Mỗi lần nhắc lại câu chuyện OKR quý II vừa qua, chị Nguyễn Thị Lan Anh "vẫn còn run".
Thời điểm cuối tháng 5, dịch bệnh bùng phát ở Điện Biên. Không may, chi nhánh của FPT Telecom tại đây có 1 nhân viên hành chính nhân sự là F1. Do F0 phát hiện khá muộn, nhân viên này cũng chỉ biết về tình trạng của mình sau một thời gian thường xuyên tiếp xúc với tất cả bộ phận khác. Mặc định toàn bộ 32 người công tác chi nhánh đã chuyển thành F2, các cán bộ nhân viên đều tự cách ly tại nhà. Đặc thù tỉnh nhỏ và khu vực lòng chảo, văn hoá truyền miệng lan rất nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh.
“Mọi người hoang mang, có những bạn bộ phận kinh doanh và thu ngân không dám đi làm. Ai cũng trong tình trạng lo lắng, thậm chí muốn dừng công việc trong 1-2 tháng để đảm bảo an toàn”, nữ Giám đốc chi nhánh nhớ lại. Sau thời gian ngắn lấy lại bình tĩnh, chị trao đổi lại với các trưởng bộ phận, kiên trì trấn an rằng dịch bệnh vẫn có thể kiểm soát, chỉ cần thực hiện chuẩn 5K, thay đổi hình thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến.
Chỉ sau vài ngày, công việc tại chi nhánh cũng trở lại guồng quay quen thuộc. Các CBNV đều trở lại mạnh mẽ, “đi” từng khách hàng để tư vấn, thuyết phục, giữ chân họ.
Chốt quý II, với sự đồng lòng, chi nhánh Điện Biên đã đạt số bán PayTV ấn tượng: vượt 151% so với cùng kỳ 2020 và đạt 118% kế hoạch được giao; rời mạng internet giảm 46%, rời mạng PayTV giảm 63%. “Mình rất hạnh phúc và tự hào về kết quả này, chiến lược toàn dân bán hàng đã thể hiện được hiệu quả rõ rệt”, chị Lan Anh xúc động chia sẻ.
Đặt OKR để xóa “dớp”
Lịch sử không ủng hộ chi nhánh Điện Biên. Các năm trước, quý II luôn là quý bán hàng rất khó và khách hàng rời mạng cao bởi đối thủ “đánh” mạnh nhất ở thời điểm này. “OKR cá nhân và bộ phận cho 3 tháng này mình đưa ra nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết mà chi nhánh cần cải thiện để xóa cái ‘dớp’ đó”, chị Lan Anh nói.
Vượt qua sự hoang mang, chị Lan Anh vừa cương quyết vừa mềm dẻo, động viên tinh thần các CBNV, bình tĩnh thiết lập trạng thái chống dịch cùng lúc bám sát công việc. Bên cạnh đó, những cách thức đã giúp chi nhánh Điện Biên chinh phục OKR các quý trước vẫn được duy trì triệt để.
Mục tiêu và các kết quả then chốt (KRs) được chia nhỏ và bám sát theo đơn vị ngày, tuần. Mỗi buổi làm việc, sau khi trao đổi đầu giờ cùng các bộ phận, chị Lan Anh sẽ xem lại kết quả công việc của ngày hôm trước, ghi lại những nội dung thực hiện chưa tốt để kịp thời tìm giải pháp sửa đổi. Song song, chị tập trung vào các mục tiêu đã chia cho từng bộ phận để đôn đốc hoàn thành mục tiêu theo ngày.
Ngoài ra, chị cập nhật các chính sách, chương trình thi đua để kịp thời truyền thông, điều chỉnh cho các bộ phận. Chị Lan Anh nhận định cái khó của chi nhánh nhỏ là khi thực hiện chiến dịch lớn hay chương trình hoành tráng, mình phải cân đối nhân lực và khó có kết quả rực rỡ. Ngược lại, thuận lợi lại nằm ở việc trao đổi truyền thông sẽ đi sâu sát vào từng cá nhân hơn. “Sức mạnh tập thể chính là điểm mấu chốt dẫn tới thành công”, chị khẳng định.
