Chúng ta

Đám cưới truyền thống Myanmar qua góc nhìn người FPT

Thứ bảy, 6/12/2014 | 09:35 GMT+7

"Sau đám cưới, các chàng rể thường đến nhà cô dâu ở ít nhất vài năm hoặc khi nào có điều kiện mua nhà riêng rồi mới tính", anh Đào Quý Phi, cán bộ FPT IS, chia sẻ về nét đặc biệt trong đám cưới truyền thống ở đất nước Chùa Vàng.

Đến giờ, tôi vẫn thấy vui và hãnh diện khi là một trong số ít người FPT có cơ hội tham dự đám cưới con trai của khách hàng theo phong cách truyền thống.

Hôn lễ được tổ chức long trọng ở khách sạn 5 sao, hai bên thông gia đều thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng không vì thế mà đám cưới bị “Tây hóa” hoặc bị cắt bỏ các nghi lễ truyền thống. Đây là một nét đẹp văn hóa mà người Myanmar luôn rất tự hào.

Tôi may mắn được ngồi cạnh một người bạn địa phương rất giỏi tiếng Anh nên được cô giới thiệu chi tiết và giải thích các nghi lễ từ lúc mở màn đến khi kết thúc.

640x424x523181-540113118265-14-9418-5101

Cô dâu, chú rể cảm tạ và nhận lễ vật từ cha mẹ. Ảnh: S.T.

Lễ vật

Văn hóa Myanmar khá tương đồng với Việt Nam vì họ cũng dùng trầu cau trong đám cưới hỏi. Nhà trai sẽ chuẩn bị trầu cau và lễ vật trong đó có tiền và vàng tùy vào độ giàu có mà số lượng nhiều hay ít để làm sính lễ cho nhà gái. Nhà gái cũng chuẩn bị tiền và vàng để cho đôi uyên ương làm của hồi môn.

Trang phục

Đám cưới ở Myanmar có hai phong cách: Cô dâu chú rể mặc trang phục truyền thống Longy xuyên suốt sự kiện và chỉ mặc trang phục truyền thống khi đi đón dâu và lễ chùa. Khi ra nhà hàng, họ sẽ mặc theo kiểu Tây. Đám cưới tôi tham dự, cô dâu chú rể chọn trang phục truyền thống và màu sắc chủ đạo là màu hồng, đây cũng là màu mà 90% đám cưới ở Myanmar sử dụng vì đó là màu của hoa sen. Người Myanmar quan niệm, đó là màu của sự thánh thiện, sự sống và sinh sôi nảy nở. Màu sắc trang phục luôn được hai gia đình thống nhất để thể hiện sự trang trọng và tôn trọng nhau.

Nghi lễ

Ở Myanmar có đến 95% dân số theo đạo Phật. Vì vậy, đám cưới luôn là dịp để họ thể hiện nét đẹp văn hóa, sự tin tưởng và lòng tôn kính với Đức Phật. Sáng sớm hôm đám cưới diễn ra, nhà trai và nhà gái thức dậy rất sớm, họ chọn giờ đẹp để rước dâu ra chùa hoặc tu viện cầu nguyện và làm từ thiện. Gia đình càng giàu thì họ làm từ thiện càng nhiều để hy vọng đôi trẻ sẽ hưởng được hạnh phúc viên mãn.

Sau khi lễ ở chùa hoặc tu viện, họ mới về nhà chú rể làm lễ gia tiên. Lễ này tôi không được tham dự mà chỉ nghe cô bạn kể lại. Nghe nói thường mời pháp sư về nhà đọc kinh cầu nguyện ban phước cho vợ chồng trẻ. Họ dùng bó lá cây nhúng nước để phất lên đầu cô dâu, chú rể để ban phước. Ở Myanmar, nước tượng trưng cho sự sống, cho sự sinh sôi phát triển và xua đuổi những điều không may mắn. Thường ở buổi đón dâu, họ tổ chức trong gia đình và chỉ mời những người liên quan, bạn bè rất thân của hai bên chứ không đông và ồn ào xe cộ như ở nước ta.

