'FPT luôn có game mới để chơi'
Ngày trở lại FPT của Nguyễn Lê Hiền Vy, cô được đồng nghiệp - cũ mà mới - tặng hoa, gửi cả…khô gà sang tận văn phòng chào đón. Dòng trạng thái thông báo "về nhà" trên trang cá nhân nhận được đến 1.200 tương tác, hơn 300 bình luận chúc mừng.
Vy trở về nhà F đảm nhận một bài toán lớn, khó nhưng đầy hấp dẫn với cô: FPT Smart Home - dự án được TGĐ Hoàng Việt Anh kỳ vọng sẽ là core business (dự án kinh doanh cốt lõi) của FPT Telecom và sẽ sớm đạt doanh thu nghìn tỷ.
Nguyễn Lê Hiền Vy gia nhập FPT lần đầu tiên năm 2014, từng là trợ lý Ban Giám đốc FPT Software Đà Nẵng. Biết tiếng Anh, tiếng Pháp và muốn tìm cơ hội mới, Vy được gợi ý có thể tìm hiểu về Viễn thông quốc tế FPT (FTI, thuộc FPT Telecom). Sau đó, Hiền Vy đã nộp hồ sơ vào bộ phận kinh doanh quốc tế của FTI, bay vào Sài Gòn, nhận nhiệm vụ quản lý các đối tác quốc tế.
Ở đây, cô là người đã có công đưa hạ tầng FPT Telecom vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá thế độc quyền của đối thủ. Vy bảo, "phi vụ" này đã cho cô thấm thía 2 chữ "đồng đội", rằng để thành công trong công việc cần sự phối hợp nhiều bên. Rằng người ta chỉ giúp bạn khi thấy bạn thật sự khát khao. "Khi có nhiều đơn vị thành viên hỗ trợ nhau, FPT có thể làm được sức mạnh kinh hoàng mà không đối thủ nào chống chọi. Mọi người cùng "chiến đấu", không quan trọng "số" về ai, mà vì màu cờ sắc áo. Đó là một trong những điều bên ngoài không bao giờ có, nên nhiều người ngoài nhìn vào vô cùng ngưỡng mộ. Đó chính là tinh thần đồng đội".
"Quãng thời gian ở FPT cũng cho tôi hiểu tinh thần "NXLBM" mà anh Nguyễn Thành Nam đã có dịp nói đến, có nghĩa là nổ xong làm **, "nổ" (có cơ sở) xong phải cố sống chết làm cho bằng được" - cô gái xứ Đà hài hước bổ sung.
Sau 4 năm, khi công việc đã vào guồng, Vy đón nhận một cơ hội khác: quay lại FPT Software với nhiệm vụ key accounts manager (quản lý khách hàng quan trọng) - một cơ hội mà cô cho là tuyệt vời để nâng cao bản thân, để có bức tranh tổng thể về ngành, dù vẫn ở trong FPT. "Làm ở FPT, chúng ta không bao giờ sợ chúng ta cũ" - Vy nói.
Sau công việc này, 9X quyết định thử sức mình ở doanh nghiệp bên ngoài với vai trò mới: đại diện tại Việt Nam của một hãng công nghệ trong top 500 công ty tư nhân lớn nhất tại Mỹ và sở hữu hơn 78% thị phần DRAM trên toàn thế giới - vị trí cô có được sau 4 vòng phỏng vấn gắt gao. "Lúc đi, tôi đã nghĩ rồi mình sẽ trở về. Tôi đã tự hỏi 5 năm nữa mình muốn gì. Và tôi rời đi vì biết nội lực mình chưa đủ nhiều, phải trải nghiệm nhiều hơn, thu nạp nhiều kiến thức, va vấp nhiều hơn."
Sau khi lăn lộn bên ngoài với những thành công và cả những thất bại, Vy nói, cô trở về nhận vai trò Giám đốc Kinh doanh dự án FPT Smart Home đúng vào thời điểm chín muồi. Và với một tâm thế khác. Đó là khi mình đầy vết thương, bản lĩnh đã mạnh mẽ hơn, có thể giúp đỡ thế hệ sau nhiều hơn. Việc kinh qua nhiều vị trí trong nhà F đã giúp Vy có thể phục vụ tốt cho công việc mới ở Smart Home: như kết nối FPT Software xây dựng chính sách ưu đãi lắp đặt Smart Home lớn; hợp tác với các đội phân phối của Synnex FPT, FTI, FShare, FPT Education...
