Ngày 5/7, HoSE đã chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới do FPT cung cấp. Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ông Trần Văn Dũng và Tổng Giám đốc HoSE ông Lê Hải Trà đều khẳng định hệ thống với giải pháp kỹ thuật mới kết nối thành công với tất cả công ty chứng khoán thành viên và giao dịch mượt mà.
Anh Dương Văn Thuỷ bên chiếc bảng trong phòng vận hành HoSE với hàng chữ nổi bật: Golive: 5/7. Cạnh đó là 5 mốc vận hành thử hệ thống. Tất cả những mốc này đều được anh tự tay viết lên bảng. |
Cùng Chungta.vn trao đổi với anh Dương Văn Thuỷ, Phó Giám đốc Sản xuất FPT IS kiêm Quản trị dự án HoSE, về hành trình 100 ngày đưa dự án Golive đúng hạn.
- Anh nhận nhiệm vụ Quản trị dự án trong bối cảnh như thế nào?
- Lúc đó tôi đang quản lý một dự án cũng rất quan trọng khác với một ngân hàng thì Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều gọi điện bảo cậu làm dự án HoSE nhé. Dường như anh ấy gọi cho tôi ngay sau khi anh ra khỏi buổi họp ở Bộ Tài chính mà FPT tuyên bố nhận nhiệm vụ. Nhưng anh Triều gọi bảo tôi làm dự án này bởi vì nó phức tạp, nhiều bên liên quan. Sau đó FPT IS sắp xếp một nhân sự xuất sắc khác để tiếp tục điều hành dự án thay tôi để chuyên tâm với HoSE.
- Khi nhận rồi thì anh cảm thấy sao?
- Khi được giao thì tôi thấy nó thú vị bởi độ khó, sự phức tạp, nhiều bên liên quan và dự án quan trọng với FPT. Kinh nghiệm của tôi từng xử lý nhiều dự án có quy mô lớn hơn, nhưng xét về độ phức tạp và mốc thời gian gấp rút thì chưa bằng. Nhưng tôi tin, bằng kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giải bài toán theo cách thông minh nhất. Vì nó rất quan trọng với Tập đoàn nên tôi thích và nhận lời đảm trách.
- Với FPT, khó khăn nhất của dự án này là gì?
- Khó khăn đầu tiên đương nhiên là về tiến độ. Lý do là kỳ vọng của bộ ngành, thậm chí là chính phủ, rất lớn. Lời hứa của FPT là 100 ngày. Đó là cam kết với Chính phủ. Chúng tôi biết đó không chỉ là lời hứa, mà còn là năng lực, danh dự, quyết tâm của FPT.
Lãnh đạo đã công bố mốc hoàn thành trước khi dự án bắt đầu, nên chúng tôi buộc phải đúng tiến độ. Hoàn thành nhưng không được phép đánh đổi chất lượng. Đó là tất cả các ràng buộc mà nhóm dự án tuyệt đối tuân thủ.
- Khó khăn như vậy thì anh đã giải quyết bài toán này như thế nào?
- Thực ra các bài toán dạng này thì bài giải giống nhau. Đầu tiên chúng tôi phải nhận định được vấn đề chung của đề bài, tức là mình phải hiểu được vấn đề thực sự nằm ở chỗ nào. Chúng tôi cần đánh giá đúng vấn đề, cấp độ phức tạp, phần nào cần làm rõ, với các phần đang mờ thì cần và phải làm rõ dần theo từng bước, có các hành động quản lý rủi ro tương ứng.
CEO FPT Nguyễn Văn Khoa và Giám đốc Dự án Dương Văn Thuỷ (áo cam) quỳ kiểm tra từng dây kết nối hạ tầng trước ngày hệ thống vận hành chính thức. |
Sau khi xác định được mức độ phức tạp của bài toán, động lực để chúng tôi bước vào cuộc chiến “100 ngày” là sự cam kết của tất cả các bên. FPT có sự cam kết của lãnh đạo từ trên xuống dưới, từ đó, mình đặt mục tiêu tiên quyết là phải về đích đúng hạn nhưng đảm bảo chất lượng của giải pháp kỹ thuật. Tiếp đó, tất cả những gì ngăn cản điều này, tôi phải tìm cách dỡ bỏ đi để dự án có thể về đích thành công.
- Khi lần đầu chạy thử hệ thống, cảm xúc của anh như nào?
- Kiểm thử toàn hệ thống chúng tôi chia 5 mốc chính. Mỗi giai đoạn cần chứng minh được cách giải toán có đúng không. Cảm xúc dồn nén nhất là giai đoạn kiểm thử tải hệ thống, bởi bản chất của dự án là xử lý quá tải, tức hiệu năng của hệ thống mới phải đáp ứng tải cao. Khi hệ thống hoàn toàn đáp ứng được tải, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm bởi dự án đi đúng hướng.
