuẩn vào để đào tạo nhằm tối ưu AI. “Có những thời điểm tưởng chừng bế tắc vì cần phải đưa ra quy tắc rất chi tiết, phức tạp để đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra. Nhưng bằng tinh thần nỗ lực không biết mệt mỏi, đội ngũ kỹ thuật đã cùng với anh em phóng viên, biên tập viên tháo gỡ dần qua những lần vừa làm, vừa thử nghiệm” – tác giả sáng kiến cho hay.

-8857-1730447061.jpg

Anh Việt cùng các cộng sự thuộc FPT Online.

Nhận thấy đây là một sản phẩm có tính ứng dụng cao, chị Nguyễn Đỗ Quyên – Phó TGĐ FPT Retail, thành viên BGK iKhiến 2024 đã dành nhiều lời khen cho tác giả Lưu Xuân Việt sau phần trình bày của anh. Tuy nhiên, còn một dấu hỏi lớn về “độ chính xác và thời gian tối ưu cho AI” của sáng kiến cũng được chị Quyên đưa ra. Trước câu hỏi này, tại buổi chung khảo iKhiến số 7, anh Việt cùng đồng đội ở tòa soạn cho biết, kể từ khi đưa sáng kiến vào vận hành thử đến khi ứng dụng thực tế, nhóm phải liên tục thử nghiệm, kiểm tra các kết quả do AI tạo ra, so sánh với các nội dung do phóng viên làm và dựa trên đó nâng cấp/điều chỉnh chất lượng và độ chính xác của AI.

Đến nay, sản phẩm đã có độ chính xác lên đến 90%, các phóng viên chỉ bổ sung thêm hay gọt bớt để giảm tối thiểu việc sai nội dung, hay sai chính tả. Theo đại diện nhóm, câu hỏi của chị Quyên đã phản ánh đúng bản chất của việc ứng dụng AI vào thực tế, đó là một quá trình đòi hỏi phải tối ưu liên tục chứ không phải chỉ áp dụng vào là hiệu quả ngay. 

Khi được hỏi về hướng đi tiếp theo cho “Podcast Generation”, anh Việt bật mí điều mà anh luôn giữ làm “bí mật”. Đó là việc công cụ này sẽ được hoàn thiện theo hướng đa dạng hóa nội dung (ngôn ngữ) và mở rộng kênh phân phối (không chỉ kênh nội bộ mà có thể phân phối đến các nền tảng podcast khác nhu Spotify, Youtube...).

Nhận định về “sân chơi” iKhiến, anh Việt cho rằng đây là một chương trình tuyệt vời, phản ánh đúng tinh thần “Đổi mới" và “Sáng tạo” của người FPT, tạo cơ hội cho cán bộ nhân viên đóng góp ý tưởng để cải tiến và thay đổi công việc, mang lại những giá trị thiết thực cho các bộ phận, công ty thành viên và cả Tập đoàn. “Tại đơn vị của tôi, văn hóa Đổi mới - Sáng tạo cũng được phát triển và lan tỏa mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức truyền thông nội bộ, từ các phương tiện trực tiếp như màn hình nền máy tính và TVC nội bộ đến các kênh mạng xã hội như Fanpage, Group trên Facebook và Workplace” – anh Việt cho hay.

Thực tế, tinh thần đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng công việc có thể nói đã “ăn vào máu” của anh Lưu Xuân Việt. Bằng chứng cho thấy, “Podcast Generation” không phải là sáng kiến đầu tiên của anh được nhận giải. Trước đó, anh đã chinh phục một số giải thưởng trong các mùa iKhiến trước, như 2 giải Đồng năm 2019 với các sáng kiến “Subtitle/Caption Video” và “Công nghệ Livestream”; giải Bạc năm 2020 cùng “Copyright Detection”; và giải Bạc năm 2021 với “Bib Detection”. 

Trong mùa iKhiến 2024, sau khi giành được giải Vàng đầu tiên, anh vui mừng chia sẻ: “Rất vui mừng vì những đóng góp của đội ngũ mình được ghi nhận. Về cá nhân, bản thân đã hoàn thành mục tiêu chuỗi giải iKhiến với 1 Vàng, 2 Bạc và 2 Đồng".

Đức Trung

Ý kiến

()