Hiền Vy vốn là người ưa thử thách. "Tôi vào FPT Smart Home để có thể đóng góp cho việc nuôi một đứa trẻ. Chúng tôi được thỏa sức sáng tạo. Chúng tôi có tinh thần startup, luôn hỏi ý kiến nhau, đồng hành hỗ trợ nhau như cặp bài trùng" - tân Giám đốc kinh doanh dự án còn khá non trẻ nói. Vy nhìn FPT Play như một hình mẫu - một ý tưởng đi trước thời đại, gặt hái thành công lớn chỉ từ một dự án của Ban Truyền hình. "Tôi tin chỉ cần đội ngũ tốt, định hướng tốt, FPT Smart Home cũng sẽ hái quả ngọt giống như thế. Không phải lúc nào cũng có cơ hội thế này - cơ hội đi cùng đồng đội qua những giai đoạn đầu gian nan nhất, nhưng cũng cho người ta cơ hội phát huy hết năng lực, trí tuệ". Theo Vy, FPT không cần một ngôi sao quá rực rỡ. Nhưng một viên ngọc thô biết rèn giũa bản thân hằng ngày, đi cùng đồng đội như một dòng sông cũng có thể tỏa sáng.
Vy bảo, khi ra ngoài, thấy sự khắc nghiệt bên ngoài, cô thấy trân trọng đồng nghiệp, anh em hơn. Nữ GĐ Kinh doanh FPT Smart Home ví von, "như khi chúng ta có người yêu tốt nhưng có nhiều vệ tinh. Họ khiến ta nhận ra ai mới là tình yêu đích thực. Và may mắn người đó lại mở lòng cho ta quay trở về". Cô biết ơn lãnh đạo đã tạo mọi điều kiện để cộng sự cũ quay về.
"Về FPT, tôi cảm giác như về nhà. Môi trường FPT rất thân thiện, không quá khắc nghiệt như một số nơi. Có vấn đề gì, mọi người đều có thể bỏ qua cho nhau. Vì thế, tâm lý tôi rất thoải mái. Tôi cảm giác mỗi ngày đi làm như một ngày hội. Mỗi sáng, tôi đều háo hức lên công ty để gặp được đồng đội. Tôi vốn thích kết nối mọi người".
'Quay lại vì sự dân chủ ở FPT'
Phan Đình Phát - FPT Software - đã 2 lần rời FPT và quay trở lại. Anh gia nhập FPT lần đầu tiên năm 2002 khi vừa tốt nghiệp, quyết định ra ngoài khởi nghiệp 6 năm sau đó. Năm 2015, anh quay lại phụ trách phát triển các công cụ nội bộ tại nhà Phần mềm FPT, bị "săn" bởi một doanh nghiệp khác năm 2019 và quay lại 2 năm sau.
"Lần đầu tiên tôi rời vì còn trẻ, "máu me" khởi nghiệp. Lần thứ 2 vì… người ta trả lương cao quá, đến gấp 2-3 lần, rất cám dỗ. Dù khi đó tôi vẫn yêu FPT. Hơn nữa, tôi lại được chiêu mộ vào làm một lĩnh vực mới, đang là xu hướng nên tôi cũng muốn thay đổi, làm mới mình khi công việc cũ đã vào guồng" - anh Phát trải lòng.
Kể về trải nghiệm làm việc trong nhiều môi trường, trong đó có công ty nước ngoài và một trong những "ông lớn" có vốn hóa điều lệ lớn nhất thị trường Việt Nam, Phan Đình Phát tâm sự, anh nhận thấy những môi trường này khá khắc nghiệt và bản thân không cảm nhận được sự dân chủ như ở FPT. "FPT vui và dân chủ. Cấp trên không dùng quyền lực để áp đặt mà dùng chính tư duy để trao đổi, thuyết phục. Ngay cả khi tôi là quản lý, tôi cũng áp dụng phong cách quản lý dân chủ này, khuyến khích đồng nghiệp thoải mái đưa ra quan điểm".
Lần đầu tiên rời đi, Phan Đình Phát được tin tưởng mời tham gia tư vấn cho một số hệ thống nội bộ của FPT Software. Từ đó, anh được gợi ý chuyển về hẳn "nhà cũ" làm việc. Lần thứ 2, khi không còn hòa hợp được với môi trường công ty mới, anh chủ động hỏi đồng nghiệp cũ chuyện quay về. "Người ta trả lương cao thì người ta cũng đòi hỏi mình hơn thế. Hơn nữa tôi muốn làm việc ở nơi mình thực sự cảm thấy có giá trị".