- Vai trò của việc hợp lực trong dự án này rất quan trọng. Anh đánh giá như thế nào về lợi thế này ở tập đoàn và tinh thần One FPT?
- Tôi nghĩ là những dự án dạng như thế này đúng là chỉ có FPT mới làm được, bởi vì Tập đoàn có nguồn lực rất dồi dào; kế tiếp là lãnh đạo cực kỳ linh hoạt và hỗ trợ, và cuối cùng là chúng ta có tinh thần OneFPT - tức nguồn lực từ khắp nơi được huy động về phối hợp với nhau dưới sự chỉ đạo thống nhất từ bên trên.
Trong đó, vai trò lãnh đạo là chỉ đạo kịp thời và sát sao, hỗ trợ đội dự án. Và đưa ra các quyết sách kịp thời.
Năng lực công nghệ của FPT: có đầy đủ các chức năng và chuyên môn cần thiết để tham gia, trực chiến ngay tức thời: FPT IS Bank nhận nhiệm vụ dẫn dắt, kiểm soát phần mềm lõi, nghiệp vụ, hiệu năng; FPT IS ISS phụ trách phần hạ tầng; FPT Telecom hỗ trợ rà soát thiết kế vận hành hạ tầng, kiểm soát rủi ro dữ liệu lớn; FPT Software phụ trách kiểm thử bảo mật, hỗ trợ kiểm thử tải; nhà thầu phụ Navisoft hỗ trợ phần Gateway.
Chẳng hạn, kiểm thử bảo mật là công việc của khách hàng. Họ phải thuê một đối tác thứ ba. Nhưng quá gấp nên họ không tìm được nên đề nghị FPT hỗ trợ khi dự án chỉ còn 1 tháng cuối cùng trước khi hệ thống vận hành chính thức - golive. Và phương án là đơn vị Dịch vụ An toàn thông tin (SAS) thuộc FPT Software do bạn Phạm Tùng Dương dẫn đắt. Khi đề nghị, ngay lập tức SAS gật đầu, rồi cử một đội thần tốc lên kế hoạch và thực hiện trong vòng 2 tuần. Lãnh đạo HoSE đã dành lời khen về sự thần tốc và chuyên nghiệp của SAS.
- Dự án chạy rất gấp rút, với nhiều bên liên quan, giải bài toán khó trong khi bối cảnh là dịch Covid-19. Anh em dự án phải vừa tuân thủ vừa đảm bảo tiến độ, vậy bí quyết là gì?
- Điểm quan trọng là anh em sẵn sàng làm hết mình, nên khi quyết định tham gia dự án thì đồng nghiệp không quản ngày đêm. Nhóm dự án thành lập trong thời gian vỏn vẹn 1 ngày, xong bay từ HN vào TP HCM và xa nhà trong 100 ngày chỉ để hướng một đích đến thành công
Do hệ thống lớn, dữ liệu quan trọng nên thường phải làm ban đêm. Và giải pháp là chúng tôi ở khách sạn gần sát HoSE để có thể làm khuya hay thâu đêm, xong khi ra về có thể ngủ ngay được. Rất nhiều ngày chúng tôi làm đến khoảng 2-3 giờ sáng mới về ngủ. Nhưng sáng hôm sau chúng tôi còn phải đến sớm bởi công việc đến 2-3h đêm là để chuẩn bị cho ngày hôm sau cho công ty chứng khoán giao dịch, nên mình phải đến, thông thường là 7h sáng có mặt tại HoSE.
TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa cùng đại diện Tập đoàn Sovico trao thưởng nóng cho nhóm dự án, gồm: FPT IS, HoSE và NaviSoft. |
Có vị trí thì chia ca được, hôm nay người này, mai người khác. Nhưng có những người không chia ca được, họ vẫn phải đến trước 7h dù chỉ kịp ngủ 3-4 tiếng. Cả dự án thực sự tập trung.
- Cuối tuần thì mọi người làm gì, thưa anh?
- Thứ Bảy chúng tôi vẫn làm việc. Chỉ Chủ nhật mới được nghỉ xả hơi. Nhưng những dịp cao điểm hay thử hệ thống thì cả dự án làm việc luôn Chủ nhật. Nếu Chủ nhật nào đó được nghỉ thì anh em cũng ở khách sạn uống bia, nói chuyện, và ngủ thôi bởi dịch cũng chẳng đi đâu được.
- Kỷ niệm anh nhớ nhất là gì?
