Năm 1992, anh Nguyễn Tuấn Hùng gia nhập FPT khi vừa tròn 30 tuổi. Trước đó, anh tốt nghiệp khoa Toán cơ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Cộng hoà Belarus năm 1984 và hoàn thành xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ năm 1987.
Năm 1995, FPT IS HCM được thành lập và anh Tuấn Hùng gắn bó với nhà Hệ thống phía Nam từ đó đến năm 2019. Anh là Phó Tổng giám đốc FPT IS kiêm Giám đốc FPT IS HCM trước khi làm Giám đốc điều hành FPT HCM.
Năm nay đánh dấu 30 năm anh Tuấn Hùng trở thành người nhà F. Báo Chúng ta đã có cuộc trò chuyện với anh về chặng đường này.
- Từng làm ở Viện Khoa học (giờ là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tại sao anh quyết định đến với FPT 30 năm trước?
- Năm 1992, tôi lấy vợ. Tôi nghĩ mình phải thay đổi công việc. Làm ở Viện Khoa học vui, nhưng nghèo. Tôi trao đổi với bạn - anh Nguyễn Thành Nam, về việc xin vào FPT. Anh Nam ủng hộ. Đến tháng 4/1992, anh Thành Nam vào Sài Gòn làm việc và giới thiệu tôi với anh Hoàng Minh Châu, chị Trương Thanh Thanh. Anh Châu đồng ý. Thời đấy, FPT tuyển người theo kiểu phải có người quen trong FPT giới thiệu. Sau đấy, các anh thống nhất là sau nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đi làm. Ngày 2/5/1992, tôi bắt đầu đi làm.
Chuyển việc là chuyện lớn, tôi phải trao đổi với vợ. Một trong những điều tôi có nói với vợ là làm ở bên nghiên cứu cứ theo đúng giờ hành chính, làm hết giờ rồi về. Còn bây giờ, sang công ty làm, sức ép công việc có thể sẽ khác. Vợ tôi cũng chấp nhận ngay.
Quyết định này không mất nhiều thời gian, vì tôi biết anh Trương Gia Bình từ rất lâu rồi. Tôi gặp anh Bình lần đầu tiên vào năm 1982. Tôi thấy, FPT có một điều hấp dẫn, đó là làm việc rất vui. Lương của tôi khi vào FPT năm 1992 là 400 nghìn đồng, cũng chính là mức lương mà tôi nhận ở Viện Khoa học, nên tôi không nghĩ đến sẽ có nhiều tiền, nhưng chủ yếu làm vì FPT rất vui.
Anh Nguyễn Tuấn Hùng - CEO FPT HCM |
- Sau khi vào, công việc có giống như tưởng tượng của anh không?
- Giống hoàn toàn, hồi đấy tôi làm lập trình. Vào FPT, tôi làm đúng công việc quen thuộc, giống như tưởng tượng của mình. Đầu tiên, tôi làm lập trình cho phòng vé máy bay của hãng Pacific Airlines, sau đấy lập trình cho khách hàng dầu khí Vietsovpetro…
Giai đoạn tôi làm lập trình cho hàng không, lúc đấy là các nghiệp vụ bên họ gồm: mua - bán vé, booking, check-in ở sân bay, làm thủ tục ở những kho hàng.. Vì làm lâu nên rất là rành. Về sau, có những lần tôi đi máy bay, dùng chính phần mềm mình làm. Chẳng hạn như có đợt công ty đi nghỉ mát ở Huế, sân bay Huế sử dụng phần mềm check-in kiểu ngày xưa tôi đã tham gia. Liếc cái là tôi thấy ngay thông tin cần, tôi chỉ cho nhân viên làm thủ tục sân bay, thế là người ta cứ trố mắt lên nhìn.
- Xuất phát là lập trình nhưng sau đấy anh lại rẽ sang làm kinh doanh như thế nào?