Theo kỹ sư nhà Phần mềm, thời gian làm việc bên ngoài đã cho anh thêm nhiều trải nghiệm mới, đặc biệt là về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. "Ở Việt Nam không phải đơn vị nào cũng có nguồn lực đầu tư vào AI. Và tôi đã có may mắn được có thêm nhiều hiểu biết về lĩnh vực này. Khi quay lại, tôi có thể đóng góp nhiều hơn, mặt khác không mất thời gian làm quen với môi trường, cách làm việc".
"Tôi cảm thấy mình đã trải nghiệm đủ. Hiện giờ gia đình, mọi thứ đã ổn định. Thú thật tôi vẫn thích anh Bình và FPT. Nên tôi coi FPT là điểm dừng chân cuối - nơi tôi có được niềm vui trong công việc và được tôn trọng vì những giá trị mình tạo ra" - anh Phát trải lòng.
'Văn hóa FPT níu giữ trái tim'
Một buổi chiều thứ Sáu, Nguyễn Thị Hiền nhận được offer (lời đề nghị nhận việc) của một doanh nghiệp. Toan nhận lời để thứ Hai đi làm, một lời mời phỏng vấn lại đến cuối tuần đó khiến cô thay đổi quyết định, đó là lời mời từ FPT Long Châu - một "người nhà" cũ.
Trước đó, Hiền từng là cán bộ văn hóa - đoàn thể FPT Telecom từ tháng 8/2018. Tháng 4/2021, vì biến cố gia đình, cô gái buộc đưa ra sự lựa chọn. "Để có thể đưa ra quyết định nghỉ việc tại FPT, tôi đã rất đắn đo, trăn trở và mất rất nhiều thời gian. Đứng trước hoàn cảnh lúc đó tôi đã chọn gia đình trên công việc" - cô gái trải lòng.
Khi dịch bệnh ổn định, tình hình sức khỏe của người thân khá hơn, Hiền quyết định đi làm lại. Cô đầu quân vào một công ty công nghệ tương tự FPT, và cũng mong muốn học hỏi văn hóa FPT. "Máu FPT thấm trong người, nhiều lúc tôi cứ bất giác nhắc "công ty tôi" khi kể về chốn cũ". Nhận thấy môi trường không phù hợp, cô gái "cựu F" quyết định dừng lại, cho mình một khoảng lặng để suy nghĩ. Thậm chí, cô gái trẻ còn tính đến việc "bỏ nghề" để tìm con đường mới, dù còn nhiều tiếc nuối.
Khi quyết định đi làm lại, cô gửi đơn ứng tuyển một số nơi, nhưng đặc biệt kỳ vọng vào FPT Long Châu - nơi cô biết sẽ phù hợp với mình hơn cả. "Chờ mãi không thấy được gọi, tôi vẫn quyết tâm gửi một lần nữa đến email cán bộ tuyển dụng. Sau buổi phỏng vấn với anh GĐ Nhân sự, tôi đã được nhận. Thật hạnh phúc khi FPT trao cơ hội cho người cũ".
"Về lại FPT, tôi hay nói vui là chắc vẫn còn duyên nhiều, nợ nhiều. Trước đến giờ, tôi vẫn rất thích văn hóa của FPT. Tôi yêu sự sáng tạo nhưng cũng rất truyền thống qua các hoạt động như Hội Làng, thi Trạng, Sao Chổi, các bài hát STCo… và hơn hết là những chính sách phúc lợi dành cho nhân viên, những hoạt động cộng đồng mang nhiều giá trị nhân văn như xây cầu, xây trường, xây tủ sách… Còn một yếu tố khiến tôi quyết định về nữa, đó chính là môi trường làm việc, là cơ hội để tôi được học hỏi và phát triển bản thân từ những đồng nghiệp mà trước đây tôi đã từng cộng tác" - cô gái FUN trải lòng.
Vừa về FPT Long Châu một tuần, Hiền được tham gia chương trình teambuilding ngành dọc văn hóa đoàn thể FPT - nơi cô gọi là "tân cựu hội ngộ". Cảm giác về nhà, gặp lại người nhà khiến cô gái lâng lâng. "Tôi vừa bất ngờ, vừa vui vì được tạo điều kiện để kết nối, hội ngộ những đồng nghiệp cũ mà mới".