544724-540385861685-144400057-5552-8649-

Sáng sớm hôm đám cưới diễn ra, nhà trai và nhà gái thức dậy rất sớm, họ chọn giờ đẹp để rước dâu ra chùa hoặc tu viện cầu nguyện và làm từ thiện. Ảnh: S.T.

Tiệc cưới

Khi chụp ảnh cưới, cô dâu và chú rể thường mặc trang phục truyền thống của đất nước mình. Ảnh minh họa.

Chỉ có bạn rất thân hoặc họ hàng sẽ mừng cô dâu, chú rể những món quà có giá trị, còn lại khách mời thường tặng phong bì. Hai họ đứng chào khách ở cổng hoa và quan khách ký tên, chụp ảnh như ở Việt Nam. Tại đây, cặp vợ chồng trẻ thường chuẩn bị những món quà lưu niệm xinh xắn để tặng lại quan khách sau khi nhận quà hoặc phong bì từ họ.

Người Myanmar rất coi trọng vị trí và thứ hạng trong xã hội, vì vậy trong đám cưới họ luôn giới thiệu quan khách kèm theo chức danh công việc. Bàn tiệc cũng được sắp xếp theo thứ hạng khách càng VIP sẽ ngồi càng gần sân khấu. Quan khách không ồn ào mà họ chầm chậm tiến vào lễ đường trong tiếng nhạc truyền thống du dương.

Do ảnh hưởng của văn hóa mẫu hệ nên chú rể không dắt tay cô dâu tiến lên lễ đài mà cùng bố mẹ và phù rể ngồi chờ cô dâu cùng bố mẹ, phù dâu lên sau. Bước đi của những người trên lễ đài đều rất chậm theo tiếng nhạc. Thay vì hoa hồng như ở một số nơi, hoa bưởi và hoa nhài trắng tượng trưng cho sự thuần khiết được các bé gái xinh xắn tung lên đầu cô dâu, chú rể.

Sau khi cô dâu và chú rể đã yên vị, từng người họ hàng sẽ lên trao quà, nhẫn, dây chuyền cho vợ chồng trẻ và bó lá cây vẩy nước lên đầu cặp uyên ương trong tiếng vỗ tay của mọi người cùng tiếng kinh cầu phúc.

640x427xP1080593-640x427-pages-1295-4139

Sau lễ cưới tại chùa, cô dâu và chú rể có thể thay trang phục hiện đại để mời khách ở nhà hàng. Ảnh: S.T

Không có màn trao nhẫn vì họ đã trao ở chùa hoặc ở nhà, không có rót rượu hay cắt bánh kem và cũng không có màn khóa môi nóng bỏng như đám cưới thường thấy ở các nước. Cô dâu và chú rể chỉ ngồi nắm tay nhau và chắp tay cảm ơn từng người đến chúc phúc cho họ. Sau khi họ hàng hai bên tặng quà xong thì tiệc chính thức bắt đầu.

Tiệc cưới ở Myanmar rất đạm bạc và mang phong cách như một tea-break trong các sự kiện chứ không đình đám như ở Việt Nam. Họ không uống bia, rượu thay vào đó là trà, nước ngọt và các loại món ăn nhẹ, kem, cocktail, trái cây… trong khi đó ban nhạc hát những bài truyền thống để chúc phúc cho đôi trẻ. Không có cảnh ồn ào chúc tụng và say xỉn, mọi thứ diễn ra rất trang trọng, ấm cúng. Mọi người nói chuyện với nhau vui vẻ, ánh mắt những chàng trai cô gái bừng sáng như những ngọn nến lung linh trong đêm.

Do ảnh hưởng của lịch sử mẫu hệ nên sau đám cưới, các chàng rể thường đến nhà cô dâu ở ít nhất vài năm hoặc khi nào có điều kiện mua nhà riêng sẽ tính sau.

Đào Quý Phi

Ý kiến

()