Chúng ta

Anh Nguyễn Thành Nam: 'Người trẻ phải có suy nghĩ độc lập, con đường độc lập'

Thứ sáu, 2/9/2022 | 10:32 GMT+7

Nhân dịp Quốc khánh 2/9, anh Nguyễn Thành Nam - một trong những người sáng lập FPT đã chia sẻ về mối liên hệ giữa lịch sử, tinh thần độc lập và việc làm công nghệ của người Việt.

Nói về con đường dẫn đến đam mê lịch sử trong cuộc sống công nghệ của mình, anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ từ nhỏ vốn là người học toán, lớn lên với máy tính và lập trình. Vì vậy, có quá nhiều thứ phải học, kiến thức lịch sử tất nhiên chỉ ở mức căn bản. Bước ngoặt chỉ đến từ năm 1999, khi FPT quyết định mở rộng thị phần ra nước ngoài, cụ thể là Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản vì thị trường phần mềm ở Việt Nam quá hạn hẹp.

Nhưng ở thời điểm đó, đây thực sự là câu chuyện viễn tưởng. Bởi, “đứng trước thế giới rộng lớn và chúng tôi quá nhỏ bé. Những gì chúng tôi có, chúng tôi giỏi thì họ không cần, và ngược lại, cái người ta cần chúng tôi không có”, anh Nam “già” nhớ lại. Trong khi hoang mang để tìm ra con đường định hình trên đất khách, anh lạc vào một hiệu sách và tình cờ bắt gặp cuốn “Ho Chi Minh - A life”.

Với hơn 700 trang, lần đầu tiên, tiểu sử của con người tưởng như rất quen thuộc là Bác Hồ hiện lên trước mắt trong bức tranh toàn cảnh của lịch sử thế giới, cục diện của từng thời kỳ, từng mảnh ghép. Câu chuyện về Nguyễn Tất Thành lên tàu ​​​​​​Amiral La Touche De Tréville với đôi bàn tay trắng khiến anh giật mình tự vấn.

Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp thế giới 30 năm mới chính là nguy nan trùng trùng. Từ rừng sâu Pắc Bó, mấy mươi con người toan tính giành độc lập cho cả dân tộc, cả nước mới chính là điều không tưởng... Ấy vậy mà các bậc tiền bối của chúng ta đã làm được. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên lễ đài, thế giới đã biết đến Việt Nam. “Thế thì những khó khăn chúng tôi đang gặp phải có là gì? Tại sao tôi lại chán nản, mệt mỏi? Động lực để chúng tôi tiếp tục con đường ra thế giới đã đến như vậy”, cựu CEO FPT chia sẻ về cuốn sách “bước ngoặt” đời mình.

Screenshot-2022-09-02-220754-7605-166213

Anh Nguyễn Thành Nam liên hệ giữa câu chuyện lịch sử và việc làm công nghệ của người Việt. 

Từ bài học lịch sử, anh liên hệ đến thực tiễn: Độc lập không chỉ là ngoại giao. Muốn đứng vững trên thị trường Mỹ và thế giới phải có suy nghĩ độc lập, con đường độc lập riêng của mình. Tinh thần độc lập ấy phải nằm trong từng người, từng thành viên của tổ chức thì mới thành công được. Theo anh, công nghệ không biên giới và rất dân chủ, công bằng. Một mình Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird có thể thu hút giới công nghệ game toàn cầu, kéo CEO Google đến tận quán trà chanh vỉa hè Hà Nội để gặp gỡ.

Bàn về nội lực của người Việt trong cách mạng công nghiệp 4.0, anh Nguyễn Thành Nam nhận định những điểm yếu, khuyết điểm thuộc bản chất sẽ phải khắc phục bằng thời gian của cả thế hệ, thế nên trước hết hãy phát huy thế mạnh riêng mình. Theo nghiên cứu, các lập trình viên trẻ của Việt Nam có khả năng học cái mới, tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn đồng sự cùng khu vực gấp 2,5 lần. Vì vậy, với công nghệ mới, ngôn ngữ lập trình mới, xuất phát điểm là như nhau, ai nhanh hơn sẽ thắng. Từ đó, FPT xác định cần phải lao lên, tiếp cận những công nghệ mới nhất, tìm cách học nhanh nhất và đưa vào sản phẩm.

Bên cạnh FPT, các bạn trẻ khác đã tìm ra thế mạnh của mình. Nguyễn Hà Đông sau khi tự gỡ Flappy Bird khỏi Internet, một bảo tàng nghệ thuật tại Anh đã trưng bày chiếc điện thoại có cài trò chơi này. Nó chứng tỏ Flappy Bird không chỉ là game mà còn mang nhiều tính nghệ thuật. Và nhiều bạn trẻ Việt khác đang phát triển những phần mềm chỉnh sửa ảnh, AI vẽ tranh theo yêu cầu mô phỏng phong cách các danh họa thế giới... “Người Việt vốn có nhiều truyền thống nghệ thuật. Vậy "công nghệ + mỹ thuật + nghệ thuật" có phải cũng là một công thức riêng hay không? Các bạn trẻ sẽ trả lời bằng lựa chọn của mình”, anh Nam tin tưởng.

Screenshot-2022-09-02-220913-5689-166213

Theo anh Nam, những người trẻ phải có suy nghĩ độc lập, con đường độc lập riêng của mình.

Riêng vấn đề đón nhân tài về nước, theo cựu CEO FPT, chính quyền nên chuẩn bị những chính sách, cơ hội để đón và tạo điều kiện cho người về "bén rễ" bằng chính sự nghiệp và quyết định của họ. "Thảm đỏ" dẫn dắt bằng vật chất sẽ không thể lâu bền, vì nếu tòa lâu đài mà chiếc thảm dẫn đến không như mường tượng thì vẫn không thể giữ được người.

“Các bạn trẻ hãy cứ ra đi, học và làm, trải nghiệm cuộc sống trên cả thế giới. Có đi mới có trưởng thành. Có trưởng thành mới có thành quả khi quay về một lúc nào đó con tim lên tiếng gọi. Lịch sử của chúng ta đã ghi nhận bao nhiêu người Việt trở về với quê hương giữa cuộc kháng chiến gian khổ thiếu đói, giữa cuộc chiến tranh mưa bom bão đạn. Hôm nay đất nước đang phát triển, lo gì chuyện người đi không về. Với thế giới công nghệ không biên giới, rất nhiều người Việt đang ở Úc, Mỹ, Canada vẫn hằng ngày trở về với chúng tôi thông qua Internet đó thôi”, anh Nam tin tưởng.

>> ‘Cán bộ văn hóa phải khiến người F yêu công ty một cách tự nhiên’

Sơn Thạnh

Ý kiến

()