Chúng ta
Thứ hai, 2/8/2021 | 07:00 GMT+7

Bản lĩnh FPT nơi xứ người

Trong “cuộc chiến” đảm bảo sản xuất, kinh doanh liên tục và vươn tới những ước mơ lớn của nhà F, có những “'người lính” cắm ở tuyến đầu trên trường quốc tế, đối mặt vô vàn áp lực, thậm chí hiểm nguy.

Bản lĩnh FPT nơi xứ người

Trong “cuộc chiến” đảm bảo sản xuất, kinh doanh liên tục và vươn tới những ước mơ lớn của nhà F, có những “'người lính” cắm ở tuyến đầu trên trường quốc tế, đối mặt vô vàn áp lực, thậm chí hiểm nguy.

Với hoài bão tuổi trẻ và ước muốn thử thách bản thân ở môi trường làm việc quốc tế, đầu năm 2019, chàng thanh niên Ngô Sỹ Hải háo hức lên đường sang Nhật.

Anh không ngờ, chưa đầy năm, Covid - đại dịch quy mô toàn cầu ập xuống. Vé máy bay về thăm nhà bị hủy. Công việc căng thẳng. Nỗi cô đơn nơi đất khách gặm nhấm hàng đêm, khi giờ làm kết thúc. Tất cả dường như nhấn chìm Hải trong buồn chán và khó khăn. Nhưng Hải không để mình gục ngã. Anh vặn dây cót cho bản thân. Mỗi sáng sớm, 6h30, chàng trai trẻ lại bắt đầu ngày mới với tâm niệm: phải cố gắng hơn nữa. 

Hải là một trong vô số những sắc áo cam đang nỗ lực chiến đấu ở “tuyến đầu” trên xứ người, vì ước mơ vươn xa của FPT.

Dự án Hải tham gia là chuyển đổi hệ thống từ thiết bị thu thập thông tin cầm tay sang nền tảng iOS cho khách hàng Coca-Cola tại Nhật Bản. Trước đó, một nhà cung cấp khác thuộc top đầu của Nhật đã làm trong hơn một năm và không có kết quả. 3,5 tháng - là thời gian cam kết mà nhóm của Hải, đứng đầu là anh Hoàng Xuân Quang (DLGJ.LOG) đưa ra, cùng giải pháp riêng. Một thử thách thực sự cam go.

Để hoàn thành đúng kế hoạch với khách hàng lớn, đội dự án - hoàn toàn là người Việt - được điều động gấp. Bao gồm nhân sự làm việc trực tiếp cho khách (onsite), nhân sự làm từ xa, cả nhân sự bán thời gian và onsite ngắn hạn… Tất cả cùng trực chiến đêm ngày, không kể thứ bảy, chủ nhật để ra được sản phẩm hoàn hảo cuối cùng.

Vươn ra thị trường quốc tế là chấp nhận đương đầu với vô vàn thách thức, không chỉ là áp lực tâm lý hay yêu cầu cao về sản phẩm. Đó còn là tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng đội ngũ, là khó khăn trong giao tiếp, chênh lệch giờ giấc… Covid-19 lại càng khiến cho những thách thức ấy nhân lên gấp bội.

"Trong bối cảnh Covid, việc quản lý thông tin xuyên suốt nhiều tầng từ nội bộ đến người dùng cuối là thách thức lớn nhất với chúng tôi", anh Nguyễn Minh Tân, Quản trị dự án chuyển đổi Groupware từ Google Suite lên Microsoft 365 của Tập đoàn SatoHD, cho hay. Đây là một dự án 100% online với các thành viên đến từ nhiều đầu cầu như Tokyo, Osaka, Trung Quốc, châu Âu, Việt Nam… FPT phải chịu trách nhiệm báo cáo cho cả đơn vị quản lý tổng dự án và ban quản lý dự án phía người dùng cuối.

