Chúng ta

Từ bỏ sự nghiệp thi đấu, võ sư Vovinam gắn bó giảng đường FPT

Thứ tư, 24/8/2022 | 14:08 GMT+7

Góp mặt trong chương trình thực tế “Sao nhập học” (tập 4), thầy Hồ Ngọc Lợi - Trưởng bộ môn Vovinam Cao đẳng FPT Polytechnic TP HCM không chỉ là gương mặt được sinh viên yêu mến bởi cái tâm với nghề, cái tình với trò, mà còn bởi quyết định rẽ lối sang nghề giáo của một võ sư chuyên nghiệp.

Từng suýt từ bỏ võ thuật

Sinh ra trong một gia đình yêu võ học, từ năm 5 -6 tuổi, Lợi đã theo ba đi xem các chị mình luyện võ. Cậu bé vô cùng tò mò, hứng thú với từng nhịp bước và những cái hô hào sảng. Lên lớp 2, Lợi bắt đầu đến võ đường với mục đích để rèn luyện sức khỏe và trang bị những kỹ năng tự vệ nhưng dần dần, Vovinam đã trở thành niềm đam mê của cậu bé Lợi từ lúc nào không biết.

Để theo đuổi ước mơ, Lợi sớm trải qua nhiều khó khăn. Việc học Vovinam đòi hỏi sự kiên trì, kỷ luật và sức khỏe là một nhẽ, nhưng nó cũng đòi hỏi sự bền bỉ về ý chí và thể lực. Trong thời gian theo học, Lợi đã 3 lần gãy xương, gồm một lần gãy xương cẳng tay trái, một lần gãy xương đòn bên phải… và vô số chấn thương phần mềm khác. Lợi cũng không giấu nhiều lần anh định từ bỏ, vì “Vovinam khắc nghiệt quá, tôi cũng bền mà nhiều khi chịu không thấu.”

z3667168385429-25c194afedb201d-3144-3832

Thầy Hồ Ngọc Lợi là giảng viên tổ Vovinam tại Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh khi chỉ mới 20 tuổi.

Những lúc ấy, người cho Lợi thêm động lực bước tiếp chính là thầy Nguyễn Quốc Tuấn - Huấn luyện viên trưởng chi hội Vovinam huyện Bình Chánh (TP HCM). Theo sát cậu học trò từ nhỏ, nhìn cậu bé bụ bẫm, to con nên khởi đầu khó khăn hơn các bạn học võ, lại liên tục gặp chấn thương nhưng vẫn cố gắng, thầy không ngừng động viên và rèn luyện.

Với anh, điều đáng nhớ nhất là thầy luôn rèn luyện cho mọi người trong lớp đức tính kiên trì và sự quyết tâm bằng việc thi đứng tấn. “Đó là một việc tưởng rất đơn giản nhưng đòi hỏi một sự kiên trì và quyết tâm cao, và hơn hết là mình và các anh chị cảm nhận được sự yêu thương của thầy, nên càng gắn kết”, Lợi chia sẻ.

Sự quyết tâm và đam mê của Lợi luôn được cha mẹ theo sát ủng hộ. “Ước mơ của con, con phải kiên trì tới ngày hái quả, không thể bỏ giữa chừng”. Câu nói của cha mỗi khi mình bị chấn thương làm Lợi thêm nhiều sức mạnh. Nhờ bền bỉ rèn luyện, sau khi tốt nghiệp THPT, Lộc trở thành sinh viên Đại học Thể dục Thể thao TP HCM và chính thức bước vào hành trình chuẩn bị cho sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.

Từ ước mơ làm thầy, đến thầy giáo võ công “đỉnh” trong “Sao nhập học”

Năm 15 tuổi, trong một lần cùng thầy tham gia trợ giảng ở lớp học võ, Lợi được đứng trước lớp để mô phỏng các động tác, thế võ và hướng dẫn các bạn thực hiện đúng tư thế. Dù hơi e ngại vì nhiều người nhìn nhưng Lợi vẫn vào tư thế chuẩn và có những động tác điêu luyện trong mắt đồng môn. Một cảm xúc khác lạ trào dâng, “có gì đó hơi run, rụt rè nhưng tôi cảm giác muốn ở đó chia sẻ cho mọi người, vì mọi người rất tôn trọng mình”, Lợi nhớ lại.

Và rồi từ đó, mong muốn theo đuổi con đường dạy học được gieo mầm trong Lợi. Khi lên học đại học, con đường giảng dạy càng trở nên rõ nét hơn. Anh quan niệm, học võ không hẳn là để thi đấu, trong võ và Vovinam còn có “đạo”.