- Đến năm 1994, công ty phát triển hơn nên cũng cần người làm kinh doanh. Một hôm, anh Hoàng Minh Châu gọi tôi xuống văn phòng, bảo: “Hùng có muốn làm kinh doanh không?” Tôi rất bất ngờ. Trước đấy tôi luôn nghĩ mình học giỏi thì sẽ làm khoa học hoặc nghiên cứu, chứ chưa bao giờ nghĩ là bản thân có khả năng kinh doanh.
Trong khoa học, nhất là học Toán thì 1 cộng 1 bằng 2, nhưng làm kinh doanh thì 2 cộng 2 không phải là 4. Tôi nghĩ mình không làm được nhưng không hiểu sao anh Châu lại nhìn ra tôi có khả năng. Lúc đầu, tôi vẫn không tin là mình làm được. Về lại bàn với vợ, cô ấy cũng không tin là tôi làm được.
Từ khi anh Châu nói, 2 tháng sau tôi vẫn chưa trả lời có làm hay không. Sau đấy, có một cái sự kiện đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Thời ấy, có anh Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng phòng Phần mềm FPT HCM, cũng là giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. Anh ấy đưa các sinh viên giỏi của Đại học Kinh tế về thực tập ở FPT. Thời bọn tôi lập trình, viết code khác. Đến năm 1993, xuất hiện một xu hướng lập trình mới - lập trình hướng đối tượng, kéo thả các biểu tượng là tạo thành các dòng lệnh, một xu hướng rất hay. Vậy là chúng tôi phải đọc sách. Tôi mua quyển sách mới về đọc thấy rất hay. Mất một tuần nghiền ngẫm, làm thử theo, thấy rất ổn. Nhưng tôi choáng nhất là mấy sinh viên thực tập chỉ mất hai ngày đọc và làm được. Đó là một cú sốc với mình. Nếu nói về tốc độ, mình chỉ bằng 1/3. Vậy rõ ràng nếu mình đi làm theo hướng lập trình sẽ rất khó.
Thế là tôi suy nghĩ. Cả anh Châu, chị Thanh cũng cân nhắc. Mọi người đều nghĩ rằng bây giờ Hùng làm lập trình nữa không phù hợp. Với tinh thần FPT, mọi người luôn hỗ trợ nhau hết sức. Khi thấy tôi bắt đầu không phù hợp với việc lập trình, mọi người cũng suy nghĩ tôi sẽ làm gì.
Rồi đầu năm 1995, FPT lập ra công ty HPT ở TP HCM. Anh Ngô Vi Đồng - nguyên Phó Giám đốc FPT HCM chuyển sang làm Giám đốc HPT HCM. Tôi có trong danh sách theo anh Ngô Vi Đồng để sang HPT. Các anh chị nói muốn mở cho tôi cơ hội sang HPT để thay đổi công việc, biết đâu lại có điều kiện phát triển những sở trường mới. Hai vợ chồng cũng suy nghĩ ghê lắm. Cuối cùng tôi quyết định không đi.
Tôi nhớ một tối nọ, hai vợ chồng bế con hơn 1 tuổi đến nhà chị Trương Thanh Thanh chơi. Tôi đặt vấn đề với chị Thanh rằng em không sang HPT và xin chuyển sang làm kinh doanh chứ không làm lập trình nữa. Chị Thanh đồng ý ngay. Chị ấy bảo là không ép em sang HPT, chỉ đơn giản thấy là em không phù hợp với việc cũ nữa nên muốn cho em cơ hội khác. Nếu không thích, em hãy ở lại.
Hai vợ chồng tôi đã trao đổi với nhau rằng ở lại FPT chuyển sang làm kinh doanh, nếu thành công sẽ tiếp tục, còn không sẽ tìm việc khác. Từ đầu năm 1995, tôi không lập trình nữa mà chuyển sang làm trợ lý anh Châu về kinh doanh, hỗ trợ đấu thầu, làm hồ sơ thầu, triển khai các hợp đồng.
