Chiều 27/9, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tổ chức Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm phong trào doanh nghiệp trẻ Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của HanoiBA.
Với chủ đề “tư duy mới, hành động mới”, tại diễn đàn, các doanh nhân đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong việc điều hành, dẫn dắt công ty cũng như đưa ra các ý tưởng, giải pháp mới để doanh nghiệp Việt Nam “cất cánh” trong bối cảnh đang có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít các thách thức.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. |
Bàn về vai trò của người lãnh đạo trong doanh nghiệp, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT thẳng thắn thừa nhận: “Hiện tại, tôi vẫn đang phải đi bán hàng”. Anh kể mới đây phải trực tiếp bay sang Nhật gặp một công ty khách hàng, ngồi hàng tiếng đồng hồ để tư vấn, thuyết phục họ; sau đó lại ra tàu điện đi gặp một công ty khác.
Thực tế, rất ít lãnh đạo doanh nghiệp lớn trực tiếp đi bán hàng, vì đi bán hàng là phải chiều khách hàng, có khi phải hạ mình thấp hơn, tuy nhiên Chủ tịch FPT không ngại điều đó, thậm chí còn thấy khó chịu khi các cuộc "đi bán hàng" của mình thưa hơn.
“Bây giờ FPT sản xuất chíp, có thể tôi sẽ phải gặp tất cả các công ty sản xuất chip lớn trên toàn cầu để chào hàng, để thuyết phục họ hợp tác”, anh nói.
Chủ tịch Trương Gia Bình kể thêm một câu chuyện khác hồi năm 2011, khi Nhật Bản xảy ra động đất và sóng thần. Lúc đó, mặc dù nhân viên và gia đình đều ngăn cản nhưng anh vẫn quyết định bay sang Tokyo. “Anh làm tướng thì chỗ đầu sóng ngọn gió anh phải đứng, các em không được cản”, anh nói với nhân viên. Đến Nhật Bản, anh đã động viên các đồng nghiệp FPT ở lại làm việc.
Kể hai nội dung trên, Chủ tịch FPT muốn nhấn mạnh vai trò làm gương, đi đầu của người lãnh đạo trong doanh nghiệp, từ kinh doanh, văn hoá đến đổi mới tư duy. “Làm tướng phải sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng hi sinh thì nhân viên mới theo được”, anh Bình nêu quan điểm.
Chia sẻ về vấn đề tư duy mới trong kinh doanh và sự quan trọng của việc dám đổi mới tư duy với doanh nhân, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhớ lại thời điểm trước năm 2010. Lúc đó, công ty có 142 cửa hàng, là hệ thống bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên lại chưa có khái niệm về bán lẻ chuyên nghiệp.
Nhận ra những yếu kém khi đối mặt với hệ thống bán lẻ liên tục mở rộng và nỗi sợ "tụt hậu" trong một tầm nhìn vươn ra khu vực, PNJ đã phải thay đổi tư duy, bắt đầu từ chính người lãnh đạo.
"Lúc đó yêu cầu đặt ra là thay đổi hay là chết. Mặt khác, thời gian trước chúng tôi đã thay đổi liên tục nhưng vẫn không hiệu quả. Tôi nhận ra rằng nếu không thay đổi tư duy thì có làm bao nhiêu việc cũng không hiệu quả. Vì vậy, tôi quyết định bỏ ra 1 năm để làm một cuộc cách mạng tư duy cho toàn công ty”, bà Dung nhớ lại.
Sau khi thống nhất về tư tưởng, PNJ mới thuê tư vấn nước ngoài để chuẩn hóa hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế, sau đó, mọi thứ mới thực sự “chạy” thông suốt và mang đến một PNJ như ngày nay. Từ đó đến nay, bà Dung cũng không quên giữ thói quen đổi mới cho công ty. Cứ 5 năm, PNJ lại thực hiện tái cấu trúc một lần.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ. |
Ngược lại, việc liên tục đổi mới cũng đặt ra bài toán cho doanh nghiệp là làm sao vẫn giữ được “nhịp của đoàn tàu ổn định”. Một bên là thế hệ trẻ với rất nhiều ý tưởng mới mẻ, mang những bài học thực tế tốt nhất từ nhiều công ty, nhiều nơi trên thế giới về. Một bên là công thức thành công của 20, 30 năm.
Với vai trò đầu tàu lãnh đạo, bà Dung cho rằng trách nhiệm của bản thân là ở sự lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện để hai bên ngồi với nhau, phân tích nguyên nhân và tìm ra điểm chung để cùng đi tới mục tiêu cao hơn.
Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse thì chia sẻ về lối tư duy khác biệt để giúp đạt được thành công nhanh hơn.
Ông lấy ví dụ người Việt thường đi từ quá khứ đến tương lai, như muốn có nhà thường tích tiền cho đến khi đạt 90% giá trị ngôi nhà, đa phần cuối đời mới xây được ngôi nhà. Ngược lại, người Mỹ muốn có nhà sẽ đi thuê hoặc mua trả góp, nhờ vậy 18 tuổi họ đã sở hữu ngôi nhà. Hai lối tư duy đã tạo ra hai kết quả khác nhau.
Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú. |
Ông Phú tiết lộ cách tư duy ngược đã giúp ông đạt được kết quả tốt trong kinh doanh. Đó là muốn gì thì hãy tưởng tượng đến nó và vẽ con đường. Ví dụ muốn lên đỉnh núi, hãy tưởng tượng mình trên đỉnh núi và vẽ ngược lại con đường, có thể 4-5 con đường và sau đó chọn con đường ngắn nhất.
"Đây là tư duy tôi ngộ ra và đã thử áp dụng trong sản xuất", vị doanh nhân chia sẻ.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, tôi biết Việt Nam có cơ hội. Lúc đó dù lãi suất cao nhưng Sunhouse mạnh dạn xây luôn hai nhà máy, để đón đầu các đối tác trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng, vì khi nhà đầu tư sang Việt Nam, đối tác sẽ tìm kiếm nhà máy sẵn có để phát triển sản xuất, không thể chờ mình xây dựng. Với startup, hãy bắt đầu bằng mục tiêu mình muốn và vẽ lại con đường, lúc đó sẽ ra một loạt hành động tương ứng.
Đ.A
Ý kiến
()