Trong 7 năm làm việc tại F-Town (FPT Software HCM), anh Luân chưa từng nghĩ sẽ chuyển tới một môi trường mới cách quê nhà nửa vòng trái đất để tiếp tục hành trình theo đuổi công nghệ. “Việc sang Mỹ làm việc (onsite) với mình giống như trúng số. Vậy nên mình không có dự định gì. Khi sắp tới ngày hết hạn nộp hồ sơ H1B (đi Mỹ theo diện chuyên gia), một đồng nghiệp bên FPT Mỹ (FAM) gọi về bảo hoàn tất, và có lẽ mình là người cuối cùng đăng ký. Nhưng may, thế nào lại vượt qua vòng tuyển”, anh Luân nói về cơ duyên với đất Mỹ. Hiện anh làm tại đơn vị ST1.OGA, thuộc FAM.
Hồi còn ở Đơn vị phần mềm chiến lược phía Nam (FHM), anh đảm nhận vị trí quản lý công nghệ (Teachnical Lead) cho các dự án với hãng dầu khí hàng đầu thế giới. Khi sang FAM, anh vẫn làm việc với khách hàng này và ngồi tại văn phòng của đối tác. Ngoài công việc của một quản lý công nghệ như PoC demo, giải quyết vấn đề liên quan trong hệ thống của đối tác, anh còn là “điểm kết nối” quan trọng giữa trung tâm sản xuất phần mềm trong nước (offshore) và khách hàng, giúp 2 bên hiểu nhau để làm việc hiệu quả hơn.
Anh Luân và gia đình ở Mỹ. |
Tháng 10/2020, anh Luân cùng nhóm dự án được khách hàng ghi nhận trong nỗ lực phối hợp tốt với các nhóm khác để thay đổi mô hình tích hợp tại một dự án lớn. Trước đó, khi FPT chưa đảm nhận dự án này, rất nhiều đối tác khác đã bắt tay vào làm hơn một năm nhưng không thể sản xuất.
Anh và nhóm xác định, đây là dự án mà khách hàng đầu tư và kỳ vọng rất nhiều, vậy nên cần phải nhanh chóng sản xuất đúng hạn.
Khi mới bắt đầu, theo tính toán dự án cần 6-7 sprint (theo quy tắc Scrum, sprint là vòng lặp phát triển sản phẩm để phát hành đến người dùng) để có thể hoàn thành, tuy nhiên chỉ trong 3 sprint, đội dự án của anh Luân đã triển khai và sản xuất thành công với chất lượng ổn định. “Đây có lẽ là điều bản thân mình rất tự hào mỗi khi nhắc đến, trong khi nhiều đối tác hàng đầu trước đó không thể làm được, thì chúng ta lại thành công”, anh Luân chia sẻ.
Dù đã đi onsite nhiều nơi như Malaysia, Singapore… nhưng chuyến đi Mỹ lần này, anh Luân cảm thấy rất đặc biệt. “Trước khi đi, mình đã hình dung được những công việc sẽ làm, nhưng khi ngồi tại văn phòng của khách hàng mới thấy áp lực thật vô cùng lớn, phải chịu trách nhiệm rất nhiều thứ. Nhiều thời điểm, mình phải hỗ trợ trả lời vấn đề của offshore, giải trình cho khách rất nhiều về những thứ liên quan dự án… Nhưng đó cũng là cách để khiến mình hiểu được mong muốn của khách”, anh nói.
Anh Luân nhìn nhận, môi trường làm việc tại Mỹ đề cao sự trung thực, thường xuyên cập nhật tiến độ công việc, và đặc biệt là mỗi thành viên có thể tự tin nói ra những khó khăn để cùng giải quyết. Chính nhờ những yếu tố này, anh Luân sớm biến những áp lực thành cơ hội để chứng tỏ bản thân nơi đất khách.
Sau gần 2 năm làm việc tại xứ cờ hoa, không chỉ khẳng định được vai trò của mình, Luân đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều. “Khác biệt lớn nhất của bản thân mình so với những năm trước kia là thói quen tôi luyện tinh thần và kỹ năng giải quyết vấn đề. Thật sự nơi này đã mang tới cho mình trải nghiệm rất khác biệt so với những nơi mình từng onsite trước đây. Bây giờ mình còn có thể tự sửa xe để tiết kiệm chi phí”, anh hào hứng.
Nhớ lại thời điểm sẽ đi Mỹ, Luân ngỡ như mình vừa “trúng số”. Cuộc sống mới với cơ hội lập nghiệp tại đất nước phát triển hàng đầu thế giới mà anh đang tận hưởng như là phần thưởng lớn mà nhà Phần mềm đã mang đến cho anh cũng như các đồng nghiệp ở Việt Nam.
>> Trần Nguyễn Đăng Khoa: 'Sáng tạo để chinh phục mọi đẳng cấp'
Cucumber
Ý kiến
()