Lần đầu làm... streamer
Lần đầu tiên livestream bán hàng trên nền tảng Facebook, Lê Phước Trà Giang, Phó phòng Dịch vụ khách hàng FPT Telecom Đà Nẵng, không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Dù là MC quen thuộc trong nhiều sự kiện của chi nhánh, cô nàng vẫn thừa nhận có cảm giác “rất khác”.
Tham gia cuộc đua trong Dự án S4S (Share For Strong), đại diện “Cáo” miền Trung đã tỉ mỉ chuẩn bị một buổi livestream hoành tráng. Các sản phẩm của FPT Telecom được sắp đặt ngay ngắn trên bàn. Ngoài chiếc điện thoại với camera sắc nét và hệ thống đèn chiếu sáng… chi nhánh còn có hẳn ekip hùng hậu hỗ trợ từ khâu sản xuất video, nội dung và kỹ thuật hậu kì.
Trà Giang nói vui, livestream sợ nhất là sự cố đường truyền nhưng ở FPT Telecom thì quá yên tâm. Các đồng nghiệp phòng Kỹ thuật lắp đặt đường dẫn phục vụ riêng việc lên sóng với cam kết “không thể rớt mạng”.
Lê Phước Trà Giang (bên phải) và Nguyễn Nữ Thuỷ Tiên trên sóng livestream bán hàng của chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình |
Cùng xuất hiện trên sóng livetream, Nguyễn Nữ Thuỷ Tiên, nhân viên phòng Dịch vụ Khách hàng, đã phối hợp ăn ý, 2 cô nàng lần lượt đưa các sản phẩm như: FPT Camera, FPT Play Box… đến gần hơn khán giả. Theo Thuỷ Tiên, livestream của nhà “Cáo” hoàn toàn khác biệt với khái niệm “bán hàng online”.
“Mình giới thiệu các tính năng hoàn toàn chuẩn, hình ảnh sản phẩm thực tế, giá sản phẩm niêm yết rõ ràng, hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì và tư vấn dịch vụ cụ thể. Tuy hình thức đều là livestream nhưng về uy tín và chất lượng thì chương trình của FPT Telecom chuyên nghiệp hơn hẳn”, Thuỷ Tiên nói.
Cũng theo chị, người mua hàng lo ngại nhất là sản phẩm không đúng với quảng cáo, không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến mất lòng tin. Vì vậy, livestream của “Bão miền Trung” không chỉ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm, đây còn là định hướng bán hành trong tương lai, xây dựng fanpage uy tín, thương hiệu FPT trên không gian số.
Đội trưởng Nguyễn Thế Quang - Giám đốc FPT Telecom miền Trung - nhấn mạnh để một chương trình thành công phải làm tốt 3 khâu. Đầu tiên là công tác chuẩn bị để tăng sức hút, lôi kéo nhiều người xem nhất. Lúc livestream quảng bá sản phẩm dịch vụ đang được làm rất tốt tuy nhiên sau chương trình phải bám sát khách hàng. Sau đó, phải bỏ công sức để tìm hiểu yêu cầu và giải đáp tới từng khách hàng. "Khối lượng công việc trên rất lớn, cần sự phối hợp rất chặt chẽ, theo sát đến cùng của từng người trong ekip mới tạo nên một buổi livestream hiệu quả", anh nói.
Bão “share” trên các nền tảng
Ngoài việc livestream bán hàng, “Bão miền Trung” còn càn quét rộng khắp trên nhiều nền tảng - đặc biệt là Facebook và Tiktok. Tinh thần quyết tâm, đồng lòng của toàn Vùng 4 đã đưa toàn đội có 8 chiến thắng liên tiếp. Trong đó, những màn thi đấu tính theo lượt tương tác luôn là thế mạnh. Hiện tại, chi nhánh Đà Nẵng, Đăk Lăk, Khánh Hoà, Gia Lai… là những đơn vị đóng góp nổi trội vào chiến tích gây bão “share 4 share” của đại diện miền Trung.