Lắng nghe chia sẻ về “đạo” của Vovinam từ các sư phụ, Lợi càng nhận ra mình muốn trở thành giảng viên về Vovinam. Vì vậy, dù đã đạt đến Hoàng đai tam - tương đương trình độ một huấn luyện viên, Lợi vẫn quyết định từ bỏ để trở thành giảng viên tổ Vovinam tại Cao đẳng FPT Polytechnic TP HCM khi chỉ mới 20 tuổi. “Từ nhỏ đã có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn Vovinam và muốn được trở thành thầy giáo nên tôi đã chọn đi theo con đường huấn luyện và giảng dạy Vovinam. Đây cũng là một con đường tôi vô cùng trân quý”.

z3667168408364-e83007969731e59-7694-3755

Thầy Lợi hướng dẫn các động tác Vovinam cho khách mời trong chương trình truyền hình "Sao nhập học".

Bước vào môi trường mới, Lợi dần dần ấn tượng với phong cách sôi nổi của những cô cậu sinh viên năng động. Chàng trai trẻ cũng tranh thủ học lên Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học. Trên sân tập, thầy Lợi luôn đầy nhiệt huyết và chu đáo với những tiết học tạo hứng thú cho các môn sinh. Bởi đặc thù là những đòn chân tấn công, Vovinam không hề dễ tập nhưng sự ân cần của thầy giáo trẻ luôn đã tạo động lực để các học trò cố gắng, thực hiện thuần thục các động tác và đòn thế.

Khó khăn càng bủa vây trong giai đoạn “giãn cách xã hội”, việc học võ phải chuyển sang online, Lợi vừa “dở khóc” tìm cách đặt camera sao cho học trò dễ tiếp nhận bài học, vừa “dở cười” với muôn kiểu luyện võ (khi thì sân thượng, khi là hành lang) của các em. Không những chỉ ra từng lỗi sai, minh hoạ cẩn thận và thực hiện lại theo nhiều góc máy, nhiều khi thầy Lợi còn kiêm luôn vai trò “chuyên gia gỡ rối tâm lý, tình cảm” cho học trò.

Từ đó, thầy “Lợi Vovinam” nhanh chóng trở thành giảng viên được yêu thích và là trưởng bộ môn Vovinam ở FPT Polytechnic TP HCM. “Thầy Lợi nghiêm lúc cần nghiêm nhưng cũng là cây hài khiến lớp luôn vui nhộn. Tại lớp tập võ online mùa dịch, không có thầy Lợi thì em và các bạn “trầm cảm” lắm!”, bạn Dương An, sinh viên FPT Polytechnic chia sẻ.

z3667168396535-7da9eca4cbbdf00-6212-8386

Thầy Lợi (giữa) xuất hiện trong tập 4 chương trình truyền hình hướng nghiệp "Sao nhập học".

Bất ngờ xuất hiện trong tập 4 chương trình truyền hình hướng nghiệp thực tế “Sao nhập học” với vai trò giảng viên hướng dẫn bộ môn Vovinam, thầy Lợi đã đem đến nhiều bài học thú vị và những thử thách “bất ổn” cho dàn sao khiến khán giả có trận cười sảng khoái. Trải qua thời gian ngắn “bán hành” tại lớp học Poly, thầy Lợi cực kỳ ấn tượng lớp trưởng MisThy vì sự năng động và trình độ cà khịa, chọc ghẹo khiến lớp học luôn sôi nổi. Không những thế, Phát La cũng là gương mặt khiến thầy Lợi nhớ lại những ngày đầu khi đi giảng dạy và gặp nhiều sinh viên “sợ” học võ.

“Vẻ mặt cùng câu hỏi dây chằng của Phát La khiến mình nhớ lại những bạn sinh viên khi mới biết đến võ. Tập võ có phải là đi gánh nước, chặt củi, luyện công như phim chưởng bộ đâu. Các bạn cứ nghĩ đơn giản thôi, võ nói chung và Vovinam nói riêng đều mang lợi ích sức khỏe, thư giãn tinh thần mà.

Nhìn vào sự cố gắng, ham học hỏi của các nghệ sĩ, tôi cũng thấy mình cần hoàn thiện, nỗ lực hơn hơn nữa trong tương trên con đường truyền lửa Vovinam tới các bạn sinh viên.”, thầy Lợi chia sẻ thêm về “Sao nhập học”.

>> ‘Giáo sư Xoay’ đau đầu với học trò GenZ

Sơn Thạnh

Ý kiến

()