Lịch sử phát triển nhà F trong hơn 30 năm đã diễn ra hàng loạt “trận đánh” (hợp đồng) lớn, nhỏ trên các “mặt trận” (lĩnh vực) khác nhau. “TGB Seminar lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc học và hành. Các lãnh đạo nhà F cần tiếp thu, vận dụng vào công việc để giúp ‘quân đoàn’ FPT ‘bách chiến bách thắng’ và hướng đến tập đoàn toàn cầu”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ mở đầu tại chương trình “TGB Seminar: Học tập Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam để trở thành Tập đoàn Toàn cầu” diễn ra chiều 5/11 ra tại tầng 13, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát là khách mời của chương trình “TGB Seminar: Học tập Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam để trở thành Tập đoàn Toàn cầu”. Ảnh: Lê Giang |
Chương trình có sự tham gia của khách mời - Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. “Là người gắn bó với FPT từ những ngày đầu thành lập, Trung tướng Nguyễn Đức Soát gần gũi với nhà F như là người anh của Tập đoàn”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định.
Hơn 100 lãnh đạo các cấp của tập đoàn và các CTTV đã được nghe Trung tướng Nguyễn Đức Soát sơ đồ hóa cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cách thức vận hành của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời chiến và thời bình. Từ đó, Trung tướng có những chia sẻ gắn với hoạt động hiện tại của FPT, tập trung vào những “trận đánh” (hợp đồng).
Qua việc phân tích những trận đánh tiêu biểu trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, người FPT có thêm góc nhìn về ưu - nhược điểm, các bài học kinh nghiệm về đánh trận rồi liên hệ với hoạt động kinh doanh hiện tại.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đang bút ký các nội dung quan trọng có liên hệ với nhà F trong quá trình Trung tướng Nguyễn Đức Soát (bên trái) chia sẻ. Ảnh: Tiến Rinh |
Có 3 cấp độ của cuộc chiến gồm: trận đánh, chiến dịch và chiến dịch chiến lược. Với nhà F, trận đánh giống như ký kết hợp đồng với đối tác, khách hàng. Chiến dịch tương đương với dự án, tiêu biểu như OKR, Chuyển đổi số - DX… Và FPT hiện chờ thời cơ để “bung” chiến dịch mang tính chiến lược.
Trao đổi về quy định giao nhận nhiệm vụ, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhấn mạnh việc làm rõ nhiệm vụ từng giai đoạn, mỗi bộ phận gắn với mục đích, kế hoạch thực hiện, hoàn thành. Trong đó, nhiệm vụ cần cụ thể, rõ ràng, chi tiết. Thứ tự thực hiện cần chính xác, mạch lạc, logic. Cạnh đó, công tác tổ chức cần được phân công cụ thể, nghiêm chỉnh thực hiện hiệp đồng tác chiến (phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận).
Việc tiến hành các trận đánh, người phụ trách (chỉ huy) cần được giao toàn quyền quyết định (tướng quân tại ngoại), gắn với khẩu hiệu “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tuy nhiên, đối với những trận đánh có ý nghĩa chiến lược cần có sự chỉ đạo của cấp cao nhất trong công ty hay tập đoàn.
Về chế độ báo cáo, người FPT cần tiến hành các cuộc giao ban ngắn hằng ngày để nắm bắt tình hình ‘toàn quân’, diễn biến các trận đánh… theo định dạng (format) riêng, đảm bảo ngắn gọn, đủ thông tin, dễ hiểu. Ngoài ra, các cuộc họp định kỳ hằng tuần, tháng, quý, năm cũng cần tổ chức gọn gàng, hiệu quả.
Hơn 100 lãnh đạo các cấp của tập đoàn và các CTTV tham dự chương trình. Ảnh: Lê Giang. |
Một số trận đánh, chiến dịch cần chú ý sự phối thuộc: phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận trong thực hiện theo nhiệm vụ hoặc thời gian. Trong đó, việc tuyên dương, khen thưởng nên có cơ chế rõ ràng, phù hợp, đúng đối tượng. Đồng thời, đối với các nhiệm vụ không hoàn thành hay sự phối thuộc không thực hiện được thì cũng có hình thức xử phạt, kỷ luật thích đáng.