- Nhớ nhất hôm thử nghiệm hệ thống đầu tiên. Vừa bật lên, sau 1 phút thì hệ thống đã dừng. Chúng tôi ai nấy đều sững sờ, sốc bởi trước đó đã chuẩn bị cực kỳ chi tiết. Sau khoảng 2 tiếng, chúng tôi đã tìm ra lý do và giải quyết lỗi trong vòng 10 phút. Vì sự cố đó, 73 công ty chứng khoán đã được huy động trước đó phải lục tục kéo nhau về, và trở lại vào ngày hôm sau. Nhưng đây cũng là điểm may để anh em cẩn trọng hơn trong các bước tiếp theo.
Điểm quan trọng là chúng tôi làm chủ hệ thống nên có thể nhanh chóng tìm ra lỗi để khắc phục và giúp vận hành thông suốt.
- Theo anh, những điểm mấu chốt như nào để FPT có thế cán đích đúng hạn dự án này?
- Điểm mấu chốt, theo tôi, có 2 từ khoá: một là sự cam kết, sự cam kết theo nghĩa đã hứa rồi nhất định làm được; kế tiếp là tính chuyên nghiệp. Thiếu một trong hai từ khoá này đều không được. Hai từ khoá bổ trợ cho nhau. Cam kết từ tất cả các cấp, các bên có liên quan và sự chuyên nghiệp ở tất cả các khía cạnh.
Sáng nay (ngày 12/7), anh Dương Văn Thủy, PGĐ Ban Quản lý sản xuất FPT IS, nhận Sao Chiến công FPT hạng Nhất dành cho cá nhân Giám đốc dự án. Ảnh: Trần Huấn |
Với thành viên dự án, tính chuyên nghiệp đôi khi thể hiện ở khả năng xoay sở trong tình huống khó. Lý do là dự án luôn phát sinh những bài toán bất ngờ. Ví dụ như anh Ninh Lê Sơn Hải, đôi khi tôi giao việc nhưng cũng không chỉ cho bạn ấy cách làm chi tiết được. Tôi chỉ bảo với Hải: “Chúng ta đang có vấn đề phát sinh như này. Anh cũng chưa nghĩ ra. Chúng ta cùng nghĩ, nhưng bây giờ việc của em là phải tìm cách giải bài toán ấy sớm nhất có thể, anh và các bạn khác hỗ trợ”.
- Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo như thế nào?
- Các sếp quan tâm sát sao, hỗ trợ hết mình. Bên cạnh việc chỉ đạo kịp thời, hằng ngày lãnh đạo đều gọi điện hỏi xem mọi thứ đang đến đâu, cần hỗ trợ gì.
Đây là lần đầu tiên tôi tạo hơn 10 nhóm chat của cùng 1 dự án ở Workplace để cập nhật cho các bên liên quan. Giai đoạn cuối, tôi đặt mốc đếm ngược trong các nhóm để cập nhật cho các lãnh đạo hàng ngày. Ví dụ, ngày 30, ngày 29... đến ngày 3, ngày 2.
Khi dự án cần bất cứ sự hỗ trợ gì, lãnh đạo đều xúc tiến ngay lập tức và chọn những nguồn lực tốt nhất. Ví dụ, khi cần hỗ trợ về kiểm tải, ngay lập tức các sếp kích hoạt các đội của FPT Software để sau đó chọn phương án tốt nhất từ đơn vị CEP. Về kết nối hay thiết bị hạ tầng, FPT Telecom cũng cử nhóm chuyên gia tinh nhuệ nhất ở NOC và CSOC.
- Anh chia sẻ như thế nào với các đồng nghiệp trong 100 ngày thần tốc với dự án mang tầm vóc quốc gia này?
- Đối với các thành viên, chúng tôi rất may là họ có quyết tâm từ trước khi gia nhập dự án. Các bạn tham gia dự án đã hiểu tầm quan trọng, bởi quyết tâm ấy được truyền từ Chủ tịch Tập đoàn Trương Gia Bình và các lãnh đạo cấp cao. Kế tiếp là từ truyền thông, và cuối cùng là kỳ vọng của các bên. Cơ bản các bạn tham gia dự án đã hiểu được kỳ vọng rất cao của hành trình 100 ngày. Tôi chỉ cần truyền thêm niềm tin là chúng ta nhất định làm được. Quyết tâm đã có, mình chỉ trao đổi với các bạn là chúng ta chắc chắn thành công, và trong từng bước vướng cái gì mình xử lý cái ấy với một niềm tin sắt đá. Nói tóm lại, tôi chỉ truyền thêm sự tự tin.
>> Xử lý quá tải sàn giao dịch HoSE - Dự án hợp lực sức mạnh của ‘One FPT’
Tân Thuận (thực hiện)
Ý kiến
()