Hơn thế, đại dịch khiến nhiều dự tính quan trọng trước đó phải thay đổi. Ban đầu, dự án Optage - xây dựng hệ thống bán hàng cho một end user mảng telecom ở Nagoya - lên kế hoạch đưa đội onsite cùng khách hàng Nhật về Việt Nam để truyền đạt nghiệp vụ vào tháng 7/2020. Nhưng tất cả đã bị ngưng lại.

Nếu về nước, anh em phải đối mặt với rủi ro nhiễm bệnh khi di chuyển và có thể không quay lại Nhật được ngay. Nhưng do Việt Nam đang kiểm soát tốt nên họ quyết định bay về truyền đạt nghiệp vụ. Sau đó, các onsiters quả là không quay lại Nhật được, do dịch bệnh ở Nhật ngày càng căng thẳng. Từ đó, các vấn đề giao tiếp nội bộ, giao lưu với khách hàng, duy trì động lực làm việc cho anh em trong suốt thời gian dài dịch xảy ra trở thành bài toán không nhỏ.

Nhưng dù như vậy, những giấc mơ triệu đô, những cuộc tìm kiếm "người khổng lồ" mới của FPT chưa bao giờ ngừng lại. Phía bên kia trái đất, tại “xứ cờ hoa”, một dự án “khủng long" mang tên C99 được thành lập ngay giữa bối cảnh đại dịch, mục tiêu đạt doanh số 99 triệu USD trong 3 năm đầu.

Mỗi hợp đồng được ký mới là một thử thách mới. Khách hàng C99 chỉ cho đội dự án 2 tuần đến một tháng để chuẩn bị nguồn lực - và phải là nguồn lực chất lượng cao: giỏi kỹ thuật, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, có khả năng làm việc nhóm và làm việc độc lập tốt, tư duy linh hoạt… Nhân sự trải rộng trên nhiều vị trí địa lý khác nhau như Việt Nam, Mỹ, Belarus, Costa Rica, Ấn Độ và Philippines. Chênh lệch về múi giờ cũng là một thử thách lớn. "Để sắp xếp một buổi họp có sự tham gia của khách hàng, đội dự án ở các địa điểm khác nhau, nhiều lúc anh em phải làm việc rất muộn", chị Võ Thị Bích Hạnh - GĐ FHM.AKAT, đại diện dự án C99 - cho biết.

Dự án C99 cũng như nhiều dự án triệu đô khác là những minh chứng cho phương châm “sống chung với lũ” và quyết tâm "tìm cơ trong nguy” của FPT khi đưa quân đi đánh xứ người. 

Một buổi trưa mùa thu gió se lạnh, anh Lã Mạnh Lý, Quản trị dự án Optage và anh Nguyễn Đức Hoanh - Giám đốc Trung tâm DTL.Z15 (FPT Japan) vừa rời khỏi cuộc họp căng thẳng với khách hàng. Dự án đang bị chậm tiến độ. Thời gian cho một bữa ăn trưa tử tế lúc này đối với các anh là xa xỉ. Tấp vào một cửa một cửa hàng tiện lợi bên đường, hai anh mua vội một phần cơm nắm và hộp nước tăng lực rồi ra công viên ngồi ăn. Vị cơm nắm chưa bao giờ ngon đến thế. Xong bữa ăn đơn giản, 2 onsiters cùng lao vào làm kế hoạch phục hồi cho dự án. Một bản phương hướng tuyệt vời đã ra đời từ góc công viên Kyoto như thế.

Đó là một dự án FPT phụ trách thực hiện tất cả các công đoạn (full life cycle) với tổng trị giá khoảng 7 triệu USD, bắt đầu từ tháng 4/2019 và dự kiến triển khai vào tháng 12 tới.

Dự án có nhiều phần phức tạp cần trao đổi với khách hàng nên trong suốt thời gian dịch, anh em onsiter vẫn đi làm đều đặn. Một số thời điểm, khi tình hình lây nhiễm lên cao, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đội onsiter luân phiên WFH. Tuy nhiên, anh Lã Mạnh Lý rất ít làm việc ở nhà. Không phải không lo lắng, mà quản trị dự án không nghĩ nhiều về Covid, tâm trí anh chỉ tập trung vào công việc.

