Chúng ta

FPT Polytechnic đăng cai phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Startup Kite

Thứ năm, 28/5/2020 | 17:18 GMT+7

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên (HSSV) giáo dục nghề nghiệp năm 2020 mang tên Startup Kite chính thức khởi động nhằm thúc đẩy sáng tạo của người học, tạo nguồn việc làm mới trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid.

14h chiều nay (ngày 28/5), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức lễ phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2020 - Startup Kite. Chương trình do FPT Polytechnic đăng cai phát động. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng nhiều doanh nhân tham dự.

Chia sẻ về ý tưởng Startup Kite, ông Đào Ngọc Dung nhận định đây là cuộc thi đúng thời điểm khi các nền kinh tế và công việc của người lao động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid. Cuộc cách mạng công nghiệp cùng sự tác động của đại dịch đã và đang ảnh hưởng đến nhiều chuỗi cung ứng, quan trọng nhất là việc làm. “Chúng ta cần thay đổi lực lượng lao động trong nước và quốc tế không thiên về số lượng và giá rẻ như trước”, Bộ trưởng cho biết.

640-Poly-2-1606-1590658776.png

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ sự quan trọng của doanh nghiệp trong cuộc thi. Ảnh: FPT Polytechnic.

Cuộc thi là sự kết hợp giữa nhiều đơn vị, trong đó yếu tố quan trọng nhất là HSSV, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, doanh nghiệp. Với 1.954 cơ sở đào tạo gắn liền với chuỗi cung cầu, hợp tác quốc tế đủ cơ sở thực tế để tổ chức Startup Kite. Theo Bộ trưởng, bắt đầu có thể là các ý tưởng nhỏ nhưng ngày mai sẽ là đốm lửa sáng. Ông Dung cũng hy vọng có sự chung tay của các doanh nghiệp để thúc đẩy, chỉ đường dẫn lối, giúp sinh viên khởi nghiệp, đưa các sáng kiến trở thành khởi đầu cho những lò ấp trứng.

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đại diện Hội đồng cố vấn cuộc thi, thế giới sẽ không trở lại như trước khi có Covid. Khi thế giới thay đổi, hầu hết các khái niệm đi xin việc sẽ biến mất, thay vào đó là HSSV phải tạo ra công ăn việc làm. "Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu hướng đến sự sáng tạo, ý tưởng mới trong thời 'Bình thường mới'. Nếu chúng ta không sáng tạo, robot sẽ thay thế", anh Bình nhấn mạnh và cho hay nhà trường cần trang bị cho người học những kỹ năng mới: giao tiếp, làm việc nhóm, công cụ số… để theo suốt người học sau khi ra trường tới lúc đi làm. “Startup Kite là sân chơi của những kỹ năng mới đó mà người chiến thắng là tất cả các bạn dám tham gia thử thách bản thân”.

640-Poly-8646-1590658776.png

Bộ trưởng cảm ơn tới đơn vị đăng cai phát động cuộc thi. Ảnh: FPT Polytechnic.

Startup Kite là hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của HSSV trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống; đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư. Là người luôn trăn trở về cơ hội việc làm, sự thành công, hạnh phúc của mỗi sinh viên khi ra trường, anh Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng FPT Polytechnic cho rằng cuộc thi lần này sẽ là cơ hội lớn cho HSSV. "Các bạn có cơ hội thành công, tự tin hơn trên con đường sắp tới", anh Thành bày tỏ.

Startup Kite năm 2020 sẽ được tổ chức thành ba vòng: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra từ ngày 28/5 đến hết ngày 15/8, thí sinh/đội thi tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc gửi hồ sơ dự thi về cơ sở giáo dục nghề nghiệp mình học tập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ lựa chọn ra 3 hồ sơ (Nhất, Nhì, Ba) để vào vòng bán kết trước ngày 20/8.

Vòng bán kết (vòng khu vực) diễn ra với hình thức online và offline từ 20/8 - 10/10 theo 8 khu vực trên cả nước: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Các thí sinh/nhóm thí sinh sẽ thuyết trình và phản biện với Ban giám khảo là đại diện các doanh nghiệp trong khu vực để bảo vệ ý tưởng của mình. Tại mỗi khu vực sẽ chọn ra 3 hồ sơ (Nhất, Nhì, Ba) để tham dự vòng chung kết, hoàn thành trước ngày 11/10.

640-Poky-3-5968-1590658776.png

Phát động cuộc thi. Ảnh: FPT Polytechnic.

Vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 14-15/11 tại TP HCM. 24 thí sinh/đội thí sinh xuất sắc nhất sẽ thuyết phục, thương thuyết với nhà đầu tư để huy động vốn, đồng thời sẽ xử lý những tình huống do Ban giám khảo đưa ra. Một trong những phần thi gay cấn được chờ đợi tại vòng chung kết ý tưởng là huy động vốn. Mỗi thí sinh/đội thi sẽ có tối đa 15 phút pitching dự án, tận dụng quỹ thời gian này để gây ấn tượng, kêu gọi vốn từ ban giám khảo là các nhà đầu tư của cuộc thi. Trong đó, có 5 phút thuyết trình thuyết phục nhà đầu tư và 10 phút thương thuyết. Tại vòng này, nhà đầu tư có quyền đưa ra quyết định “có” hoặc “không” đầu tư, tương tự thí sinh cũng có quyền đồng ý hoặc từ chối nhận đầu tư.

Dự kiến, lễ trao giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” diễn ra vào ngày 15/11 tại TP HCM trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 21 giải Khuyến khích và 1 giải được yêu thích nhất. Mỗi giải Nhất, Nhì, Ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kèm tiền thưởng, Cup Vàng/Bạc/Đồng khởi nghiệp và nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư. Giải khuyến khích và giải được yêu thích nhất được tặng giấy khen của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp kèm tiền thưởng và được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.

Hà Trần

Ý kiến

()