Việc vượt mục tiêu cũng là kết quả của quá trình xây dựng OKR bài bản trong thời gian dài. Từ quý III/2020 chi nhánh Điện Biên đã đưa ra chương trình "Toàn dân bán hàng", mang lại những lợi ích thực tế cho tập thể và mỗi CBNV. “Chương trình là minh chứng mạnh mẽ cho việc thực hiện OKR tốt, từ đó các bạn tin tưởng và lắng nghe những chỉ đạo do mình đưa ra, nỗ lực đạt được OKR”. Nhận thấy tỷ lệ rời mạng khá cao trong năm 2020, chị cũng đưa ra các mục tiêu thách thức để giải quyết vấn đề cấp bách về việc giảm rời mạng của chi nhánh từ đầu năm nay.
Nữ giám đốc cho rằng bài học rút ra sau quá trình “chạy” OKR 3 tháng qua là trong mọi tình huống cần bình tĩnh, tin tưởng vào bản thân, đồng đội và kiên định với các kế hoạch hành động của mình.
Tập thể chi nhánh Điện Biên của FPT Telecom. |
Thẻ thưởng - thẻ phạt là công cụ hữu ích
Trở lại FPT Telecom từ tháng 3/2020 với vị trí Trưởng phòng kinh doanh, chị Lan Anh “đọc tài liệu OKR trong mơ hồ”. Chị phải tìm hiểu lại từ các kênh truyền thông nội bộ của tập đoàn, từ ban giám đốc đương thời của chi nhánh, Trung tâm đào tạo của FPT Telecom và cả hỏi han các anh chị em đồng nghiệp.
“Ban đầu mình chưa hiểu bản chất nên chưa có gì thách thức hay kỳ vọng. Từ quý II/2020 mình đã được giao phụ trách chi nhánh và nhận ra OKR chẳng quá khó”, chị Lan Anh tâm sự. “Thay vì nghĩ sẽ hoàn thành những chỉ tiêu khô cứng thì mình đặt vào đó nhiều kỳ vọng và ước mơ hơn. Một khi đã hiểu bản chất công việc mình sẽ biết đâu là điều cấp thiết và sẽ đưa được thách thức để xử lý trong thời gian tới cho cả cá nhân và bộ phận”. Với phương châm đặt mục tiêu sát thực, không dàn trải, OKR của chi nhánh Điện Biên từ đó đến nay đều được hoàn thành trên mức kỳ vọng.
Mỗi quý, chị Lan Anh làm việc với từng CBNV một lần. Hàng tuần hoặc hàng tháng đều đặn có những cuộc họp đội chủ chốt. Ngoài ra chi nhánh tiến hành rất nhiều buổi họp online và theo bộ phận. Chính từ những buổi trao đổi đó, chị đã truyền lửa đến hơn 30 con người của chi nhánh Điện Biên.
“Để khích lệ anh em đồng lòng thì mình phải gương mẫu, thưởng phạt rõ ràng, đặt ngay quy định từ ban đầu”, nữ Giám đốc cho biết. Theo chị, thẻ thưởng - thẻ phạt là công cụ rất hữu hiệu. Thẻ không chỉ liên quan đến “vấn đề kinh tế” mà còn có tác dụng động viên tinh thần CBNV. “Khi nhận ra đồng lòng sẽ tốt cho đại cục và lợi ích được đảm bảo thì mọi người đều cố gắng hơn”.
Chị Lan Anh khẳng định, OKR của bộ phận là tổng hợp sức mạnh “toàn dân”, từng bộ phận đều được giao mục tiêu cụ thể, được khơi gợi sự sáng tạo và tận lực từ mỗi cá nhân. “OKR không phải thước đo của sự thành công, nó giúp ta thiết lập trạng thái tham vọng nhất và định lượng những gì mình đạt được trong quá trình theo đuổi mục tiêu đã đề ra”, chị chia sẻ. Với tinh thần đó, chị Lan Anh cùng chi nhánh Điên Biên đang hướng tới OKR quý III: tăng trưởng 30% phát triển thuê bao net PayTV so với kế hoạch được giao và phát triển thuê bao net internet đạt 130%.
>> FPT Telecom quyết tâm vượt dịch với tinh thần ‘cách ly không cách xa’
Hoa Hạ
Ảnh: ĐVCC
Ý kiến
()