Học hỏi anh Đỗ Cao Bảo và tham khảo từ FPT IS Hà Nội, chúng tôi cũng hoàn tất quy trình để thành lập đơn vị mới. Từ tháng 7/1995, tôi thành lập xong trung tâm kinh doanh dự án. Lúc đấy có 5 người. Cũng rất là may là 6 tháng đầu tiên, nhóm kinh doanh rất tốt, cả về doanh số lẫn lợi nhuận.
- Anh là người gắn bó FPT IS HCM từ khi thành lập, dẫn dắt đơn vị liên tục tăng trưởng và đạt nhiều thành tựu, chắc hẳn anh có nhiều câu chuyện hay liên quan đến kinh doanh, quản lý… Anh có thể chia sẻ câu chuyện mà anh nhớ nhất?
- Ấn tượng nhất với tôi là vấn đề quản lý: giải quyết khủng hoảng của FIS (cách mọi người gọi tắt FPT IS) năm 2006 và sáp nhập năm 2007. Chúng tôi rơi vào khủng hoảng về tổ chức và lòng tin. Lúc đấy, tình hình rất căng thẳng. Rất may mọi chuyện ổn thỏa.
Năm 2011, sau khi ổn định lại, mọi người mới thấy rõ công việc, đóng góp của mình được đánh giá đúng thực chất, minh bạch nên ai nấy đều rất phấn chấn.
Chuyện đáng nhớ nhất là về kinh doanh. Gần đây nhất chúng tôi làm việc với một khách hàng rất mạnh nhưng cũng là công ty đậm tính chất gia đình.
Khi chúng tôi đưa ERP vào để quản trị các quy trình của họ, gặp vô cùng nhiều khó khăn. Theo chuẩn quốc tế và theo tính chất gia đình khác nhau nhiều, khiến bao nhiêu vấn đề xảy ra. Đã có những lúc anh em đơn vị ERP của FPT IS cảm thấy tuyệt vọng. Không phải vì nguy hiểm, mà do dự án khó nên đồng sự rất chán, không muốn làm tiếp.
Thông thường, khi không muốn làm nữa sẽ có 2 cách: xin chuyển dự án khác hoặc rời hẳn công ty. Nhưng khi xin chuyển dự án khác dễ hơn, đương nhiên phải giao cho người khác cái khó, nên lương tâm của các anh em - nhất là người làm công nghệ - không cho phép. Nên người ta chọn cách nghỉ luôn. Một loạt nhân viên có trình độ cao, kinh nghiệm tốt không chịu nổi, xin nghỉ. Là người quản lý, lúc đấy tôi rất đau.
Rồi mọi người nghĩ đến cách khác: hay thôi đóng luôn đi cho xong, đau một lần, không được tiền nhưng còn giữ được người, chứ nếu kéo dài, vừa không được tiền cũng không giữ được người.
Nhưng rất may, tôi cùng anh em đơn vị ERP đã làm kiểu đối tác nhiều tầng, tôi làm việc với khách hàng ở trên, còn anh em làm kỹ thuật ở dưới và kết quả là đóng được dự án. Dự án quá hạn tầm 2 năm. Trong văn phòng tôi vẫn còn giấy khen của đối tác về việc triển khai ERP thành công. Chính họ cũng cảm thấy bất ngờ khi mình có thể làm được. Dù trả giá đắt, cuối cùng dự án cũng hoàn thành.
- Trên thực tế, khi có mối quan hệ, có mạng lưới, có kinh nghiệm thì một số người có quyết định ra riêng. Anh Hùng đã có nghĩ đến ý định này chưa?
