Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS) được FPT IS triển khai từ năm 2016 giúp Chính phủ Bangladesh quản lý thuế của hơn 500.000 đối tượng nộp thuế VAT và phục vụ hoạt động nghiệp vụ của 320 cơ quan thuế địa phương. Hiện dự án bước vào giai đoạn cao điểm với khách hàng để chốt yêu cầu nghiệp vụ và có thể kết thúc dự án trong năm 2020.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đúng lúc đội dự án cần phải duy trì các cán bộ phần mềm và hạ tầng để tiếp nhận các yêu cầu nghiệp vụ, hỗ trợ hệ thống. Đến nay, có hơn 10.000 người dương tính với virus nCoV và hơn 180 trường hợp tử vong tại Bangladesh. Con số này được cho là chưa chính thức vì còn nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhưng chưa được xét nghiệm do cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của Bangladesh còn yếu kém.
Quyết định ở lại trong thời điểm này có thể là một sự đánh cược vào tính mạng và sức khỏe của bản thân, nhưng anh Nguyễn Trí Trung (FPT IS FPS) và Trần Mạnh Hùng (FPT IS ISS) vẫn lựa chọn ở lại với lý do đây là giai đoạn quan trọng của dự án “Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT” (IVAS) - một dự án triển khai tích hợp cả phần cứng và phần mềm với giá trị và khối lượng công việc rất lớn, việc đảm bảo và duy trì hệ thống hoạt động trơn tru là cần thiết.
Anh Nguyễn Trí Trung (phải) và Trần Mạnh Hùng (trái) lựa chọn ở lại Bangladesh với lý do đây là giai đoạn quan trọng của dự án “Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT” (IVAS). |
Trước sự bùng phát của dịch bệnh, chính phủ Bangladesh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đảm bảo tuân thủ giới nghiêm, làm việc tại nhà. Chính sách này đã ảnh hưởng tương đối đến công việc của đội dự án. Ngoài làm việc trực tuyến với đội offshore (hỗ trợ từ xa) ở Việt Nam, hiện tại đội phải chuyển đổi hình thức làm việc từ offline sang online với các nhân viên FPT người Bangladesh, khách hàng và các đối tác. Tuy phải liên tục kết nối và trao đổi với nhiều bên nhưng đội dự án vẫn duy trì các hệ thống đường dây nóng (qua điện thoại và hệ thống bộ phận trợ giúp online) để phục vụ khách hàng theo đúng cam kết.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, công ty yêu cầu các đội dự án tại nước ngoài đánh giá tình hình, khẩn trương đưa cán bộ về nước. Từ 15 cán bộ làm việc tại Dhaka, nay còn 2 người Việt Nam ở lại cùng các cán bộ người Bangladesh phụ trách cả phần cứng và phần mềm của một dự án phức tạp. Ngoài việc làm cầu nối giữa khách hàng, đối tác và các nhân viên FPT tại Bangladesh với đội FPT tại Việt Nam, Nguyễn Trí Trung và Trần Mạnh Hùng còn đảm nhận công tác giám sát, theo dõi và khắc phục các sự cố để đảm bảo hệ thống IVAS làm việc thông suốt.
Bằng việc duy trì hoạt động liên tục của hệ thống nên dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong tháng 4 đã có hơn 50.000 người dân nộp được tờ khai thuế đúng hạn. Có được sự thành công này là nỗ lực không ngừng của cả đội dự án tại Việt Nam và Bangladesh. Và hơn hết đó là sự xông pha, dũng cảm của hai "chiến sĩ" FPT IS.
Để đảm bảo an toàn, hai cán bộ nhắc nhở nhau tuân thủ theo đúng hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. “Trong trường hợp cần ra ngoài như lên trung tâm dữ liệu Data Center để kiểm tra và khắc phục sự cố, đi siêu thị để mua các nhu yếu phẩm cần thiết…, hai anh em đều đảm bảo các trang thiết bị phòng dịch như găng tay, khẩu trang, kính cũng như sử dụng nước rửa tay khô và cồn vệ sinh để diệt khuẩn” - anh Trí Trung chia sẻ. Đến nay, sức khoẻ của hai cán bộ vẫn được đảm bảo.