“Kỷ luật là sức mạnh trong quân đội”, Trung tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, dân chủ trong quân đội diễn ra ở 3 lĩnh vực (tài chính, chính trị và hậu cần) và thể hiện ở việc bàn bạc cách đánh (phát huy trí tuệ tập thể). Đối với những trận đánh vượt khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị, cần báo cáo cấp trên để quyết định và huy động thêm lực lượng hỗ trợ.
Giải đáp thắc mắc của CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn về công tác tuyên dương, khen thưởng trong quân đội, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ quy trình xét duyệt từ đơn vị đến cấp cao nhất cùng những khen thưởng đột xuất, gắn với các thành tích trong lao động, sản xuất, chiến đấu. Vai trò quan trọng nhất trong quy trình vẫn là ở đơn vị, trực tiếp là lãnh đạo, quản lý. Từ đó, anh Trương Gia Bình cho hay: Ngoài công tác quản trị hiện tại, FPT sẽ bổ sung thêm quản trị theo các “trận đánh” (hợp đồng, mảng công việc). Từ đó, căn cứ để xét duyệt tuyên dương, khen thưởng, thăng chức sẽ đầy đủ, phù hợp, dễ dàng hơn.
Lãnh đạo các công ty thành viên dự chương trình “TGB Seminar: Học tập Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam để trở thành Tập đoàn Toàn cầu”. Ảnh: Lê Giang |
Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc cũng chia sẻ về khó khăn trong công tác đánh giá cán bộ khi chưa quy chuẩn hóa các dự án thành các chiến dịch. Qua việc phân tích điểm giống và khác nhau giữa quản trị dự án và triển khai chiến dịch, anh Ngọc cũng nhấn mạnh về vai trò của công tác chuẩn bị trong dự án. Mỗi chiến dịch có hàng tháng, hàng năm trời chuẩn bị thì từng dự án cũng cần có thời gian chuẩn bị tương ứng và chi tiết hơn.
Về hệ thống, quy trình, nội dung đào tạo, nhà F đang thực hiện “bình dân học vụ” mà chưa có điểm nhấn, trọng tâm, chuyên môn. Vì vậy, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết cần có quy chuẩn, khung đào tạo phù hợp, chất lượng hơn, nhất là trong giai đoạn triển khai chiến dịch “Chuyển đổi số - DX”, phương pháp quản trị OKR… của nhà F hiện nay.
Tổng kết những việc cần triển khai, anh Bình cho hay: Nhà F cần có khung chuẩn về cơ cấu lực lượng, bộ phận chuyên trách, kiêm nhiệm theo ngành dọc. Đồng thời, công tác nắm bắt, báo cáo và bảo mật thông tin cũng cần được chú ý. Các cấp trận đánh, chiến dịch, chiến lược cần được phân định rõ ràng để có cơ sở căn cứ cho việc phân công nhiệm vụ, thứ tự thực hiện… Nền tảng triển khai có hiệu quả các nội dung này là việc thực hiện tuân thủ kỷ luật.
Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà đại diện tập đoàn tặng hoa cám ơn Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Ảnh: Lê Giang |
Tuân thủ kỷ luật đang trở thành chủ đề quan trọng tại FPT. Quyết định “giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ” được đưa ra dựa trên nhiều ý kiến đóng góp của các cán bộ quản lý, lãnh đạo trong tập đoàn tại các buổi seminar TGB về kỷ luật của anh Trương Gia Bình. Với sự tham gia của hơn 200 cán bộ quản lý (diễn ra tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 9), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra nhiều lý do để “đã đến lúc FPT phải nâng cao tính kỷ luật”. "30 năm qua, chúng ta thành công với tinh thần đoàn kết, tính tự giác, nhiệt huyết, chung niềm tin và chất ‘điên’ của người FPT nhưng nếu là tự kỷ luật (tự giác - kỷ luật), thành công của FPT sẽ không dừng ở xuất khẩu phần mềm như 20 năm trước”, anh nói. Vì thế, FPT muốn chinh phục những đỉnh cao mới thì phải cần đến tính tuân thủ tự giác. Tuân thủ là công cụ để FPT sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới về chuyển đổi số. |
>>Anh Trương Gia Bình: ‘FPT phải nâng kỷ luật để chinh phục đỉnh cao mới’
Tiến Rinh
Ý kiến
()