Chúng ta

‘Cơ hội để giáo dục Việt Nam chuyển mình sau Covid-19’

Thứ bảy, 29/2/2020 | 09:00 GMT+7

Theo anh Nguyễn Thành Nam, dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, xu hướng nghề nghiệp trên toàn cầu nếu nhìn theo hướng tích cực sẽ là cơ hội để giáo dục Việt Nam có bước chuyển mình trong tương lai.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, GDP toàn cầu năm 2020 dự báo ảnh hưởng khoảng 1.000 tỷ USD, tương lai kinh tế và nghề nghiệp sẽ được nhìn nhận và đánh giá lại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được đẩy mạnh trong doanh nghiệp để đảm bảo các hoạt động không ảnh hưởng ngay trong tình huống xấu nhất. Đó là nhận định của các khách mời tại chương trình bàn tròn quanh chủ đề "Dịch cúm Covid-19: Cơ hội nghề nghiệp nào trong tương lai?" do ĐH Phú Xuân (Huế) tổ chức hôm 27/2.

Theo TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập ĐH trực tuyến FUNiX, khách mời tại chương trình, nhìn từ góc độ tích cực, Covid-19 và những biến động kinh tế, xu hướng nghề nghiệp trên toàn cầu đồng thời là cơ hội để giáo dục Việt Nam có bước chuyển mình. Hiện, nhiều trường học đã chuyển sang đào tạo trực tuyến, các trường đại học cũng buộc phải đánh giá lại quá trình dạy và học, tăng cường dạy và học ứng dụng.

20200226043413425-A-nh-chu-p-M-2386-2360

Anh Nguyễn Thành Nam nhận định giáo dục trực tuyến sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Anh Nam nhận định, ứng dụng công nghệ như học trực tuyến, và tăng cường đào tạo lĩnh vực CNTT là hướng phát triển tất yếu. Hiện, chương trình đào tạo của FUNiX tập trung vào đào tạo trực tuyến kỹ sư phần mềm (Software Engineer) và đào tạo trực tuyến công nghệ cao (xSeries) như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, blockchain, automotive...

Theo đánh giá của nhà sáng lập FUNiX, những lĩnh vực công nghệ cao như AI, khoa học dữ liệu rất giàu tiềm năng, phù hợp với năng lực của người Việt nên có sức cạnh tranh cao trên thế giới. "Cần phải học công nghệ càng sớm càng tốt, vì trong tương lai, công nghệ sẽ tham gia vào mọi mặt của xã hội. Chúng tôi tin rằng kỹ sư công nghệ Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh ngang bằng với thế giới nếu học tập ngay từ bây giờ", ông Nguyễn Thành Nam nhận định.

Xây dựng mô hình đào tạo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của tương lai nhiều biến động là vấn đề được Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân nhấn mạnh trong buổi tọa đàm. Đại học Phú Xuân đang thực hiện chương trình đổi mới toàn diện từ năm 2018 và có nhiều thay đổi cả về mặt chương trình đào tạo và cơ sở vật chất. Bên cạnh bổ sung những học phần mới, trường còn xây dựng các mô hình học như "learning office" - xây dựng lớp học có cấu trúc mở như môi trường doanh nghiệp, "On Job Training" - kỳ thực tập thực tế tại doanh nghiệp, hay mô hình ASK giúp sinh viên Phú Xuân được đào tạo toàn diện cả về thái độ, kỹ năng và kiến thức, tự tin khi ra trường.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng đưa ra lời khuyên về xu hướng việc làm cho bạn trẻ tham gia tọa đàm. Theo đó, trong bối cảnh thế giới sẽ thay đổi nhiều việc làm trong tương lai, bạn trẻ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi lựa chọn nhóm ngành dịch vụ; ngành công nghệ thông tin và ngành truyền thông marketing. Trong đó, lĩnh vực CNTT như nghề an ninh mạng, lập trình viên là những nghề hot.

86757099-2588992061358076-9015-6450-5043

ĐH Phú Xuân đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với ĐH trực tuyến FUNiX.

Với góc nhìn của chuyên gia đổi mới, Tiến sĩ Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, tập trung phát triển các đề án CNTT là nhiệm vụ được địa phương chú trọng trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay. Để thực hiện được nhiệm vụ này, chính sách hỗ trợ đào tạo lực lượng nhân lực CNTT cần được địa phương và các đơn vị đào tạo cùng phối hợp thực hiện.

Ông Cường cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đề án phát triển công nghệ thông tin với định hướng đến năm 2025 có khoảng 10.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các đơn vị đào tạo đại học, cao đẳng, các đơn vị đào tạo chuyển đổi nghề tại địa phương cùng chung sức đào tạo để đạt được con số nhân lực này.

"Vấn đề mấu chốt là chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh phải có đủ sức hấp dẫn các công ty công nghệ thông tin đầu tư, các startup công nghệ phát triển, thì khi đó sẽ tạo các động lực lớn cho sinh viên theo học.", ông Cường nói.

Cùng với những tác động từ cách mạng công nghệ, các biến động quy mô lớn có thể liên tục thay đổi các mô hình việc làm, kinh doanh... Hướng phát triển ứng dụng CNTT để chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết, trước yêu cầu này, nguồn cung nhân lực từ các cơ sở đào tạo IT hiện tại của Việt Nam và cả thế giới đều chưa đủ để đáp ứng những đòi hỏi, nhiệm vụ công nghệ của xã hội mới, cần phải đào tạo nhiều hơn nữa.

Dự kiến, trong năm nay FUNiX sẽ có hơn 10.000 sinh viên theo học các chương trình trực tuyến trên nền tảng FUNiX Way. Ngoài đào tạo trực tuyến CNTT, trường còn hợp tác với nhiều trường đại học, doanh nghiệp để xây dựng chương trình hợp tác, liên thông về đào tạo trực tuyến.

"Với những ngành nghề cần đào tạo số lượng rất lớn và nhanh để đáp ứng thị trường, việc triển khai lớp học thực không khả thi, giáo dục trực tuyến cho phép đào tạo hàng nghìn người cùng một lúc, giải quyết bài toán nhân sự diện rộng", anh Nam chia sẻ.

Hiện, FUNiX có mạng lưới hợp tác với hàng chục doanh nghiệp ngành CNTT như FPT Software, Tinh Vân, MoMo, Tiki.... với mục tiêu tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên. Đây cũng là kỳ vọng đưa giáo dục trực tuyến góp phần giải quyết bài toán cung cấp nhân sự CNTT số lượng lớn tại Việt Nam.

Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, sẽ có khoảng 49% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới. Những ngành nghề từ trước đến nay có thể được yêu thích chưa chắc sẽ có nhiều nhu cầu tuyển dụng trong tương lai. Anh Nguyễn Thành Nam còn đưa ra lời khuyên cho sinh viên, để có được cơ hội nghề nghiệp trước những biến động bước ngoặt này, người học phải có khả năng nắm bắt những xu thế mới, đồng thời liên tục thích ứng, thực hành để đáp ứng nhu cầu thị trường.

>>  FUNiX tìm hiểu nghề kiểm thử phần mềm ở FPT Software

Trân Trân

Ý kiến

()