“Hàng ngày, hai anh em thường xuyên gọi điện về gia đình để cập nhật tình hình đời sống, sức khỏe và động viên người nhà an tâm, đảm bảo có một hậu phương vững chắc, để hai anh em có thể yên tâm công tác onsite” - anh Trần Mạnh Hùng tâm sự. Việc quyết tâm đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng triển khai dự án là nỗ lực nhằm khẳng định lời cam kết "không rời bỏ trận địa trong bất kỳ hoàn cảnh nào" mang lại hình ảnh tốt của FPT IS, của FPT, của người Việt Nam đến với khách hàng và bạn bè Bangladesh,
Trong khi đó, tại quốc đảo Singapore - nơi dịch cũng đang bùng lên mạnh, anh Nguyễn Vương Nhân (FPT IS ENT) một mình chống chọi, hoàn thành giai đoạn 1 của dự án “Dịch vụ chuyển đổi hệ thống lưu trữ” cho khách hàng, chưa thể về nước do chính sách bay hạn chế.
Đầu tháng 3, Nguyễn Vương Nhân bắt đầu chuyến công tác tại Singapore dự kiến kéo dài một tháng. Các quốc gia lúc đó chưa có chính sách cấm bay, nên theo kế hoạch với khách hàng triển khai dự án “Dịch vụ chuyển đổi hệ thống lưu trữ”, công ty vẫn phải giữ cam kết. Đây là dự án giúp nâng tầm uy tín công ty và đã được FPT IS ENT chuẩn bị từ lâu. Bỏ qua băn khoăn ban đầu, anh đã lên đường sang đảo quốc cùng những thứ mà văn phòng FPT IS Tân Thuận chuẩn bị: nước rửa tay khô, khẩu trang y tế và áo cam FPT.
Anh Nguyễn Vương Nhân (FPT IS ENT) hiện có kỳ onsite kéo dài ngoài dự kiến tại Singapore. |
Công việc triển khai giai đoạn 1 gồm chuyển một phần hệ thống và làm quen cách thức cùng sự phối hợp. Dịch bệnh đang căng thẳng khắp nơi trên thế giới, tuyến đường hằng ngày của Nhân hầu như chỉ từ khách sạn đến tòa nhà khách hàng. Đường phố vắng tanh, các khu giải trí thưa thớt người, ngay cả nhạc nước đặc trưng cũng không còn. Không khí căng thẳng và buồn tẻ.
Chỉ một tuần sau khi Nhân sang công tác, các chính sách ngày càng siết chặt khi tình hình trở nên phức tạp. Hãng hàng không Việt Nam tuyên bố ngừng chuyến bay đi và đến Singapore, chính phủ Singapore cũng tuyên bố tạm dừng khai thác đường bay đến Việt Nam. Dù có lo lắng nhưng anh vẫn cố gắng làm việc để không ảnh hưởng dự án và hình ảnh công ty với khách hàng.
Ngày 26/3, tòa nhà đặt văn phòng nơi anh làm việc bị phong tỏa do xuất hiện những người đầu tiên nhiễm nCov. Nhân chuyển sang giai đoạn work from... hotel - làm việc từ khách sạn. Đến đầu tháng 4, số ca nhiễm bệnh tại Singapore đã tăng lên theo cấp số nhân, với hơn 1.000 người. Nhân tự cách ly hoàn toàn tại khách sạn, làm việc từ xa và chỉ ra ngoài khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
Những mặt hàng công ty cẩn thận chuẩn bị trước đó cho anh, bỗng quý giá hơn bao giờ hết: nước rửa tay được anh chiết ra những lọ nhỏ và mang theo mỗi khi ra ngoài mua thực phẩm. Ngoài các cuộc gọi với người thân, anh cũng được động viên từ phía công ty hỗ trợ về tinh thần, tài chính và các mối quan hệ với khách hàng để bớt cảm giác cô độc. Bản thân anh cũng ý thức giữ gìn sức khoẻ, tránh tiếp xúc nơi đông người, liên lạc cập nhật tình trạng thường xuyên với công ty để được hỗ trợ kịp thời…
Sau 5 lần gia hạn khách sạn, công ty đã đặt vé cho anh chuyến bay về khi quê nhà đã hết giai đoạn 15 ngày “cách ly toàn xã hội”, cũng là lúc anh đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án theo tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, ra đến sân bay thì nhận thông tin chỉ có 200 người Việt Nam được bay về, anh không nằm trong danh sách nên tiếp tục ở lại, tiếp tục làm việc và tự bảo vệ an toàn bản thân.
Nằm trong các vùng nguy hiểm và không biết bao giờ mới được về nước, các anh Nguyễn Trí Trung, Trần Mạnh Hùng và Nguyễn Vương Nhân được người Hệ thống gọi là những "chiến sĩ sống trong lòng địch”.
>> Phòng Covid, FPT IS thiết lập Văn phòng số 2
Theo FIS Weekly
Ý kiến
()