Làm việc từ xa, hạn chế giao lưu với khách hàng, hoạt động teambuilding cũng không được như trước. Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới mối gắn kết giữa các thành viên dự án và khách hàng. Đặc biệt, phương thức truyền thống là… "nhậu" không còn thực hiện được nữa. Thay vào đó là nhưng buổi giao lưu online, "nhậu online". Ngoài ra, bộ môn chạy được nhiều anh em tìm đến vừa để giảm stress, lại nâng cao sức khỏe và dễ dàng kết nối hơn.

Để đảm bảo thông tin thông suốt và giải quyết các vấn đề nhanh chóng nhất, C99 Program đã thiết lập rất nhiều cuộc họp ở nhiều cấp độ khác nhau cũng như đa dạng hóa kênh chia sẻ thông tin. Khi công ty yêu cầu tối đa hóa việc làm việc từ xa, thành viên C99 đã sẵn sàng 100%. "Tính tự lập và tinh thần trách nhiệm của anh em C99 rất cao. Các nhóm có sự phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo được chất lượng và tiến độ của dự án", chị Võ Thị Bích Hạnh đánh giá.

Bên cạnh đó, các hệ thống báo cáo và các công cụ quản lý dự án trực quan cũng giúp cho quản lý dễ dàng theo dõi và đo hiệu quả công việc, đồng thời phát hiện vấn đề và có hành động sớm. Các công cụ nhắn tin, gọi điện như MS Team, Slack, Work chat... giúp duy trì liên lạc thông suốt dù các thành viên dự án ở bất cứ đâu.

Tại dự án Groupware, tất cả thông tin chung cũng được đưa lên công cụ tổng hợp dữ liệu để thành viên có thể cập nhật theo thời gian thực. Đối với khách hàng, dự án thiết lập các kênh cụ thể trên Microsoft Team với từng nhóm liên quan, đảm bảo tất cả các bên ra quyết định chính xác và nhanh chóng.

Nhờ đó, FPT Japan đủ năng lực thiết kế và triển khai một cách trơn tru dự án quy mô đến 100 người tham dự từ khắp nơi trên thế giới - hơn 10 nhóm liên quan, trong thời gian gấp và online 100%. Thậm chí, có cả những thành viên dự án thực hiện thử nghiệm sản phẩm cho khách hàng từ một khu cách ly tại TP HCM.

“Trước khi Covid xảy ra, tôi nghĩ rất ít quản trị dự án dám tự tin đề xuất phương án cho bối cảnh này, nhưng FPT đã và đang chứng minh cho khách hàng thấy năng lực tổ chức và quản lý dự án toàn cầu một cách chuyên nghiệp”, anh Nguyễn Minh Tân, Quản lý dự án SatoHD, nhận định.

"Với dự án có cấu trúc nhóm phức tạp, giải quyết bài toán "One-Team" là quan trọng nhất. One-Team chỉ có được khi mọi người chung mục tiêu, cùng chia sẻ các vấn đề của nhóm và phải cùng giải quyết. Sau đó, nhóm cùng chia sẻ kết quả - dùng kết quả của nhóm để đánh giá cá nhân, không phân biệt onsite và offshore", anh Hoàng Xuân Quang, Quản trị dự án Coca-Cola, nhấn mạnh.

Với tinh thần kiên cường, sáng tạo, sẵn sàng xông pha tuyến đầu, xung phong nhận việc khó và thách thức, đồng thời nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, ngay cả khi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống riêng, những người lính tuyến đầu kinh doanh nhà F đã thu được những mùa quả ngọt.

Lời hứa 3,5 tháng với khách hàng Coca-Cola hoàn thành sau những ngày cày đến thuộc làu các tài liệu kỹ thuật của hệ thống, kiểm tra sản phẩm kỹ càng, cặm cụi xử lý các vấn đề phát sinh… Thậm chí tiến độ luôn đi trước kế hoạch chỉ đạo. Khách hàng nhiều lần đánh giá bất ngờ về tốc độ dự án và chất lượng sản phẩm của FPT. Giám đốc cấp cao phía khách hàng cũng đã gửi email chính thức khen ngợi đội dự án.