- Chưa. Cũng có thể là tôi được đào tạo theo môi trường cổ điển, tuổi cũng nhiều hơn thanh niên, tư duy cũng khác hơn nên không có suy nghĩ về vấn đề đấy. Tôi quan điểm mình góp công xây dựng một công ty, khi công ty lớn mạnh thì như anh Đỗ Cao Bảo nói, mình đứng trên vai người khổng lồ. Hay nói nhẹ nhàng hơn là mình đứng trên nền FPT, cái nền rất cao. Mình đừng nghĩ là mình cao hơn người khác. Mình cao hơn người khác vì mình có cái nền cao. Còn khi đi ra ngoài, mình sẽ trở về cái nền thấp hơn. Khả năng mình thành công khi đứng trên một cái nền chắc sẽ khác khi mình tự lập. Nên tôi nghĩ là góp phần xây nên nền đấy thì mình cảm thấy tốt hơn.
- Đã có thời điểm cổ phần FPT lên sàn và giá sao khiến cuộc sống, suy nghĩ của nhiều hơn thay đổi, nhiều người cũng đã chọn con đường riêng. Với anh, đã có điều gì thay đổi và điều gì không?
- Giai đoạn FPT lên sàn, thay đổi lớn nhất là tôi có nhiều tiền hơn. Khi có nhiều tiền hơn, mình phải biết cách sử dụng tiền đấy một cách hợp lý. Khi tôi vào làm FPT, lương của tôi chỉ có 400 nghìn nên không nghĩ sẽ có nhiều tiền. Nói như Hoàng Nam Tiến, "điều quan trọng thứ 2 trong cuộc đời là kiếm tiền, điều thứ nhất thì tùy mỗi người": tiền chỉ đứng thứ nhì trong các ưu tiên của tôi, còn thứ nhất thì sẽ là những thứ khác tùy các hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau.
Tiền chưa bao giờ là thứ nhất, chưa bao giờ là mục đích số một của tôi. Cho nên, khi tôi có nhiều tiền, tôi sẽ xử lý một cách rất hợp lý. Tất nhiên là mỗi người có một cách nhìn, một tính cách khác nhau, tôi tôn trọng người khác và không phê phán ai cả. Nhưng đâu phải mỗi FPT đâu, những công ty khác cũng thế, lên sàn xong cũng xảy ra những điều giống FPT.
Còn tôi vẫn còn những cam kết với FPT. Trước kia, tôi làm vì những cam kết đấy, bây giờ vẫn làm vì những cam kết đấy. Nói nôm na, mình đóng góp cho FPT và ăn lộc FPT, có trước có sau.
Anh Nguyễn Tuấn Hùng và anh Trương Gia Bình tại tiệc Tri ân - Hưu trí ngày 7/7. Anh sẽ làm việc đến hết tháng 8 tới. Ảnh: FUN FPT |
- Anh đồng hành FPT một thời gian dài, qua nhiều lứa nhân sự, anh thấy người FPT qua các giai đoạn có gì khác và giống nhau?
- Khác nhau là tất yếu. Hồi tôi vào là người thứ mười mấy. Từ một nhóm rất ít người, chuyện quen biết nhau, giao lưu với nhau nhiều, cho đến bây giờ mấy chục nghìn người, hiển nhiên sẽ phải khác nhau. Những lãnh đạo đầu tiên lập công ty cách đây 30 năm nghỉ hưu, phải có người khác lên thay. Mỗi một người đều có những kiến thức khác nhau, ngành nghề khác nhau, môi trường khác nhau… nên mỗi một người nhìn nhận một vấn đề khác nhau là một chuyện rất bình thường.
Đối với một người lãnh đạo, tôi luôn luôn nhìn nhận rất rõ: mình mong muốn mọi sự đến đều tốt đẹp, nhưng phải chấp nhận thực tế là đã có rất nhiều thay đổi so với trước kia, mình đừng nhìn những cái hiện tại bằng những kinh nghiệm quá khứ của mình vì nó sẽ vênh nhau. Nên tôi khẳng định là có nhiều khác biệt. Nhưng có điểm giống là những lực lượng cốt cán của FPT vẫn giữ được những nhiệt huyết của những người đầu tiên thành lập công ty, vẫn xả thân vì công ty, bằng mọi cách để xây dựng công ty phát triển hơn.
