Chúng ta

Anh Nguyễn Văn Khoa: ‘Muốn làm được phải biết chơi cùng nhau’

Thứ tư, 13/7/2022 | 08:20 GMT+7

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định, ‘chơi cùng nhau’ chính là tạo ra sự cân bằng trong công việc, gắn kết tinh thần đồng đội và giúp FPT làm nên những khác biệt.

Sự chân thành gắn kết đồng đội

Tham dự talkshow “25 năm FTEL - Học tập và trưởng thành”, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa bày tỏ cảm xúc như một buổi “về nhà” khi FPT Telecom ở tuổi 25. Anh mong muốn đem đến cho CBNV những câu chuyện có thật, những bài học đã giúp anh trưởng thành trong 21 năm làm việc tại FPT Telecom.

Ngay từ đầu chương trình, anh Khoa cho biết, khi được Trung tâm Đào tạo FPT Telecom (FTC) mời để nói về nội dung “Xây dựng lực lượng” thì anh đã đề xuất thay đổi tên chủ đề là “Đồng đội”. Theo anh, ở FPT, mọi người không chỉ là đồng nghiệp mà chính là đồng đội của nhau.

Cũng từ điều này, anh Khoa đã mời 3 “đồng đội” từng làm việc trong những dự án lớn tại FPT Telecom, mang chính câu chuyện tập hợp lực lượng và đồng hành vượt ải khó khăn đến với chương trình.

3 khách mời là anh Phạm Duy Phúc - Quản lý cao cấp FPT, Phụ trách Dự án Chiến lược FPT; anh Lê Trọng Đức - Giám đốc Công nghệ, Sản phẩm Truyền hình FPT (FPT Play) và anh Trương Tiến Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển đường trục. Ba anh có một điểm chung: sau khi trò chuyện cùng anh Khoa, các anh đều từ các công ty lớn bên ngoài về làm việc tại FPT và đã có những dấu ấn thành công cùng nhà F.

Artboard-9-6813-1657675135.jpg

Anh Nguyễn Văn Khoa và các khách mời tại talkshow "Đồng đội FPT". Ảnh: ĐVCC

Với anh Trí, trước khi đến FPT anh là là một chuyên viên viễn thông giỏi từ công ty đối thủ với 14 năm kinh nghiệm. Năm 2008, khi FPT Telecom mời qua làm việc, anh cảm thấy khá hứng thú và quyết định nghỉ tại công ty cũ để chọn FPT Telecom. Anh bày tỏ, lúc nghỉ việc, bạn bè đồng nghiệp và gia đình ngăn cản rất nhiều nhưng bản thân đã lựa chọn thay đổi, không phải vì nhất thời mà là vì những trải nghiệm lúc đó quá đặc biệt.

Chung cảm xúc với anh Trí, thời điểm 2005 - 2007, anh Phạm Duy Phúc đang mải miết với dự án start-up riêng. Anh nói rằng, lúc đầu mình cũng cũng không thích FPT, nhưng quá trình đi làm giao lưu với các anh em đồng nghiệp, trong đó có anh Nguyễn Thế Quang (hiện là Giám đốc FPT Telecom miền Trung - Tây Nguyên) thì đã biết tới một môi trường mới mẻ.

Một thời gian sau, khi công ty khởi nghiệp hết vốn, anh Phúc muốn tìm một cơ hội mới lớn hơn và quyết định chọn ngay FPT. Anh cho rằng chính sự năng động, môi trường trẻ và năng lượng của con người ở đây đã thu hút mình tới tận thời điểm này. Anh Phúc cũng gắn liền với câu nói “mai con đi Sài Gòn”, ám chỉ quyết định nhanh chóng khi anh bén duyên với FPT.

Cá nhân anh Lê Trọng Đức, những năm 2014 khi làm việc tại Hàn Quốc cho 1 "gã khổng lồ" nổi tiếng thế giới. Dù đang ở vị trí quản lý nhưng anh đã quyết định trở về Việt Nam để tìm cơ hội mới. Trong danh sách các doanh nghiệp tìm kiếm được, anh Đức quyết định chọn FPT là nơi để mình “hòa nhập cộng đồng” khi trở về Việt Nam. Lý do bởi ngay lần đầu tiên trò chuyện với anh Khoa, anh đã thấy được chất đời thường, sự gần gũi của một người quản lý tại FPT và điều ấy đã gây ấn tượng mạnh.

DSC05325-8988-1657675135.jpg

Talkshow thu hút hơn 2.000 lượt xem trực tiếp trên fanpage FoxNews. 

3 câu chuyện cơ duyên đến với FPT dù khác nhau nhưng anh Khoa đúc kết tất cả đều đang nói đến yếu tố chân thành. Tập hợp lực lượng đến rất ngẫu nhiên và phải có duyên với "người trong cuộc". "Khi chúng ta gặp nhau, nói chuyện với nhau sẽ cảm nhận được bên trong của nhau. Từ đó thấy được rằng, họ có phải là người cùng lý tưởng, có thể đi tiếp được với mình hay không", anh nói.

Cũng theo người điều hành nhà F, sức hút từ FPT chỉ chiếm khoảng 30%, yếu tố quyết định trong việc chiêu mộ hiền tài phần lớn đến từ người quản lí. Anh nhìn nhận, đã là cán bộ quản lí thì luôn phải xác định mình không phải là người giỏi nhất. Vì khi tự cho mình giỏi nhất thì sẽ không có ai dám ở bên hỗ trợ.