Hiền biết, làm công tác văn hóa đoàn thể ở một chuỗi cửa hàng trải khắp cả nước, với số lượng đã lên đến 700 shop, là một thách thức lớn. Cô lại đang 'đơn thương độc mã' thay vì có ê-kíp hỗ trợ như ở nhà "Cáo". Nhưng quay về FPT, được làm nghề mình yêu nghề - làm cho mọi người vui, kết nối, làm những gì liên quan văn hóa nghệ thuật - khiến cô gái tràn đầy hứng khởi.
'Có những phẩm chất người FPT đã hình thành trong tôi'
Lê Thị Thùy Dương từng gắn bó đến 10 năm ở FPT, từ 2007 đến 2017, tại Ban Truyền thông Tập đoàn - trước khi quyết định cho mình một sự thay đổi và thử sức ở một agency ngoài (đơn vị tư vấn, cung cấp các giải pháp và dịch vụ chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp khác). Và tháng 5 vừa qua, đúng 5 năm sau, cô về lại chốn cũ.
Trong quá trình rời đi, Thùy Dương vẫn hỗ trợ FPT và công ty thành viên khác một số công việc với tư cách freelancer (làm việc độc lập, tự do, trong thời gian ngắn hạn), và vẫn theo dõi sự phát triển của FPT. Cô cũng không ngắt kết nối mà giữ mối quan hệ với những đồng nghiệp cũ - vốn đã trở thành những người bạn sau quãng thời gian dài gắn bó.
Được lãnh đạo trong ban thông báo về nhu cầu tuyển dụng, trùng với thời điểm mong muốn thay đổi công việc, Thùy Dương nhận lời sau vài lần trao đổi và nắm được những phần mới của công việc so với trước đây.
Chia sẻ về sử trở lại này, Dương cho biết khi quay về, cô tự tin hơn vào bản thân sau khi tích lũy thêm nhiều kiến thức bên ngoài. "Có những phẩm chất người FPT vẫn có trong mình. Được cái ra ngoài tranh cãi với khách hàng nhiều nên "bớt hiền" hơn" - designer nhà F hài hước.
"Mọi người thì vẫn thế, vui vẻ chào đón tôi. Môi trường vẫn lành tính, nền nã. Có một số chính sách đã thay đổi. Văn phòng mới đẹp hơn" - cô nhân viên "mới mà cũ" nêu cảm nhận.
Theo Dương, nhân viên cũ có lợi thế là đã làm ở FPT nhiều năm, quen văn hóa, môi trường, các mối quan hệ, nhờ đó có thể vào việc luôn mà không bị "khớp" và mất thời gian làm quen. "Tuy đổi công ty nhưng tôi vẫn có mạng lưới quan hệ từ trước, có thể hỗ trợ nhau trong công việc".
Bên cạnh công việc thiết kế, Dương cũng hứng thú khi quay lại với việc làm thêm mảng quản lý thương hiệu và sự kiện nhiều hơn. "Hiện giờ đầu mối công việc đã được rõ ràng hơn. Công việc không mang tính kiêm nhiệm mà nằm trong chính vai trò, nhiệm vụ của mình. Làm công việc này ở cấp Tập đoàn, khả năng của bản thân sẽ được phát huy tốt nhất".
Dương bảo, nếu lựa chọn giữa 2 công ty không khác nhau nhiều, cô sẽ chọn ngôi nhà cũ FPT. "Tôi vẫn thích môi trường FPT" - cô thẳng thắn.
Giờ đây, mỗi dịp đến sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Lê Hiền Vy lại nhớ lại quãng thời gian làm việc trước kia tại nhà F, khi cô cùng đồng đội tìm ra "con đường máu" đưa đường truyền FPT Telecom vào đây, di sản để sau này FPT Play có thể theo vào. Và cô tin, FPT Smart Home, mảng kinh doanh mới mà cô đang theo đuổi, cũng một ngày sẽ có thành công như vậy.
"FPT không phải thiên đường, cũng chẳng phải địa ngục, nó là trần gian đích thực, nơi mà ai có cơ hội trải qua, sẽ được tôi luyện và trưởng thành... Muốn được mọi người tôn trọng, trước tiên bạn phải làm việc hết mình" - những lời của anh Hoàng Minh Châu lại vang vọng trong tâm trí, làm kim chỉ nam để cô vững bước, tại nơi cô xác định sẽ phát triển sự nghiệp lâu dài.
Hà An
Thiết kế: Lê Mai
Ý kiến
()