Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Chính phủ hãy yêu thương doanh nghiệp hơn nữa'

Thứ năm, 12/10/2023 | 10:08 GMT+7

Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, anh Trương Gia Bình mong Chính phủ đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Chủ tịch FPT - anh Trương Gia Bình chia sẻ về 3 niềm vui: Niềm vui thứ nhất được Thủ tướng mời gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Niềm vui thứ hai là niềm vui làm người doanh nhân. “Chúng ta sống cuộc sống vui, có khó khăn vất vả nhưng rất vui vì đã vượt ra khó khăn tạo ra của cải vật chất xã hội, chăm lo gia đình, lo cho nhân viên, đóng thuế cho Nhà nước, làm nhiều việc tốt cho xã hội”, Chủ tịch FPT cho biết.

Niềm vui thứ ba là vừa vui vừa phải suy nghĩ, nỗ lực. “Nếu hiểu được niềm vui này, khai thác được niềm vui này thì thành công còn nhiều hơn nữa”, anh Bình nói thêm.

-5681-1697071747.jpg

Chủ tịch FPT trong buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Nhân dịp này với tư cách một doanh nhân, Chủ tịch FPT gửi lời cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương và địa phương đã giúp có cuộc sống hòa bình trong gần 50 năm qua, giúp chúng ta sống trong một xã hội an lành. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã ký 16 hiệp ước tự do thương mại thế hệ mới và sắp ký 3 hiệp ước nữa, theo anh Bình, đó là cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn với các nước, có môi trường tự do sáng tạo phát huy năng lực của mình. Đây là lời cảm ơn chân thành của cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu lao động tới các cấp lãnh đạo.

Anh Trương Gia Bình cũng đề nghị: "Chính phủ đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa. Có tình cảm đó thì doanh nghiệp Việt Nam như đàn chim Việt sẽ dang cánh bay trên bầu trời đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc".

Thực tế, dù trước mắt là nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn nêu quyết tâm muốn góp sức, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam hiện có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh; khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị, thương hiệu vươn tầm ra thế giới, giúp nâng cao vị thế Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cách đây 19 năm, vào ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định, lấy ngày 13/10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Quay trở lại khoảng 37 năm về trước, Chủ tịch VCCI chia sẻ, kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ nằm trong sự bủa vây của khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn, 50% số hộ trong cả nước là hộ nghèo.

“Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã như làn gió mùa Xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu.

-6598-1697079406.jpg

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Cộng đồng doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đã luôn ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ sự phát triển của khối doanh nghiệp này, quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Từ đó, đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

Ông Công nhấn mạnh, với việc xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước.

Theo Chủ tịch VCCI, cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao, năng lực và khả năng hội nhập quốc tế cũng có bước tiến rõ nét.

Dẫn chứng rõ ràng nhất đó là sự xuất hiện của những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. Tiêu biểu có: Vietjet Air, Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk, Lộc Trời, Thái Bình Shoes (TBS), Tổng công ty Kinh Bắc,...

>> Anh Trương Gia Bình: FPT song hành Đà Nẵng xây dựng thủ phủ vi mạch bán dẫn thế giới

S.T

Ý kiến

()