Chúng ta

Hơn 2.000 CBNV FPT chưa hoàn thành thi đào tạo kỷ luật

Thứ hai, 28/10/2019 | 18:18 GMT+7

Hiện tại, chỉ có FPT Online và FPT IS đứng đầu toàn tập đoàn về đào tạo và thi kỷ luật cho CBNV, đạt tỷ lệ 100%.

Báo cáo ngày 28/10, toàn tập đoàn có 28.496 CBNV đã hoàn thành đào tạo và thi kỷ luật, đạt 93%. Còn 2.068 nhân viên chưa thi. Cụ thể, hai đơn vị đầu tiên hoàn thành chương trình đào tạo này là FPT Online và FPT IS, với 100%. Sau đó, lần lượt là các đơn vị: FPT HO – 97,94%; FPT Software – 97%; FPT Education – 96,18%; FPT Telecom – 95,75%; FPT Retail – 78,85%; Synnex FPT – 73,38%.

Đối với 350 cán bộ chưa tham gia thi tại FPT Telecom chủ yếu là cán bộ cấp quản lý, do lịch thi offline kéo dài từ 28 - 30/10. Đơn vị FPT Software còn 1.800 CBNV nước ngoài chưa đào tạo sẽ có giáo trình học và thi online bằng tiếng Anh. Thời gian đào tạo bắt đầu từ 11 - 15/11. Đối với các CBNV chưa tham gia thi kỷ luật tại các đơn vị khác sẽ có đợt thi riêng từ ngày 4 – 6/11.

ky-lua-t-ba-i-9194-1572260629.jpg

CBNV chưa thi kỷ luật sẽ có thời gian hoàn thành bài thi từ 4/11 - 6/11. Ảnh: Thế Trâm.

Theo chị Trịnh Thu Hồng – Trưởng Ban đào tạo cán bộ FPT (FCU), trường hợp các CBNV tiếp tục không hoàn thành đào tạo thi kỷ luật sau đợt thi cuối cùng sẽ có chế tài xử phạt do đơn vị đề xuất. Bên cạnh đó, sau chương trình kỷ luật này, Ban đào tạo cán bộ FPT sẽ phối hợp với Ban nhân sự để đưa việc học và thi về tuân thủ vào quy trình nhân sự. Dự kiến đây là bài thi đầu vào cho CBNV đạt hợp đồng thử việc và là điều kiện xem xét trước khi chuyển sang ký HĐLĐ chính thức.

Trước đó, ngày 1/10, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ký quyết định ban hành "Quy định về giao - nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và tuân thủ kỷ luật trong FPT”. Việc này nhằm nâng cao tính tuân thủ của CBNV trong FPT, tạo sức mạnh để tập đoàn chinh phục những đỉnh cao mới. Đối tượng áp dụng là toàn thể CBNV FPT và các công ty thành viên theo chuẩn quản trị FPT. Để lan toả quyết liệt quy định ban hành, FPT chính thức đào tạo kỷ luật toàn quốc trong tháng 10/2019. Việc đào tạo diễn ra theo 2 hình thức: online và offline. Trong đó, hình thức dạy online kéo dài trong 1 tiếng và offline là 2 giờ. Sau khi hoàn thành khoá học, hệ thống sẽ có công cụ ghi nhận tương ứng.

Một bộ giáo trình giảng dạy do Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) xây dựng, gồm 3 bản tài liệu powerpoint và video “Bàn về kỷ luật” của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Đầu tiên là tài liệu về quyết định “Quy định giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ”.

Thứ 2 là bộ giáo trình được trình bày dưới dạng powerpoint, phục vụ trong quá trình giảng dạy với đầy đủ, chi tiết nội dung liên quan đến công tác giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ.

Tài liệu thứ 3 là bộ câu hỏi hướng dẫn đào tạo, đưa ra định hướng giới thiệu chủ đề, cách thức xây dựng nội dung, hình thức thực hiện bài giảng với quy mô 40 người. Cụ thể, với 3 phần chính: đặt vấn đề, giải pháp thực thi, trách nhiệm giao/nhận nhiệm vụ, FCU đề ra danh sách câu hỏi gợi ý cho cán bộ giảng dạy trong quá trình đào tạo.

Cuối cùng là video “Bàn về kỷ luật” của Chủ tịch Trương Gia Bình và anh Chu Quang Huy - GĐ Nhân sự tập đoàn FPT. Video nêu rõ bối cảnh, lý do, thực hiện quy định về kỷ luật tại FPT.Tuân thủ kỷ luật đang trở thành chủ đề quan trọng tại FPT. 

Quyết định “giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ” được đưa ra dựa trên nhiều ý kiến đóng góp của các cán bộ quản lý, lãnh đạo trong tập đoàn tại các buổi seminar TGB về kỷ luật của anh Trương Gia Bình. Với sự tham gia của hơn 200 cán bộ quản lý (diễn ra tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 9), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra nhiều lý do để “đã đến lúc FPT phải nâng cao tính kỷ luật”.

"30 năm qua, chúng ta thành công với tinh thần đoàn kết, tính tự giác, nhiệt huyết, chung niềm tin và chất ‘điên’ của người FPT nhưng nếu là tự kỷ luật (tự giác - kỷ luật), thành công của FPT sẽ không dừng ở xuất khẩu phần mềm như 20 năm trước”, anh nói. Vì thế, FPT muốn chinh phục những đỉnh cao mới thì phải cần đến tính tuân thủ tự giác. Tuân thủ là công cụ để FPT sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới về chuyển đổi số.

Hà Trần

Ý kiến

()