Đấy là những ý kiến của tôi từ góc nhìn của một người ở bên trong. Còn từ bên ngoài nhìn vào, người ta vẫn thấy FPT có những cái khác nhưng vẫn có những văn hóa đặc trưng của FPT. Người bên người hay dùng từ mà tôi nghĩ rất đáng tự hào, là “bọn FPT” - một từ rất hay, với góc độ văn hóa có nghĩa là mình có nét văn hóa riêng và có sự gắn kết riêng với nhau.
- Đâu là lý do khiến anh gắn bó với FPT lâu đến vậy?
- Điều thứ nhất là điều khiến tôi gia nhập FPT: vui. Điều thứ hai khiến tôi ở lại lâu là mọi người rất quan tâm đến nhau, quan tâm một cách hết sức vô tư. Ví dụ như năm 1993, vợ tôi sinh con đầu. Khi tôi báo với đồng nghiệp rằng gia đình sắp đón em bé, mọi người đều rất vui và chúc mừng. Lúc đó, công ty vừa có xe hơi, mọi người cũng mới tập lái. Ngay hôm tôi khoe vợ mình sinh, anh Ngô Vi Đồng hỏi khi nào xuất viện để anh vào chở về. Đúng ngày đúng giờ, anh Đồng đến chở chúng tôi tới trước chung cư rồi chào về.
- Hai điều này liệu có còn dễ duy trì không vì bây giờ FPT quy mô đã rất lớn rồi?
- Khi tôi đi dạy những lớp cán bộ cốt cán của FPT, ở phần trao đổi kinh nghiệm thực tế, tôi vẫn luôn nói các bạn về 2 điều ấn tượng của tôi ở FPT là vui và quan tâm đến nhau. Nếu như bây giờ nói anh Bình quan tâm hay vui cùng mọi người thì rất khó rồi. Nên là trách nhiệm sẽ thuộc về những bạn học các lớp cán bộ cốt cán, vì các bạn bây giờ quản lý trong đơn vị trăm người hoặc ít hơn. Với phạm vi ấy, kích cỡ của nhóm ấy mới có thể cùng nhau vui, có thể quan tâm đến nhau được.
Mỗi bạn đều có cái nhìn khác nhau, mỗi một lãnh đạo FPT đều có cách xử lý khác nhau nhưng nếu ai chia sẻ quan điểm của tôi, áp dụng cho nhóm của mình thì nó sẽ vui. Bản tôi cảm thấy khi mình áp dụng được điều ấy thì rất tốt cho công việc.
- FPT trong tương lai theo tưởng tưởng của anh sẽ như thế nào?
- Giai đoạn này có một thay đổi rất lớn về công nghệ. FPT từ trước đến nay vẫn nhận thấy điểm đầu tư công nghệ của mình là chưa sâu. Các lãnh đạo đã thấy rõ vấn đề ấy và hiện giờ đang quyết tâm đầu tư sâu vào công nghệ. Các công ty thành viên cũng đang triển khai vấn đề ấy, tôi nghĩ điều này rất hay.
FPT đang vừa đẩy mạnh các mảng kinh doanh truyền thống để có tiền để đầu tư vào những cái chuyên sâu, những cái mới. FPT có lợi thế là vừa có thị trường vừa có công nghệ. Nếu như làm về công nghệ thuần túy thì sẽ chán. Trong khi đó nếu chỉ có thị trường mà mình không đầu tư, sau một thời gian sẽ bị đào thải ngay. Tôi rất mong sau một thời gian nữa khi nói về FPT, người ta sẽ nói về một doanh nghiệp công nghệ thành công, theo ý nghĩa là sâu hơn về các công nghệ hiện đại.
Linh An
Ý kiến
()