Chính anh Khoa khi luân chuyển từ FPT Telecom sang FPT IS, anh đã nghĩ rằng có thể đơn vị đó khó chấp nhận mình nhưng chính sự chân thành đã giúp anh hòa nhập và chạm được vào cảm xúc của các anh em.

Sức mạnh đồng đội để cùng vượt khó

Anh Lê Trọng Đức kể lại, thời điểm mới vào công ty đã tự hỏi liệu mình sẽ làm gì ở đây với kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy. Đã có rất nhiều ý tưởng phát triển sản phẩm được thực hiện nhưng hầu hết đều thất bại và chưa mang lại được doanh thu cho công ty. Dĩ nhiên là khi bạn không làm được việc chắc chắn sẽ bị chỉ trích.

Giám đốc Công nghệ, Sản phẩm FPT Play nhớ lại, anh Khoa đã nhắc nhở rất nhiều về việc phát triển dự án. Mặc dù “có chửi, có mắng” nhưng chưa bao giờ cá nhân mình bỏ cuộc và tuyệt vời hơn là anh Khoa cũng không từ bỏ mình.

Nói về câu chuyện khó khăn nhờ có đồng đội mà vượt qua, anh Trí kể lại câu chuyện năm 2011 khi thành lập Ban đường trục. Anh khẳng định: “Thời điểm đó chẳng có gì ngoài con người”. Anh Khoa đã yêu cầu 1 năm sau có tuyến trục. Đây là sức ép cực kỳ lớn nhưng cũng là may mắn để anh Trí bắt đầu nhiệm vụ và có được trục cáp Bắc Nam như ngày hôm nay.

Artboard-8-1536x770-9240-1657675135.jpg

Anh Nguyễn Văn Khoa cùng CBNV nhà "Cáo" chụp ảnh lưu niệm sau chương trình. Ảnh: ĐVCC

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh, trong bất kỳ một tập thể nào, đồng đội thì phải có tổ trưởng. Mỗi người trong nhóm phải biết được nhiệm vụ rõ ràng của mình là gì trong đó. Chúng ta là đồng đội của nhau, có thể giúp đỡ nhau, không từ bỏ nhau nhưng nếu không biết người bên cạnh của mình đang làm gì, muốn làm gì thì phải suy nghĩ lại.

“Người đứng đầu phải tạo được không gian phát triển lớn hơn ngoài tầm nhìn của các thành viên. Trong công việc chúng ta phải nghiêm túc. Khi đã là lãnh đạo, trách nhiệm phải lớn hơn, bạn phải bảo vệ công ty nhiều hơn là bảo vệ anh em. Kỷ luật công việc rất quan trọng nhưng nếu quá nặng nề, bỏ anh em thì sẽ không tốt. Vì vậy phải cân bằng nó, có nghĩa là hãy đồng hành với họ, tham gia cùng với anh em”, anh nói.

Các khách mời đều khẳng định phải có nguyên tắc được đưa ra từ đầu để duy trì “đồng đội”. Chúng ta phải có được sự tin tưởng lẫn nhau trước khi đến với nhau. Khi bước vào bất kỳ một công việc nào thì đầu tiên phải có anh em, có được cộng sự đúng nghĩa thì ta chắc phần thắng được nửa chặng đường.

‘FPT rất phù hợp với GenZ’

Gần đây, câu chuyện nhảy việc của GenZ đang tạo ra nhiều tranh luận nhưng anh Khoa tin rằng môi trường của FPT rất phù hợp với thế hệ trẻ. Theo anh, yếu tố quan trọng mà GenZ quan tâm tới đó là “sếp của mình là ai”. Chỉ khi tin tưởng người dẫn đầu thì các bạn mới cống hiến hết khả năng của mình và thỏa sức ở môi trường đó.

Điểm thứ 2, gen Z rất quan tâm giữa công việc và cuộc sống. Anh khẳng định FPT đang tạo ra sức hút bởi “ADN nhà F” có nhiều điểm hấp dẫn với các bạn trẻ, đặc biệt là tinh thần “làm mà chơi - chơi mà làm” ở FPT.

“Ở tuổi này, chúng ta cũng không quá áp lực với các bạn trẻ để họ tự do khẳng định mình. Muốn làm được phải biết chơi cùng nhau”. Anh cũng nhắn gửi thông điệp này dù áp dụng trong công việc, quan hệ khách hàng hay đối tác…

Cuối chương trình, anh Khoa và các khách mời dành phần lớn thời gian để trả lời các câu hỏi, giải đáp thắc mắc và trao đổi với khán giả, người F tham dự. Anh khẳng định, tinh thần đồng đội của FPT Telecom luôn gắn kết, chặt chẽ và bản thân anh đã “sống trọn vẹn” 21 năm cùng đồng đội nhà “Cáo”.

Talkshow “25 năm FTEL - Học tập và Trưởng thành” là chương trình nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm FPT Telecom tròn 25 năm tuổi - “Dấu ấn FTEL 25 năm Bán Mạng”. Talkshow do Trung tâm đào tạo tổ chức, được phát sóng xuyên suốt năm 2022 với 5 số đặc biệt liên quan đến 25 năm hoạt động và phát triển của nhà “Cáo”.

Sơn Trà

Ý kiến

()