Là một “Tiktoker” nổi tiếng trên mạng xã hội nhà “Cáo”, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phòng Dịch vụ khách hàng chi nhánh Gia Lai, đã tập hợp những CBNV chi nhánh tạo nên nhóm nhảy với tên gọi Wifi Làng.
Tiết mục “Wifi FPT Lá là” do nhóm dancer chi nhánh Gia Lai đã thu hút hơn 1.200 lượt thả tim và hàng nghìn lượt view trên nền tảng Tiktok. Hồng Hạnh cho biết, cả nhóm đã bắt trend “nhịp điệu cha cha cha”, viết lời nhạc mang hơi hướng STCo của nhà F để cho ra mắt sản phẩm đúng chất clip viral.
Nhóm nhảy đến từ chi nhánh Gia Lai đang gây sốt trên nền tảng tiktok. Ảnh: ĐVCC |
Vừa qua, Wifi Làng tiếp tục ra mắt “Mở ví vui phết” - giới thiệu sản phẩm FoxPay. Tiết mục này một lần nữa gây sốt với lượng view tăng chóng mặt. Wifi Làng còn tạo ấn tượng khi lựa chọn Quảng trường Đại đoàn kết tại TP Pleiku, Gia Lai là địa điểm quay. "Cả nhóm chọn địa điểm này không chỉ vì khung cảnh đẹp, mà còn muốn mang hình ảnh của FPT đi đến nhiều nơi, giới thiệu với nhiều người hơn. Đặc biệt với những ai đã từng đến Gia Lai nên sẽ cảm thấy thân thuộc hơn khi xem clip của nhóm mình", Hồng Hạnh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Đăk Lăk, cho biết những anh em trong đơn vị lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần “share” bất chấp. Mỗi bài đăng trên fanpage FPT Telecom - chi nhánh Đăk Lăk đều được chị chia sẻ về trang cá nhân. Thậm chí, kêu gọi cả bạn bè, người thân vào “share” giúp.
Theo chị Tuyền, việc chia sẻ nội dung không đơn thuần là cuộc đua, đây là cách đưa sản phẩm FPT lan toả rộng khắp. Bản thân chị còn thấy được sự thay đổi tích cực trong việc xây dựng nội dung, giúp fanpage chi nhánh tăng lượt follow lên đáng kể.
“Giờ vào trang cá nhân của mình mọi người đều biết mình là nhân viên FPT Telecom. Sản phẩm mới ra mắt, chương trình khuyến mãi… đều được cập nhật đầy đủ. Bán hàng online hẳn đang mang lại nhiều hiệu quả, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid”, chị nói.
S4S - Sharing for Strong chính là câu trả lời cho hình thức tái sinh tại FPT Telecom. Dự án này sẽ tập trung vào việc bán hàng và chăm sóc khách hàng online - một phương pháp không mới nhưng sẽ được làm mới. Nhiệm vụ chính của dự án là đầu tư nội dung online, sản xuất các video/hình ảnh thịnh hành, xu hướng; tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ qua các khóa đào tạo với các chuyên gia về Content Marketing, Viral Content,… Giải thích về ý nghĩa tên gọi dự án, chị Tô Thị Thanh Thủy, Phó ban Marketing, Giám đốc Dự án S4S cho biết: “S4S - Share For Strong có nghĩa là Chia sẻ để mạnh mẽ. Share là chia sẻ content, chia sẻ những cách làm online. Strong là mạnh mẽ hơn, lột xác và tái sinh sau dịch Covid. 4S có nghĩa: Shine: chia sẻ, lan tỏa nhiều hơn hình ảnh thương hiệu FPT - Sale: toàn dân bán hàng trên kênh Online - Serve: phục vụ và chăm sóc với các thông tin phản hồi khi Share - Spirit: tinh thần cùng hướng đến kỷ niệm 25 năm FPT Telecom”. Cuộc đua quy tụ 8 đội thi, trong đó 3 đội dẫn đầu đang là "Bão miền Trung", "HO Hùng Thắng" và "Sói Vùng 5". |
Nguyễn Huy
Ý kiến
()