Thay vì giải đề toán theo phương pháp kiểm tra truyền thống, học sinh lớp 9A1 trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy đã có cơ hội sáng tạo, thể hiện năng khiếu theo cách đặc biệt hơn. "Giữa nhiều ý tưởng cô đưa, chúng em thấy các sản phẩm sáng tạo đều cần một chút năng khiếu hội họa và nghệ thuật. Và truyện tranh là một cách tuyệt vời để nhóm truyền tải nội dung, thông điệp và tận dụng kỹ năng của các thành viên có từ trước" - em Nguyễn Phương Hoa, thành viên nhóm S.P.A.C.E, chia sẻ.
Truyện tranh "Trò chơi Toán học" kể về hành trình gay cấn của một bạn nhỏ ham chơi, học Toán kém, bất đắc dĩ bị kéo vào một trò chơi sinh tồn - nơi phải giải được các đề toán để được thoát ra. Nội dung cuốn hút, nét vẽ chuyên nghiệp không kém những truyện tranh do các nhà xuất bản cung cấp khiến không chỉ giáo viên mà cộng đồng học sinh FPT phải trầm trồ.
Cô Lê Thị Thu Hà - giáo viên Toán lớp 9A1 đã không khỏi bất ngờ khi nhận sản phẩm: "Tôi không ngờ các bạn học sinh làm sản phẩm tốt như thế. Vì không có điểm 11 nên chỉ có thể cho các em điểm 10!"
Doãn Phương Thảo - Trưởng nhóm S.P.A.C.E, cũng là họa sĩ chính của bộ truyện - bày tỏ kỳ vọng những khung truyện sinh động và nội dung về trải nghiệm của một bạn học sinh trong "Trò chơi Toán học" sẽ khiến môn Toán trở nên thú vị hơn trong mắt bạn đọc, từ đó các bạn sẽ yêu thích và bớt “sợ” môn Toán hơn.
Trích truyện tranh của nhóm học sinh lớp 9A1 trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy - Hà Nội. |
Bộ truyện được hoàn thành trong khoảng thời gian hơn một tuần nghỉ Tết. Nhờ phân chia chia công việc rõ ràng từ trước, quá trình làm sản phẩm diễn ra khá trôi chảy: Phương Thảo vẽ, Phương Hoa chèn ô chữ và hiệu ứng, Khánh Đan đảm nhận phần chuyên môn, và Vân Nhi phụ trách phần nhật ký dự án.
"Trò chơi toán học" còn gây thích thú với độc giả khi có nét khá tương đồng với bộ phim "Trò chơi con mực" (Squid Game) gây sốt trên toàn thế giới thời gian qua - người chơi phải vượt qua các thử thách dưới dạng game để sinh tồn. Theo nhóm, ban đầu các em chỉ xuất phát từ câu hỏi "học Toán để làm gì" để đẩy nhân vật vào hoàn cảnh cần đến kiến thức toán học để vượt qua các thử thách. Khi lên kịch bản, nhóm mới phát hiện trò chơi tạo ra có điểm hơi tương đồng với Squid Game.
"Họa sĩ nhí" Doãn Phương Thảo thú nhận từng không thích toán lắm. Tuy nhiên, về cơ bản, hội họa có sự liên kết với toán vô cùng chặt chẽ. "Muốn vẽ đúng và chuẩn thì cần toán. Lúc đầu em đã nghĩ sáng tạo là phải bay bổng nhưng khi học vẽ, em bắt buộc phải vẽ rất nhiều hình tròn, cũng như hình khối khác bằng compa, thước kẻ… Em hiểu ra rằng trước hết phải vẽ đúng và từ đó mới mở đường cho sự sáng tạo bay xa hơn. Luôn cần Toán học song hành với con đường nghệ thuật".
"Với em, môn toán với em vẫn là môn khó, vì em thiên về nghệ thuật, ngôn ngữ. Tuy nhiên em vẫn thấy vui, thích thú khi làm toán, giải được bài toán hay. Em rất vui khi đưa môn toán đến với các bạn, giúp các bạn có niềm vui trong môn học này", thành viên Phương Hoa chia sẻ.
Theo cô Thu Hà, bên cạnh nhóm làm truyện tranh, cũng có những nhóm chọn làm phim, sử dụng nhân vật là các hình cầu, hình trụ, hình nón…; có nhóm làm ra các sản phẩm mô hình, bảo tàng kim tự tháp ánh sáng; có nhóm làm những hộp poop-up chứa trò chơi tổng hợp kiến thức… Theo đánh giá của cô, học sinh khối 9 - khóa đầu tiên của trường THCS FPT là những cô cậu học trò "hơi nổi loạn và sáng tạo".
Tại trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy - Hà Nội, các môn học có thể sử dụng các dự án để kiểm tra, cho điểm. Như với kỳ thi giữa kỳ Toán vừa qua, học sinh được lựa chọn các hoạt động khác nhau như vẽ sơ đồ tư duy tổng hợp kiến thức chương làm sản phẩm Pop-up mở ra kiến thức, dựng các hình 3D và mở ra kiến thức ở bên trong, hoặc làm sản phẩm video, truyện tranh mang tính nhân văn…
Đây là một hoạt động nằm trong dự án "Toán học một thiên tiểu thuyết" của trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy, hướng đến việc giúp học sinh nhìn thấy sự hiện hữu của toán học ở khắp nơi.
Tên gọi “Toán học một thiên tiểu thuyết” dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Mickael Launay - nơi ông kể về những quan sát tinh tế và đầy hứng khởi khi chậm bước trong từng căn phòng xa xưa của bảo tàng Louvre, khi ngước mắt lên mái vòm của La Géode, khi dạo bước trong những khu vườn lát khảm Granada… đâu đâu cũng ẩn chứa những kết quả của toán học.
"Trường THCS FPT cho em cơ hội phát triển ngoài các môn học như công nghệ thông tin, nghệ thuật, văn nghệ. Đó là một điều may mắn. Nét đặc biệt riêng của hệ thống giáo dục FPT là không chỉ tập trung việc học mà chú trọng sự phát triển toàn diện của học sinh" - Nguyễn Phương Hoa tâm sự. Hoa cho biết mình chuyển vào trường THCS FPT hơi muộn hơn đa số các bạn - vào năm lớp 7, nên có thể nhận thấy rõ nhất sự khác biệt của môi trường học tập ở đây so với trường công lập trước đây của em.
"Em cũng chuyển sang trường THCS FPT vào năm lớp 7. Lúc vào trường cũng là lần đầu tiên em mới được tiếp xúc Powerpoint. Từ đó, em được tiếp xúc nhiều cái mới hơn, như về công nghệ, giờ em có thể nhuần nhuyễn sử dụng các công cụ Microsoft, Adobe… Em học được nhiều kiến thức và cơ hội sáng tạo nhiều hơn", Phạm Đào Khánh Đan chia sẻ.
Trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy là trường Tiểu học & THCS đầu tiên của FPT Education. Hệ thống giáo dục FPT hướng đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, hữu ích, giúp người học giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau này. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn, FPT Education xây dựng hệ thống trải nghiệm giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.
Xem trọn bộ truyện tranh "Trò chơi toán học" tại đây.
Hà An
Ý kiến
()