"Nhớ nhất là buổi trình bày thử nghiệm sau hơn một tháng, đội dự án đã chạy được gần như toàn bộ luồng nghiệp vụ theo cách "điên rồ" là livestream song song, so sánh hệ thống mới và hệ thống cũ trước sự ngỡ ngàng của khách hàng. Trong kinh nghiệm làm việc của khách với các dự án trước, có thể báo cáo rất tốt nhưng khi chạy thử nghiệm bộc lộ nhiều vấn đề. Tuy nhiên từ chất lượng thử nghiệm, sản phẩm nhìn thấy được ở dự án FPT triển khai, khách hoàn toàn yên tâm", PM Hoàng Xuân Quang chia sẻ.

Nhờ đó, sau giai đoạn 1 trị giá 850.000 USD, khách hàng đã ký tiếp phần việc bổ sung và giai đoạn 2, 3, nâng tổng giá trị dự án năm 2021 lên 2 triệu USD.

Từ góc công viên mùa thu với bữa trưa cơm nắm hôm ấy, dự án Optage cũng đã khơi thông được bế tắc. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ theo kế hoạch phục hồi, dự án đã kết thúc giai đoạn kiểm thử tích hợp và chuyển sang kiểm thử hệ thống từ đầu tháng 7. Để đạt được điểm mốc quan trọng này, đặc biệt là nửa đầu năm 2021, đội dự án đã đánh phá và vượt qua rất nhiều cửa ải quan trọng. Tất cả công đoạn thiết kế chi tiết, lập trình, kiểm thử đơn vị (UT) và kiểm thử tích hợp (IT) đều lần lượt được hoàn thành. Đội onsite với hơn chục người và nhân sự offshore có lúc lên đến trên 260 người, thực hiện lượng công việc khổng lồ trong nửa năm ngắn ngủi.

Trong sự kiện nhân dịp một năm thành lập C99 Program diễn ra vào đầu tháng 6, CTO của Cox Auto - ông David Brooks - bày tỏ ấn tượng: “Tôi thực sự đánh giá cao cách FPT mở rộng quy mô mà không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực. FPT đã đưa những nhân sự chất lượng cao, khẳng định cam kết cao và tiếp nhận văn hóa của chúng tôi một cách nhanh chóng”.

 C99 Program hiện có hơn 50 dự án với hơn 1.200 nhân sự toàn cầu, hoàn thành được hơn 155 triệu USD. Trong đó rất nhiều dự án đã làm chủ công nghệ và được khách hàng tin tưởng.

Trên đấu trường quốc tế, FPT đã nâng tầm vị thế khi cạnh tranh sòng phẳng, vượt qua hàng trăm công ty IT tên tuổi để trở thành đối tác ưu tiên tại các dự án của nhiều khách hàng lớn, mà C99, Coca-Cola, Optage hay SatoHD chỉ là một số ví dụ.

"Ba tôi đã mất đi 30.000 lính suốt đời binh nghiệp của ông. Là con trai ông, tôi sẽ có nhiệm vụ đưa 30.000 bạn trẻ ra nước ngoài, để làm việc và cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu. Đó thực chất là một “cuộc chiến” khác: cuộc chiến góp phần thay đổi số phận của dân tộc này" - anh Hoàng Nam Tiến, cựu Chủ tịch FPT Software, từng phát biểu tại hành trình thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên tháng 3/2019. 

Và những người lính thiện chiến nhà F đang làm rạng rỡ màu áo cam trên bản đồ công nghệ thế giới, bất chấp cuộc chiến đó đã thêm nhiều phần gian khó vì đại dịch Covid.

Bài và thiết kế: Chúng ta

Ý kiến

()
 
Tags: